1. Hệ thống pháp luật của quốc gia
Mỗi quốc gia thường ban hành rất nhiều các quy định pháp luật để điều chỉnh các quan hệ xã hội. Các quy định pháp luật được ban hành không tồn tại độc lập và biệt lập, mà giữa chúng luôn có mối liên hệ ràng buộc, tác động qua lại với nhau trong quá trình điều chỉnh quan hệ xã hội. Các quan hệ xã hội mà pháp luật điều chỉnh rất đa dạng về chủng loại và tính chất nên giữa các quy định pháp luật điều chỉnh chúng cũng có rất nhiều sự liên kết và quan hệ với nhau ở nhiều phạm vi và mức độ khác nhau. Các tập hợp lớn nhỏ do các quy định pháp luật tạo ra như quy phạm pháp luật, chế định pháp luật, ngành luật… cũng có sự liên hệ, tác động qua lại với nhau. Do vậỹ, các thành tố của hệ thống quy phạm pháp luật rất đa dạng với rất nhiều phạm vi liên kết và mức độ liên kết khác nhau, chúng luôn có sự thống nhất, ràng buộc, tác động qua lại lẫn nhau trong quá trình điều chỉnh các quan hệ xã hội.
Việc xem xét hệ thống quy phạm pháp luật không chỉ cho phép thấy được những thuộc tính của pháp luật, sự thống nhất nội tại, sự liên hệ ràng buộc, các mối quan hệ chặt chẽ giữa các quy phạm pháp luật… mà còn có điều kiện đánh giá về tính toàn diện, đồng bộ, phù hợp… của chúng. Ngoài ra lí luận về hệ thống quy phạm pháp luật còn giúp cho việc nghiên cứu, hệ thống hoá pháp luật, sắp xếp một cách khoa học, lôgíc các quy định pháp luật, phát hiện kịp thời những quy định pháp luật chồng chéo, mâu thuẫn, những thiếu sót của pháp luật để loại bỏ những quy định không còn phù hợp, kịp thời bổ sung những quy định mới, nhằm tạo ra được những quy phạm pháp luật, chế định pháp luật, ngành luật và hệ thống quy phạm pháp luật hoàn thiện hơn.
Hệ thống quy phạm pháp luật gồm các thành tố cơ bản là: Quy phạm pháp luật, chế định pháp luật, ngành luật. Ngoài ra còn có các thành tố khác như phân ngành luật (lớn hơn chế định pháp luật nhung nhỏ hơn ngành luật), tổ hợp các ngành luật (lớn hơn ngành luật nhưng nhỏ hơn hệ thống quy phạm pháp luật)… Với mỗi quốc gia phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhiều căn cứ khác nhau mà có sự phân định (xác định) các bộ phận của hệ thống quy phạm pháp luật khác nhau.
– Quy phạm pháp luật
Quy phạm pháp luật là quy tắc xử sự chung, có hiệu lực bắt buộc chung, được áp dụng nhiều lần đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi cả nước hoặc đơn vị hành chính nhất định, do cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền ban hành và được nhà nước bảo đảm thực hiện. Quy phạm pháp luật là một hệ thống nhỏ, được cấu tạo từ các bộ phận như giả định, quy định, chế tài pháp luật…
– Chế định pháp luật
Chế định pháp luật là tập hợp (hệ thống) bao gồm một nhóm quy phạm pháp luật điều chỉnh một nhóm quan hệ xã hội có liên quan mật thiết với nhau. Tính chất chung của mỗi nhóm quan hệ xã hội đòi hỏi phải có những nhóm quy phạm pháp luật tương ứng để điều chỉnh. Việc xác định đúng tính chất nhóm của quan hệ xã hội là vấn đề có ý nghĩa quan trọng trong việc hình thành chế định pháp luật.
