1. Khái niệm hợp đồng vận chuyển hàng hóa
Vận chuyển hàng hóa là loại dịch vụ trong đó các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ này tiến hành các công việc cần thiết để chuyển hàng hóa từ địa điểm này sang địa điểm khác theo thỏa thuận với những tổ chức, cá nhân có nhu cầu để hưởng thù lao dịch vụ.
Hoạt động vận chuyển hàng hóa được thực hiện trên cơ sở hợp đồng. Hợp đồng vận chuyển hàng hóa là sự thỏa thuận giữa các bên, trong đó một bên (bên vận chuyển) có nghĩa vụ vận chuyển hàng hóa tới địa điểm đã định theo thỏa thuận và giao hàng hóa đó cho người có quyền nhận ; còn bên kia (bên thuê vận chuyển) có nghĩa vụ trả cước phí vận chuyển và các khoản phụ phí khác cho bên vận chuyển.
“Hợp đồng vận chuyển tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên vận chuyển có nghĩa vụ chuyển tài sản đến địa điểm đã định theo thỏa thuận và giao tài sản đó cho người có quyền nhận, còn bên thuê vận chuyển có nghĩa vụ trả cước phí vận chuyển.”
2. Đặc điểm hợp đồng vận chuyển hàng hóa
* Hợp đồng vận chuyển hàng hóa có những đặc điểm pháp lý đặc trưng của hợp đồng vận chuyển tài sản như:
– Là hợp đồng song vụ, mang tính đền bù, và trong từng trường hợp cụ thể có thể là hợp đồng ưng thuận hoặc hợp đồng thực tế. Cũng giống như mọi hợp đồng dịch vụ khác, trong hợp đồng vận chuyển hàng hóa, các bên đều có quyền và nghĩa vụ ngang nhau, quyền của bên này là nghĩa vụ của bên kia và ngược lại. Bên vận chuyển phải chuyển hàng hóa đến địa điểm theo thỏa thuận và được nhận thù lao. Bên thuê vận chuyển phải thanh toán thù lao và được nhận hàng tại địa điểm do mình ấn định. Khi tham gia vào quan hệ hợp đồng này các bên đều đạt được những lợi ích kinh tế nhất định: bên vận chuyển nhận được thù lao, bên thuê vận chuyển thì chuyển được hàng hóa từ nơi này đến nơi khác.
Trong một số hoạt động vận chuyển như vận chuyển công cộng theo từng tuyến đường, nghĩa vụ của hai bên chỉ phát sinh khi bên thuê vận chuyển đã giao hàng hóa cho bên vận chuyển. Với những trường hợp này, hợp đồng vận chuyển được giao kết giữa các bên là hợp đồng thực tế, còn những hợp đồng mang tính chất tổ chức vận chuyển hoặc đặt chỗ trên phương tiện vận chuyển (như hợp đồng thuê nguyên tàu hoặc thuê một phần tàu cụ thể) lại là hợp đồng ưng thuận.
– Hợp đồng vận chuyển có thể là hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba. Người thứ ba được hưởng lợi ích trong hợp đồng này là người có quyền nhận hàng hóa vận chuyển. Mặc dù người đó không tham gia vào giao kết hợp đồng nhưng có quyền yêu cầu bên vận chuyển phải bàn giao hàng hóa vận chuyển cho mình khi đến hạn và tại địa điểm như trong hợp đồng.
* Đặc điểm riêng của hợp đồng vận chuyển hàng hóa so với hợp đồng vận chuyển tài sản: Đối tượng của hợp đồng vận chuyển hàng hóa là việc vận chuyển hàng hóa từ địa điểm này đến địa điểm khác theo thỏa thuận của các bên, tức là việc dịch chuyển vị trí địa lý của hàng hóa theo thỏa thuận của các bên với tính chất là một loại dịch vụ.
Có nhiều cách thức phân loại hợp đồng vận chuyển hàng hóa khác nhau: Căn cứ vào phương tiện vận chuyển (vận chuyển đường sắt, đường hàng không,…); căn cứ vào dấu hiệu lãnh thổ (vận chuyển nội địa, vận chuyển quốc tế) ; căn cứ vào hành trình vận chuyển (vận chuyển đơn tuyến, vận chuyển có kết hợp nhiều phương tiện trên từng đoạn hành trình…)
3. Chủ thể của hợp đồng vận chuyển hàng hóa
Vận chuyển hàng hóa là một giao giao dịch dân sự bình thường vì thế các bên trong hợp đồng là chủ thể của giao dịch dân sự theo quy định tại Bộ luật dân sự 2015:
“Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:
Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;
Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện.”
