1. Quyền công dân là gì ?

Quyền công dân là khả năng tự do lựa chọn hành vì của công dân mà nhà nước phải bảo đảm khi công dân yêu cầu. Quyền của công dân liên quan đến nghĩa vụ tương ứng của Nhà nước là phải bảo đảm các điều kiện cần thiết cho công dân thực hiện các quyền đã được pháp luật quy định.

Các quyền của công dân được quy định trong Hiến pháp và các văn bản pháp luật khác, điểu chỉnh những quan hệ quan trọng giữa công dân và nhà nước, là cơ sở tồn tại của cá nhân và hoạt động bình thường của xã hội.

Các quyền của công dân bao gồm các quyền về chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá, giáo dục và các quyền tự do cá nhân. Muốn được hưởng các quyền công dân của một nhà nước thì phải có quốc tịch của nhà nước đó.

Hiến pháp năm 2013 được Quốc hội Việt Nam thông qua ngày 28/11/2013 với nhiều sửa đổi, bổ sung quan trọng trong chế định quyền con người, quyền công dân. Một trong số những sửa đổi, bổ sung đó là Hiến pháp năm 2013 đã không còn đồng nhất quyền con người với quyền công dân như Hiến pháp năm 1992. Cụ thể, Hiến pháp năm 2013 đã quy định rõ những quyền [chỉ] dành cho công dân và những quyền dành cho tất cả mọi người, bằng cách sử dụng hợp lý hơn các thuật ngữ “công dân, mọi người, không ai”

Như vậy, với sự thay đổi này, sẽ có những quyền không chỉ dành cho công dân Việt Nam mà còn dành cho cả người nước ngoài hiện diện hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam.. Hiến pháp năm 2013 đã tăng cường cơ chế bảo vệ các quyền (công dân) được hiến định thông qua việc ghi nhận cả ba nghĩa vụ của Nhà nước trong lĩnh vực nhân quyền, đó là tôn trọng, bảo vệ bảo đảm (Điều 3, Điều 14(1). Cùng với đó, Hiến pháp năm 2013 đã ấn định nhiệm vụ mới là “bảo vệ quyền con người, quyền công dân

 

>>Luật sư tư vấn pháp Luật Hình sự trực tuyến qua điện thoại, gọi: 1900.0191

2. Thế nào là tước một số quyền công dân ?

Tước một số quyền công dân là hình phạt bổ sung chỉ được áp dụng đối với người phạm tội là công dân Việt Nam phạm các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội phạm khác trong trường hợp luật quy định.

Các quyền công dân bị tước là:

1) Quyển ứng cử, bầu cử đại biểu cơ quan quyền lực nhà nước;

2) Quyền làm việc trong các cơ quan nhà nước và quyền phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân.

Thời hạn tước một số quyền công dân là từ 1 năm đến 5 năm, kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù (nếu hình phạt chính là hình phạt tù) hoặc từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật nếu người bị kết án được hưởng án treo.

– Quy định của pháp luật về thi hành án phạt tước một số quyền công dân

Theo Điều 28 và Điều 39 Bộ Luật hình sự hiện hành thì tước một số quyền của công dân là hình phạt bổ sung được Toà án áp dụng đối với người bị kết án phạt tù về tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội phạm khác theo quy định của pháp luật, không cho họ thực hiện quyền bầu cử và ứng cử vào cơ quan quyền lực nhà nước (Quốc hội, Hội đồng nhân dân); quyền làm việc trong các cơ quan nhà nước và quyền phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân.
Theo điểm 10 Điều 3 Luật thi hành án hình sự năm 2010 thì thi hành án phạt tước một số quyền công dân là việc cơ quan có thẩm quyền theo quy định của Luật thi hành án hình sự tước bỏ một hoặc một số quyền công dân của người chấp hành án theo bản án đã có hiệu lực pháp luật.

3. Trình tự thi hành án phạt tước một số quyền công dân

Căn cứ theo quy định tại Điều 125 Luật thi hành án hình sự 2019, việc thi hành án phạt tước một số quyền của công dân được tiến hành như sau:

Bước 1: Thông báo về việc chấp hành hình phạt bổ sung

Hai tháng trước khi hết thời hạn chấp hành án phạt tù đối với phạm nhân có hình phạt bổ sung là tước một số quyền công dân, Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh trong trường hợp phạm nhân chấp hành án tại cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện có trách nhiệm thông báo bằng văn bản về kết quả chấp hành án phạt tù, hình phạt bổ sung mà phạm nhân còn phải chấp hành và thông tin cần thiết khác cho Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, Sở Tư pháp nơi người đó về cư trú.

Bước 2: Chấp hành xong án phạt tù

Ngay sau khi phạm nhân có hình phạt bổ sung là tước một số quyền công dân chấp hành xong án phạt tù, trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khunơi người đó chấp hành án phải gửi giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù, bản sao bản án, bản sao quyết định thi hành án cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi người chấp hành án về cư trú.