Tồn tại chế định pháp luật của ngành luật (gồm nhóm các quy phạm pháp luật điều chỉnh nhóm quan hệ xã hội thuộc một lĩnh vực, liên quan đến cùng một ngành luật. Chẳng hạn, chế định công dân trong ngành luật hiến pháp), song cũng có chế định pháp luật liên ngành luật (gồm nhóm quy phạm pháp luật điều chỉnh nhóm quan hệ xã hội thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, liên quan đến nhiều ngành luật khác nhau. Chẳng hạn, chế định hợp đồng liên quan đến cả ngành luật dân sự, ngành luật thương mại và luật lao động…).
– Ngành luật
Ngành luật là tập họp (hệ thống) bao gồm các quy phạm pháp luật điều chỉnh một loại quan hệ xã hội (những quan hệ xã hội có chung tính chất thuộc một lĩnh vực nhất định của đời sống xã hội) bằng những phương pháp nhất định.
Mỗi ngành luật thường có đối tượng điều chỉnh và phương pháp điều chỉnh của riêng mình. Đối tượng điều chỉnh của một ngành luật là những quan hệ xã hội được pháp luật điều chỉnh có chung tính chất (cùng loại), phát sinh trong một lĩnh vực nhất định của đời sống xã hội. số lượng các quan hệ xã hội trong đối tượng điều chỉnh của một ngành luật có thể thay đổi theo từng giai đoạn lịch sử, phụ thuộc vào ý chí của nhà nước và các điều kiện chính trị, xã hội khác… Vỉ dụ: Trong đối tượng điều chỉnh của ngành luật dân sự trước đây bao gồm cả các quan hệ xã hội phát sinh do việc kết hôn giữa nam và nữ, nhưng sau này các quan hệ xã hội phát sinh liên quan tới việc kết hôn giữa nam và nữ được tách ra khỏi đối tượng điều chỉnh của ngành luật dân sự tạo nên ngành luật hôn nhân và gia đình.
Phưong pháp điều chỉnh pháp luật là những cách thức tác động pháp luật lên các quan hệ xã hội. Phương pháp điều chỉnh của ngành luật phụ thuộc vào nội dung, tính chất của các quan hệ xã hội mà pháp luật điều chỉnh và ý muốn chủ quan của những người trực tiếp ban hành pháp luật thông qua sự nhận thức, ý thức của họ về lợi ích nhà nước, của xã hội trong mỗi giai đoạn lịch sử. Nói cách khác, việc sử dụng cách thức nào để điều chỉnh một dạng quan hệ xã hội nào đó là phụ thuộc vào nội dung, tính chất của quan hệ xã hội đó và ý chí của người ban hành pháp luật.
Các cách thức tác động pháp luật lên các quan hệ xã hội có thể là: cấm (cấm tiến hành một số hoạt động nhất định); bắt buộc (buộc phải thực hiện một số hoạt động nhất định); cho phép (được phép thực hiện một số hoạt động trong những phạm vi nhất định).
Các ngành luật khác nhau có những phương pháp điều chỉnh khác nhau. Các phương pháp điều chỉnh khác nhau ở chỗ chúng quy định: Chủ thể tham gia và trật tự hình thành quan hệ pháp luật khác nhau; quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia khác nhau; các biện pháp đảm bảo thực hiện các quyền và nghĩa vụ khác nhau…
Thông thường, các phương pháp điều chỉnh pháp luật có thể chia thành hai loại đặc trưng là phương pháp mệnh lệnh và phương pháp tự định đoạt (thoả thuận). Phương pháp mệnh lệnh dùng đế điều chỉnh các quan hệ xã hội mà trong đó có một bên tham gia là nhà nước (thông qua cơ quan nhà nước có thẩm quyền). Chẳng hạn, các quan hệ pháp luật hành chính, hình sự… Phương pháp tự định đoạt thường dùng để điều chỉnh các quan hệ xã hội mà các bên tham gia có địa vị pháp lí bình đẳng với nhau như quan hệ pháp luật dân sự…
– Tổ hợp các ngành luật
Việc phân định hệ thống quy phạm pháp luật thành tổ hợp các ngành luật ở các quốc gia khác nhau thường khác nhau.
