1. Cơ sở pháp lý:

– Bộ luật dân sự năm 2015

– Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 sửa đổi năm 2017

2. Hợp đồng tín dụng ngân hàng là gì?

Hợp đồng tín dụng ngân hàng là việc thoả thuận bằng văn bản giữa tổ chức tín dụng (bên cho vay) với tổ chức, cá nhân vay vốn (bên vay), theo đó, tổ chức tín dụng cam kết cho bên vay vay khoản tiền với điều kiện hoàn trả gốc và lãi trong thời hạn nhất định.

Hợp đồng cho vay là hình thức pháp lý của quan hệ tín dụng, chiếm vị trí quan trọng, trung tâm của pháp luật ngân hàng.

3. Đặc điểm chủ thể là tổ chức tín dụng của hợp đồng cho vay trong lĩnh vực ngân hàng

Pháp luật Việt Nam hiện hành đề cập các tổ chức tín dụng như là chủ thể bắt buộc của hợp đồng cho vay. Theo khoản 1, Điều 4 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 thì: “Tổ chức tín dụng là doanh nghiệp thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động ngân hàng”. Như vậy, nhà lập pháp đã xác lập phạm vi hoạt động của tổ chức tín dụng, một loại hình doanh nghiệp đặc thù trong nền kinh tế. Đồng thời Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 cũng nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân sử dụng thuật ngữ “ngân hàng” trong tên của doanh nghiệp hoặc thể hiện phạm vi hoạt động của doanh nghiệp nếu không phải là tổ chức tín dụng.

Đây là sự khác biệt cơ bản so với chủ thể hợp đồng vay tài sản (bao hàm cả vay tiền) trong dân sự (Điều 463 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015) vốn dĩ được giao kết giữa bất kỳ tổ chức, cá nhân nào. Điểm tương đồng của các dạng hợp đồng này là nghĩa vụ hoàn trả đầy đủ tiền vay và lãi suất nhưng mục đích, ý nghĩa cho vay có sự khác biệt. Với quy định mới cho phép các bên thỏa thuận về lãi suất không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay (khoản 1 Điều 468 BLDS năm 2015), pháp luật dân sự hướng đến mục đích bảo vệ quyền lợi vật chất của bên cho vay, tránh sự phụ thuộc quá nhiều vào vốn vay của ngân hàng nên giao dịch này mang ý nghĩa sinh lời. Ngoài ra, nó có nguy cơ lấn át hoạt động chuyên nghiệp của ngân hàng vì thủ tục đơn giản, thông thường không cần thế chấp để bảo đảm khoản vay.

Về bản chất, các tổ chức tín dụng là những doanh nghiệp kinh doanh tiền tệ với phương thức huy động vốn và cấp tín dụng. Nguồn vốn mà tổ chức tín dụng chuyển giao cho bên đi vay sử dụng tạm thời (cấp tín dụng) có nguồn gốc do tổ chức tín dụng huy động từ công chúng. Khi chuyển giao nguồn vốn tiền tệ để sử dụng tạm thời theo nguyên tắc có hoàn trả cả vốn và lãi vay, tổ chức tín dụng phải tuân thủ các yêu cầu kiểm soát nghiêm ngặt được Nhà nước đặt ra thông qua quy định cấm cho vay, hạn chế cho vay, cho vay có bảo đảm.

Như vậy, chế định hợp đồng cho vay với chủ thể một bên là các tổ chức tín dụng (chủ thể này có thể có nhiều ngân hàng cùng tham gia khi cho vay hợp vốn, còn gọi là cho vay đồng tài trợ áp dụng đối với khoản vay phức tạp, giá trị khoản vay lớn, được cấp cho người vay bởi một nhóm các ngân hàng), chịu sự điều chỉnh của pháp luật ngân hàng, phù hợp với bản chất là một chế định trung gian, điều tiết vốn, tách bạch với hợp đồng vay tài sản.

