Hết hạn trả nợ mà không trả được thì phải làm như thế nào?

Thưa Luật sư của LVN Group! Luật sư có thể tư vấn giúp em về vấn đề vay lãi này với ạ Cậu em có vay tiền của 1 tổ chức cho vay lãi, trong hợp đồng vay cậu em có ghi tên và số điện thoại liên lạc của những người như mẹ em, chị gái em và dì của em. Thời gian gần đây thì bên cho vay liên tục liên lạc với mẹ em để nói về vấn đề này. Khi có tên trong hợp đồng đó mẹ , dì và chị em đều không biết về việc mình có tên trong hợ đồng vay đó, chỉ đến khi bên cho vay liên lạc thì họ mới biết. Vậy Luật sư của LVN Group có thể tư vấn giúp em là khi đến hạn trả tiền mà cậu em không trả được nợ thì mẹ, dì và chị em có phải chịu trách nhiệm gì hay không trong khi mà bên cho vay và cậu em kí hợp đồng thì họ không biết đến việc có tên mình trong hợp đồng? Em xin cảm ơn.

-Mai Hàn

Trả lời:

Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

Điều 466 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về nghĩa vụ trả nợ của bên vay như sau:

1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

2. Trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.

3. Địa điểm trả nợ là nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở của bên cho vay, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

4. Trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

5. Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau:

a) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này;

b) Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

 Như vậy, nghĩa vụ trả nợ vay chỉ thuộc về bên vay- tức là cậu của bạn. Do mẹ, dì và chị gái của bạn không hề biết và ký tên vào hợp đồng này, vì vậy, có không có trách nhiệm trả nợ vay thay cho cậu của bạn. Nếu phía công ty cho vay lãi tiếp tục gọi điện làm phiền người thân của bạn thì người thân của bạn có thể báo (trực tiếp hoặc gián tiếp qua điện thoại, bằng văn bản hoặc thư điện tử) cho doanh nghiệp viễn thông mà mình là khách hàng (thuê bao) hoặc gửi đơn khiếu nại cho Sở Thông tin và truyền thông địa phương để yêu cầu giải quyết.

Vay công ty tài chính?

Thưa Luật sư của LVN Group!Vào tháng 10 năm 2016, tôi có vay công ty tài chính số tiền là 10 triệu thời hạn trong 24 tháng. Mỗi tháng đóng 731000 đ. Vậy cho tôi hỏi bên cho vay có vi phạm luật dân sự cho vay không? Tôi không nhớ bao nhiêu % lãi xuất, do bị thất lạc bản hợp đồng. Mong công ty luật tư vấn giúp. Cảm ơn.

-Laktql

Trả lời:

Điều 91 Luật các tổ chức tín dụng 2010 quy định: Lãi suất, phí trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng

1. Tổ chức tín dụng được quyền ấn định và phải niêm yết công khai mức lãi suất huy động vốn, mức phí cung ứng dịch vụ trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng.

2. Tổ chức tín dụng và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất, phí cấp tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật.

3. Trong trường hợp hoạt động ngân hàng có diễn biến bất thường, để bảo đảm an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước có quyền quy định cơ chế xác định phí, lãi suất trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng.

Như vậy, căn cứ theo quy định trên, các công ty tài chính có quyền ấn định về lãi suất của công ty mình và bạn có quyền thỏa thuận với công ty về mức lãi suất đó. Vì vậy, với mức lãi trên, công ty tài chính không vi phạm quy định nào về dân sự. 

Lãi suất cho vay ?

Thưa Luật sư của LVN Group! Kính gửi Công ty luật Bên tôi là Công ty CP tổ chức sự kiện M-Beat. Bên tôi làm về sự kiện cho các hãng nên vốn lưu động cần nhiều, tôi có xoay của bên van lãi với lãi suất với 1.000.000đ sẽ trả lãi 7.000.000đ/ngày. Tôi vay và tiến hành trả lãi bình thường cho đến năm vừa rồi việc thu hồi Công nợ bên tôi gặp khó khăn quá nên bị chậm trễ khoản vay. Do đó, bên cho vay tính lãi gộp vào yêu cầu tôi ký vào bien bản vay cộng lãi. Tôi vay gốc là gần 1 tỷ thì từ tháng 4 năm ngoái tới nay đã lên tới con số 2.7 tỷ. Hiện tại, họ yêu cầu tôi trả liên tục, họ đến Công ty và nhà ring nên tôi thực sự bất an nên rất ảnh hưởng tới công việc. Rất mong bên luật có thể tư vấn giúp tôi cách kéo dài thời hạn thanh toán để tôi tiếp tục làm việc bình thường không ah? Trân trọng cảm ơn,

-Thu Minh

Trả lời:

Theo điều 463 Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau:

Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

Như vậy trong trường hợp của bạn, khi đến hạn trả tiền vay thì nghĩa vụ của bạn phải là trả đúng hạn. Nếu không trả đúng hạn thì bạn phải thỏa thuận với bên cho vay xin gia hạn thêm. Nếu họ không đồng ý thì anh của bạn bắt buộc phải trả đúng hạn như đã thỏa thuận từ trước.

Vay tiền không tài sản thế chấp của người mắc bệnh tâm thần nhẹ ?

