CHƯƠNG III

CHÍNH PHỦ

Điều 20

Chính phủ xây dựng và thực hiện chính sách quốc gia.

Chính phủ nắm giữ, điều hành hệ thống hành chính và các lực lượng vũ trang.

Chính phủ chịu trách nhiệm trước Nghị viện trong những điều kiện và theo các thủ tục quy định tại các điều 49 và 50.

Điều 21

Thủ tướng điều hành hoạt động của Chính phủ. Thủ tướng chịu trách nhiệm về quốc phòng. Thủ tướng bảo đảm việc chấp hành pháp luật. Trừ các trường hợp quy định tại Điều 13, Thủ tướng thực hiện quyền ban hành các văn bản dưới luật và bổ nhiệm các chức vụ dân sự và quân sự.

Thủ tướng có thể uỷ quyền cho các Bộ trưởng thực hiện một số quyền hạn của mình.

Trong một số trường hợp, Thủ tướng thay Tổng thống chủ trì các Hội đồng và các Uỷ ban quy định tại điều 15.

Trong trường hợp đặc biệt, Thủ tướng có thể thay thế Tổng thống chủ trì cuộc họp của Hội đồng Bộ trưởng với điều kiện có uỷ quyền của Tổng thống và có một chương trình nghị sự cụ thể.

Điều 22

Trong trường hợp cần thiết, các văn bản của Thủ tướng phải có tiếp ký của các Bộ trưởng chịu trách nhiệm thi hành văn bản đó.

Điều 23

Thành viên của Chính phủ không được đồng thời kiêm nhiệm nhiệm kỳ Nghị sỹ, chức vụ đại diện quốc gia của các tổ chức nghề nghiệp, chức vụ công hay mọi hoạt động nghề nghiệp khác.

Một đạo luật về tổ chức quy định cụ thể các điều kiện để thay thế những người được bầu vào các chức vụ dân cử đang giữ các chức vụ công hoặc tư nêu trên.

Việc thay thế các thành viên của Nghị viện được thực hiện theo các quy định tại Điều 25.

CHƯƠNG IV

NGHỊ VIỆN

Điều 24

Nghị viện bao gồm Hạ viện và Thượng viện. Hạ nghị sỹ được bầu theo hình thức trực tiếp.

Thượng viện được bầu theo hình thức gián tiếp. Thượng viện thực hiện chức năng đại diện cho các cộng đồng lãnh thổ địa phương của Cộng hoà Pháp. Người Pháp cư trú ở ngoài nước Pháp cũng có đại diện trong Thượng viện.

Điều 25

Một đạo luật về tổ chức sẽ quy định về nhiệm kỳ của mỗi Viện trong Nghị viện, số lượng thành viên, chế độ phụ cấp, điều kiện ứng cử, các trường hợp không được ứng cử và các trường hợp bất khả kiêm nhiệm.

Đạo luật này cũng quy định các điều kiện bầu người tạm thời thay thế Hạ nghị sỹ hoặc Thượng nghị sỹ khuyết cho đến khi bầu mới toàn bộ hoặc một phần Viện có đại biểu khuyết đó.

Điều 26

Thành viên Nghị viện không thể bị truy tố, điều tra, bắt giữ, xét xử vì những ý kiến phát biểu khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình.

Thành viên của Nghị viện chỉ bị áp dụng biện pháp bắt giữ hay biện pháp hạn chế tự do trong lĩnh vực hình sự khi có sự cho phép của Thường vụ Hạ viện hoặc Thường vụ Thượng viện nơi thành viên đó trực thuộc. Trong trường hợp phạm tội quả tang hoặc đã có bản án kết tội có hiệu lực pháp luật của Toà án thì không cần có sự cho phép này.

Biện pháp tạm giam, biện pháp hạn chế tự do hay truy tố đối với một thành viên của Nghị viện sẽ bị tạm đình chỉ trong thời gian Nghị viện họp nếu có yêu cầu từ một trong hai Viện này nơi người đó trực thuộc.

