1. Khái niệm

Hiệp hội Ngân Hàng Việt Nam là tổ chức tự nguyện phi Chính phủ do các ngân hàng lập ra, nhằm mục đích hợp tác, hỗ trợ nhau để thúc đẩy phát triển nghề nghiệp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên.

Hiệp hội ngân hàng Việt Nam được thành lập trên cơ sở Quyết định số 247/TTg ngày 14.5.1994 của Thủ tướng Chính phủ về việc cho phép thành lập Hiệp hội ngân hàng Việt Nam. Hiệp hội ngân hàng có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản tại ngân hàng, trụ sở đóng tại Hà Nội.

Các ngân hàng được Ngân hàng nhà nước cấp giấy phép hoạt động và tự nguyện tham gia đều có thể trở thành hội viên của Hiệp hội ngân hàng. Hệ thống tổ chức của Hiệp hội ngân hàng gồm có: Đại hội đồng Hiệp hội ngân hàng; Hội đồng Hiệp hội ngân hàng; Ban điều hành Hiệp hội ngân hàng.

2. Tên gọi, biểu tượng

  • Tên tiếng Việt: Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam
  • Tên tiếng Anh: Vietnam Banks Association
  • Tên viết tắt tiếng Anh: VNBA
  • Biểu tượng: Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam có biểu tượng riêng và được đăng ký bản quyền theo quy định của pháp luật.

3. Tôn chỉ, mục đích

1. Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (sau đây gọi tắt là Hiệp hội) là tổ chức xã hội – nghề nghiệp tự nguyện của các tổ chức tín dụng và các tổ chức khác có liên quan đến lĩnh vực ngân hàng hoạt động tại Việt Nam
2. Hiệp hội có mục đích tập hợp, động viên các hội viên hợp tác, hỗ trợ nhau trong hoạt động kinh doanh; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên; làm cầu nối giữa các hội viên với các cơ quan nhà nước nhằm ổn định và phát triển an toàn, hiệu quả hệ thống các tổ chức tín dụng hoạt động tại Việt Nam, góp phần thực thi chính sách tiền tệ, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của đất nước

4. Phạm vi, lĩnh vực hoạt động

1. Hiệp hội hoạt động trong phạm vi cả nước, trong lĩnh vực ngân hàng hoặc liên quan đến lĩnh vực ngân hàng.
2. Hiệp hội chịu sự quản lý của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ, ngành có liên quan đến lĩnh vực hoạt động của Hiệp hội theo quy định của pháp luật.

5. Nguyên tắc tổ chức, hoạt động

1. Tự nguyện, tự quản
2. Dân chủ, bình đẳng, công khai, minh bạch
3. Tự bảo đảm kinh phí hoạt động
4. Không vì mục đích lợi nhuận
5. Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và Điều lệ Hiệp hội

