1. Chưa đăng ký kết hôn có giành quyền nuôi con ?

Kính thưa Luật sư của LVN Group, cho tôi hỏi nếu một nam và một nữ sống chung với nhau như vợ chồng từ năm 2008 đến 2013, có một con chung 05 tuổi, có tài sản chung. Đến 2014 thì người nữ bỏ lấy chồng khác, người nam muốn đòi con về để nuôi thì phải làm thủ tục gì để tòa án giải quyết ?

Trân trọng cảm ơn.

Người gửi: Hải

>> Luật sư tư vấn luật hôn nhân gia đình trực tuyến qua tổng đài 24/7: 1900.0191.

Trả lời:

Việc giải quyết vấn đề nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn được đã được quy định tại Điều 14 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 như sau:

“Nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng. Quyền, nghĩa vụ đối với con, tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên được giải quyết theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Luật này.”

Theo đó, quyền, nghĩa vụ của cha mẹ đối với con trong trường hợp này được quy định tại Điều 15 Luật Hôn nhân và gia đình 2014:

“Quyền, nghĩa vụ giữa nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng và con được giải quyết theo quy định của Luật này về quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con.”

Như vậy, mặc dù hai bên trong trường hợp của bạn không đăng ký kết hôn nhưng quyền và nghĩa vụ đối với con chung không có khác biệt với các trường hợp có đăng ký kết hôn. Do đó, nếu người cha trong trường hợp này đã có các căn cứ, giấy tờ hợp pháp chứng minh mình là cha cháu bé (đã làm thủ tục nhận con khi khai sinh cho cháu bé, giấy khai sinh của cháu bé có sự hiện diện của người cha) thì có thể yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp về quyền nuôi dưỡng con, thay đổi người trực tiếp nuôi con theo quy định tại Điều 84 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014:

“1. Trong trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức được quy định tại khoản 5 Điều này, Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con.

2. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:

a) Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;

b) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

3. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên.

4. Trong trường hợp xét thấy cả cha và mẹ đều không đủ điều kiện trực tiếp nuôi con thì Tòa án quyết định giao con cho người giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự.

5. Trong trường hợp có căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều này thì trên cơ sở lợi ích của con, cá nhân, cơ quan, tổ chức sau có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con:

a) Người thân thích;

b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;

c) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;

d) Hội liên hiệp phụ nữ.”

Trong trường hợp người cha chưa làm thủ tục nhận con và không có tên trong giấy khai sinh của cháu bé thì cần làm thủ tục nhận con (tham khảo thủ tục cha nhận con tại đây). Việc cha nhận con cần có sự đồng ý của người mẹ; vì vậy nếu người mẹ không đồng ý cho người cha nhận con thì người cha có thể yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp việc xác định cha cho con theo thủ tục tố tụng dân sự được quy định tại hoản 4 Điều 28 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Sau khi có quyết định của Tòa án xác định là cha của cháu bé, người chồng có quyền yêu cầu Tòa án thay đổi người trực tiếp nuôi con theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự và Luật hôn nhân và gia đình.

2. Xác định quyền nuôi con khi không đăng ký kết hôn như thế nào ?

Kính chào luật LVN Group! Tôi tên là Nguyễn Văn V, 32 tuổi, làm bảo vệ, hiện sống tại Tp. Đà Nẵng. Tôi có vấn đề như sau xin được nhờ tư vấn giúp với ạ: Tôi có quan hệ như vợ chồng với một phụ nữ ở Sài Gòn không có đăng ký kết hôn, hai bên gia đình đều biết và chấp nhận. Chúng tôi có hai con gái chung: một bé 36 tháng, một bé 6 tháng. Bé 36 tháng có giấy khai sinh tên cả cha và mẹ, theo quê cha nhưng được đăng ký ở Sài Gòn, hiện cũng có hộ khẩu tại đây. Bé 6 tháng thì khai sinh chỉ có tên mẹ (vì thủ tục luật mới hơi rắc rối nên chưa có điều kiện làm tên cha).
Trong khoảng thời gian đó cả hai bên đều lúc sống chung ở ngoại, lúc ở nội. Nay chúng tôi không còn thấy hòa hợp được nữa, tôi muốn giành quyền được nuôi cháu lớn (vì tôi biết trẻ dưới 36 tháng thì ở với mẹ) thì cần những hồ sơ thủ tục như thế nào và nộp đơn ở đâu (tòa Sài Gòn hay Đà Nẵng)?
Thời gian giải quyết khoảng bao lâu? Khả năng tôi được quyền nuôi con là bao nhiêu phần trăm ạ? Mẹ của con tôi cũng không có việc làm ổn định (hiện bán tranh chữ thập online thu nhập chưa tới 3triệu/ tháng) nhưng khi tôi đề cập quyền được nuôi con thì cô ấy dứt khoát không cho, kể cả khi tôi nói dẫn con về Đà Nẵng chơi vài tuần cũng không cho với đủ lý do. Xét về điều kiện và hoàn cảnh thì việc nuôi hai đứa trẻ là quá sức với mẹ của hai con tôi, gia đình tôi cũng có điều kiện tốt hơn bên ngoại?
Rất mong nhận được sự trả lời từ ban tư vấn. Xin chân thành cảm ơn!
Youtube video

