Nay tôi viết đơn xin nghỉ việc trước 45 ngày và được Công ty chấp thuận cho nghỉ. Nhưng khi nghỉ Công ty không chi trả cho tôi tiền trợ cấp thôi việc khoảng thời gian không đóng BHTN cho tôi. Vậy tôi muốn hỏi như sau:

1/ Việc Cty không chi trả trợ cấp thôi việc như vậy có sai không?

2/ Tôi phải làm đơn gì? Và gửi cơ quan nào để khiếu nại việc này?

3/ Nếu được Công ty chi trả trợ cấp thôi việc thì tính trong khoảng thời gian nào trong 02 trường hợp sau: a/ Từ tháng 05/2012 -> tháng 12/2014. b/ Từ tháng 07/2012 -> tháng 12/2014.

4/ Nếu được hưởng thì số tiền tôi nhận được là bao nhiêu? (tiền lương đóng bảo hiểm trước khi nghỉ việc của tôi là: 2.568.000 đ). Kính mong các Luật sư của LVN Group xem xét tư vấn giúp, tôi xin chân thành cảm ơn !

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tới thư mục tư vấn của công ty chúng tôi, với câu hỏi của bạn chúng tôi xin trả lời như sau:

Cơ sở pháp lý:

Bộ luật lao động năm 2012

Nghị định số 95/2013/NĐ-CPcủa Chính phủ : Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

Nội dung tư vấn:

1/ Việc Công ty không chi trả trợ cấp thôi việc như vậy có sai không?

Theo dữ liệu bạn đưa ra thì công ty đã ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn với bạn từ tháng 7/2012 do vậy, việc đóng bảo hiểm xã hội của bạn sẽ phải áp dụng theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006. Điểm a Khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006 quy định:

“Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là công dân Việt Nam, bao gồm:

a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ ba tháng trở lên;”

Như vậy, việc công ty không đóng bảo hiểm xã hội cho bạn là hoàn toàn không đúng theo quy định pháp luật.

Bạn có nói rằng, bạn đã viết đơn xin nghỉ việc, báo trước 45 ngày và đã được công ty chấp thuận do đó theo đúng quy định tại Điều 48 Bộ luật Lao động năm 2012 bạn sẽ được công ty chi trả trợ cấp thôi việc cho những thời gian không tham gia bảo hiểm thất nghiệp, cụ thể:

“Điều 48. Trợ cấp thôi việc

1. Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 và 10 Điều 36 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.

2. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc.

3. Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc.”

Như vậy, việc công ty không chi trả cho bạn trợ cấp thôi việc khi bạn chấm dứt hợp đồng lao động là không chính xác.

2/ Tôi phải làm đơn gì? Và gửi cơ quan nào để khiếu nại việc này?

Trong trường hợp này để bảo vệ quyền lợi của mình thì bạn có thể yêu cầu tổ chức công đoàn hỗ trợ đàm phán với công ty , nếu thương lượng không thành bạn có thể làm đơn yêu cầu hòa giải viên lao động hoặc khởi kiện ra tòa án có thẩm quyền theo Điều 201, Điều 202 Bộ luật lao động năm 2012:

Điều 200. Cơ quan, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân

1. Hoà giải viên lao động.

2. Toà án nhân dân.

Điều 201. Trình tự, thủ tục hòa giải tranh chấp lao động cá nhân của hòa giải viên lao động

1. Tranh chấp lao động cá nhân phải thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu tòa án giải quyết, trừ các tranh chấp lao động sau đây không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải:

a) Về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc tranh chấp về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;

b) Về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động;

c) Giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động;

d) Về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế;

đ) Về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu hoà giải, hòa giải viên lao động phải kết thúc việc hòa giải.

3. Tại phiên họp hoà giải phải có mặt hai bên tranh chấp. Các bên tranh chấp có thể uỷ quyền cho người khác tham gia phiên họp hoà giải.

Hoà giải viên lao động có trách nhiệm hướng dẫn các bên thương lượng. Trường hợp hai bên thỏa thuận được, hòa giải viên lao động lập biên bản hòa giải thành.

Trường hợp hai bên không thỏa thuận được, hòa giải viên lao động đưa ra phương án hoà giải để hai bên xem xét. Trường hợp hai bên chấp nhận phương án hoà giải, hoà giải viên lao động lập biên bản hoà giải thành.

Trường hợp hai bên không chấp nhận phương án hoà giải hoặc một bên tranh chấp đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng, thì hoà giải viên lao động lập biên bản hoà giải không thành.

Biên bản có chữ ký của bên tranh chấp có mặt và hoà giải viên lao động.

Bản sao biên bản hoà giải thành hoặc hoà giải không thành phải được gửi cho hai bên tranh chấp trong thời hạn 01 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản.

4. Trong trường hợp hoà giải không thành hoặc một trong hai bên không thực hiện các thỏa thuận trong biên bản hòa giải thành hoặc hết thời hạn giải quyết theo quy định tại khoản 2 Điều này mà hoà giải viên lao động không tiến hành hoà giải thì mỗi bên tranh chấp có quyền yêu cầu Toà án giải quyết.

Điều 202. Thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân

1. Thời hiệu yêu cầu hòa giải viên lao động thực hiện hòa giải tranh chấp lao động cá nhân là 06 tháng, kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.

2. Thời hiệu yêu cầu Toà án giải quyết tranh chấp lao động cá nhân là 01 năm, kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.

Bạn có thể tham khảo mẫu đơn sau: Mẫu đơn khởi kiện

3/ Nếu được Công ty chi trả trợ cấp thôi việc thì tính trong khoảng thời gian nào trong 02 trường hợp sau: a/ Từ tháng 05/2012 -> tháng 12/2014. b/ Từ tháng 07/2012 -> tháng 12/2014.

Tháng 5/2012 bạn bắt đầu vào công ty làm, tháng 7/2012 bạn được công ty ký hợp đồng lao động chính thức do vậy, có thể hiểu tháng 5,6/2012 bạn đang thử việc tại công ty, đối chiếu theo Điểm a Khoản 3 Điều 14 Nghị định 05/2015/NĐ-CP thì:

“a) Thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động bao gồm: thời gian người lao động đã làm việc cho người sử dụng lao động; thời gian thử việc,..”

Như vậy, thời gian công ty cần phải tính tiền trợ cấp thôi việc cho bạn bắt đầu từ tháng 5/2012 – 12/2014.

4/ Mức hưởng trợ cấp thôi việc của bạn sẽ căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 48 Bộ luật Lao động năm 2012 nêu trên.

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.0191 hoặc gửi qua email:Tư vấn pháp luật lao động bảo hiểm qua Emailđể nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật LVN Group.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Bộ phận Tư vấn Pháp luật lao động.