Tôi là người thuộc dạng mất năng lực hành vi dân sự (tâm thần nhẹ); có giấy xác nhận của chính quyền địa phương. Bây giờ tôi muốn vay 50 triệu của đơn vị cho vay. Giả sử như sau khi hợp đồng cho vay được ký kết, và tôi được nhận số tiền họ cho vay là 50 triệu. Nhưng sau này tôi hủy bỏ hợp đồng và không trả lãi suất cộng với tiền gốc và bị kiện ra pháp luật thì cho hỏi bên nào sẽ bị thua kiện ? Và nếu như tôi không thể trả nổi lãi suất cộng với gốc thì mức xử phạt cho tôi như thế nào ? Vì tôi là người mất năng lực hành vi dân sự, khi vay tiền tôi không khai báo về tình hình sức khỏe cũng như năng lực bản thân cho bên kia ( bên cho vay cũng không đòi hỏi điều kiện gì, chỉ cần cavet xe và hộ khẩu, CMND) Kính mong Anh(chị) giải đáp thắc mắc này cho tôi. Tôi xin chân thành cảm ơn.

-1001 Nights

Trả lời:

Điều 22 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về mất năng lực hành vi dân sự như sau:

1. Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần.

Khi không còn căn cứ tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự.

2. Giao dịch dân sự của người mất năng lực hành vi dân sự phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện.

Theo như thông tin bạn cung cấp thì bạn là người mất năng lực hành vi dân sự, có xác nhận của chính quyền địa phương. Tuy nhiên chưa xác định được là giấy xác nhận trên là của Ủy ban hay là quyết định của Tòa án và khi xác nhận bạn là người mất năng lực hành vi dân sự thì Ủy ban/Tòa án có chỉ định ai là người đại diện theo pháp luật của bạn hay không. Đối với trường hợp không được chỉ định người đại diện theo pháp luật thì cha/mẹ đẻ của bạn sẽ là người đại diện theo pháp luật của bạn.

Như vậy, nếu vụ việc của bạn bị khởi kiện thì trước tiên cần xác định khi giao kết hợp đồng, bạn đã mất năng lực hành vi dân sự hay chưa, nếu lúc đó bạn đã mắc bệnh thì hợp đồng sẽ được tuyên bố vô hiệu, 2 bên phải trả lại cho nhau những gì đã nhận. Đối với trường hợp khi giao kết hợp đồng mà bạn chưa mắc bệnh thì bạn buộc phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ vay. Trong cả 2 trường hợp, với tình trạng hiện giờ của bạn thì nếu bạn không thể trả tiền gốc và tiền lãi cho bên vay thì người đại diện theo pháp luật của bạn có nghĩa vụ trả thay. 

Thế nào là cho vay nặng lãi?

Thưa Luật sư của LVN Group! Luật sư cho em hỏi. Em có vay tiêu dùng của 1 công tý tài chính abc. Khi em trả lãi đc 4 tháng. Công tý gọi hỏi em có muốn vay nữa ko. Vậy là em vay 16 triệu nữa. Em vay sau ko kí hợp đồng. Ko có giấy tờ gì hết. Người ta gọi em tới bưu điện nhânh tiền thội ạ. Em trả lãi trong 1 năm rưỡi mỗi tháng em phải trả là 1.064 nghìn. Em trả được 11 tháng thì nghe nhiều người nói công ty đó cho vay nặng lãi. Em không trả lãi nữa. Công ty đó gọi mãi. Gọi gia đình em lúc 23h. 22h miết. Vậy với mức lãi như thế có gọi là cho vay nặng lãi ko ạ. Và nếu e ko trả thì em có bị kiện gì không ạ. Em cảm ơn ạ. Xin hãy giải đáp cho em. Hiện tại em đang rất rối.

-Meo Map

Trả lời:

Điều 91 Luật các tổ chức tín dụng 2010 quy định: Lãi suất, phí trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng

1. Tổ chức tín dụng được quyền ấn định và phải niêm yết công khai mức lãi suất huy động vốn, mức phí cung ứng dịch vụ trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng.

2. Tổ chức tín dụng và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất, phí cấp tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật.

3. Trong trường hợp hoạt động ngân hàng có diễn biến bất thường, để bảo đảm an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước có quyền quy định cơ chế xác định phí, lãi suất trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng.

 Như vậy, mức lãi suất của công ty tài chính trên không được coi là cho vay nặng lãi. Trong trường hợp bạn cố tình không trả nợ, công ty tài chính trên có thể kiện bạn ra tòa. Mặc dù bạn không ký giấy tờ vay nào trong lần vay thứ 2 nhưng công ty tài chính vẫn có thể có 1 số giấy tờ khác chứng minh bạn đã vay số tiền đó, chẳng hạn như biên lai chuyển tiền,.. Vì vậy, để đảm bảo quyền lợi thì tốt nhất là bạn nên hoàn thành nghĩa vụ trả nợ vay.

Mọi vướng mắc pháp lý vui lòng gọi: 1900.0191 (nhấn máy lẻ phím 2) để được tư vấn trực tuyến qua tổng đài điện thoại.

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật dân sự – Công ty luật LVN Group