HIẾN PHÁP CỦA CỘNG HÒA PHÁP

(Ngày 4 tháng 10 năm 1958)

Ghi chú:

Từ khi có hiệu lực đến nay (44), Hiến pháp của Cộng hoà Pháp đã qua 15 lần sửa đổi, bổ sung, đặc biệt là từ năm 1992 trở lại đây, cùng với quá trình xây dựng Liên minh châu Âu, hầu như năm nào Pháp cũng tiến hành sửa đổi Hiến pháp. Tuy nhiên, trong tất cả các lần sửa đổi Hiến pháp, chỉ có lần sửa đổi năm 1962 là lần sửa đổi quan trọng nhất, chuyển sang áp dụng chế độ bầu cử Tổng thống theo nguyên tắc trực tiếp và phổ thông đầu phiếu.

Cụ thể các lần sửa đổi Hiến pháp cho đến nay như sau:

  • 11/1962: Bầu Tổng thống theo nguyên tắc phổ thông đầu phiếu;
  • 12/1963: Sửa đổi, bổ sung các quy định về kỳ họp của Nghị viện;
  • 10/1974: Quy định trường hợp có thể chuyển một đạo luật thông thường sang cho Hội đồng Hiến pháp xem xét khi có đề nghị của 60 đại biểu Hạ viện hoặc 60 Thượng nghị sỹ ;
  • 06/1976: Chế độ quyền Tổng thống;
  • 06/1992: Bổ sung các quy định cho phép phê chuẩn Hiệp ước Maastricht (Liên minh kinh tế, tiền tệ; quyền bỏ phiếu của các công dân Châu Âu tại các cuộc bầu cử Hội đồng địa phương; chính sách chung về thị thực); vấn đề về tiếng Pháp; các đạo luật về tổ chức liên quan đến các lãnh thổ hải ngoại; các nghị quyết của Nghị viện về các văn bản của Liên minh châu Âu;
  • 07/1993: Trách nhiệm hình sự của các Bộ trưởng (thành lập Toà án công lý Cộng hoà) ;
  • 11/1993: Sửa đổi, bổ sung các quy định về quyền cư trú;
  • 08/1995: Quy định về kỳ họp thường kỳ duy nhất của Nghị viện (kéo dài từ ngày làm việc thứ nhất của tháng 10 năm trước đến ngày làm việc cuối cùng của tháng 6 năm sau); sửa đổi, bổ sung các quy định về quyền miễn trừ của các thành viên Nghị viện; mở rộng các trường hợp sử dụng hình thức trưng cầu ý kiến nhân dân;
  • 02/1996: Bổ sung các quy định về các đạo luật tạo nguồn vốn cho Quỹ bảo đảm xã hội;
  • 07/1998: Các quy định về tương lai của lãnh thổ Tân Đảo;
  • 01/1999: Bổ sung các quy định cho phép phê chuẩn Hiệp ước Am-xtéc-đam;
  • 07/1999: Bổ sung các quy định về thừa nhận thẩm quyền của Toà án hình sự quốc tế; bổ sung các quy định về quyền bình đẳng giữa nam và nữ;
  • 10/2000: Quy định nhiệm kỳ Tổng thống là 5 năm, thay vì 7 năm như trước đây.

Bản Hiến pháp năm 1958 của Cộng hoà Pháp còn dẫn chiếu đến hai văn bản khác: Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền ngày 26 tháng 8 năm 1789 và phần Lời nói đầu của Hiến pháp ngày 27 tháng 10 năm 1946 (Hiến pháp nền Cộng hoà thứ IV). Các quy định tại hai văn bản này đều có giá trị áp dụng như Hiến pháp.

(44) Bản dịch này được thực hiện trên cơ sở bản Hiến pháp được bổ sung lần cuối cùng vào năm 2000.

