1. Sự ra đời của Hiến pháp năm 1980

Thắng lợi vĩ đại của Chiến dịch Hồ Chí Minh mùa xuân năm 1975 đã mở ra một giai đoạn mới trong lịch sử dân tộc ta. Miền Nam được hoàn toàn giải phóng, cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân đã hoàn thành trong phạm vi cả nước. Nước ta đã hoàn toàn độc lập, tự do, là điều kiện thuận lợi để thống nhất hai miền Nam – Bắc, đưa cả nước quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội. Hiến pháp năm 1959 đã hoàn thành nhiệm vụ của mình. Đất nước Việt Nam lại cần một bản Hiến pháp mới. Ngày 24/6/1976, Quốc hội khóa VI tiến hành kỳ họp đầu tiên. Tại kỳ họp này, Quốc hội đã ra Nghị quyết về việc sửa đổi Hiến pháp năm 1959 và thành lập Uỷ ban dự thảo Hiến pháp gồm 36 người do đồng chí Trường Chinh – Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Quốc hội làm Chủ tịch. Sau một năm rưỡi làm việc khẩn trương, Ủy ban đã hoàn thành dự thảo. Bản dự thảo được đưa ra toàn dân thảo luận. Tháng 9/1980, Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam đã họp kỳ đặc biệt để xem xét và cho ý kiến bổ sung, chỉnh lý trước khi trình Quốc hội thảo luận, thông qua. Ngày 18/12/1980, tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa VI đã nhất trí thông qua Hiến pháp. Với 12 chương, 147 điều, Hiến pháp năm 1980 đã xác định bản chất giai cấp của Nhà nước ta là Nhà nước chuyên chính vô sản, có sứ mệnh lịch sử là thực hiện quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, động viên và tổ chức nhân dân xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội, tiến lên chủ nghĩa cộng sản. Cũng tại bản Hiến pháp này, bên cạnh việc xác định vị trí, vai trò của các tổ chức chính trị – xã hội như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng công đoàn Việt Nam, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến Việt Nam, vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội đã được thể chế thành một điều của Hiến pháp (Điều 4)…

2. Hội đồng nhà nước (HĐNN) là gì?

Hội đồng nhà nước là cơ quan cao nhất hoạt động thường xuyên của Quốc hội, Chủ tịch tập thể của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, được thành lập ra theo Hiến pháp Việt Nam năm 1980, tồn tại qua hai khoá Quốc hội – khoá VII (1981 – 1987) và khoá VIII (1987 – 1992) . Hội đồng nhà nước gồm Chủ tịch, các Phó chủ tịch Quốc hội, Tổng thư kí và các Uỷ viên trong số các đại biểu Quốc hội. Thành viên của Hội đồng nhà nước không thể đồng thời là thành viên của Hội đồng Bộ trưởng.

Hội đồng nhà nước là sự kết hợp tính chất cơ quan thường trực của Quốc hội và nguyên thủ quốc gia, thay thế chức năng của Uỷ ban thường vụ Quốc hội và Chủ tịch nước. Hội đồng nhà nước thực hiện những nhiệm vụ, sử dụng những quyền hạn được Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội giao cho, thể hiện trên 4 lĩnh vực: thực hiện chức năng thường vụ, thường trực của Quốc hội; quyết định những vấn đề quan trọng về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; giám sát việc thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội và Hội đồng nhà nước, giám sát hoạt động của bộ máy nhà nước; thông qua Chủ tịch Hội đồng nhà nước, thay mặt nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại của đất nước. Hội đồng nhà nước chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội. Nhiệm kì của Hội đồng nhà nước theo nhiệm kì của Quốc hội. Trong hoạt động của mình, Hội đồng nhà nước ban hành pháp lệnh và nghị quyết. Chủ tịch Hội đồng nhà nước thống lĩnh các lực lượng vũ trang nhân dân toàn quốc và giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quốc phòng.