Hạ viện hoặc Thượng viện sẽ đương nhiên họp phiên bổ sung để quyết định về việc áp dụng các quy định tại khoản trên.

Điều 27

Mọi sự uỷ quyền mang tính áp đặt đối với Nghị sỹ đều vô hiệu.

Quyền bỏ phiếu biểu quyết của thành viên Nghị viện là quyền mang tính cá nhân.

Trong trường hợp đặc biệt, thành viên Nghị viện có thể uỷ quyền biểu quyết của mình cho người khác theo quy định của một đạo luật về tổ chức. Trong trường hợp này, một người chỉ được nhận uỷ quyền của một thành viên Nghị viện là tối đa.

Điều 28

Nghị viện họp kỳ thường lệ bắt đầu vào ngày làm việc đầu tiên của tháng mười và kết thúc vào ngày làm việc cuối cùng của tháng sáu.

Số ngày họp của kỳ họp thường lệ của mỗi Viện không được vượt quá 120 ngày. Mỗi Viện chủ động xác định các tuần tiến hành phiên họp.

Sau khi tham khảo ý kiến của Chủ tịch Hạ viện hoặc Chủ tịch Thượng viện, Thủ tướng hoặc đa số thành viên trong Hạ viện hoặc Thượng viện có quyền quyết định về tổ chức các ngày họp thêm.

Ngày giờ, thời gian họp được quy định trong Quy chế hoạt động của mỗi Viện.

Điều 29

Nghị viện họp kỳ họp bất thường theo một chương trình nghị sự cụ thể, trên cơ sở có đề nghị của Thủ tướng hoặc của đa số thành viên của Hạ viện.

Trong trường hợp kỳ họp bất thường được tổ chức theo đề nghị của các thành viên của Hạ viện, thì kỳ họp sẽ phải bế mạc ngay khi Nghị viện đã thảo luận hết các vấn đề trong chương trình nghị sự đã xác định khi triệu tập kỳ họp bất thường và chậm nhất là sau 12 ngày kể từ ngày khai mạc.

Thủ tướng là người duy nhất có quyền yêu cầu triệu tập một kỳ họp mới của Nghị viện trong thời hạn một tháng kể từ khi kỳ họp bất thường bế mạc.

Điều 30

Ngoài các trường hợp Nghị viện họp đương nhiên, các kỳ họp bất thường khác đều phải được triệu tập, khai mạc và bế mạc theo quyết định của Tổng thống.

Điều 31

Các thành viên Chính phủ được tham dự kỳ họp của hai Viện, được phát biểu ý kiến nếu có yêu cầu.

Thành viên Chính phủ có thể có sự hỗ trợ của các cố vấn Chính phủ.

Điều 32

Chủ tịch Hạ viện được bầu cho suốt nhiệm kỳ Hạ viện. Chủ tịch Thượng viện được bầu mỗi khi tiến hành bầu mới một phần thành viên của Thượng viện.

Điều 33

Các phiên họp của Hạ viện và Thượng viện được tổ chức công khai. Toàn văn báo cáo phiên họp được đăng Công báo.

Theo đề nghị của Thủ tướng hoặc của 10% số thành viên, Hạ viện hoặc Thượng viện có thể tổ chức phiên họp kín.

CHƯƠNG V

QUAN HỆ GIỮA CHÍNH PHỦ VÀ NGHỊ VIỆN

Điều 34

Luật do Nghị viện biểu quyết thông qua. Luật quy định các vấn đề sau đây:

– Các quyền dân sự, các bảo đảm cơ bản cho công dân thực hiện các quyền tự do công cộng của mình; nghĩa vụ về người và tài sản của công dân phục vụ nhiệm vụ quốc phòng;

– Quốc tịch, nhân thân, năng lực pháp luật, năng lực hành vi, chế độ sở hữu tài sản trong hôn nhân, thừa kế, định đoạt tài sản;

– Quy định các tội phạm hình sự và hình phạt kèm theo; thủ tục tố tụng hình sự; đại xá; thành lập các ngạch toà án mới ; quy chế thẩm phán;

– Các nguồn thu thuế, thuế suất và phương thức thu thuế các loại; chế độ phát hành tiền tệ.