LỜI NÓI ĐẦU

Nhân dân Pháp trịnh trọng tuyên bố thiết tha gắn bó với các quyền con người và các nguyên tắc chủ quyền thuộc về nhân dân như đã được quy định trong Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền 1789, được khẳng định và bổ sung trong Lời nói đầu của Hiến pháp năm 1946.

Trên cơ sở các nguyên tắc này và nguyên tắc quyền tự quyết của các dân tộc, Nhà nước Cộng hoà Pháp tạo điều kiện cho các lãnh thổ hải ngoại tự nguyện gia nhập Cộng hoà Pháp, xây dựng các thiết chế mới trên cơ sở lý tưởng chung về tự do, bình đẳng, bác ái và nhằm phát huy dân chủ tại các lãnh thổ đó.

Điều 1

Nhà nước Pháp là một Nhà nước Cộng hoà thống nhất, phi tôn giáo, dân chủ và xã hội. Mọi công dân đều có quyền bình đẳng trước pháp luật không phân biệt nguồn gốc xuất thân, sắc tộc, tôn giáo. Mọi tín ngưỡng đều được tôn trọng.

CHƯƠNG I

CHỦ QUYỀN

Điều 2

Ngôn ngữ của nước Cộng hoà Pháp là tiếng Pháp.

Quốc kỳ của nước Cộng hoà Pháp là cờ ba màu xanh, trắng, đỏ.

Quốc ca của nước Cộng hoà Pháp là bài “Mác-xây-e”. Khẩu hiệu của nước Cộng hoà Pháp là Tự do – Bình đẳng – Bác ái.

Nguyên tắc của nước Cộng hoà Pháp là Nhà nước của dân, do dân và vì dân.

Điều 3

Chủ quyền quốc gia thuộc về nhân dân. Nhân dân thực hiện chủ quyền của mình thông qua đại diện và thông qua con đường trưng cầu ý kiến nhân dân.

Không một cá nhân hay nhóm người nào được giành quyền thực hiện chủ quyền quốc gia.

Việc bầu cử có thể là trực tiếp hoặc gián tiếp theo những điều kiện do Hiến pháp quy định. Bầu cử luôn thực hiện theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng và phiếu kín.

Mọi công dân Pháp đã thành niên, không phân biệt giới tính, được hưởng đầy đủ các quyền dân sự và chính trị đều là cử tri theo các điều kiện do pháp luật quy định.

Pháp luật giành cho phụ nữ và nam giới các điều kiện ngang nhau trong việc ứng cử vào các chức vụ và nhiệm kỳ dân cử.

Điều 4

Các đảng phái và các tổ chức chính trị giành quyền lực qua kết quả bầu cử. Các đảng phái và các tổ chức chính trị được tự do thành lập và hoạt động trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc về chủ quyền quốc gia và dân chủ.

Các đảng phái và các tổ chức chính trị góp phần vào việc thực hiện nguyên tắc quy định tại khoản cuối, điều 3 theo các điều kiện do pháp luật quy định.

CHƯƠNG II

TỔNG THỐNG

Điều 5

Tổng thống đảm bảo sự tuân thủ Hiến pháp. Bằng vai trò trọng tài, Tổng thống đảm bảo hoạt động bình thường của các cơ quan công quyền, đảm bảo tính liên tục trong hoạt động của Nhà nước.

Tổng thống là người đảm bảo cho độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ và tôn trọng các điều ước quốc tế.

Điều 6

Tổng thống được bầu cho nhiệm kỳ 5 năm theo nguyên tắc phổ thông, trực tiếp.

Các thể thức áp dụng điều khoản này được quy định trong một đạo luật về tổ chức (45).

Điều 7

Tổng thống được bầu theo đa số tuyệt đối tổng số phiếu bầu. Nếu sau vòng bỏ phiếu thứ nhất không đạt được đa số tuyệt đối, thì vào ngày chủ nhật thứ hai tiếp sau sẽ tiến hành bỏ phiếu vòng hai. Chỉ hai ứng cử viên giành nhiều phiếu nhất trong vòng một mới được đề cử tham dự vòng hai.