6. Lịch sử phát triển

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ quyết định cho phép thành lập vào ngày 14/5/1994. Đây là một trong những hội nghề nghiệp ra đời sớm tại Việt Nam sau khi đất nước bước vào thời kỳ Đổi mới, cùng với sự chuyển đổi mạnh mẽ từ hệ thống ngân hàng “một cấp” sang hệ thống ngân hàng “hai cấp”, hình thành nên cộng đồng các ngân hàng thương mại, công ty tài chính hoạt động kinh doanhtheo cơ chế thị trường. Sự ra đời của Hiệp hội Ngân hàng đánh dấu bước phát triển, trưởng thành mới của hệ thống ngân hàng Việt Nam. Từ đây, các tổ chức tín dụng hội viên đã có một tổ chức đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng và hợp pháp của của mình, làm cầu nối giữa các hội viên với cơ quan nhà nước nhằm ổn định và phát triển an toàn, hiệu quả hệ thống, góp phần thực thi chính sách của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Ngày 23/8/1994 Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam chính thức ra mắt, với Hội đồng Hiệp hội 12 thành viên do ông Nguyễn Văn Dễ, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (từ năm 1994 đến tháng 1/1996) và ông Lê Đắc Cù, (Tổng Giám đốc Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (từ tháng 2/1996 đến năm 1998) làm Chủ tịch Hội đồng Hiệp hội; ông Dương Xuân Minh, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương làm Phó chủ tịch. Tổng Thư ký Hiệp hội là ông Ngô Tuấn Kiệp.
Hiệp hội đã tập trung củng cố, kiện toàn tổ chức, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế.
Tháng 9/1995, thành lập Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ – cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Ngân hàng, cung cấp thông tin, lý luận, phổ cập kinh nghiệm trong và ngoài nước về lĩnh vực tài chính, tiền tệ và ngân hàng; Câu lạc bộ các nhà doanh nghiệp ngân hàng (sau này gọi là Câu lạc bộ các nhà quản lý ngân hàng) với hình thức sinh hoạt bổ ích, hấp dẫn đối với các nhà quản lý ngân hàng trong nước và các chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam.
Ngày 29/9/1995, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam chính thức gia nhập là thành viên thứ 7 của Hiệp hội Ngân hàng ASEAN.
Tháng 12/1995, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam chuyển trụ sở đầu tiên tại 15 La Thành, Hà Nội về 193 Bà Triệu, quận Hai bà Trưng, Hà Nội.
Tháng 8/1996, ra mắt Hội các ngân hàng thanh toán thẻ Việt Nam, nay là Chi hội Thẻ ngân hàng Việt Nam 15/8/1996).
Tháng 4/1997, Câu lạc bộ các nhà giao dịch hối đoái chính thức ra mắt hoạt động với 93 thành viên, từ 25 ngân hàng hội viên, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, ngân hàng liên doanh với mục đích nâng cao trình độ nghề nghiệp, tạo mối quan hệ của các nhà giao dịch hối đoái.
Hiệp hội Ngân hàng hoạt động dưới sự điều hành của Hội đồng Hiệp hội gồm 10 thành viên. Chủ tịch Hội đồng Hiệp hội là ông Trịnh Ngọc Hồ, Tổng Giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam; Phó Chủ tịch là ông Dương Xuân Minh, Tổng Giám đốc NHTMCP Sài Gòn Công Thương; ông Nguyễn Ngọc Oánh làm Tổng Thư ký.
Lần đầu tiên, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng ASEAN lần thứ 30 và Đại hội Hiệp hội Ngân hàng ASEAN lần thứ 13 (tại Hà Nội từ ngày 9-11/11/2000) với chủ đề “Hợp tác phát triển các ngân hàng ASEAN hướng tới thiên niên kỷ mới: Những thách thức và cơ hội”.
Hiệp hội Ngân hàng hoạt động dưới sự điều hành của Hội đồng Hiệp hội do ông Lê Văn Sở, Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Việt Nam (từ tháng 2003 đến tháng 1/2007) và ông Đỗ Tất Ngọc, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (từ tháng 01/2007 đén tháng 8/2007) làm Chủ tịch; Phó Chủ tịch gồm có: ông Dương Xuân Minh, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương, ông Phạm Huy Hùng, Tổng Giám đốc Ngân hàng Công thương Việt Nam; Tổng Thư ký Hiệp hội là ông Nguyễn Trọng Nghĩa.