Trong thực tiễn xét xử ở Việt Nam, Tòa án vẫn còn nhầm lẫn giữa hai dạng hợp đồng này. Ví dụ, vụ án Ngân hàng Thương mại cổ phần AC kiện khách hàng (bị đơn) ra Tòa án, phía bị đơn kháng cáo bản án sơ thẩm với lý do lãi suất ghi trong hợp đồng cao hơn lãi suất do Ngân hàng nhà nước quy định và chế tài ngân hàng áp dụng đối với khoản nợ gốc quá hạn không đúng. Hội đồng xét xử vụ án cấp phúc thẩm đã nhận định: “Đây là quan hệ tín dụng giữa một bên là cá nhân và một bên là tổ chức tín dụng, không phải quan hệ giữa cá nhân với cá nhân nên không thể lấy lãi suất trần cơ bản để điều chỉnh” nên tuyên bác kháng cáo.

Phán quyết của Tòa án cấp phúc thẩm về phần lãi suất theo chúng tôi là đúng pháp luật bởi lẽ đây là quan hệ cho vay trong lĩnh vực ngân hàng, nên bên đi vay bắt buộc phải chịu lãi suất cho vay theo cơ chế thỏa thuận phù hợp với cung cầu của thị trường được ghi trong hợp đồng. Tuy nhiên, thay vì xác định đây là dạng tranh chấp hợp đồng cho vay thì Tòa án xác định đây là vụ án “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản” chịu sự điều chỉnh của luật dân sự có khống chế trần lãi suất là không đúng, mâu thuẫn với nhận định ban đầu của chính bản cấp phúc thẩm. Sai sót như trên rất phổ biến, là minh chứng cho thấy các Tòa án vẫn chưa phân định hai dạng hợp đồng này vốn dĩ có sự khác biệt cơ bản về đặc điểm chủ thể và đối tượng, luật áp dụng.

Việc nghiên cứu tư cách chủ thể hợp đồng cho vay không chỉ làm rõ pháp luật điều chỉnh hay đặc điểm chuyên biệt của ngân hàng như đã nêu. Cần thiết phải làm sáng tỏ năng lực chủ thể của các bên tham gia quan hệ hợp đồng cho vay qua thực tiễn giải quyết tranh chấp để từ đó có những kiến nghị phù hợp.

4. Năng lực chủ thể trong quan hệ hợp đồng cho vay

Năng lực của chủ thể hợp đồng cho vay bao gồm năng lực pháp luật và năng lực hành vi của chủ thể đó. Nếu không có năng lực thực sự, các bên khó có thể đạt được mục đích dân sự, kinh tế hướng đến, năng lực này thông thường không tương đồng nhau, nhưng luôn gắn liền với sự tín nhiệm và khả năng quản lý của chủ thể đó.

4.1. Đối với bên cho vay (tổ chức tín dụng)

Chủ thể cho vay là các tổ chức tín dụng gắn liền với hoạt động kinh doanh tiền tệ và dịch vụ ngân hàng, thuộc lĩnh vực kinh doanh có điều kiện. Theo Điều 20 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010, để thành lập hợp pháp, các tổ chức tín dụng bắt buộc phải có “Đề án thành lập, phương án kinh doanh khả thi, không gây ảnh hưởng đến sự an toàn, ổn định của hệ thống tổ chức tín dụng; không tạo ra sự độc quyền hoặc hạn chế cạnh tranh hoặc cạnh tranh không lành mạnh trong hệ thống tổ chức tín dụng”. Các điều kiện này phải được sự thẩm tra, chấp thuận bằng văn bản của Ngân hàng nhà nước trước khi đăng ký thành lập ngân hàng (Điều 29 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP). Khác với các chủ thể doanh nghiệp khác, chủ thể ngân hàng được thành lập còn phải phù hợp nhu cầu, điều kiện phát triển ngành ngân hàng và đặc thù từng ngân hàng có đối tượng và chức năng cho vay được Nhà nước hoạch định.

Quy định công ty tài chính được phép cho vay trả góp và cho vay tiêu dùng (điểm d, khoản 1, Điều 108 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010) vô hình trung như một sự loại trừ phạm vi chức năng kinh doanh, dễ gây nhầm lẫn là các chủ thể ngân hàng khác không được cho vay tiêu dùng trong khi đây là hoạt động truyền thống, thường xuyên của các ngân hàng thương mại. Quy định này tạo ra sự bất bình đẳng giữa các chủ thể ngân hàng khi cho vay tiêu dùng, cũng như khó khăn trong việc thiết lập cơ chế pháp lý phù hợp đối với bên đi vay vốn dĩ là bên “yếu thế” được pháp luật hợp đồng ghi nhận bảo vệ theo nghĩa bình đẳng như một thông lệ chung.

