1. Quy định chung về hình thức chính thể
Hình thức chính thể là một trong ba yếu tố cấu thành của hình thức nhà nước và thường được chia làm hai loại là chính thể quân chủ và chính thể cộng hòa.
1) Chính thể quân chủ là hình thức chính thể mà quyền lực tối cao tập trung vào tay một người theo nguyên tắc cha truyền con nối. Chính thể quân chủ được chia thành chính thể quân chủ chuyên chế và chính thể quân chủ lập hiến;
2) Chính thể công hòa là hình thức chính thể mà nguyên thủ quốc gia và cơ quan lập pháp do bầu cử mà lập ra. Chính thể công hòa được chia thành chính thể cộng hòa quý tộc và chính thể cộng hòa dân chủ.
2. Quan hệ giữa nhà nước và cá nhân qua các kiểu nhà nước ?
Do bản chất, nhiệm vụ và mục tiêu cơ bản của mỗi kiểu nhà nước khác nhau, cho nên mối quan hệ giữa nhà nước và cá nhân trong từng kiểu nhà nước cũng có những biểu hiện khác nhau.
Dưới chế độ chiếm hữu nô lệ, nhà nước chủ nô là tổ chức quyền lực chính tụ của giai cấp chủ nô, do giai cấp chủ nô thiết lập và được giai cấp chủ nô sử dụng như là một công cụ có hiệu lực nhất và sắc bén nhất để đàn áp, bóc lột các cá nhân là nô lệ và những người lao động khác. Mỗi cá nhân nô lệ không được coi là con người mà chỉ là “công cụ lao động biết nói” và hoàn toàn lệ thuộc vào giai cấp chủ nô về thân thể, kinh tế, chính trị, tư tưởng, xã hội… Bởi vậy, quan hệ giữa nhà nước chủ nô và các cá nhân nô lệ là quan hệ bất bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của hai bên. Nhà nước chủ nô chỉ có quyền đàn áp, áp bức, bóc lột cá nhân nô lệ, còn mỗi cá nhân nô lệ chỉ có nghĩa vụ đem sức lao động của mình ra để phục vụ cho chủ nô.
Trong chế độ phong kiến, thân phận của các cá nhân nông dân có khá hom nô lệ ở chỗ họ không còn bị coi là vật sở hữu riêng của giai cấp địa chủ nữa mà đã được giải phóng về thân thể, nhưng vẫn là người bị lệ thuộc về kinh tế, chính trị, tư tưởng, xã hội vào nhà nước phong kiến, vì họ không có tư liệu sản xuất trong tay. Do đó, trong quan hệ giữa nhà nước phong kiến với cá nhân nông dân vẫn chưa có sự bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của hai bên. Người nông dân chỉ có nghĩa vụ phục vụ vô điều kiện cho giai cấp địa chủ và nhà nước phong kiến mà thôi.
Sang chế độ tư bản chủ nghĩa – một chế độ mà giai cấp tư sản tự cho là hoàn toàn tự do, dân chủ, bình đẳng, bác ái, nhân quyền, thì về mặt hình thức, giữa nhà nước tư sản với cá nhân hình như có sự bình đẳng về quyền và nghĩa vụ, vì hiến pháp tư sản đã ghi nhận quyền con người, quyền công dân và quy định nghĩa vụ của nhà nước tư sản đối với các cá nhân trong xã hội. Nhưng trên thực tế, nhà nước tư sản tìm mọi cách trốn tránh các nghĩa vụ đó, hoặc hạn chế tối đa các quyền của cá nhân đã được hiến pháp tư sản ghi nhận. Bằng chứng là các luật về bầu cử của nhà nước tư sản đã đặt ra hàng loạt những điều kiện cần và đủ để công dân được đi bầu cử và tự ứng cử, như số lượng tài sản của cá nhân, trình độ học vấn, thời hạn cư trú… Đặc biệt, ở thời kì tổng khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản (từ 1917 đến 1945), khi nhiều nhà nước tư sản đã chuyển thành những nhà nước độc tài phát – xít (ví dụ: ở Italia 1922, Đức 1933), thì các quyền tự do, dân chủ của công dân hoặc bị hạn chế tối đa, hoặc bị loại bỏ hoàn toàn. Vì lẽ đó, có thể khẳng định rằng trong quan hệ giữa nhà nước tư sản với cá nhân cũng không có sự bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của hai bên.
Quan hệ giữa nhà nước xã hội chủ nghĩa với cá nhân có sự biến đổi về chất, thể hiện ở sự bình đẳng về quyền, nghĩa vụ của hai bên, được ghi nhận, bảo đảm thực hiện bằng pháp luật, trở thành một nguyên tắc pháp lí quan trọng tạo nên tính thống nhất hài hoà giữa quyền và nghĩa vụ của nhà nước xã hội chủ nghĩa và cá nhân: quyền và nghĩa vụ của bên này là nghĩa vụ và quyền của bên kia. Một khi mà nguyên tắc bình đẳng và tính thống nhất hài hoà về quyền và nghĩa vụ đó không được quán triệt và thực hiện đầy đủ thì lợi ích của một bên cũng sẽ không được đảm bảo.
Luật LVN Group (biên tập)