Luật cũng quy định các vấn đề liên quan đến:

– Chế độ bầu cử Nghị viện và các Hội đồng dân cử địa phương;

– Thành lập các loại đơn vị sự nghiệp công;

– Các bảo đảm cơ bản cho công chức dân sự và quân sự của Nhà nước;

– Quốc hữu hoá các doanh nghiệp; chuyển quyền sở hữu doanh nghiệp từ khu vực Nhà nước sang khu vực tư nhân.

Luật quy định các nguyên tắc cơ bản về:

– Tổ chức nền quốc phòng nói chung;

– Quyền tự chủ trong quản lý của các chính quyền địa phương, thẩm quyền và các nguồn thu của chính quyền địa phương;

– Giáo dục;

– Chế độ sở hữu; quyền và nghĩa vụ trong lĩnh vực dân sự và thương mại;

– Pháp luật lao động, pháp luật công đoàn và bảo đảm xã hội.

Các đạo luật về tài chính quy định về các nguồn thu và các khoản chi tiêu của Nhà nước theo các điều kiện và thể thức quy định trong một đạo luật về tổ chức.

Các đạo luật về tạo nguồn vốn cho Quỹ bảo hiểm xã hội quy định các điều kiện chung về cân đối tài chính của Quỹ, xác định các mục đích chi tiêu của Quỹ trên cơ sở dự toán nguồn thu theo các điều kiện và thể thức quy định trong một đạo luật về tổ chức.

Các đạo luật về chương trình hoạt động quy định các mục tiêu trong hoạt động kinh tế, xã hội của Nhà nước.

Các quy định tại điều này sẽ được cụ thể hoá và bổ sung bằng một đạo luật về tổ chức.

Điều 35

Nghị viện có quyền tuyên bố chiến tranh.

Điều 36

Tình trạng giới nghiêm được ban hành sau khi đã đưa ra thảo luận và thông qua tại Hội đồng Bộ trưởng.

Việc kéo dài thời hạn áp dụng tình trạng giới nghiêm quá 12 ngày phải có sự cho phép của Nghị viện.

Điều 37

Các vấn đề khác không nằm trong phạm vi điều chỉnh của luật sẽ thuộc phạm vi điều chỉnh của các văn bản dưới luật.

Đối với các văn bản ban hành dưới hình thức văn bản của cơ quan lập pháp điều chỉnh các vấn đề này, thì việc sửa đổi, bổ sung được thực hiện theo Nghị định của Chính phủ ban hành sau khi có ý kiến thuận của Toà án hành chính tối cao. Đối với các văn bản dạng này mà được ban hành sau khi Hiến pháp này có hiệu lực, thì việc sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định của Chính phủ chỉ được thực hiện khi có quyết định của Hội đồng Hiến pháp xác nhận các văn bản đó có tính chất là văn bản dưới luật theo quy định tại khoản trên.

Điều 38

Để thực hiện chương trình hoạt động của mình, Chính phủ có thể yêu cầu Nghị viện cho phép ban hành Pháp lệnh quy định việc áp dụng trong một thời gian nhất định các biện pháp thông thường thuộc phạm vi điều chỉnh của luật.

Các Pháp lệnh này được ban hành sau khi đã đưa ra thảo luận tại Hội đồng Bộ trưởng và sau khi có ý kiến của Toà án hành chính tối cao. Pháp lệnh có hiệu lực ngay khi công bố và đương nhiên hết hiệu lực nếu dự luật phê chuẩn Pháp lệnh đó không được trình lên Nghị viện trong thời hạn mà đạo luật cho phép ban hành Pháp lệnh ấn định.

Hết thời hạn quy định tại Khoản 1, Điều này, việc sửa đổi, bổ sung các quy định của Pháp lệnh về các vấn đề thuộc phạm vi điều chỉnh của luật chỉ có thể được thực hiện bằng một văn bản luật.