Chủ thể của hợp đồng vận chuyển hàng hóa phải là người có năng lực pháp luật dân sự và năng lực hành vi phù hợp.
Ngoài ra khi tham gia vào giao dịch đó chủ thể tham gia phải tự nguyện không bị ép buộc hay lừa dối, đe dọa.
4. Đối tượng của hợp đồng vận chuyển hàng hóa
Đối tượng của hợp đồng vận chuyển hàng hóa là hàng hóa.
Theo đó, hàng hóa sẽ bao gồm tất cả các loại động sản, kể cả động sản hình thành trong tương lai.
Hàng hóa trong hợp đồng vận chuyển không được là hàng cấm, hàng nguy hiểm đến tính mạng, hàng cấm lưu thông trên thị trường.
5. Nội dung và hình thức của hợp đồng vận chuyển hàng hóa
Nội dung
Nội dung của hợp đồng vận chuyển hàng hóa là:
- Những thỏa thuận của các bên theo đó bên vận chuyển có nghĩa vụ chuyển tài sản đến địa điểm đã định theo thỏa thuận và giao tài sản đó cho người có quyền nhận;
- Bên thuê vận chuyển có nghĩa vụ trả cước phí vận chuyển.
Cụ thể đó là những nội dung về: thời gian, địa điểm giao hàng, số lượng, chất lượng hàng hóa, quyền và nghĩa vụ của các bên trong một số trường hợp có thể xảy ra.
” Hợp đồng vận chuyển tài sản được giao kết bằng văn bản, bằng lời nói hoặc được xác lập bằng hành vi cụ thể.”
Như vậy hình thức của hợp đồng vận chuyển hàng hóa rất đa dạng, có thể bằng văn bản, lời nói thậm chí chỉ là hành vi.
Các vận đơn hoặc chứng từ vận chuyển tương đương khác là bằng chứng của việc giao kết hợp đồng giữa các bên.
Hình thức
Theo quy định tại Điều 531 Bộ luật dân sự thì:
6. Quyền và nghĩa vụ của bên vận chuyển
a) Tiếp nhận hàng hoá của bên thuê vận chuyển.
– Bên vận chuyển phải đưa phương tiện vận chuyển đến nhận hàng hoá vận chuyển theo sự thoả thuận của các bên trong hợp đồng vận chuyển. Phương tiện vận chuyển phải đáp ứng yêu cầu tiếp nhận, vận chuyển và bảo quản hàng hoá phù hợp với tính chất hàng hoá.
– Bên vận chuyển có nghĩa vụ nhận hàng hoá của bên thuê vận chuyển đúng thời gian và địa điểm theo thảo thuận. Trường hợp bên vận chuyển nhận chậm hàng làm phát sinh chi phí bảo quản hàng hoá cho bên thuê vận chuyển thì phải bồi thường các thiệt hại đó. Trường hợp bên thuê vận chuyển giao hàng chậm thì bên vận chuyển yêu cầu bên thuê vận chuyển bồi thường các thiệt hại phát sinh do bị lưu giữ phương tiện vận chuyển.
– Bên vận chuyển được quyền từ chối vận chuyển tài sản không đúng với loại tài sản đã thoả thuận trong hợp đồng. Nhưng trong thực tế thì người vận chuyển chỉ có thể từ chối việc vận chuyển trong trường hợp việc thay thế hàng hoá vận chuyển làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người vận chuyển hoặc những người thuê vận chuyển khác.
Ngoài ra, bên vận chuyển có quyền từ chối nhận những hàng hoá không đảm bảo các tiêu chuẩn đóng gói cần thiết theo thoả thuận của các bên. Người vận chuyển được quyền từ chối vận chuyển hàng hoá cấm lưu thông, hàng hoá có tính chất nguy hiểm, độc hại.
– Nếu hợp đồng quy định bên thuê vận chuyển có nghĩa vụ xếp hàng lên phương tiện vận chuyển thì bên vận chuyển có nghĩa vụ hướng dẫn việc sắp xếp hàng hoá trên phương tiện vận chuyển và có quyền yêu cầu bên thuê vận chuyển phải sắp xếp hàng hóa theo đúng hướng dẫn.
b) Tổ chức vận chuyển hàng hoá theo đúng các điều kiện đã thoả thuận.
