1. Tổ chức của Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc và cơ quan thường trực
Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa là cơ quan quyền lực cao nhất. Cơ quan thường trực là Uỷ ban thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc.
Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc và Uỷ ban thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc thực hiện quyền lập pháp.
2. Tổ chức và bầu cử Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc
Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc là tổ chức trong đó các đại biểu được lựa chọn từ các tỉnh, khu tự trị, thành phố trực thuộc và quân đội. Tất cả các dân tộc thiểu số đều có tỷ lệ đại biểu nhất định.
Bầu cử Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc do Uỷ ban thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc chủ trì.
Tỷ lệ đại biểu Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc và phương án tăng thêm số đại biểu do pháp luật quy định.
2.1. Nhiệm kỳ của Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc
Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc có nhiệm kỳ 5 năm. Trước khi Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc kết thúc nhiệm kỳ 2 tháng, Uỷ ban thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc phải hoàn thành danh sách đại biểu ứng cử của Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc khóa sau. Trường hợp bất thường, không thể tiến hành bầu cử, Uỷ ban thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc lấy biểu quyết đạt 2/3 số đại biểu thông qua, thì có thể kéo dài thời gian bầu cử hoặc kéo dài nhiệm kỳ Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc. Trong thời gian đặc biệt nếu kết thúc sau 1 năm, phải hoàn thành việc bầu cử Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc khóa mới.
2.2. Chế độ hội nghị Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc
Hội nghị Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc mỗi năm họp 1 lần, do Uỷ ban thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc triệu tập. Nếu đại biểu Uỷ ban thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc thấy cần thiết hoặc có 1/5 số đại biểu Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc kiến nghị, có thể triệu tập Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc lâm thời.
3. Chức năng quyền hạn của Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc
Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc thực hiện các chức năng quyền hạn sau:
– Sửa đổi hiến pháp;
– Giám sát thực thi hiến pháp;
– Ban hành và sửa đổi luật cơ bản như: Luật Hình sự, Dân sự, Cơ quan nhà nước và các luật cơ bản khác;
– Bầu ra Chủ tịch, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa;
– Căn cứ vào sự giới thiệu của Chủ tịch nước quyết định bầu ra Thủ tướng; căn cứ theo giới thiệu của Thủ tướng Quốc vụ viện quyết định bầu ra Phó Thủ tướng Quốc vụ viện, Uỷ viên Quốc vụ viện và các Bộ trưởng, Chủ nhiệm các Uỷ ban, Tổng Kiểm toán và Ban thư ký;
– Bầu ra Chủ tịch Uỷ ban quân sự Trung ương, căn cứ theo giới thiệu của Chủ tịch Uỷ ban quân sự Trung ương quyết định bầu ra các thành viên khác của Uỷ ban quân sự Trung ương;
– Bầu ra Chánh án Toà án nhân dân tối cao;
– Bầu ra Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
– Thẩm tra và phê chuẩn báo cáo tình hình kinh tế Nhà nước, kế hoạch phát triển xã hội và kế hoạch thi hành;
– Thẩm tra và phê chuẩn báo cáo dự toán của nhà nước và tình hình chấp hành dự toán;
– Sửa đổi hoặc hủy bỏ các quyết định không phù hợp của Uỷ ban thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc;
– Phê chuẩn quy hoạch xây dựng Tỉnh, Khu tự trị và Thành phố trực thuộc;
– Quyết định thành lập và quy định chế độ khác của Khu hành chính đặc biệt;
– Quyết định vấn đề chiến tranh và hòa bình;
– Các chức năng quyền hạn khác của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.
4. Quyền bãi miễn của Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc
Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc có quyền bãi miễn các cán bộ sau đây:
– Chủ tịch, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa;
– Thủ tướng, Phó Thủ tướng, Uỷ viên Quốc vụ, các Bộ trưởng, các Chủ nhiệm Uỷ ban, Tổng kiểm toán, Ban Thư ký Quốc vụ viện;
– Chủ tịch và các thành viên khác trong Uỷ ban quân sự Trung ương;
– Chánh án Toà án nhân dân tối cao;
– Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
5. Tổ chức và bầu cử Uỷ ban thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc
Uỷ ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc do những đại biểu sau hợp thành: Uỷ viên trưởng; Một số Phó Uỷ viên; Trưởng Ban Thư ký; Một số Uỷ viên.
Trong số thành viên của Uỷ ban thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân có một số đại biểu là người dân tộc thiểu số theo tỉ lệ nhất định.
Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc có quyền bầu và bãi miễn thành viên Uỷ ban thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc.
Thành viên Uỷ ban thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc không là người đảm nhiệm chức vụ cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan toà án và cơ quan kiểm sát.
Nhiệm kỳ của Uỷ ban thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc
Uỷ ban thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc có nhiệm kỳ trùng với Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc. Nhiệm kỳ đó kéo dài cho đến khi Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc khóa sau bầu ra Uỷ ban thường vụ khoá mới.