Việc bỏ phiếu được tổ chức theo sự triệu tập của Chính phủ.

Việc bầu cử Tổng thống mới phải được tổ chức chậm nhất là 20 ngày, sớm nhất là 50 ngày trước ngày hết nhiệm kỳ của Tổng thống đương nhiệm.

Trong trường hợp Tổng thống khuyết vì bất cứ lý do gì hoặc không thể thực hiện được chức năng của mình, thì các nhiệm vụ, quyền hạn của Tổng thống, trừ các nhiệm vụ, quyền hạn được quy định tại các điều 11 và 12 dưới đây, sẽ tạm thời do Chủ tịch Thượng viện thực hiện; nếu Chủ tịch Thượng viện cũng không thể thực hiện được, thì các nhiệm vụ, quyền hạn đó sẽ do Chính phủ thực hiện. Việc xác nhận tình trạng Tổng thống không thể thực hiện được chức năng, nhiệm vụ của mình thuộc thẩm quyền của Hội đồng Hiến pháp quyết định theo đa số tuyệt đối và trên cơ sở có đề nghị của Chính phủ.

Trong trường hợp khuyết Tổng thống hoặc trong trường hợp có quyết định xác nhận của Hội đồng Hiến pháp về việc Tổng thống vĩnh viễn không thể thực hiện được chức năng, nhiệm vụ của mình, thì việc bỏ phiếu để bầu Tổng thống mới phải được tổ chức, trừ trường hợp bất khả kháng theo sự xác nhận của Hội đồng Hiến pháp, trong thời hạn sớm nhất là 20 ngày, chậm nhất là 35 ngày kể từ ngày bắt đầu khuyết Tổng thống hoặc kể từ ngày có quyết định xác nhận của Hội đồng Hiến pháp về việc Tổng thống vĩnh viễn không thể thực hiện được chức năng, nhiệm vụ của mình.

Trong trường hợp có ứng cử viên đã tuyên bố công khai ra tranh cử Tổng thống trong thời hạn dưới 30 ngày trước ngày hết hạn giới thiệu ứng cử viên mà lại chết hoặc rơi vào tình trạng không thể tham gia tranh cử được nữa trong khoảng thời gian 7 ngày trước ngày hết hạn giới thiệu ứng cử viên, Hội đồng Hiến pháp có quyền quyết định hoãn cuộc bầu cử.

Hội đồng Hiến pháp cũng quyết định hoãn cuộc bầu cử trong trường hợp trước khi diễn ra vòng bỏ phiếu thứ nhất mà có ứng cử viên chết hoặc không thể tham gia tranh cử được nữa.

Trong trường hợp một trong hai ứng cử viên có ưu thế nhất trong vòng đầu chết hoặc rơi vào tình trạng không thể tranh cử được nữa mà trước đó người này lại chưa tuyên bố rút khỏi cuộc bầu cử, thì Hội đồng Hiến pháp có quyền quyết định tổ chức lại một lần nữa toàn bộ cuộc bầu cử; Hội đồng Hiến pháp cũng có quyền quyết định như vậy trong trường hợp một trong hai ứng cử viên còn lại tranh cử vòng bỏ phiếu thứ hai chết hoặc rơi vào tình trạng không thể tranh cử được nữa.

Hội đồng Hiến pháp tham gia giải quyết các vấn đề về bầu cử Tổng thống theo các điều kiện quy định tại khoản 2, điều 61 dưới đây hoặc theo các điều kiện quy định trong đạo luật về tổ chức nêu tại điều 6 trên đây.