Điều 39

Thủ tướng và các thành viên Nghị viện đều có quyền đưa ra sáng kiến ban hành luật.

Các dự thảo luật được đưa ra thảo luận tại Hội đồng Bộ trưởng sau khi có ý kiến của Toà án hành chính tối cao và được trình lên Thường vụ Hạ viện hoặc Thường vụ Thượng viện. Các dự thảo luật về tài chính phải được trình Hạ viện trước. Các dự thảo luật về tài chính và các dự thảo luật về tạo vốn cho Quỹ bảo hiểm xã hội cũng được trình Hạ viện trước.

Điều 40

Các đề xuất sửa đổi, bổ sung do thành viên Nghị viện đưa ra sẽ không được chấp nhận nếu việc thông qua các đề xuất sửa đổi, bổ sung đó có hệ quả làm giảm nguồn lực của Nhà nước, tạo ra hoặc làm tăng thêm khoản chi của Nhà nước.

Điều 41

Nếu trong quá trình xây dựng và ban hành luật, có một đề xuất sửa đổi, bổ sung do thành viên Nghị viện đưa ra không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật hoặc trái với các quy định về uỷ quyền tại điều 38, Chính phủ có thể không chấp nhận đề xuất sửa đổi, bổ sung đó.

Trong trường hợp có ý kiến khác nhau giữa Chính phủ và Chủ tịch Hạ viện hoặc Chủ tịch Thượng viện, Hội đồng Hiến pháp giải quyết trong thời hạn 8 ngày, theo đề nghị của Chính phủ hoặc của một trong hai Viện trên.

Điều 42

Hạ viện hoặc Thượng viện nhận được dự thảo luật trước thì sẽ tiến hành thảo luận về dự thảo đó trên cơ sở văn bản dự thảo do Chính phủ trình.

Viện nào nhận được văn bản dự thảo luật đã được Viện kia thông qua rồi thì tiến hành thảo luận về dự thảo luật trên cơ sở văn bản dự thảo đã được thông qua đó.

Điều 43

Dự án luật được chuyển cho Uỷ ban có liên quan nghiên cứu, xem xét khi có yêu cầu của Chính phủ hoặc của một trong hai Viện đã nhận được dự án luật đó.

Dự án luật mà không có đề nghị của Chính phủ hoặc một trong hai Viện sẽ được chuyển cho một trong những Uỷ ban chuyên trách của Hạ viện hoặc của Thượng viện. Số lượng Uỷ ban chuyên trách của mỗi Viện không quá sáu uỷ ban.

Điều 44

Thành viên Nghị viện và Chính phủ có quyền trình dự án sửa đổi, bổ sung.

Chính phủ có quyền phản đối việc nghiên cứu, xem xét dự án sửa đổi, bổ sung ngay cả khi việc thảo luận về dự án đã được bắt đầu, nếu trước đó dự án chưa được trình lên Uỷ ban có liên quan.

Nếu Chính phủ có yêu cầu, Hạ viện hoặc Thượng viện sẽ tiến hành một lần biểu quyết duy nhất về một phần hoặc toàn bộ nội dung văn bản đưa ra thảo luận trên cơ sở chỉ giữ lại những sửa đổi, bổ sung được Chính phủ đề xuất hoặc chấp nhận.

Điều 45

Dự án luật được lần lượt đưa ra xem xét, thảo luận tại hai Viện của Nghị viện để thông qua được một văn bản thống nhất.

Trong trường hợp do có ý kiến khác nhau giữa Hạ viện và Thượng viện mà sau hai lần xem xét, thảo luận tại mỗi Viện, dự án luật vẫn không được thông qua hoặc trong trường hợp mỗi Viện mới xem xét một lần mà Chính phủ tuyên bố tính cấp thiết phải ban hành dự án luật đó, thì Thủ tướng có quyền đề nghị một Uỷ ban hỗn hợp có thành phần ngang số giữa Hạ viện và Thượng viện chịu trách nhiệm soạn thảo, đề xuất một văn bản về các quy định vẫn còn có ý kiến khác nhau.

