1. Hiến pháp Nhật Bản

CHƯƠNG VII

TÀI CHÍNH

Điều 83

Quyền quản lý tài chính quốc gia được thực hiện theo các quyết định của Quốc hội.

Điều 84

Việc thiết lập hay sửa đổi một loại thuế phải được đề cập trong một đạo luật hay được pháp luật công nhận.

Điều 85

Không một khoản tiền nào được chi cho dù Nhà nước có yêu cầu trừ khi được Quốc hội cho phép.

Điều 86

Nội các soạn thảo và đệ trình trước Quốc hội dự toán ngân sách quốc gia theo các năm tài chính.

Điều 87

Để bổ sung cho sự hao hụt ngân sách đối với các khoản chi không được xác định trước, một quỹ dự trữ được thành lập theo quyết định của Quốc hội để thực hiện các khoản chi thuộc trách nhiệm Nội các. Tuy nhiên, các khoản chi của Nội các phải được Quốc hội phê duyệt sau khi chi.

Điều 88

Tài sản của Hoàng gia là tài sản chung của cả quốc gia. Mọi khoản chi tiêu của Hoàng gia đều cần có sự phê chuẩn của Quốc hội.

Điều 89

Không một tài sản quốc gia hay ngân sách nào được dùng để thiết lập, duy trì hiệp hội tôn giáo, cơ quan từ thiện hay giáo dục công ích mà không được chính quyền quản lí.

Điều 90

Báo cáo tài chính cuối cùng về thu chi ngân sách quốc gia sẽ được kiểm toán hàng năm bởi một Ban kiểm toán và được Chính phủ đệ trình Quốc hội cùng với báo cáo kiểm toán ngay sau khi năm tài chính kết thúc.

Việc tổ chức cũng như thẩm quyền của Ban kiểm toán này được pháp luật quy định.

Điều 91

Theo những định kỳ nhất định hoặc ít nhất mỗi năm một lần, Nội các phải đệ trình trước Quốc hội và toàn dân báo cáo về tình trạng tài chính quốc gia.

CHƯƠNG VIII

QUYỂN TỰ TRỊ ĐỊA PHƯƠNG

Điều 92

Các quy tắc về tổ chức, điều hành bộ máy chính quyền địa phương được pháp luật quy định phù hợp với nguyên tắc tự trị địa phương.

Điều 93

Các địa phương sẽ tổ chức hội đồng nhân dân như một cơ quan để thảo luận, biểu quyết phù hợp với quy định của luật pháp.

Người đứng đầu cơ quan hành chính địa phương, thành viên của các hội đồng nhân dân và các công chức địa phương khác theo quy định của pháp luật đều được bầu theo phương thức phổ thông đầu phiếu trực tiếp trong cộng đồng.

Điều 94

Chính quyền địa phương có thẩm quyền trong quản lý tài sản của mình, thực thi các công việc, quản trị hành chính và ban hành các quy định của mình phù hợp với các quy định của pháp luật.

Điều 95

Quốc hội không thể thông qua một đạo luật để áp dụng cho một địa phương nếu đa số cử tri của địa phương đó không chấp thuận.

CHƯƠNG IX

TU CHÍNH ÁN

Điều 96

Việc sửa đổi Hiến pháp phải do Quốc hội đề xướng sau khi được ít nhất 2/3 tổng số đại biểu của mỗi Viện thông qua.

Sau đó tu chính án phải được đa số nhân dân phê chuẩn trong một cuộc trưng cầu ý dân hay qua một cuộc tổng tuyển cử đặc biệt do Quốc hội ấn định.

Tu chính án sau khi được nhân dân chuẩn y sẽ lập tức được Hoàng đế với tư cách đại diện cho nhân dân phê chuẩn như một phần thống nhất của Hiến pháp này.

CHƯƠNG X

ĐẠO LUẬT TỐI CAO

Điều 97

Những quyền con người cơ bản theo quy định của Hiến pháp này được bảo đảm cho toàn thể nhân dân Nhật Bản là kết quả tranh đấu hàng nghìn năm của con người để bảo vệ tự do. Những quyền đó tồn tại sau nhiều thử thách gian lao và được giao lại cho thế hệ hiện tại cũng như thế hệ tương lai để họ mãi mãi bảo vệ, giữ gìn.

Điều 98

Hiến pháp là đạo luật tối cao của quốc gia. Tất cả các đạo luật, sắc lệnh, các công bố của Hoàng gia hoặc các hoạt động của chính quyền hoặc một bộ phận chính quyền trái với Hiến pháp đều không có giá trị pháp lý và không có giá trị thi hành.