+ Ở một số quốc gia căn cứ vào chủ thể và lợi ích mà pháp luật bảo vệ trong hệ thống quy phạm pháp luật có sự phân định thành công pháp và tư pháp. Việc phân định này được thực hiện nhiều ở các nước châu Âu lục địa.
+ Công pháp: Công pháp bao gồm các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội liên quan đến việc tổ chức và hoạt động của cơ quan nhà nước, những quan hệ liên quan tới việc bảo vệ lợi ích xã hội (lợi ích công) nói chung. Trong công pháp thường sử dụng phương pháp điều chỉnh mang tính mệnh lệnh, đơn phương thể hiện quan hệ quyền lực và phục tùng. Công pháp có các ngành luật đặc trưng như luật hiến pháp, luật hành chỉnh, luật tài chính công, luật ngân hàng, luật hình sự…
+ Tư pháp: Tư pháp bao gồm các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội giữa tư nhân với tư nhân, liên quan tới bảo vệ lợi ích riêng của từng cá nhân với các phương pháp điều chỉnh đặc trưng là thoả thuận, bình quyền và các bên tự do thể hiện ý chí của mình trong việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ pháp lí. Tư pháp có các ngành luật đặc trưng như luật dân sự, luật hôn nhân gia đình, luật thương mại…
+ Trong hệ thống quy phạm pháp luật xã hội chủ nghĩa, ngoài việc phân định thành các ngành luật còn phân định thành các tổ hợp pháp luật như pháp luật hình sự, pháp luật dân sự… (Trong tổ hợp pháp luật gồm quy phạm pháp luật của một số ngành luật gần gũi, điều chỉnh các quan hệ xã hội liên quan đến một lĩnh vực nhất định của đời sống xã hội). Chẳng hạn, pháp luật hình sự gồm quy phạm pháp luật hình sự, quy phạm pháp luật tố tụng hình sự… liên kết với nhau thành một tập hợp để điều chỉnh các quan hệ xã hội liên quan đến lĩnh vực hình sự; pháp luật dân sự gồm quy phạm pháp luật dân sự, quy phạm pháp luật tố tụng dân sự… liên kết với nhau thành một tập họp để điều chỉnh các quan hệ xã hội liên quan đến lĩnh vực dân sự…
+ Một số học giả căn cứ vào tác dụng của các quy phạm pháp luật trong điều chỉnh quan hệ xã hội còn phân định hệ thống quy phạm pháp luật thành luật nội dung (luật vật chất) và luật hình thức (luật thủ tục).
* Luật nội dung (luật vật chất):Luật nội dung gồm các quy phạm pháp luật điều chỉnh, bảo vệ các quan hệ xã hội trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Luật nội dung thường bao gồm các quy phạm pháp luật hiến pháp, hành chính, dân sự, hình sự… Đây là nền tảng của hệ thống quy phạm pháp luật, chúng thường xác định quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm pháp lí của các tổ chức và cá nhân, cũng như các điều kiện để thực hiện chúng…
* Luật hình thức (luật thủ tục): Luật hình thức gồm các quy phạm pháp luật xác định cơ chế, quy trình, trình tự, thủ tục để thực hiện các quy phạm pháp luật nội dung. Luật hình thức thường gồm các quy phạm pháp luật tố tụng dân sự, tố tụng hình sự, tố tụng hành chính… Quy phạm pháp luật hình thức thường liên quan đến việc giải quyết các vụ việc tại các cơ quan nhà nước, tại toà án, việc truy cứu trách nhiệm pháp lí đối với chủ thể vi phạm pháp luật… Có thể nói, việc phân định các bộ phận cấu thành hệ thống quy phạm pháp luật chỉ mang tính chất tương đối, nó có thể thay đổi theo thời gian tùy thuộc vào sự phát triển, thay đổi của các quan hệ xã hội và quan điểm của các nhà khoa học pháp lí ở mỗi quốc gia cũng như trên thế giới.