Hội đồng Hiến pháp có quyền kéo dài thêm các thời hạn quy định tại khoản 3 và khoản 5, điều này, nhưng việc bỏ phiếu phải được tiến hành chậm nhất là 35 ngày kể từ ngày có quyết định của Hội đồng Hiến pháp. Nếu việc áp dụng các quy định tại khoản này làm hoãn cuộc bầu cử cho đến sau ngày hết nhiệm kỳ của Tổng thống đương nhiệm, thì Tổng thống đương nhiệm sẽ tiếp tục thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình cho đến ngày bầu được người kế nhiệm.

Các quy định tại điều 49, 50 và 89 của Hiến pháp này không được áp dụng cho thời gian khuyết Tổng thống cũng như cho thời gian từ khi có quyết định xác nhận việc Tổng thống vĩnh viễn không thể thực hiện được chức năng, nhiệm vụ đến khi bầu được người kế nhiệm.

(45) .Các văn bản luật của Pháp được chia làm hai loại : “Loi organique“ (Tạm dịch là “Luật về tổ chức“) và “Loi ordinaire“ (Tạm dịch là “Luật thông thường“). Thủ tục xây dựng và thông qua “Luật về tổ chức“ phức tạp hơn thủ tục xây dựng và thông qua “Luật thông thường“. “Luật về tổ chức“ có hiệu lực cao hơn “Luật thông thường“ nhưng thấp hơn Hiến pháp. Trong các phần sau của bản Hiến pháp, tuỳ từng trường hợp có thể dùng cụm từ “Luật về tổ chức“ hoặc “Đạo luật về tổ chức“, nhưng đều là một. Các điều kiện và thể thức thông qua một đạo luật về tổ chức được quy định tại điều 46 của bản Hiến pháp này.

Điều 8

Tổng thống bổ nhiệm Thủ tướng. Tổng thống miễn nhiệm Thủ tướng khi có đơn từ chức của Chính phủ do Thủ tướng trình lên.

Theo đề nghị của Thủ tướng, Tổng thống bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm các thành viên khác của Chính phủ.

Điều 9

Tổng thống chủ trì các phiên họp Hội đồng Bộ trưởng.

Điều 10

Tổng thống ký quyết định ban hành các đạo luật trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày đạo luật được chính thức thông qua được chuyển cho Chính phủ.

Trước khi hết thời hạn trên, Tổng thống có quyền yêu cầu Nghị viện thảo luận lại một lần nữa về toàn bộ hoặc một số điều khoản của đạo luật. Nghị viện không được từ chối yêu cầu thảo luận lại này.

Điều 11

Theo đề nghị của Chính phủ trong khi Nghị viện họp hoặc theo đề nghị chung của hai Viện trong Nghị viện được công bố trên Công báo, Tổng thống có quyền đưa ra trưng cầu ý kiến nhân dân các dự luật về tổ chức các cơ quan Nhà nước, cải cách chính sách kinh tế, xã hội của đất nước, dịch vụ công cộng và dự luật phê chuẩn điều ước quốc tế không có quy định trái với Hiến pháp nhưng có ảnh hưởng đến hoạt động của các thiết chế Nhà nước.

Trong trường hợp việc trưng cầu ý kiến nhân dân được tổ chức trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, thì Chính phủ phải đưa ra tuyên bố trước hai Viện để tiến hành thảo luận.

Nếu kết quả trưng cầu ý kiến nhân dân chuẩn y việc thông qua dự thảo luật, thì Tổng thống ký quyết định ban hành luật trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có kết quả trưng cầu ý kiến nhân dân.

Điều 12

Sau khi tham khảo ý kiến của Thủ tướng và Chủ tịch của hai Viện, Tổng thống có quyền tuyên bố giải tán Hạ viện.

Tổng tuyển cử sẽ được tổ chức trong thời hạn sớm nhất là 20 ngày, muộn nhất là 40 ngày kể từ ngày giải tán Hạ viện.