Hiệp hội Ngân hàng hướng trọng tâm vào tham gia góp ý, phản biện chính sách, pháp luật; mở rộng quan hệ hợp tác với Hiệp hội Ngân hàng ASEAN trong lĩnh vực đào tạo.
Tháng 11/2004, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam lần đầu tiên tổ chức triển lãm “Thị trường tài chính tiền tệ với công nghiệp hóa, hiện đại hóa” (từ ngày 22-25/11/2004) để các ngân hàng, tổ chức tín dụng tiếp cận công nghệ – sản phẩm mới phục vụ quá trình hiện đại hóa công nghệ ngân hàng.
Tháng 5/2005, ra mắt Trung tâm Đào tạo góp phần thúc đẩy sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực cho hệ thống ngân hàng đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Lần đầu tiên phối hợp với Hiệp hội Ngân hàng ASEAN tổ chức khóa học “Nghiệp vụ ngân hàng quốc tế: Dịch vụ ngoại thương và chuyển tiền – thanh toán quốc tế” (ngày 18-19/7/2005), mở đầu thời kỳ tăng cường hợp tác quốc tế với hiệp hội ngân hàng khu vực về công tác đào tạo.
Tháng 1/2006, thành lập Trang tin điện tử Hiệp hội Ngân hàng có tên miền vnba.org.vn
Tháng 11/2007, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng ASEAN lần thứ 37 (ngày 1-2/11/2007). Đây là lần thứ 2 Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức sự kiện thường niên của Hiệp hội Ngân hàng ASEAN.
Tháng 11/2007, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và Hiệp hội Ngân hàng Liên bang Nga đã ký kết biên bản hợp tác song phương.
Tháng 12/2007, Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đồng tổ chức hội thảo “Tiến tới hoàn thiện Luật Ngân hàng Nhà nước, Luật Các tổ chức tín dụng”.
Hiệp hội Ngân hàng hoạt động dưới sự điều hành của Hội đồng Hiệp hội do ông Phạm Huy Hùng, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam làm Chủ tịch; các Phó Chủ tịch gồm có: ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, ông Phó Văn Thành Ủy viên HĐQT kiêm Trưởng Ban Kiểm soát Ngân hàng Phát triển Nhà đồng bằng sông Cửu Long. Tổng Thư ký là bà Dương Thu Hương.
Hiệp hội Ngân hàng tiếp tục thực hiện nhiệm vụ chính trị, tạo sự đồng thuận bảo vệ quyền, lợi ích của hội viện, tham gia góp ý, phản biện, xây dựng chính sách, pháp luật về ngân hàng, củng cố quan hệ, hợp tác quốc tế.
Tháng 3/2008, Tạp chí The Asian Banker phối hợp với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức Hội nghị thượng đỉnh ngân hàng châu Á (tại Hà Nội từ ngày 17-19/3/2008).
Lần đầu tiên Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng ASEAN (nhiệm kỳ 2010-2011). Ông Phạm Huy Hùng – Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng ASEAN chủ trì Hội nghị Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng ASEAN lần thứ 40 và Đại hội Hiệp hội Ngân hàng ASEAN lần thứ 18 (diễn ra tại Bali, Indonesia ngày 10-12/11/2010).
Tháng 8/2009, tại Lễ kỷ niệm 15 năm thành lập, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba của Nhà nước trao tặng.
Tháng 12/2011, Đại hội Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam lần thứ V nhiệm kỳ 2011-2015 được tổ chức tại Hà Nội với chủ đề “Đoàn kết – Hợp tác hướng tới phát triển bền vững”. Đại hội đã bầu Hội đồng Hiệp hội với 11 thành viên. Chủ tịch Hội đồng là ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam; Phó Chủ tịch là ông Nguyễn Huy Tựa, Ủy viên HĐQT Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam; Tổng Thư ký là bà Trần Thị Hồng Hạnh.
Hiệp hội Ngân hàng thực hiện nhiệm vụ trọng tâm là tham gia góp ý, xây dựng cơ chế chính sách.
Tháng 10/2012, Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam thành lập Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng với 35 thành viên tham gia. Câu lạc bộ đã có nhiều hoạt động đóng góp tích cực vào việc tham gia xây dựng cơ chế chính sách của Hiệp hội Ngân hàng.
