1. Khái niệm hoãn phiên tòa

Hoãn phiên tòa là tạm ngừng trong một thời gian nhất định việc xét xử vụ án theo trình tự sơ thẩm hoặc phúc thẩm trong những trường hợp do pháp luật quy định.

Hoãn phiên tòa được hiểu là việc không tiến hành xét xử vì một số lý do nhằm đảm bảo việc xét xử được khách quan, công bằng. Việc hoàn phiên tòa này chỉ trong một thời gian nhất định, sau khoảng thời gian đó sẽ tiến hành xét xử.

Việc hoãn phiên tòa xét xử được thực hiện trước khi phiên tòa diễn ra.

Về nguyên tắc thì phiên tòa phải được tiến hành liên tục từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc phiên tòa. Tuy nhiên, có những trường hợp vì những lý do khác nhau dẫn đến phiên toà sơ thẩm không diễn ra theo đúng trình tự nêu trên và có thể bị hoãn hoặc tạm ngừng.

2. Quy định hoãn phiên tòa hình sự

Theo quy định tại Điều 294 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, các trường hợp được phép hoãn phiên tòa xét xử gồm:

– Cần phải xác minh, thu thập bổ sung chứng cứ, tài liệu, đồ vật mà không thể thực hiện ngay tại phiên tòa

– Cần tiến hành giám định bổ sung, giám định lại;

– Cần định giá tài sản, định giá lại tài sản

– Có một trong các căn cứ sau đây:

+ Phải thay đổi Kiểm sát viên tại phiên tòa

+ Phải thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm tại phiên tòa

+ Không có Thẩm phán, Hội thẩm dự khuyết để thay thế hoặc phải thay đổi chủ tọa phiên tòa mà không có Thẩm phán để thay thế

+ Kiểm sát viên bị thay đổi hoặc không thể tiếp tục thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử mà không có Kiểm sát viên dự khuyết để thay thế

+ Bị cáo vắng mặt vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan

+ Người bào chữa được chỉ định vắng mặt

+ Người phiên dịch, người dịch thuật vắng mặt mà không có người khác thay thế

Ngoài ra, Hội đồng xét xử có thể căn cứ vào từng trường hợp cụ thể để hoãn phiên tòa nếu các thành phần sau đây vắng mặt:

– Bị hại, đương sự hoặc người đại diện của họ

– Người làm chứng về những vấn đề quan trọng của vụ án

– Người giám định, người định giá tài sản

Pháp luật tố tụng hình sự quy định trong trường hợp tại phiên tòa sơ thẩm mà bị cáo vắng mặt có lý do chính đáng; Kiểm sát viên vắng mặt hoặc bị thay đổi; Thẩm phán, Hội thẩm, Thư kí phiên tòa bị thay đổi; người bào chữa được đoàn Luật sư của LVN Group cử theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng vắng mặt thì bắt buộc Hội đồng xét xử phải hoãn phiên tòa. Nếu vắng mặt người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hoặc những người đại diện hợp pháp của họ, người làm chứng, người giám định thì Hội đồng xét xử có thể hoãn phiên tòa hoặc tiếp tục xét xử.

Trường hợp tại phiền tòa phúc thẩm mà Kiểm sát viên vắng mặt thì Hội đồng xét xử phải hoãn phiên tòa; nếu người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự, người kháng cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng cáo, kháng nghị đã được Tòa án triệu tập tham gia phiên tòa phúc thẩm mà vắng mặt thì Hội đồng xét xử có thể vẫn tiến hành xét xử nhưng không được ra bản án hoặc quyết định không có lợi cho bị cáo hoặc đương sự vắng mặt; trong các trường hợp khác phải hoãn phiên tòa.

3. Thủ tục hoãn phiên tòa xét xử hình sự

Cũng tại Điều 297 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, thời gian hoãn phiên tòa không được quá 30 ngày kể từ ngày ra quyết định hoãn phiên tòa.

Đáng lưu ý là nếu đã hoãn phiên tòa thì vụ án phải được xét xử lại từ đầu.

Ngoài ra, về khi Hội đồng xét xử ra quyết định hoãn phiên tòa thì phải được lập thành văn bản, bắt buộc có các nội dung sau đây:

– Ngày, tháng, năm ra quyết định

– Tên Tòa án và họ tên Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Tòa án

– Họ tên Kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử tại phiên tòa

– Vụ án được đưa ra xét xử

– Lý do của việc hoãn phiên tòa

– Thời gian, địa điểm mở lại phiên tòa

Khi đó, Hội đồng xét xử phải thông báo cho những người tham gia tố tụng có mặt tại phiên tòa. Trong thời gian 02 ngày kể từ ngày ra quyết định, phải gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp và những người vắng mặt tại phiên tòa.

4. Quy định hoãn phiên tòa dân sự sơ thẩm

Theo quy định tại Điều 233 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 gọi tắt là BLTTDS, Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa trong các trường hợp sau đây:

– Phải thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án;

– Phải thay đổi Kiểm sát viên;

– Phải thay đổi người giám định, người phiên dịch;

– Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ nhất nhưng đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự vắng mặt;

– Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai nếu vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan mà đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự vắng mặt;

– Người làm chứng vắng mặt và sự vắng mặt của người này gây khó khăn, ảnh hưởng đến việc giải quyết khách quan, toàn diện vụ án;

– Người giám định vắng mặt;

– Người phiên dịch vắng mặt mà không có người khác thay thế;

– Có người đề nghị hoãn phiên tòa khi người tham gia tố tụng vắng mặt mà không thuộc trường hợp được hoãn nêu trên thì Hội đồng xét xử có thể xem xét chấp nhận hoặc không chấp nhận. Nếu không chấp nhận thì phải nêu rõ lý do vì sao.