Luật sư tư vấn pháp luật hôn nhân trực tuyến, gọi: 1900.0191

Trả lời:

Theo thông tin bạn cung cấp thì bạn có quan hệ như vợ chồng với một phụ nữ mà không có đăng ký kết hôn. Bạn và người đó cũng đã có hai con gái chung: một bé 36 tháng, một bé 6 tháng tuổi). Hiện tại, cuộc sống của hai người không còn hòa hợp được nữa và bạn muốn giành được quyền nuôi cháu lớn. Việc giải quyết hậu quả của việc nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn được quy định tại Điều 14 Luật hôn nhân và gia đình số 52/2014/QH13 của Quốc hội như sau:

“1. Nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng. Quyền, nghĩa vụ đối với con, tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên được giải quyết theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Luật này.

2. Trong trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng theo quy định tại khoản 1 Điều này nhưng sau đó thực hiện việc đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật thì quan hệ hôn nhân được xác lập từ thời điểm đăng ký kết hôn.”

Theo quy định trên thì trường hợp của bạn quyền vànghĩa vụ đối với con được giải quyết theo quy định tại Điều 15 Luật hôn nhân và gia đình 2014 thì vấn đề quyền, nghĩa vụ giữa nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng và con sẽ được giải quyết theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình về quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con.

Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định:

Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn

1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.”

Theo quy định thì bé 06 tháng tuổi sẽ được giao cho mẹ trực tiếp nuôi trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con. Đối với bé 36 tháng tuổi, bạn có thể thỏa thuận với mẹ của bé về người trực tiếp nuôi con, nếu không thỏa thuận được thì Tòa án sẽ quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con. Trường hợp này nếu Tòa án xét thấy bạn có điều kiện để nuôi dưỡng bé lớn tốt hơn là mẹ bé thì bạn có thể sẽ được nuôi bé lớn.

Đối với nội dung này, bạn sẽ tiến hành giải quyết tại Tòa án nhân dân cấp quận/huyện tại Sài Gòn theo quy định tại điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.

Thời gian giải quyết: 4 tháng đến 6 tháng kể từ ngày thụ lý theo quy định tại Điều 203 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.

3. Giành quyền nuôi con khi không đăng ký kết hôn ?

Thưa Luật sư của LVN Group, xin hỏi: Tôi và chồng cũ có cưới hỏi nhưng không đăng ký kết hôn. Khi hai vợ chồng không thể ở với nhau nữa tôi ra đi nhưng gia đình chồng cũ cố giữ đứa con 06 tháng tuổi của tôi lại, không cho tôi nuôi con. Giấy chứng sinh của con tôi cũng bị nhà chồng cầm và đi làm giấy khai sinh cho cháu. Nay con tôi đã 03 tuổi, tôi cũng có cuộc sống ổn định. Xin hỏi Luật sư của LVN Group tôi có thể đòi lại con được không?
Xin cảm ơn Luật sư của LVN Group đã tư vấn!

>> Luật sư tư vấn pháp luật Hôn nhân, gọi:1900.0191

Trả lời:

Theo thông tin bạn cung cấp, bạn và chồng cũ có cưới hỏi nhưng chưa đăng ký kết hôn vì vậy quan hệ hôn nhân chưa được pháp luật công nhận và không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng theo Điều 14 Luật Hôn nhân gia đình 2014.

Để giành quyền nuôi con trước Tòa, bạn cần chứng minh khả năng của mình về việc có thể nuôi dưỡng và chăm sóc con về các vấn đề điều kiện về vật chất như sức khỏe, điều kiện kinh tế, việc làm, chỗ ở, thu nhập, tài sản,sinh hoạt và các yếu tố về tinh thần như thời gian chăm sóc, dạy dỗ, giáo dục con, tình cảm dành cho con, điều kiện cho con vui chơi giải trí,… Tòa án sẽ dựa vào các điều kiện về vật chất cũng như các yếu tố tinh thần tốt nhất dành cho con để quyết định ai có quyền nuôi con. Bạn nộp đơn đề nghị thay đổi quyền nuôi con tại Tòa án nhân dân cấp quận, huyện nơi con bạn cư trú (có thể là tạm trú hoặc thường trú) để yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

4. Tư vấn về việc giành quyền nuôi con khi không đăng ký kết hôn ?

Kính chào Luật LVN Group, tôi có một vấn đề mong các Luật sư của LVN Group giải đáp: Năm 2013, tôi có yêu một người và sống chung với người đó một thời gian thì có con. Do vợ tôi không có hộ khẩu nên chúng tôi không đăng ký được. Sau đó, tôi đón hai mẹ con về sống cùng gia đình tôi.