Văn bản do Uỷ ban hỗn hợp soạn thảo có thể được Chính phủ trình hai Viện phê duyệt. Mọi sửa đổi, bổ sung đều không được chấp nhận trừ trường hợp có sự đồng ý của Chính phủ.

Nếu Uỷ ban hỗn hợp không đạt tới việc thông qua một văn bản chung hoặc nếu văn bản được thông qua không phù hợp với các điều kiện quy định tại khoản trên, thì sau khi văn bản đã được Hạ viện và Thượng viện xem xét, thảo luận lại một lần nữa, Chính phủ có quyền yêu cầu Hạ viện đưa ra quyết định cuối cùng. Trong trường hợp này, Hạ viện có thể sử dụng văn bản do Uỷ ban hỗn hợp soạn thảo hoặc văn bản cuối cùng mà mình đã bỏ phiếu biểu quyết trên cơ sở thêm vào, nếu cần, các nội dung sửa đổi, bổ sung đã được Thượng viện thông qua.

Điều 46

Việc biểu quyết thông qua và sửa đổi, bổ sung các đạo luật có tính chất là luật về tổ chức theo quy định của Hiến pháp được thực hiện theo những quy định sau đây.

Viện đầu tiên nhận được dự án luật chỉ được tiến hành thảo luận và biểu quyết sau khi hết thời hạn 15 ngày kể từ ngày dự án được trình lên.

Thủ tục quy định tại Điều 45 cũng được áp dụng. Tuy nhiên, nếu giữa hai Viện không đạt được thoả thuận, thì văn bản chỉ được Hạ viện thông qua lần cuối nếu đạt được đa số tuyệt đối tổng số thành viên của Hạ viện nhất trí thông qua.

Các đạo luật về tổ chức liên quan đến Thượng viện phải được cả hai Viện thống nhất thông qua.

Các đạo luật về tổ chức chỉ được ban hành sau khi có tuyên bố của Hội đồng Hiến pháp về tính phù hợp với Hiến pháp của các đạo luật đó.

Điều 47

Nghị viện biểu quyết về các dự án luật về tài chính theo các điều kiện quy định trong một đạo luật về tổ chức.

Nếu Hạ viện không đưa ra ý kiến lần đầu trong thời hạn 40 ngày kể từ ngày dự án luật được trình lên, thì Chính phủ có quyền đưa dự án ra trước Thượng viện xem xét và cho ý kiến trong thời hạn 15 ngày. Các bước tiếp theo tiến hành theo các điều kiện quy định tại Điều 45.

Nếu Nghị viện không đưa ra ý kiến trong thời hạn 70 ngày, thì các quy định của dự án luật có thể được ban hành dưới hình thức Pháp lệnh.

Nếu đạo luật về tài chính quy định các khoản thu chi trong năm tài chính không được trình trong thời hạn cần thiết để có thể được ban hành trước khi bắt đầu năm tài chính đó, thì trong thời hạn sớm nhất, Chính phủ phải yêu cầu Nghị viện cho phép thu các loại thuế và thực hiện các khoản chi (dưới hình thức ban hành Nghị định) có liên quan đến các hoạt động đã được biểu quyết thông qua.

Các thời hạn quy định tại Điều này sẽ bị tạm đình chỉ trong thời gian Nghị viện không họp.

Toà kiểm toán hỗ trợ Nghị viện và Chính phủ kiểm tra việc thực hiện các đạo luật về tài chính.

Điều 47-1

Nghị viện biểu quyết về các dự án luật về tạo vốn cho Quỹ bảo hiểm xã hội theo các điều kiện quy định tại một đạo luật về tổ chức.

Nếu Hạ viện không có ý kiến lần đầu trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày trình dự án, thì Chính phủ có quyền trình dự án lên Thượng viện xem xét và cho ý kiến trong thời hạn 15 ngày. Các bước tiếp theo được tiến hành theo các điều kiện quy định tại Điều 45.