Tháng 11/2015, trong khuôn khổ Hội nghị thường niên lần thứ 32, Hiệp hội Ngân hàng châu Á (ABA) và Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã ký kết biên bản ghi nhớ về hợp tác (ngày 12/11/2015). Ông Daniel WU – Chủ tịch ABA, Chủ tịch Ngân hàng CTBC Đài Loan và ông Nghiêm Xuân Thành – Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã ký biên bản ghi nhớ.
Tháng 10/2014, tại Lễ kỷ niệm 20 thành lập, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì (ngày 28/10/2014).
Tháng 6/2016, tại Hà Nội đã diễn ra Đại hội Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam lần thứ VI, nhiệm kỳ 2016-2019. Đại hội đã bầu Hội đồng Hiệp hội gồm 11 thành viên. Chủ tịch Hội đồng là ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam; Phó Chủ tịch gồm có: ông Lê Đức Thọ – Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, ông Lê Công – Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Quân đội. Tổng Thư ký Hiệp hội là ông Nguyễn Toàn Thắng.
Hiệp hội tiếp tục đẩy mạnh hoạt động bảo vệ quyền lợi, ích của các hội viên, tích cực tham gia góp ý xây dựng cơ chế, chính sách, mở rộng quan hệ quốc tế, phát triển hội viên mới.
Tháng 10/2016, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam thành lập 02 Ủy ban chuyên môn thuộc Hội đồng Hiệp hội là: Ủy ban Chính sách và Ủy ban Công nghệ có chức năng tư vấn cho Hội đồng Hiệp hội và Cơ quan Thường trực Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam trong việc giải quyết những vấn đề có tính chất chuyên sâu về cơ chế, chính sách liên quan hoạt động ngân hàng, về công nghệ ngân hàng nhằm thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam.
Tháng 11/2016, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam ký kết bản ghi nhớ với Hiệp hội Công nghiệp phần mềm Hàn Quốc (KOSA) ngày 9/11/2016. Hằng năm, hai bên tổ chức đều đặn 2 sự kiện: Hội thảo, triển lãm Korea ICT Day và Diễn đàn Ngân hàng Việt Nam – Hàn Quốc với các chủ đề cập nhật với tình hình thực tế.
Tháng 01/2017, Cơ quan Thường trực Hiệp hội Ngân hàng đã thành lập thêm Ban Công tác hội viên nhằm đẩy mạnh công tác phát triển hội viên, đầu mối liên hệ, theo dõi, nắm bắt tình hình, vận động, liên kết tổ chức hội viên, tăng cường gắn kết giữa Cơ quan Thường trực với các tổ chức hội viên và các nhiệm vụ khác… nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của các tổ chức hội viên
Tháng 02/2017, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã tiếp, làm việc với Đoàn công tác Hiệp hội Ngân hàng ASEAN đến thăm Cơ quan Thường trực do ông Paul C.G. Gwee – Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng ASEAN làm Trưởng Đoàn.
Tháng 6/2017, Đoàn công tác của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam thăm, làm việc tại Cộng hòa Liên bang Đức, tìm hiểu các giải pháp công nghệ tài chính mới đang được ứng dụng tại thị trường Đức; tìm hiểu về kinh nghiệm tái cơ cấu và xử lý nợ xấu các ngân hàng Đức sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008.
Tháng 7/2017, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam thành lập Câu lạc bộ Công nghệ tài chính ngân hàng (Fintech) nhằm tập hợp, vận động các hội viên hỗ trợ nhau và hỗ trợ các tổ chức khác trong hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và triển khai công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng, làm cầu nối giữa các tổ chức hội viên và cơ quan quản lý nhà nước nhằm phát triển an toàn, thúc đẩy công nghệ ngân hàng theo hướng ứng dụng hiệu quả, đúng quy định pháp luật, góp phần hiện đại hóa công nghệ tài chính ngân hàng tại Việt Nam.
Tháng 11/2017, tại Đà Nẵng, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã đăng cai tổ chức Hội nghị Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng ASEAN lần thứ 47 (ngày 23-24/11/2017).
