NỘI DUNG TƯ VẤN:

1. Quy định chung về hình phạt tù

Đây là loại hình phạt truyền thống trong luật hình sự các nước nói chung và cũng là loại hình phạt được áp dụng phổ biến nhất trong thực tế ở Việt Nam hiện nay. Trong Bộ luật hình sự năm 1999, hầu hết các khung hình phạt đều được xây dựng có hình phạt tù. Ngoài mục đích trừng trị, giáo dục, hình phạt tù còn có tác dụng hạn chế ở mức tối đa khả năng người đã phạm tội tiếp tục phạm tội, bảo vệ các quan hệ xã hội trước sự đe dọa của những hành vi tái phạm. Hình phạt tù theo Luật hình sự Việt Nam bao gồm hình phạt tù có thời hạn và hình phạt tù không thời hạn (hình phạt tù chung thân).

Hình phạt tù có thời hạn là hình phạt tù có khoảng thời gian xác định. Theo Luật hình sự Việt Nam, khoảng thời gian này là từ 3 tháng đến 20 năm.

Trong trường hợp có tổng hợp hình phạt, hình phạt tù tổng hợp được phép tới 30 năm.

Hình phạt tù không thời hạn còn được gọi là hình phạt tù chung thân. Tuy cũng là loại hình phạt tước tự do nhưng được coi là loại hình phạt đặc biệt giống như hình phạt tử hình, do tính đặc biệt nghiêm khắc của nó (không thời hạn). Hình phạt này được áp dụng đối với người phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng nhưng chưa đến mức bị xử phạt tử hình. Hình phạt này không được áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội. Hình phạt tù chung thân là hình phạt cẩn thiết trong hệ thống hình phạt ở Việt Nam hiện nay. Tính cần thiết này xuất phát từ thực tế của tình hình phạm tội và yêu cầu của đấu tranh phòng, chống tội phạm. Nó là hình phạt thay thế cho trường hợp tử hình được ân giảm.

Tính không thời hạn của hình phạt tù chung thân không có tính tuyệt đối. Người bị án phạt tù chung thân vẫn có thể không phải chấp hành hình phạt tù suốt đời mà có thể được giảm thời hạn chấp hành vì cải tạo tốt. Với mức giảm tối đa người bị án phạt tù chung thân chỉ phải thực sự chấp hành hình phạt tù 20 năm.

2. Tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù

Tạm đĩnh chỉ chấp hành hình phạt tù là tạm ngừng việc đang chấp hành hình phạt tù trong khoảng thời gian nhất định (Điều 68, Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2019).

Chế định tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù đặt ra cơ sở pháp lí cho người bị kết án đang chấp hành hình phạt tù có thể được tạm đình chỉ chấp hành khi có những lí do đặc biệt về bản thân, về hoàn cảnh gia đình cũng như về nhu cầu của công vụ. Đối tượng có thể được xét tạm đình chỉ và thời hạn tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù giống như trường hợp hoãn chấp hành hình phạt tù được quy định tại khoản 1 Điều 67

BLHS. Khoản 1 Điều 68 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định:

“Người đang chấp hành hình phạt tù mà thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 67 của Bộ luật này thì có thể được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù”.

Thời hạn cụ thể tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù cũng tương ứng như đối với hướng dẫn về hoãn chấp hành hình phạt tù nêu trên đây.

Trong thời gian tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù, người bị kết án trở về với môi trường sống của xã hội nhưng phải chịu sự giám sát và giáo dục của cơ quan, tổ chức nơi làm việc hoặc chính quyền địa phương nơi cư trú. Thời gian tạm đình chỉ không được tính vào thời gian chấp hành hình phạt tù. Thời gian này chỉ có thể được tính vào thời hạn khi xét thời hiệu thi hành bản án (Điều 60 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017).