Trong giai đoạn này, bên vận chuyển có các quyền và nghĩa vụ cơ bản sau đây:
– Vận chuyển hàng hoá đến đúng địa điểm trả hàng. Trường hợp bên vận chuyển giao hàng không đúng địa điểm đã quy định thì phải thanh toán chi phí vận chuyển hàng hoá đến đúng địa điểm đã thoả thuận trong hợp đồng cho bên thuê vận chuyển.
– Bảo quản hàng hoá trong quá trình vận chuyển: Theo thông lệ chung thì nghĩa vụ bảo quản hàng hoá của bên vận chuyển phát sinh từ thời điểm bên vận chuyển tiếp nhận hàng hoá vận chuyển do bên thuê vận chuyển giao và kết thúc khi đã giao hàng hoá cho người nhận tại địa điểm trả hàng.
c) Trả hàng cho người có quyền nhận hàng.
Trả hàng là nghĩa vụ cơ bản của người vận chuyển trước người gửi hàng cũng như người có quyền nhận hàng (nếu người gửi hàng không đồng thời là người nhận hàng).
– Trả hàng hoá vận chuyển đúng đối tượng.
– Thông báo về việc hàng hoá đến cho người có quyền nhận hàng. Trường hợp các bên thoả thuận trả hàng tại địa chỉ của người nhận thì người vận chuyển không phải thông báo hàng đến.
– Trả hàng đúng phương thức đã thoả thuận.
Một nguyên tắc phải tôn trọng là khi bên vận chuyển nhận hàng theo phương thức nào thì trả hàng phải theo phương thức đó.
– Nếu bên vận chuyển đã vận chuyển hàng hoá đến địa điểm trả hàng đúng thời hạn quy định nhưng không có người nhận hàng, thì bên vận chuyển có thể gửi hàng hoá tại nơi nhận gửi giữ và phải báo ngay cho bên thuê vận chuyển hoặc bên có quyền nhận hàng biết. Các chi phí gửi giữ, bảo quản hàng hoá do bên thuê vận chuyển hoặc bên có quyền nhận hàng hoá chịu.
– Bên vận chuyển có quyền từ chối trả hàng và có quyền lưu giữ hàng, nếu người thuê vận chuyển và người nhận hàng chưa thanh toán đủ các khoản cước phí và chi phí vận chuyển hoặc khi chưa nhận được sự bảo đảm thoả đáng cho việc thanh toán các khoản cước phí và chi phí nói trên.
7. Quyền và nghĩa vụ của bên thuê vận chuyển
a) Giao hàng hoá cho bên vận chuyển.
Bên thuê vận chuyển có nghĩa vụ giao hàng hoá vận chuyển cho bên vận chuyển đúng thời hạn, địa điểm như đã thoả thuận. Hàng hoá phải được đóng gói đúng quy cách, ghi ký hiệu, mã hiệu đầy đủ và rõ ràng. Bên thuê vận chuyển phải chịu chi phí bốc xếp hàng hoá lên phương tiện vận chuyển nếu các bên không thoả thuận khác.
b) Thanh toán cước phí vận chuyển.
Thanh toán cước phí vận chuyển là nghĩa vụ cơ bản nhất của bên thuê vận chuyển. Cước phí theo thoả thuận của các bên hoặc theo biểu phí của các đơn vị kinh doanh dịch vụ vận chuyển công cộng. Ngoài cước phí vận chuyển, bên thuê vận chuyển có thể phải trả thêm các khoản phụ phí vận chuyển khác như tiền lưu kho, lưu bãi…
c) Trông coi hàng hoá trên đường vận chuyển.
Các bên có thể thoả thuận để bên thuê vận chuyển cử người trông coi hàng hoá trên đường vận chuyển (người áp tải) đối với việc vận chuyển một số loại hàng hoá có giá trị lớn hoặc hàng hoá yêu cầu phải có chế độ bảo quản, chăm sóc đặc biệt. Trong trường hợp bên thuê vận chuyển trông coi hàng hoá vận chuyển mà hàng hoá bị mất mát, hư hỏng thì bên thuê vận chuyển phải tự chịu trách nhiệm trước những tổn thất tài sản đó.