Ngân hàng là tổ chức kinh tế đặc biệt có tư cách pháp nhân được ký hợp đồng cho vay và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ pháp lý của mình. Các chi nhánh, phòng giao dịch là những đơn vị phụ thuộc (theo quy định hiện nay phòng giao dịch không cấp tín dụng cho một khách hàng vượt quá 2 tỷ đồng hoặc ngoại tệ tương đương) không phải là chủ thể của hợp đồng cho vay.

Việc ghi nhận các tổ chức tín dụng nước ngoài hoạt động thương mại tại Việt Nam, trong đó, Chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam bị hạn chế cung ứng một số dịch vụ ngoại hối trên thị trường quốc tế cho khách hàng tại Việt Nam (khoản 2, Điều 123 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010) là phù hợp với đặc thù kinh doanh ngoại tệ nhạy cảm, nhiều rủi ro. Song một thời gian dài trước đây, chính sự phân chia chủ thể này gây khó khăn cho các ngân hàng, làm hạn chế cho vay, hạn chế mở rộng kinh doanh tương tự như các tổ chức tín dụng khác. Hiện nay Nhà nước đã ban hành nhiều quy định “cởi trói”, tạo môi trường cho vay bình đẳng hơn cho các tổ chức tín dụng nước ngoài hoạt động thương mại tại Việt Nam thông qua việc sắp xếp các quy định cho vay áp dụng chung… củng cố, bảo đảm cho các tổ chức tín dụng nước ngoài này quyền được nắm giữ bất động sản do việc xử lý nợ vay, làm nền tảng để xoay vòng vốn vay hiệu quả.

Năng lực chủ thể còn được thực hiện thông qua các bộ phận cấu thành của pháp nhân. Nếu cho rằng hội đồng tín dụng của các ngân hàng hoạt động theo quy chế nội bộ (khoản 1 Điều 91 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010) thì vẫn chưa đầy đủ ý nghĩa, vì pháp luật không ghi nhận tư cách hội đồng tín dụng và giá trị pháp lý của văn bản nội bộ do ngân hàng phát hành. Mặt khác, các thành viên hội đồng tín dụng tuy xét duyệt các khoản vay lớn nhưng dựa trên các tài liệu có sẵn, không tiếp xúc, phỏng vấn với người có thẩm quyền xin vay vốn, khi ký hợp đồng cho vay cũng phải do người đứng đầu pháp nhân hoặc người đại diện theo ủy quyền thực hiện nên không phải là chủ thể hay đơn vị phụ thuộc của ngân hàng. Phạm vi trách nhiệm của từng thành viên hội đồng tín dụng trước pháp luật đến đâu, bao hàm cả trách nhiệm dân sự và hình sự đối với khoản vay bị mất vốn cũng là vấn đề đang bỏ ngỏ.

4.2. Đối với bên đi vay (khách hàng)

Pháp luật phân chia các chủ thể bên đi vay như sau:

– Bên đi vay là tổ chức, thông thường là tổ chức kinh tế, có tư cách pháp nhân (các điều kiện quy định cụ thể tại khoản 1, Điều 74 BLDS năm 2015), bao gồm các loại hình doanh nghiệp được thành lập hợp pháp theo Luật Doanh nghiệp năm 2020, Luật Đầu tư năm 2020 như công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, hợp tác xã.