Trong đó, thời hạn hoãn phiên tòa là không quá 01 tháng. Với các phiên tòa xét xử theo thủ tục rút gọn thì thời hạn hoãn không quá 15 ngày kể từ ngày ra quyết định hoãn phiên tòa.

5. Hoãn phiên tòa phúc thẩm trong tố tụng dân sự

Điều 16 Nghị quyết 06/2012/NQ-HĐTP Hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ ba “Thủ tục giải quyết vụ án tại Tòa án cấp phúc thẩm” của Bộ luật Tố tụng dân sự đã được quy định như sau:

1. Trong mọi trường hợp, người kháng cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng cáo, kháng nghị, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ vắng mặt lần thứ nhất, thì Hội đồng xét xử phúc thẩm phải hoãn phiên toà mà không phân biệt họ vắng mặt có lý do chính đáng hay không có lý do chính đáng, trừ trường hợp họ có đơn đề nghị xét xử vắng mặt thì Tòa án vẫn tiến hành xét xử vắng mặt họ.

2. Người kháng cáo đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không vì sự kiện bất khả kháng thì bị coi là từ bỏ việc kháng cáo và Hội đồng xét xử phúc thẩm ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án có kháng cáo của người kháng cáo vắng mặt (nếu trong vụ án không có người kháng cáo khác).

Trường hợp có nhiều người kháng cáo mà có người kháng cáo thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 266 của BLTTDS, thì Hội đồng xét xử phúc thẩm tiến hành xét xử phúc thẩm vụ án theo thủ tục chung đối với kháng cáo của những người kháng cáo có mặt tại phiên toà.

Trường hợp có nhiều người kháng cáo mà có người kháng cáo vắng mặt thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 266 của BLTTDS và phần vụ án có kháng cáo của người kháng cáo vắng mặt đó độc lập và không liên quan đến phần khác của bản án bị kháng cáo, kháng nghị, thì Hội đồng xét xử phúc thẩm đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với phần vụ án có kháng cáo của người kháng cáo vắng mặt mà không phải ra quyết định riêng bằng văn bản, nhưng phải ghi rõ trong bản án.

Toà án cấp phúc thẩm cũng phải hoãn phiên toà đối với người kháng cáo vắng mặt tại phiên toà phúc thẩm nếu thuộc trường hợp hướng dẫn tại khoản 3 Điều 28 Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP ngày 03-12-2012 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành các quy định trong Phần thứ hai “Thủ tục giải quyết vụ án tại Toà án cấp sơ thẩm” của Bộ luật tố tụng dân sự.

Trong quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm phải ghi rõ bản án, quyết định sơ thẩm có hiệu lực pháp luật.

3. Đối với người tham gia tố tụng khác không phải là người kháng cáo vắng mặt tại phiên toà, thì việc hoãn phiên toà hay vẫn tiến hành xét xử phúc thẩm được thực hiện theo quy định tại các điều 199, 202, 204, 205 và Điều 206 của BLTTDS và hướng dẫn tại Điều 27 và Điều 28 Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành các quy định trong Phần thứ hai “Thủ tục giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm” của Bộ luật tố tụng dân sự. Người tham gia tố tụng khác phải là người liên quan đến kháng cáo, kháng nghị theo quy định tại Điều 263 của BLTTDS, thì Toà án cấp phúc thẩm mới xem xét việc hoãn phiên toà. Nếu họ không có liên quan đến việc xét xử phúc thẩm (quyền lợi, nghĩa vụ của họ độc lập với việc xem xét kháng cáo, kháng nghị) thì Toà án cấp phúc thẩm không phải xem xét việc hoãn phiên toà.

4. Trường hợp Hội đồng xét xử phúc thẩm hoãn phiên toà phúc thẩm, thì thời hạn hoãn phiên toà và quyết định hoãn phiên toà phúc thẩm được thực hiện theo quy định tại Điều 208 của BLTTDS và hướng dẫn tại Điều 29 Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ hai “Thủ tục giải quyết vụ án tại Toà án cấp sơ thẩm” của Bộ luật tố tụng dân sự.

6. Quy định hoãn phiên tòa dân sự có yếu tố nước ngoài

Theo khoản 3 Điều 477 BLTTDS, các phiên tòa dân sự có yếu tố nước sẽ được hoãn trong các trường hợp sau:

– Đương sự ở nước ngoài đề nghị hoãn phiên tòa lần thứ nhất;

– Đương sự ở nước ngoài vắng mặt tại phiên tòa lần thứ nhất trừ trường hợp có đơn đề nghị xét xử vắng mặt;

– Tòa án không nhận được văn bản thông báo về kết quả tống đạt cũng như lời khai, tài liệu, chứng cứ của đương sự ở nước ngoài và đến ngày mở phiên tòa, đương sự ở nước ngoài không có mặt, không có đơn đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt họ.

Như vậy, theo quy định nêu trên, phiên tòa dân sự sơ thẩm có thể được hoãn 09 lần, phiên tòa dân sự phúc thẩm có thể hoãn 03 lần và phiên tòa dân sự có yếu tố nước ngoài có thể được hoãn 03 lần.

Luật Minh KHuê (tổng hợp & phân tích)