Nếu Nghị viện không cho ý kiến trong thời hạn 50 ngày, các quy định tại dự án luật có thể được ban hành dưới hình thức Pháp lệnh.

Các thời hạn quy định tại điều này sẽ bị tạm đình chỉ trong thời gian Nghị viện không họp và trong những tuần mà Hạ viện hoặc Thượng viện quyết định không tổ chức các buổi họp của mình theo quy định tại Khoản 2, Điều 28.

Toà kiểm toán giúp Nghị viện và Chính phủ kiểm tra việc thực hiện các đạo luật về tạo vốn cho Quỹ bảo hiểm xã hội.

Điều 48

Các nội dung trong chương trình nghị sự của hai Viện thuộc Nghị viện được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên do Chính phủ

xác định, bao gồm việc thảo luận về các dự án luật do Chính phủ trình và các dự luật của thành viên Nghị viện đưa vào và được Chính phủ chấp nhận.

Mỗi tuần ít nhất phải ưu tiên giành một buổi họp để các Nghị sỹ chất vấn và thành viên Chính phủ trả lời chất vấn.

Mỗi tháng phải ưu tiên giành một buổi họp để xem xét các vấn đề theo chương trình nghị sự do mỗi Viện xác định.

Điều 49

Sau khi Hội đồng Bộ trưởng đã thảo luận và ra nghị quyết, Thủ tướng thay mặt Chính phủ chịu trách nhiệm trước Hạ viện về chương trình hoạt động của Chính phủ hoặc về tuyên bố chính sách chung của Chính phủ.

Hạ viện xem xét trách nhiệm của Chính phủ qua bỏ phiếu bất tín nhiệm Chính phủ. Thủ tục bỏ phiếu bất tín nhiệm Chính phủ chỉ được chấp nhận khi có chữ ký của ít nhất 10% số thành viên Hạ viện. Việc bỏ phiếu bất tín nhiệm Chính phủ chỉ được tổ chức sau 48 giờ kể từ lúc trình kiến nghị. Khi kiểm phiếu, chỉ cần tính các phiếu thuận không tín nhiệm Chính phủ và việc bất tín nhiệm Chính phủ được thông qua khi đạt đa số phiếu của các thành viên của Hạ viện. Trong trường hợp quy định tại khoản dưới đây, trong một kỳ họp thường lệ của Hạ viện, một thành viên Nghị viện không thể đứng tên đề xuất quá ba kiến nghị bỏ phiếu bất tín nhiệm Chính phủ và, trong kỳ họp bất thường của Hạ viện, thì không thể quá một kiến nghị bỏ phiếu bất tín nhiệm Chính phủ.

Sau khi Hội đồng Bộ trưởng thảo luận và ra nghị quyết, Thủ tướng thay mặt Chính phủ chịu trách nhiệm trước Hạ viện về việc biểu quyết thông qua văn bản. Trong trường hợp này, văn bản coi như đã được thông qua trừ trường hợp có kiến nghị bỏ phiếu bất tín nhiệm Chính phủ đưa ra trong thời hạn 24 giờ sau đó và đã được biểu quyết thông qua theo các điều kiện quy định tại khoản trên.

Thủ tướng có quyền yêu cầu Thượng viện phê duyệt tuyên bố chính sách chung của Chính phủ.

Điều 50

Trong trường hợp Hạ viện bỏ phiếu bất tín nhiệm Chính phủ hoặc không phê duyệt chương trình hành động hoặc tuyên bố chính sách chung của Chính phủ, Thủ tướng phải đệ đơn từ chức của Chính phủ lên Tổng thống.

Điều 51

Việc bế mạc kỳ họp thường lệ hoặc kỳ họp bất thường sẽ đương nhiên được hoãn lại để cho phép áp dụng các quy định tại Điều 49 trong trường hợp cần thiết. Các buổi họp bổ sung cũng được đương nhiên tiến hành nhằm phục vụ mục đích này.