3. Chế định Hội đồng nhà nước theo Hiến pháp năm 1980

3.1. Chức năng của HĐNN

Điều 98 Hiến pháp 1980:

“Hội đồng Nhà nước là cơ quan cao nhất hoạt động thường xuyên của Quốc hội, là Chủ tịch tập thể của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Hội đồng Nhà nước thực hiện những nhiệm vụ và sử dụng những quyền hạn được Hiếp pháp, các luật và nghị quyết của Quốc hội giao cho, quyết định những vấn đề quan trọng về xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, giám sát việc thi hành Hiếp pháp, các luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội và của Hội đồng Nhà nước, giám sát hoạt động của bộ máy Nhà nước.

Hội đồng Nhà nước, thông qua Chủ tịch Hội đồng, thay mặt nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại.”

Như vậy, HĐNN vừa thực hiện chức năng của cơ quan thường trực của Quốc hội vừa thực hiện chức năng của Nguyên thủ quốc gia.

3.2. Cơ cấu tổ chức của HĐNN

Thành phần của HĐNN theo Điều 99 Hiến pháp 1980 bao gồm: Chủ tịch HĐNN; các Phó Chủ tịch HĐNN; Tổng thư ký HĐNN; các ủy viên HĐNN. Các thành viên của HĐNN do Quốc hội bầu ra trong số các Đại biểu Quốc hội.

3.3. Quyền hạn của HĐNN

Quyền hạn của HĐNN gồm có 21 loại được quy định tại Điều 100 Hiến pháp 1980:

“Hội đồng Nhà nước có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

1- Tuyên bố và chủ trì việc bầu cử đại biểu Quốc hội.

2- Triệu tập các kỳ họp của Quốc hội.

3- Công bố luật.

4- Ra Pháp lệnh.

5- Giải thích Hiến pháp, luật và pháp lệnh.

6- Quyết định việc trưng cầu ý kiến nhân dân.

7- Giám sát công tác của Hội đồng bộ trưởng, của Toà án nhân dân tối cao và của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

8- Đình chỉ việc thi hành và sửa đổi hoặc bãi bỏ những Nghị quyết, Nghị định, Quyết định của Hội đồng Bộ trưởng trái với Hiến pháp, Luật và Pháp lệnh.

9- Giám sát và hướng dẫn hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp, nhằm phát huy chức năng cơ quan đại biểu nhân dân của Hội đồng nhân dân.

10- Sửa đổi hoặc bãi bỏ những nghị quyết không thích đáng của các Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cấp tương đương; giải tán các Hội đồng nói trên trong trường hợp các Hội đồng đó làm thiệt hại nghiêm trọng đến quyền lợi của nhân dân.

11- Trong thời gian Quốc hội không họp, quyết định việc thành lập hoặc bãi bỏ các bộ, các Uỷ ban Nhà nước.

12- Trong thời gian Quốc hội không họp, cử và bãi miễn các Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, các Bộ trưởng, các Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước.

13- Cử và bãi miễn các Phó Chánh án, Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân của Toà án nhân dân tối cao; cử và bãi miễn các Phó Viện trưởng và kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

14- Bổ nhiệm, bãi miễn và triệu hồi các đại diện toàn quyền ngoại giao của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài và ở các tổ chức quốc tế.

15- Tiếp nhận các đại diện toàn quyền ngoại giao của nước ngoài.

16- Phê chuẩn hoặc bãi bỏ những hiệp ước quốc tế, trừ trường hợp xét thấy cần trình Quốc hội quyết định.

17- Quy định hàm và cấp quân sự, ngoại giao và những hàm và cấp khác.

18- Quy định và quyết định việc tặng thưởng huân chương, huy chương và danh hiệu vinh dự Nhà nước.

19- Quyết định đặc xá.

20- Trong thời gian Quốc hội không họp, tuyên bố tình trạng chiến tranh khi nước nhà bị xâm lược.

21- Quyết định việc tổng động viên hoặc động viên cục bộ, việc giới nghiêm trong toàn quốc hoặc từng địa phương.