– Bên đi vay là cá nhân (kể cả chủ doanh nghiệp tư nhân), thành viên hộ gia đình, thành viên tổ hợp tác. Việc pháp luật không xác định chủ thể hộ gia đình, tổ hợp tác gây nhiều ý kiến trái chiều vì đây là chủ thể dân sự, chiếm số lượng lớn, đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Song có thể thấy việc phân chia như trên là phù hợp với thông lệ chung, phù hợp với nguyên tắc định đoạt tài sản của cá nhân nếu chủ thể đi vay cũng chính là bên bảo đảm tiền vay. Cá nhân cũng có thể vay để đáp ứng nhu cầu vốn nếu là chủ hộ (thành viên) kinh doanh, chủ doanh nghiệp, việc sử dụng vốn vào mục đích kinh tế như thế nào, các bên liên quan tự thỏa thuận theo cơ chế kinh doanh. Quy định này khắc phục hạn chế trong việc xác định tư cách thành viên, trách nhiệm của thành viên hộ gia đình kéo dài trước đây, chấm dứt rủi ro khi cho vay đối tượng chủ thể này.

Ngoài điều kiện chung về năng lực chủ thể hợp đồng, bên đi vay phải đáp ứng các điều kiện riêng biệt, bao hàm cả nghĩa vụ chủ yếu của hợp đồng, đó là sử dụng vốn vay hợp pháp, đúng mục đích trong suốt quá trình vay, nghĩa vụ cung cấp thông tin, tuân thủ sự kiểm tra, giám sát việc sử dụng dòng vốn vay đúng mục đích, hiệu quả.

Trong thực tiễn ký kết hợp đồng cho vay, ngân hàng thường phân chia chủ thể này thành nhóm các tổ chức, cá nhân tương ứng với chế độ pháp lý và nghiệp vụ cho vay doanh nghiệp (business loan) và cá nhân (personal loan) tương ứng với các quy trình, điều kiện riêng. Theo lẽ thông thường thì cho vay doanh nghiệp đòi hỏi thủ tục phải chặt chẽ do vốn vay thường lớn, thời hạn vay kéo dài, nhiều rủi ro bởi những biến động của nền kinh tế. Đối với cho vay cá nhân (không nhằm mục đích kinh doanh), xuất phát từ cơ chế bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là chủ thể “yếu thế”, pháp luật thực định luật hóa điều khoản tín dụng chung hoặc điều khoản mẫu thay vì để các bên tự thương lượng, điều chỉnh hợp đồng làm mất cân xứng quyền lợi và nghĩa vụ.

Về nguyên tắc, bên đi vay nếu là cá nhân phải hội đủ năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự để tham gia giao kết và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ đã cam kết trong hợp đồng cho vay. Nếu như việc xác định năng lực hành vi của cá nhân phụ thuộc vào độ tuổi (trừ trường hợp mất năng lực hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự) quy định cụ thể tại mục 1, chương III, BLDS năm 2015, thì việc xác định năng lực của một tổ chức phụ thuộc vào việc tổ chức đó có tư cách pháp nhân, tồn tại hợp pháp, có khả năng chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình hay không (Điều 86, 87 BLDS năm 2015).

Năng lực chủ thể đi vay gắn liền với tư cách chủ sở hữu tài sản bảo đảm tiền vay (trên lý thuyết chủ thể đi vay cũng có thể là chủ thể giao dịch bảo đảm tiền vay) được các ngân hàng lựa chọn, tín nhiệm cho vay. Mối quan hệ pháp lý giữa hợp đồng cho vay với hợp đồng bảo đảm mang tính phụ thuộc, nên nếu xác định sai tư cách chủ sở hữu tài sản hợp pháp (thông thường là các tài sản chung của vợ chồng, tài sản thừa kế, tặng cho chung, tài sản của tổ hợp tác, hộ gia đình) giao dịch bảo đảm do chính những chủ thể này xác lập thực hiện sẽ bị vô hiệu, gây khó khăn, thậm chí thiệt hại cho chính các ngân hàng khi thu hồi vốn vay.

4.3. Năng lực pháp luật và thẩm quyền của người đại diện ký kết hợp đồng cho vay

Năng lực pháp luật và thẩm quyền của người đại diện được thực hiện theo quy định của pháp luật hoặc theo ủy quyền:

Thứ nhất, đại diện theo pháp luật: hình thức đại diện do pháp luật quy định hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định (Điều 134, 135, 136 BLDS năm 2015):

(i) Đối với tổ chức:

Những người đại diện theo pháp luật của pháp nhân gồm người được pháp nhân chỉ định theo điều lệ, người có thẩm quyền đại diện theo quy định của pháp luật; người do Tòa án chỉ định trong quá trình tố tụng tại Tòa án (khoản 1 Điều 137 BLDS năm 2015).