Hạ viện họp phiên đầu tiên vào thứ năm tuần thứ hai tiếp sau ngày bầu cử. Phiên họp này sẽ kéo dài 15 ngày nếu họp vào ngoài thời kỳ quy định cho các khoá họp thường kỳ của Hạ viện.

Không được giải tán Hạ viện một lần nữa trong năm tiếp sau tổng tuyển cử.

Điều 13

Tổng thống ký các Pháp lệnh và các Nghị định của Chính phủ đã được Hội đồng Bộ trưởng thảo luận và thông qua.

Tổng thống bổ nhiệm các chức vụ dân sự và quân sự của Nhà nước.

Các thẩm phán Toà án hành chính tối cao, Chủ nhiệm Uỷ ban huân huy chương, các đại sứ, các đặc phái viên, các thẩm phán Toà kiểm toán tối cao, các tỉnh trưởng, các đại diện của Chính phủ tại các lãnh thổ hải ngoại, các tướng lĩnh quân sự, giám đốc các sở giáo dục, Vụ trưởng ở các cơ quan hành chính trung ương do Tổng thổng bổ nhiệm theo đề nghị của Hội đồng Bộ trưởng.

Một đạo luật về tổ chức sẽ quy định các chức vụ khác thuộc thẩm quyền bổ nhiệm của Tổng thống theo đề nghị của Hội đồng Bộ trưởng và quy định các điều kiện để Tổng thống uỷ quyền bổ nhiệm thay Tổng thống.

Điều 14

Tổng thống cử và giao quốc thư cho các đại sứ và đặc phái viên của Cộng hoà Pháp tại nước ngoài và tiếp nhận quốc thư của các đại sứ và đặc phái viên nước ngoài tại Cộng hoà Pháp.

Điều 15

Tổng thống thống lĩnh quân đội. Tổng thống chủ toạ các hội đồng và uỷ ban quốc phòng cao cấp.

Điều 16

Khi có sự đe doạ nghiêm trọng và trực tiếp đến sự tồn tại của các thiết chế của nền Cộng hoà, độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ hay đến việc thực hiện các cam kết quốc tế của nước Cộng hoà Pháp và có sự đứt quãng trong hoạt động bình thường của các cơ quan hiến định của Nhà nước, Tổng thống có quyền áp dụng mọi biện pháp cần thiết để khắc phục, sau khi tham khảo ý kiến chính thức của Thủ tướng, Chủ tịch của hai Viện và Chủ tịch Hội đồng Hiến Pháp.

Tổng thống ra thông điệp thông báo với Quốc dân về việc áp dụng các biện pháp đó.

Các biện pháp được áp dụng đều phải nhằm mục đích đảm bảo cho các cơ quan hiến định của Nhà nước có được trong thời hạn sớm nhất các phương tiện cần thiết để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình. Hội đồng Hiến pháp được tham khảo ý kiến về những vấn đề liên quan đến các cơ quan hiến định của Nhà nước.

Trong những trường hợp này, Nghị viện sẽ đương nhiên tiến hành phiên họp.

Hạ viện không thể bị giải tán trong thời gian Tổng thống thực hiện các quyền hạn đặc biệt.

Điều 17

Tổng thống có quyền ân xá.

Điều 18

Tổng thống quan hệ với hai Viện của Nghị viện bằng các thông điệp đọc trước hai Viện và Nghị viện không thảo luận về các thông điệp của Tổng thống.

Nếu thông điệp của Tổng thống được đưa ra trong thời gian Nghị viện không họp, thì Nghị viện phải triệu tập một phiên họp đặc biệt để nghe thông điệp của Tổng thống.

Điều 19

Trừ các văn bản quy định tại các điều 8 (khoản 1), 11, 12, 16, 18, 54, 56 và 61 của Hiến pháp này, các văn bản khác của Tổng thống phải có tiếp ký của Thủ tướng, và trong trường hợp cần thiết, của các Bộ trưởng hữu quan.

 

LUẬT LVN GROUP (Sưu tầm)