Chủ tịch, Phó Chủ tịch có thể giữ chức vụ liên tiếp nhưng không quá hai nhiệm kỳ.
Chức năng, quyền hạn của Uỷ ban thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc
Uỷ ban thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc có những nhiệm vụ, quyền hạn sau:
– Giải thích Hiến pháp, giám sát thực thi Hiến pháp;
– Ban hành và sửa đổi các văn bản pháp luật mà các văn bản này không do Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc ban hành và sửa đổi;
– Trong thời gian Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc không họp, có thể bổ sung hoặc sửa đổi các văn bản pháp luật do Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc ban hành, nhưng không được mâu thuẫn với nguyên tắc cơ bản của những văn bản pháp luật này;
– Giải thích pháp luật;
– Trong thời gian Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc không họp, có thể có phương án điều chỉnh bộ phận khi cần thiết trong quá trình thi hành dự toán nhà nước, thẩm tra và phê chuẩn kế hoạch phát triển kinh tế xã hội;
– Giám sát và đôn đốc công tác của Quốc vụ viện, Uỷ ban quân sự Trung ương, Toà án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
– Bãi bỏ các văn bản pháp quy hành chính, quyết định và mệnh lệnh trái với Hiến pháp và pháp luật của Quốc vụ viện;
– Bãi bỏ các văn bản pháp quy và quyết định có tính địa phương do cơ quan quyền lực nhà nước cấp tỉnh, khu tự trị, thành phố trực thuộc trung ương ban hành trái với Hiến pháp, pháp luật và văn bản pháp quy hành chính;
– Trong thời gian Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc không họp, theo đề nghị của Thủ tướng Quốc vụ viện quyết định bầu ra các Bộ trưởng, Chủ nhiệm các Uỷ ban, Tổng kiểm toán,Trưởng Ban thư ký;
– Trong thời gian Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc không họp, theo đề nghị của Chủ tịch Uỷ ban quân sự trung ương, quyết định bầu các thành viên khác trong Uỷ ban quân sự trung ương;
– Theo đề nghị của Chánh án Toà án nhân dân tối cao, miễn nhiệm Phó Chánh án, Thẩm phán, Uỷ viên Uỷ ban thẩm phán và Chánh án Toà án quân sự Trung ương;
– Theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, miễn nhiệm Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm sát viên, Uỷ viên Uỷ ban kiểm sát và Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự Trung ương và phê chuẩn miễn nhiệm Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tỉnh, Khu tự trị, Thành phố trực thuộc;
– Miễn nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền ở nước ngoài;
– Quyết định phê chuẩn hay bãi bỏ các hiệp định quan trọng và các điều ước mà Nhà nước tham gia ký kết với nước ngoài;
– Quy định các chế độ hàm cấp của nhân viên ngoại giao, quân nhân và chế độ hàm cấp chuyên môn khác;
– Quy định và quyết định trao tặng huân chương và các tên gọi danh dự của nhà nước;
– Quyết định đặc xá;
– Trong thời gian Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc không họp, nếu xảy ra xâm lược vũ trang hoặc cần thiết phải tham gia vào điều ước quốc tế để chống lại sự xâm lược trong cộng đồng quốc tế, Uỷ ban thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc có quyền quyết định tuyên bố tình trạng chiến tranh;
– Quyết định tổng động viên toàn quốc hoặc động viên cục bộ;
– Quyết định giới nghiêm toàn quốc hoặc các tỉnh, khu tự trị, thành phố trực thuộc;
– Các quyền khác mà Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc trao cho.
Phân công công tác của Uỷ ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc
Chủ tịch Uỷ ban thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc làm công tác chủ trì Uỷ ban thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc, triệu tập hội nghị Uỷ ban thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc. Phó Chủ tịch và Trưởng Ban thư ký giúp việc cho Chủ tịch.
Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Trưởng Ban thư ký tổ chức thành Uỷ ban Hội nghị, xử lý công việc thường ngày quan trọng của Uỷ ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc.
Uỷ ban thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc.
6. Uỷ ban chuyên môn và cơ quan chức năng của Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc
Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc thành lập các Uỷ ban chuyên môn như Uỷ ban dân tộc, Uỷ ban pháp luật, Uỷ ban kinh tế tài chính, Uỷ ban y tế, văn hoá, khoa học, giáo dục, Uỷ ban đối ngoại, Uỷ ban Hoa kiều và các Uỷ ban cần thiết khác. Trong thời gian Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc không họp, các Uỷ ban chuyên trách chịu sự lãnh đạo của Uỷ ban thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc.
Các Uỷ ban chuyên trách dưới sự lãnh đạo của Đại hội Đại biểu nhân dân và Uỷ ban thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân nghiên cứu, xem xét và sắp xếp các đề án có liên quan.
Trên đây là nội dung Luật LVN Group sưu tầm và biên soạn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.0191 để được giải đáp.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Luật LVN Group (Sưu tầm và Biên soạn).