Một thời gian sau đó do mâu thuẫn nên vợ tôi bỏ về nhà cô ấy. Tôi muốn nuôi con nhưng con tôi chưa đủ 36 tháng. Sau khi về nhà, do điều kiện kinh tế nên cô ấy để con cho bố mẹ trông và đi làm xa nhà. Tôi muốn hỏi trong trường hợp này tôi có được giành quyền nuôi con không?

Tôi xin chân thành cảm ơn!

Người gửi: T.N.C

>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoạigọi:1900.0191

Trả lời:

Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng.

Như vậy, khi nam nữ sống chung với nhau như vợ chồng mà có con thì con sinh ra vẫn có quyền và nghĩa vụ như nhau đối với cha mẹ và ngược lại. Trong trường hợp này, nếu bạn muốn giải quyết vấn đề nuôi con thì có thể yêu cầu Tòa án giải quyết. Nhưng về nguyên tắc, con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con. Do đó, bạn phải chứng minh được người mẹ không đủ điều kiện (vật chất, tình thần…) để chăm sóc, nuôi dưỡng con hoặc hai bạn có thể tự thỏa thuận người trực tiếp nuôi con sao cho đảm bảo được lợi ích tốt nhất cho con. Tham khảo thêm:Giành quyền nuôi con có được không? Cần chứng minh những gì để tòa phán quyết cho quyền nuôi con?

5. Không đăng ký kết hôn có giành được quyền nuôi con không ?

Xin chào Luật LVN Group, tôi có câu hỏi băn khoăn cần giải đáp. Tôi là cán bộ công chức nhà nước, có con gái nhỏ được 30 tháng tuổi. Hiện nay, vợ chồng tôi đã ly thân gần 3 năm, hai mẹ con tôi về ở với bà ngoại; vợ chồng tôi có cưới hỏi đàng hoàng nhưng không đăng ký kết hôn. Chồng tôi đã nói và dọa nhiều lần là đợi đến khi con gái tôi được 3 tuổi sẽ nộp đơn ra tòa để giành quyền nuôi con. Chồng tôi công ăn việc làm không ổn định và bị nghiện ma túy đã nhiều năm nên không chu cấp việc nuôi dưỡng mà thay vào đó là bà nội và chị chồng chu cấp, việc chu cấp nuôi dưỡng được khoảng 02 năm và đều đặn hàng tháng bằng chuyển khoản.
Vậy xin hỏi nếu ra tòa, việc tiếp tục nuôi con gái nhỏ của tôi có bị ảnh hưởng hay cản trở, gặp khó khăn gì không? Nhà nội cũng như bố cháu vẫn thăm hỏi cháu thường xuyên và tôi cũng rất tạo điều kiện?
Tôi xin cảm ơn!
Người gửi: H.K
Youtube video

Luật sư tư vấn luật hôn nhân gia đình gọi: 1900.0191

Trả lời:

Theo Điều 9 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định như sau:

“Điều 9. Đăng ký kết hôn

1. Việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về hộ tịch.

Việc kết hôn không được đăng ký theo quy định tại khoản này thì không có giá trị pháp lý.

2. Vợ chồng đã ly hôn muốn xác lập lại quan hệ vợ chồng thì phải đăng ký kết hôn.”

Như vậy, trong trường hợp của bạn mặc dù có tổ chức cưới hỏi đàng hoàng nhưng không đăng ký kết hôn thì sẽ không được pháp luật công nhận là vợ chồng. Bạn muốn hỏi về quyền nuôi con sau khi ly thân thì điều này pháp luật không có quy định mà hoàn toàn do hai vợ chồng bạn thỏa thuận. Còn trong trường hợp chồng bạn nộp đơn ra tòa xin ly hôn và giành quyền nuôi con thì pháp luật sẽ giải quyết như sau:

Theo Điều 53 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định như sau:

“Điều 53. Thụ lý đơn yêu cầu ly hôn

1. Tòa án thụ lý đơn yêu cầu ly hôn theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

2. Trong trường hợp không đăng ký kết hôn mà có yêu cầu ly hôn thì Tòa án thụ lý và tuyên bố không công nhận quan hệ vợ chồng theo quy định tại khoản 1 Điều 14 của Luật này; nếu có yêu cầu về con và tài sản thì giải quyết theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Luật này.”

Cũng theo Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về việc trông nom, chăm sóc con sau khi ly hôn thì con bạn mới 30 tháng tuổi thì sẽ do bạn trực tiếp nuôi dưỡng. Trừ trường hợp hai vợ chồng bạn có thỏa thuận khác hoặc bạn không có đủ điều kiện, đủ khả năng để trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc con sau khi ly hôn.

Trên đây là thư tư vấn của chúng tôi gửi đến bạn. Chúng tôi hy vọng rằng, ý kiến tư vấn của chúng tôi sẽ giúp làm sáng tỏ các vấn đề mà bạn đang quan tâm. Trên từng vấn đề cụ thể, nếu bạn cần tham khảo thêm ý kiến chuyên môn của chúng tôi, xin hãy liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ email Tư vấn pháp luật hôn nhân gia đình miễn phí qua Email hoặc qua Tổng đài tư vấn: 1900.0191.

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật hôn nhân – Công ty luật LVN Group