3. Xác định hình thức phạm tội và phân tích yếu tố lỗi của người phạm tội

Sáng ngày 27/5/2009, Nguyễn Văn C (sinh năm 1987) điều khiển xe bò từ nhà mình ra bến sông để lấy cát. Trên đường đi thì gặp hai cháu là T và L (đều sinh năm 2001, ở cùng xóm với C). Mặc dù C không đồng ý nhưng T và L đùa nghịch, tự đu nhảy lên xe bò ngồi. Đến bến sông, C điều khiển xe bò xuống mép sông để cho bò uống nước. Sau khi bò uống nước xong, C cho xe bò quay lên, nhưng do đất mép sông mềm, con bò bị sụp chân và trôi theo dòng nước làm 2 cháu T và L đang ngồi trên xe bò ngã xuống sông. Mặc dù thấy T và L trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, bị ngã xuống nước, cả hai đều không biết bơi, hai tay đạp vẫy, chới với trên mặt nước (cách C khoảng 2m) nhưng C không vội cứu T và L. Lo sợ con bò bị ngạt nước sẽ chết nên C bơi theo bò để gỡ sợi dây thừng kéo bò ra khỏi xe. Bơi được khoảng 10m, C quay lại nhìn nhưng không thấy T và L đâu. C tiếp tục bơi theo xe bò bị trôi khoảng 200m nữa thì xe bò bị mắc kẹt vào một bụi tre ven sông. Lúc này, C cột xe bò vào bụi cây rồi đưa bò lên bãi sông để thả ăn cỏ. Sau đó, T không quay lại tìm hai cháu T và L mà dắt bò về nhà. Trên đường về, C gặp mẹ của T và mẹ của L đi tìm con, C nói không gặp, không biết T và L đâu. Sau đó, C dắt bò về nhà và gọi thêm người ra vớt xe bò. Chiều hôm sau, xác hai cháu T và L nổi lên cách chỗ bị nạn khoảng 2km.

TAND huyện D tuyên phạt C 3 năm tù về tội cố ý không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, buộc phải bồi thường cho 2 gia đình có người chết 120 triệu đồng.

  1. Hình thức phạm tội của C là hành động phạm tội hay không hành động phạm tội?
  2. Hãy phân tích lỗi của C trong trường hợp này?

3.1 Hình thức phạm tội của C là hành động phạm tội hay không hành động phạm tội?

Hình thức phạm tội của C là không hành động phạm tội. Không hành động phạm tội là hình thức của hành vi khách quan làm biến đổi tình trạng bình thường của đối tượng tác động của tội phạm, gây thiệt hại cho khách thể của tội phạm bằng việc chủ thể không làm một việc mà pháp luật yêu cầu hoặc làm không đến mức yêu cầu dù có đủ khả năng và điều kiện để thực hiện. Đó là các trường hợp chủ thể có nghĩa vụ phải hành động, phải làm những việc cụ thể nhất định để đảm bảo sự an toàn về tính mạng của người khác nhưng chủ thể đã không hành động và là nguyên nhân gây ra cái chết của nạn nhân. Ở đây, mặc dù thấy T và L đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, bị ngã xuống nước, cả 2 đều còn quá nhỏ và không biết bơi, hai tay đập vẫy, chới với trên mặt nước, trong khi đó, C hoàn toàn có khả năng cứu giúp (C biết bơi và chỉ cách T và L khoảng 2m) nhưng C đã bỏ mặc 2 cháu T và L, “không vội cứu” vì lo cho con bò bị ngạt nước. Việc C không cứu T và L đã gây hậu quả là T và L tử vong do đuối nước. Như vậy, có thể khẳng đinh hình thức phạm tội của C là không hành động phạm tội.