Chính phủ phải tôn trọng các hiệp ước kí kết của quốc gia và quốc tế.

Điều 99

Hoàng đế, Nhiếp chính cũng như các Bộ trưởng, đại biểu Quốc hội, Thẩm phán và các viên chức quốc gia đều phải có nghĩa vụ bảo vệ Hiến pháp.

CHƯƠNG XI

ĐIỀU KHOẢN PHỤ

Điều 100

Hiến pháp có hiệu lực kể từ 6 tháng sau khi ban hành.

Quốc hội ban hành các đạo luật thi hành Hiến pháp, thủ tục bầu Thượng nghị sĩ, thủ tục triệu tập Quốc hội và các thủ tục chuẩn bị cần thiết khác cho việc thi hành Hiến pháp này phải được ban hành trước thời hạn ấn định ở đoạn trên.

Điều 101

Nếu Thượng nghị viện chưa được bầu xong trước thời hạn Hiến pháp này có hiệu lực, Hạ nghị viện sẽ thực hiện các chức năng của Quốc hội cho tới khi Thượng nghị viện được thành lập.

Điều 102

Một nửa số Thượng nghị sĩ được bầu tại cuộc tổng tuyển cử đầu tiên theo quy định của Hiến pháp này có nhiệm kỳ là 3 năm. Việc ấn định các thành viên có nhiệm kỳ 3 năm sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Điều 103

Các Bộ trưởng, hạ nghị sĩ, Thẩm phán đương chức vào thời điểm Hiến pháp có hiệu lực và các công chức khác đang giữ các chức vụ tương ứng với các chức vụ được quy định trong Hiến pháp này sẽ vẫn giữ nguyên chức vụ, trừ trường hợp đặc biệt do luật pháp quy định. Tuy nhiên, nếu người kế nhiệm đã được tuyển chọn theo đúng quy định của Hiến pháp thì các công chức cũ phải từ bỏ chức vụ.

 

2. Đặc trưng chính của Hiến pháp Nhật Bản

– 3 nguyên tắc chính: 3 nguyên tắc chính này trong tiếng Nhật là 三大原則 – Sandai Gensoku. Nó được hình thành bởi Chủ quyền nhân dân, Chủ nghĩa hoà bình và Tôn trọng quyền con người cơ bản. Hiến Pháp của Nhật được hình thành dựa trên 3 nguyên tắc này do Nhật là một quốc gia dân chủ.

Trong nền dân chủ, thay vì trao quyền cho một người cai trị cụ thể nào đó, tại đây công dân dù nam hay nữ ai cũng nắm giữ quyền. Thêm vào đó, khi cần phải đưa ra một quyết định mang tính chính trị, một quốc gia dân chủ tiến hành việc trưng cầu ý dân. Từ đó, quyết định cuối cùng sẽ được dựa trên lựa chọn có sự ủng hộ của nhiều người nhất.

+ Chủ quyền nhân dân: Điều này có nghĩa là, quyền đưa ra quyết định thuộc về nhân dân. Theo Hiến pháp, Hoàng đế là biểu tượng. Người dân là chủ thể chịu trách niệm về quyền chính trị của mình, các cơ quan, tổ chức chính phủ được thành lập và hoạt động theo ý chí của người dân. Hơn nữa, tại Nhật, các thành viên Quốc hội là người đại diện của dân, được bầu chọn bởi dân và thay mặt người dân quyết định tại Quốc hội.

+ Chủ nghĩa hòa bình:

  • Xoá bỏ chiến tranh
  • Không duy trì hay nắm giữ vũ khí
  • Từ chối việc giao chiến

Đây chính là 3 đặc điểm được ghi tại Điều 9 của Hiến pháp Nhật Bản. Việc không sở hữu vũ khí, xóa bỏ chiến tranh được quy định tại Hiến pháp là một điều khá hiếm trên thế giới. Tuy vậy, Nhật vẫn có Lực lượng tự vệ.

+ Tôn trọng quyền con người cơ bản: Quyền con người cơ bản là quyền tự nhiên và vĩnh viễn từ khi sinh ra của con người và không thể bị tước đoạt. Các quyền cơ bản của con người bao gồm quyền bình đẳng, quyền tự do, quyền xã hội, quyền bầu cử và quyền đòi hỏi.

– Ba quyền phân lập:

Tại Hiến pháp Nhật Bản, Ba quyền phân lập là chế độ cơ bản của đất nước. Nó tương đương với 3 bộ phận là Lập pháp, Hành chính, Tư pháp.