Điểm mới là pháp luật hiện nay cho phép công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật ghi trong Điều lệ công ty (khoản 2 Điều 137 BLDS năm 2015; Điều 12 Luật Doanh nghiệp năm 2020), có ý nghĩa “giúp hai loại công ty này có thêm khả năng duy trì năng lực hành vi”. Tuy vậy, quy định này đã làm tăng trách nhiệm của ngân hàng như khuyến cáo “các loại công ty này có nhiều người đại diện theo pháp luật có thể gây rối hoạt động của chúng hay gây nên sự mất an toàn và làm tăng rủi ro tranh chấp trong giao dịch kinh doanh”.

Các ngân hàng giờ đây khi cho vay phải xác định cá nhân nào là người đại diện hợp pháp, có quyền quyết định và ký kết hợp đồng cho vay thay vì chỉ dựa vào Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh chỉ ghi tên một người đại diện pháp luật duy nhất như trước. Đây là vấn đề phức tạp, khó thực hiện, khó tránh khỏi các doanh nghiệp lợi dụng để tạo “bẫy” vô hiệu đối với giao dịch do người dưới quyền xác lập, nếu giao dịch ấy không đem lại lợi ích.

(ii) Đối với cá nhân:

Đó là cha, mẹ đối với con chưa thành niên; người giám hộ đối với người được giám hộ. Người giám hộ của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi là người đại diện theo pháp luật nếu được Tòa án chỉ định; người do Tòa án chỉ định trong trường hợp không xác định được người đại diện, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự (Điều 136 BLDS năm 2015).

Thứ hai, đại diện theo ủy quyền: cá nhân, pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự (khoản 1 Điều 138 BLDS năm 2015). Ủy quyền phải được lập thành hợp đồng theo Điều 562 BLDS năm 2015 tương tự như pháp luật dân sự trước đây.

Việc xác định năng lực, thẩm quyền của người đại diện luôn là vấn đề khó khăn, nhiều rủi ro kể cả đối với các ngân hàng vốn dĩ có đến hàng trăm chi nhánh, văn phòng đại diện khó xác định thẩm quyền thực sự của người đứng đầu khi ký kết hợp đồng cấp tín dụng nói chung.

Ví dụ: Trong một vụ việc xảy ra tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Nam Á từ năm 2012, ngân hàng này đã từ chối thực hiện nghĩa vụ thanh toán các chứng thư bảo lãnh trước đó cho một doanh nghiệp với lý do: “Quyết định số 6935/2011/QĐ-HĐQT ngày 16/5/201 của Hội đồng quản trị ngân hàng này về phân quyền phán quyết phê duyệt tín dụng, theo đó mức bảo lãnh trên 70 tỷ đồng phải có sự phê duyệt của Hội đồng quản trị” đồng nghĩa người ký chứng thư bảo lãnh theo quan điểm của ngân hàng này không có thẩm quyền nên ngân hàng không chịu bất kỳ trách nhiệm vật chất nào.

Những vấn đề ngân hàng đưa ra thuộc về thẩm quyền của người đại diện cấp chứng thư mang tính nội bộ ngân hàng, Bên thụ hưởng khó có cơ hội tìm hiểu thông tin liên quan đầy đủ, kịp thời, chính xác. Vì vậy, cần thiết phải có sự minh bạch về tư cách của người đại diện trong các giao dịch cấp tín dụng kể cả nhận tiền gửi, tránh tình trạng gây thiệt hại cho các bên đi vay nói chung như thực tiễn đã xảy ra.

Mọi vướng mắc pháp lý liên quan đến luật ngân hàng về hợp đồng tín dụng, Hãy gọi ngay: 1900.0191 để được Luật sư tư vấn pháp luật ngân hàng trực tuyến. Đội ngũ Luật sư của LVN Group luôn sẵn sàng lắng nghe và giải đáp mọi vướng mắc của Bạn.

Trân trọng./.

Luật LVN Group – Sưu tầm & biên tập