Những quyết định của Hội đồng Nhà nước nói ở các điểm 11, 12 và 20 phải trình Quốc hội phê chuẩn trong kỳ họp gần nhất của Quốc hội.

Quốc hội có thể giao cho Hội đồng Nhà nước những nhiệm vụ và quyền hạn khác, khi xét thấy cần thiết.”

Trong các quyền hạn nói trên thì những quyết định thành lập hoặc bãi bỏ các Bộ, các Ủy ban Nhà nước; cử và bãi miễn các Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, các Bộ trưởng, các Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước; việc tuyên bố tình trạng chiến tranh khi nước nhà bị xâm lược, HĐNN phải trình Quốc hội phê chuẩn trong kỳ họp gần nhất.

3.4 Nhiệm kỳ của HĐNN

Điều 101 Hiến pháp 1980 quy định

“Nhiệm kỳ của Hội đồng Nhà nước theo nhiệm kỳ của Quốc hội.

Khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Hội đồng Nhà nước tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi Quốc hội khoá mới bầu ra Hội đồng Nhà nước mới.”

4. Mối quan hệ giữa Quốc hội (QH) và HĐNN

Theo Hiến pháp 1980, mối quan hệ giữa Quốc hội với tư cách là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất với Hội đồng Nhà nước thể hiện ở một số điểm cơ bản. Đó là: Hội đồng Nhà nước là cơ quan hoạt động thường xuyên của QH, chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước QH (Điều 98); QH quy định tổ chức của Hội đồng Nhà nước, bầu và bãi miễn các Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các thành viên khác của Hội đồng Nhà nước (Điều 83, các khoản 6,7); QH xem xét báo cáo công tác của Hội đồng Nhà nước (Điều 83, khoản 9). Ngoài những nhiệm vụ và quyền hạn được Hiến pháp quy định, Hội đồng Nhà nước còn thực hiện những nhiệm vụ và quyền hạn được quy định trong các luật và nghị quyết của QH ( Điều 98).
Có thể nhận thấy rằng, Hiến pháp 1980 tiếp tục áp dụng nguyên tắc tập quyền XHCN, đề cao vị trí, quyền hạn của Quốc hội trong bộ máy nhà nước. Điều 82 Hiến pháp 1980 xác định: “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến, lập pháp. Quốc hội quyết định những chính sách cơ bản về đối nội và đối ngoại, những mục tiêu phát triển kinh tế và văn hóa, những quy tắc chủ yếu về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, về quan hệ xã hội và hoạt động của công dân. Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước”. Trên cơ sở đó, Điều 83 Hiến pháp 1980 trao cho Quốc hội 15 loại nhiệm vụ, quyền hạn. Cũng theo quy định của Hiến pháp 1980, Quốc hội họp mỗi năm hai kỳ thường lệ. Thời gian tiến hành kỳ họp trên thực tế thường rất ngắn, khoảng từ 5 đến 10 ngày. Với một khoảng thời gian ngắn như vậy, Quốc hội không thể nào giải quyết được tất cả những nhiệm vụ, quyền hạn được Hiến pháp quy định. Vì vậy, giữa hai kỳ họp, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội được trao lại khá nhiều cho HĐNN đảm nhiệm. Hiến pháp 1980 tiếp tục quy định theo hướng “tối đa hóa” các quyền hạn của HĐNN: 1) HĐNN vừa thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thường trực hoạt động thường xuyên của Quốc hội, vừa thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Nguyên thủ quốc gia; 2) Nhiều quyền hạn lẽ ra là của Quốc hội thì Hiến pháp 1980 tiếp tục trao cho HĐNN; 3) Xét về số lượng các quyền thì Hiến pháp 1980 quy định cho HĐNN đến 21 loại quyền hạn, trong khi đó chỉ quy định cho Quốc hội có 15 loại quyền hạn; 4) Không chỉ dừng lại ở 21 loại quyền hạn, Hiến pháp 1980 còn quy định: “Quốc hội có thể giao cho HĐNN những nhiệm vụ và quyền hạn khác, khi xét thấy cần thiết”.