3.2 Hãy phân tích lỗi của C trong trường hợp này?

Tội phạm là sự thống nhất giữa hai mặt khách quan và chủ quan. Vì vậy, Luật hình sự Việt nam không chấp nhận việc quy tội khách quan, nghĩa là truy cứu trách nhiệm hình sự chỉ căn cứ vào những biểu hiện của hành vi nguy hiểm cho xã hội không kể hành vi đó bắt nguồn từ đâu, diễn biến tâm lý của người thực hiện hành vi ra sao. Hoạt động định tội phải là sự kết hợp giữa mặt khách quan và chủ quan, giữa hành vi biểu hiện và thái độ bên trong của người thực hiện hành vi. Mặt chủ quan của tội phạm biểu hiện thông qua ba yếu tố: lỗi, động cơ phạm tội và mục đích phạm tội. Mỗi yếu tố có ý nghĩa khác nhau trong việc chủ thể thực hiện hành vi phạm tội. Lỗilà thái độ tâm lý bên trong của người phạm tội đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội và hậu quả nguy hiểm cho xã hội của mình cũng như khả năng gây ra hậu quả từ hành vi đó, được biểu hiện dưới hình thức cố ý hoặc vô ý.

Căn cứ vào đặc điểm cấu trúc tâm lí của yếu tố lí trí và ý chí trong những trường hợp có lỗi, luật hình sự Việt Nam chia lỗi thành hai loại – cố ý và vô ý. Lỗi cố ý gồm hai hình thức là cố ý trực tiếp và cố ý gián tiếp. Lỗi vô ý cũng gồm hai hình thức là vô ý vì quá tự tin và vô ý do cẩu thả.

Trong trường hợp này, lỗi của C được xác định là lỗi cố ý gián tiếp. Lỗi cố ý gián tiếp là lỗi của người khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó, tuy không mong muốn nhưng có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra (Điều 9 BLHS).

Về lí trí, người phạm tội nhận thức rõ tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình và thấy trước hậu quả của hành vi đó. Ở đây, C hoàn toàn nhận thức được tính chất nguy hiểm của sự việc, thấy T và L đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, bị ngã xuống nước trong khi cả hai đều không biết bơi, C cũng hoàn toàn thấy trước được hậu quả là nếu không cứu, hai đứa bé chắc chắn sẽ chết đuối do ngạt nước, nhưng C vẫn không cứu hai đứa trẻ, bỏ mặc T và L để bơi theo con bò nhằm gỡ sợi dây thừng ra khỏi xe để bò không bị ngạt nước.

Về ý chí, người phạm tội không mong muốn hậu quả nguy hiểm cho xã hội xảy ra. Hậu quả nguy hiểm cho xã hội mà người phạm tội đã thấy trước không phù hợp với mục đích của họ. Người phạm tội với lỗi cố ý gián tiếp tuy không mong muốn nhưng có ý thức để mặc đối với hậu quả nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình mà họ đã thấy trước. Trong trường hợp này, C hoàn toàn không muốn T và L chết, nhưng vì muốn cứu con bò trước nên đã bỏ mặc T và L, khi C bơi theo xe bò được khoảng 10m có quay lại nhìn nhưng không thấy T và L đâu. Ý thức để mặc hậu quả xảy ra của C thể hiện ở chỗ khi thấy cả hai cháu đang chới với trên mặt nước, C không vội cứu T và L, khi đã đưa được bò lên bãi sông để ăn cỏ, C không quay lại tìm hai cháu T và L mà dắt bò về nhà. Trên đường về, C có gặp mẹ của T và mẹ của L đi tìm con nhưng C lại nói không gặp, không biết T và L đâu. Vì vậy, có thể khẳng định rằng, lỗi của C trong trường hợp này là lỗi cố ý gián tiếp.

Mọi vướng mắc pháp lý liên quan đến lĩnh vực hình sự về trách nhiệm hình sự, quyết định hình phạt, tổng hợp hình phạt, Hãy gọi ngay: 1900.0191 để được Luật sư tư vấn pháp luật hình sự trực tuyến qua tổng đài. Đội ngũ Luật sư của LVN Group giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực hình sự luôn sẵn sàng lắng nghe và giải đáp cụ thể.

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật hình sự – Công ty luật LVN Group