Cụ thể:

  • Quyền lập pháp (Quốc hội): lập và ban hành pháp luật
  • Quyền tư pháp (Toà án): quyền áp dụng Hiến pháp và pháp luật
  • Quyền hành chính (Nội các): quyền thi hành pháp luật

Đây là cơ chế để ngăn chặn sự tập trung quyền lực quá mức bởi pháp luật, tư pháp và hành chính một cách độc lập và theo cách có thể giám sát lẫn nhau.

3. Nhật Bản và công cuộc sửa đổi Hiến pháp

Sau khi Thế chiến thứ II kết thúc, Mỹ (là một trong những nước thắng trận) đã thay Nhật Bản lập ra hiến pháp với tên gọi: “Hiến pháp hòa bình” (có hiệu lực từ năm 1947). Bản Hiến pháp này còn được biết đến với tên là “Hiến pháp MacArthur” vì nó do Tướng Douglas MacArthur – Tư lệnh quân Mỹ tại Nhật Bản lúc đó soạn thảo. Mục đích của Hiến pháp hòa bình là nhằm loại bỏ nguy cơ tái xuất hiện của một Phe Trục mới trong tương lai.

Tuy nhiên, ý đồ của Mỹ lúc đó tuy sâu mà không xa, bởi chỉ mấy chục năm sau, khi Nhật trở thành đồng minh thân cận của Mỹ thì chính điều luật này lại là thứ “trói chân, trói tay” Tokyo trong việc trợ giúp người đồng minh Washington về mặt quân sự.

Đặc biệt, Điều 9 của Hiến pháp nêu rõ: “Nhân dân Nhật Bản thành thật mong muốn một nền hoà bình quốc tế dựa trên chính nghĩa và trật tự, cam kết vĩnh viễn không phát động chiến tranh như là một phương tiện giải quyết xung đột quốc tế bao gồm chiến tranh xâm phạm chủ quyền dân tộc và các hành vi vũ lực hoặc các hành vi đe dọa bằng vũ lực. Để thực hiện mục đích ghi ở trên, lục quân, hải quân và không quân cũng như các tiềm lực chiến tranh khác sẽ không được duy trì. Quyền tham chiến của đất nước sẽ không được công nhận”.

Như vậy, có thể thấy rõ ràng là “Hiến pháp hòa bình” đã hạn chế đáng kể chính sách phát triển quốc phòng của Nhật Bản trong bối cảnh nó ngày càng cần được mở rộng. Chừng nào còn “Hiến pháp hòa bình” thì chừng đó Nhật Bản chỉ có thể tăng cường sức mạnh quốc phòng của mình ở mức hạn chế.

Sau gần 70 năm thực hiện “Hiến pháp hòa bình”, trước những thay đổi to lớn của tình hình trong nước, khu vực và quốc tế, Chính phủ Nhật Bản đã tỏ rõ mong muốn sửa đổi bản Hiến pháp nhằm tăng cường bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia và đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng quốc tế. Người đi đầu trong xu thế cải cách Hiến pháp này chính là Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Từ lâu, ông Abe đã bày tỏ quan điểm rằng Nhật Bản cần có một bản Hiến pháp do “chính tay người Nhật” xây dựng để trở thành “một nước có chủ quyền thực sự”.

Tuy nhiên, việc sửa đổi Hiến pháp ở Nhật Bản không hề đơn giản khi phải vượt qua nhiều rào cản lớn.

Thứ nhất, bất cứ thay đổi Hiến pháp nào cũng cần 2/3 số phiếu tại hai viện Quốc hội thông qua. Thứ hai, những thay đổi này chỉ trở thành luật nếu được đa số phiếu thông qua tại một cuộc trưng cầu ý dân toàn quốc.

Năm 2012, đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền đã công bố bản dự thảo Hiến pháp sửa đổi, trong đó đề xuất một loạt những thay đổi để đáp ứng “yêu cầu của thời đại” và “phản ánh rõ hơn lịch sử và văn hóa Nhật Bản vốn tôn trọng sự hài hòa”. Bản dự thảo này cũng nhấn mạnh và đề cao ba nguyên tắc cơ bản trong Hiến pháp thời hậu chiến là chủ quyền, chủ nghĩa hòa bình và tôn trọng nhân quyền. Tuy nhiên, các đảng đối lập và một số học giả cảnh báo rằng những thay đổi này có thể không chỉ hủy hoại chủ nghĩa hòa bình nêu trong Hiến pháp mà còn biến Nhật Bản thành một đất nước quá chú trọng vào quyền lực nhà nước và trật tự xã hội thay vì các quyền lợi cá nhân.

 

LUẬT LVN GROUP (Sưu tầm)