Bước 3: Lập hồ sơ thi hành án tước một số quyền công dân

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được các văn bản trên, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi người chấp hành án về cư trú có trách nhiệm lập hồ sơ thi hành án phạt tước một số quyền công dân và thông báo bằng văn bản cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó về cư trú.

Hồ sơ bao gồm:

– Bản sao bản án của Tòa án có hiệu lực pháp luật; bản sao quyết định thi hành án phạt tù;

– Giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù;

– Tài liệu khác có liên quan.

Bước 4:Thi hành án phạt bổ sung

Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi người bị tước một số quyền công dân về cư trú có nhiệm vụ theo dõi, giám sát việc thực hiện thi hành án phạt tước một số quyền công dân theo bản án của Tòa án; cung cấp danh sách người bị tước một số quyền công dân khi có đề nghị của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền.

Bước 5: Kết thúc thời hạn chấp hành án phạt

Khi hết thời hạn chấp hành án, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện phải cấp giấy chứng nhận đã chấp hành xong án phạt tước một số quyền công dân.

Giấy chứng nhận phải gửi cho người chấp hành án, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú, Tòa án đã ra quyết định thi hành án, Sở Tư pháp nơi cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện cấp giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt có trụ sở.

Lưu ý: Trường hợp người chấp hành án phạt tước một số quyền công dân là người được hưởng án treo thì sau khi nhận được bản án, quyết định thi hành án do Tòa án ra quyết định thi hành án gửi, Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện lập hồ sơ và thông báo cho cơ quan nơi người chấp hành án làm việc, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú.

4.Những quyền mà công dân bị hạn chế

Công dân trong trường hợp pháp luật quy định có thể bị tước một hoặc một số quyền sau:

– Tước quyền bầu cử, ứng cử đại biểu cơ quan quyền lực nhà nước: Theo đó, trong thời gian bị tước quyền bầu cử, ứng cử đại biểu cơ quan quyền lực nhà nước, người chấp hành án không được tham gia bầu cử hoặc ứng cử đại biểu cơ quan quyền lực nhà nước. Uỷ ban nhân dân cấp xã không được đưa người bị tước quyền bầu cử đại biểu cơ quan quyền lực nhà nước vào danh sách cử tri. Trường hợp đã có tên trong danh sách cử tri nhưng đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu bị Toà án tước quyền bầu cử thì Uỷ ban nhân dân cấp xã phải xoá tên người đó trong danh sách cử tri, thu hồi thẻ cử tri của người đó và thông báo cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện.

– Tước quyền làm việc trong cơ quan nhà nước: Trong thời gian bị tước quyền làm việc trong cơ quan nhà nước, người chấp hành án không được phép dự tuyển hoặc tiếp tục làm việc trong cơ quan nhà nước. Trường hợp người chấp hành án đang là cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan nhà nước mà bị tước quyền làm việc trong cơ quan nhà nước thì cơ quan nơi người đó làm việc phải ra quyết định hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền ra quyết định buộc thôi việc hoặc đình chỉ công tác trong thời hạn bị tước quyền làm việc trong cơ quan nhà nước đối với người đó.

– Tước quyền phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân: Trong thời gian bị tước quyền phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân, người chấp hành án không được đăng ký nghĩa vụ quân sự; dự tuyển hoặc tiếp tục làm công chức, viên chức, công nhân quốc phòng trong Quân đội nhân dân; dự tuyển hoặc tiếp tục phục vụ trong Công an nhân dân. Trường hợp người chấp hành án đang là quân nhân, công chức, viên chức, công nhân quốc phòng trong Quân đội nhân dân hoặc đang phục vụ trong cơ quan, đơn vị Công an nhân dân mà bị tước quyền phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân thì cơ quan, đơn vị nơi người đó làm việc phải ra quyết định hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền ra quyết định buộc người đó ra khỏi lực lượng vũ trang nhân dân.

Thời hạn tước một số quyền công dân là từ một năm đến năm năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù hoặc kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật trong trường hợp người bị kết án được hưởng án treo.

5. Gỉai quyết trường hợp người chấp hành án chết

Trường hợp người chấp hành án chết, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người chấp hành án cư trú thông báo cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện để thông báo cho Tòa án đã ra quyết định thi hành án.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo, Tòa án đã ra quyết định thi hành án phải ra quyết định đình chỉ thi hành án và gửi cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, Viện kiểm sát cùng cấp, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người chấp hành án cư trú, Sở Tư pháp nơi Tòa án đã ra quyết định thi hành án có trụ sở.

Mọi vướng mắc pháp lý liên quan đến lĩnh vực hình sự về tạm giam, tạm giữ khi điều tra hình sự, Hãy gọi ngay: 1900.0191 để được Luật sư tư vấn pháp luật hình sự trực tuyến qua tổng đài. Đội ngũ Luật sư của LVN Group giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực hình sự luôn sẵn sàng lắng nghe và giải đáp cụ thể.

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật hình sự – Công ty luật LVN Group