Tháng 3/2018, tại Hà nội, lần đầu tiên Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Hiệp hội Ngân hàng Hàn quốc và Hội đồng Hợp tác Tài chính quốc tế phối hợp tổ chức Diễn đàn Hợp tác Tài chính Việt Nam – Hàn Quốc. Tháng 8/2018, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và Tổ chức hợp tác phát triển Đức (GIZ) tổ chức hội nghị “ngân hàng xanh hướng đến phát triển bền vững” nhằm thúc đẩy hoạt động ngân hàng xanh, hướng tới phát triển bền vững; giới thiệu “Sổ tay hướng dẫn về ngân hàng và phát triển bền vững” của UNEPFI do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam dịch ra tiếng Việt.
Tháng 10/2018, Hiệp hội Ngân hàng việt Nam phối hợp cùng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam tiếp và làm việc với Đoàn Chương trình phát triển tài năng trẻ quốc tế của Đài Loan (Trung Quốc).
Tháng 10/2018, Đoàn công tác Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã thăm và làm việc với Hiệp hội Ngân hàng Đài Loan (Trung Quốc).
Tháng 2/2019, Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam ban hành “Bộ Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử của cán bộ ngân hàng” nhằm thúc đẩy việc thường xuyên tu dưỡng rèn luyện đạo đức nghề nghiệp, văn hóa ứng xử của người cán bộ ngân hàng, góp phần tăng niềm tin và giữ gìn hình ảnh đẹp về ngành Ngân hàng.
Tháng 3/2019, Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ điện tử được cấp phép hoạt động với tên miền http://thitruongtaichinhtiente.vn, bổ sung một kênh thông tin hiên đại, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Hiệp hội Ngân hàng.
Tháng 9/2019, thành lập Câu lạc bộ Xử lý nợ, nhằm tập hợp, chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao hiệu quả trong hoạt động mua bán và xử lý nợ và các hoạt động khác có liên quan phù hợp với quy định của pháp luật.
Tháng 12/2020, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức Đại hội lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020-2024, bầu Hội đồng Hiệp hội với 13 thành viên. Chủ tịch Hội đồng: ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch HĐTV Agribank; Phó Chủ tịch gồm có: ông Trần Văn Tần, Thành viên Hội đồng Quản trị Ngân hàng Công thương Việt Nam và ông Phạm Quang Tùng, Ủy viên Hội đồng Quản trị Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam. Ông Nguyễn Quốc Hùng là Tổng Thư ký Hiệp hội.
Nhiệm kỳ VII, Hiệp hội Ngân hàng tiếp tục thực hiện các mục tiêu quan trọng là đẩy mạnh công tác chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức hội viên; tích cực tham gia có hiệu quả vào việc góp ý, xây dựng cơ chế chính sách; làm tốt công tác truyền thông, đào tạo, phát triển hội viên, kiện toàn tổ chức; mở rộng hợp tác quốc tế; củng cố, nâng cao vị thế, hình ảnh Hiệp hội.
Đến hết tháng 5/2021, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam có 74 tổ chức hội viên, bao gồm 60 hội viên chính thức, 9 hội viên liên kết và 5 hội viên danh dự; trong đó có 38 ngân hàng thương mại, 13 công ty tài chính, 4 định chế tài chính khác, 14 tổ chức trung gian thanh toán và 5 tổ chức khác có hoạt động liên quan đến lĩnh vực ngân hàng.
Quy mô và chất lượng hoạt động của các tổ chức hội viên cũng ngày càng tăng lên, giữ ví trí chủ chốt trên thị trường tiền tệ, tín dụng, quản lý khối tài sản xã hội rất lớn với tổng tài sản đến nay chiếm gần 90% toàn ngành (trên 11,6 triệu tỷ đồng), vốn điều lệ chiếm 82% toàn ngành (515 nghìn tỷ đồng).
Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam có quan hệ đối tác với trên 30 hiệp hội ngân hàng như: Hiệp hội Ngân hàng ASEAN, Hiệp hội Ngân hàng châu Á, Hiệp hội Ngân hàng Nga, Italia, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)… và nhiều tổ chức trong nước và quốc tế có uy tín.