2. Hệ thống pháp luật của nhóm quốc gia
Hệ thống pháp luật của nhóm quốc gia còn gọi là dòng họ hay gia đình pháp luật là khái niệm dùng để chỉ tập hợp pháp luật của một nhóm quốc gia có những điểm đặc thù giống nhau về lịch sử hình thành, phát triển, về nguồn pháp luật, về việc phân định các bộ phận pháp luật trong quốc gia, về các thiết chế thực thi và bảo vệ pháp luật… Trong hệ thống pháp luật của nhóm quốc gia ngoài việc nói tới các bộ phận quy phạm pháp luật, chế định pháp luật, ngành luật, nguồn pháp luật, còn nói tới các quan niệm, nguyên tắc pháp luật, ý thức pháp luật, quan hệ pháp luật, thực tiễn pháp lí, văn hoá pháp luật, các thiết chế bảo đảm thực thi pháp luật, nghề luật, hoạt động đào tạo nguồn nhân lực pháp luật… Việc phân định này thường được sử dựng trong luật so sánh.
Việc phân định pháp luật của các quốc gia trên thế giới thành các nhóm (gia đình hay hệ thống pháp luật) cũng tồn tại nhiều quan điểm khác nhau, nhất là việc xác định tiêu chí để phân chia. Chẳng hạn, có người căn cứ vào nội dung của các quy định pháp luật thực định, có người lại căn cứ vào hình thức (nguồn) pháp luật, người khác lại căn cứ vào lịch sử phát triển của hệ thống pháp luật hoặc hệ tư tưởng chính trị, tôn giáo chi phối đối với pháp luật…
Hệ thống pháp luật của nhóm quốc gia được hình thành từ hệ thống pháp luật của các quốc gia nên có quan hệ mật thiết với hệ thống pháp luật của mỗi quốc gia thành viên trong hệ thống. Hệ thống pháp luật của nhóm quốc gia và hệ thống pháp luật quốc gia thành viên luôn có sự tác động qua lại, thống nhất với nhau. Hệ thống pháp luật của mỗi quốc gia luôn chịu sự chi phối, tác động của hệ thống pháp luật của nhóm quốc gia. Hệ thống pháp luật của nhóm quốc gia là môi trường của hệ thống pháp luật quốc gia. Sự chi phối của hệ thống pháp luật của nhóm quốc gia đối với hệ thống pháp luật quốc gia thông qua các nguyên tắc chung của nó. Hệ thống pháp luật quốc gia chịu sự chi phối của hệ thống pháp luật nhóm quốc gia, song nó cũng có ảnh hưởng rất lớn trở lại đối với hệ thống pháp luật của nhóm quốc gia.
Thông thường, các học giả phân chia pháp luật của các quốc gia hên thế giới thành những hệ thống chính như: Hệ thống pháp luật châu Âu lục địa; hệ thống pháp luật Anh – Mỹ; hệ thống pháp luật Hồi giáo; hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa và một số hệ thống khác nữa. Việc phân định hệ thống pháp luật của các nhóm quốc gia trên thế giới cũng chỉ mang tính chất tương đối và còn nhiều tranh luận, nhất là trong điều kiện hiện nay các hệ thống pháp luật đều có sự thẩm thấu lẫn nhau, xích lại gần nhau do quá trình hội nhập quốc tế và toàn cầu hoá trên các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Chẳng hạn, hệ thống pháp luật châu Âu lục địa và hệ thống pháp luật Anh – Mỹ đang có khuynh hướng xích lại gần nhau do sự phát triển của hoạt động lập pháp và sự hạn chế dần vai trò của án lệ pháp ở các nước thuộc hệ thống Anh – Mỹ, còn các nước châu Âu lục địa cũng thừa nhận và sử dụng án lệ ở những mức độ nhất định.
Luật LVN Group (sưu tầm & biên tập trên internet)