1. Khái niệm buôn bán hàng giả

Buôn bán hàng giả là Mua đi bán lại hàng hóa biết rõ là hàng giả. Buôn bán hàng giả là hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm trật tự quản lý kinh tế nói chung cũng như lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng nói chung.

2. Cấu thành tội phạm của tội sản xuất, buôn bán hàng giả

a) Khách thể của tội phạm

– Tội sản xuất, buôn bán hàng giả xâm phạm trật tự quản lý kinh tế mà cụ thể là trật tự của nền sản xuất hàng hóa, làm mất sự ổn định của thị trường, xâm hại lợi ích và sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng.

– Đối tượng tác động của tội phạm là hàng giả (trừ các loại hàng giả thuộc phạm vi quy định của Điều 193, Điều 194 và Điều 195 BLHS bao gồm hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi).

– Nếu hàng giả là đối tượng tác động của các tội phạm khác thì người có hành vi sản xuất hoặc buôn bán sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội phạm tương ứng khác như tem giả, vé giả thì người phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 202 BLHS hay tiền giả, công cụ chuyển nhượng giả và các giấy tờ có giá giả khác thì người phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 207, Điều 208 BLHS, hàng giả liên quan đến nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý thì người phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 226 BLHS.

b) Mặt khách quan của tội phạm

– Thứ nhất, hành vi khách quan

Hành vi khách quan của tội này bao gồm hai loại hành vi đó là hành vi sản xuất và hành vi buôn bán.

Từ quy định tại Khoản 1,2 Điều 3 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hành vi sản xuất và hành vi buôn bán hàng giả được hiểu như sau:

+Hành vi sản xuất hàng giả là việc thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động chế tạo, chế bản, in ấn, gia công, đặt hàng, sơ chế, chế biến, chiết xuất, tái chế, lắp ráp, pha trộn, san chia, sang chiết, nạp, đóng gói và hoạt động khác làm ra hàng giả.

+Hành vi buôn bán hàng giả là việc thực hiện môt, một số hoặc tất cả các hoạt động chào hàng, bày bán, giới thiệu, quảng cáo, khuyến mại, lưu giữ, bảo quản, vận chuyển, bán buôn, bán lẻ, xuất khẩu, nhập khẩu và hoạt động khác đưa hàng giả vào lưu thông.

– Thứ hai, hậu quả của tội phạm

Hậu quả của hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả gây ra là:

+Thiệt hại về thể chất: bao gồm thiệt hại về tính mạng hay các tổn hại về sức khỏe cho người tiêu dùng.

+Thiệt hại về vật chất: gây thiệt hại về tài sản. (Thiệt hại cho các cơ sở sản xuất kinh doanh hàng chính hãng, tài sản của người tiêu dùng khi mua phải hàng giả)

Có thể thấy cấu thành tội phạm của tội danh này rất đặc biệt, vừa là cấu thành tội phạm vật chất, vừa là cấu thành tội phạm hình thức.

Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả thiệt hại:

+Hành vi nguy hiểm phải xảy ra trước hậu quả;

+Hành vi nguy hiểm chứa đựng khả năng thực tế làm phát sinh tội phạm, hậu quả dứt khoát xảy ra nếu không có gì ngăn chặn hành vi nguy hiểm đó;

+Hậu quả nguy hiểm xảy ra do chính hành vi đó gây nên chứ không phải do hành vi nào khác.

-Thứ ba: Những nội dung biểu hiện khác của mặt khách quan

Các dấu hiệu khách quan khác được quy định trong cấu thành tội phạm của tội sản xuất, buôn bán hàng giả có thể là:

+Phương tiện phạm tội;

+Phương pháp, thủ đoạn phạm tội;

+Thời gian, địa điểm;

+Hoàn cảnh phạm tội…

c) Mặt chủ quan của tội phạm

Cá nhân hoặc pháp nhân thực hiện hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là do lỗi cố ý trực tiếp, tức là nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra.

Động cơ, mục đích của tội phạm chủ yếu là vụ lợi. Động cơ và mục đích của tội phạm tuy không phải là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm nhưng việc xác định động cơ, mục đích của cá nhân hay pháp nhân phạm tội có ý nghĩa trong việc quyết định hình phạt.

d) Chủ thể của tội phạm

Trong trường hợp chủ thể của tội phạm là cá nhân, phải là người có năng lực trách nhiệm hình sự và từ đủ 16 tuổi trở lên.

Trong trường hợp chủ thể của tội phạm là pháp nhân, căn cứ vào Điều 75 BLHS thì Điều kiện chịu trách nhiệm hình sự được quy định:

– Hành vi phạm tội sản xuất, buôn bán hàng giả được thực hiện nhân danh pháp nhân.

– Hành vi phạm tội sản xuất, buôn bán hàng giả được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân.

– Hành vi phạm tội sản xuất, buôn bán hàng giả được thực hiện có sự chỉ đạo, Điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân.

3. Mức hình phạt của tội sản xuất, buôn bán hàng giả

Tội sản xuất, buôn bán hàng giả được quy định tại Điều 192 BLHS 2015

“1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Hàng giả trị giá từ 20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;

b) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 30.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng trong trường hợp không xác định được giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;

c) Hàng giả trị giá dưới 20.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn hoặc hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá dưới 30.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các Điều 188, 189, 190, 191, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

d) Hàng giả trị giá dưới 20.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn hoặc hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá dưới 30.000.000 đồng nhưng gây hậu quả thuộc một trong các trường hợp: gây tổn hại cho sức khỏe của một người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%; gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60% hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

đ) Hàng giả trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;

e) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng trong trường hợp không xác định được giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;

g) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

h) Làm chết người;

i) Gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên;

k) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

l) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;

m) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều này qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại;

n) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Hàng giả có giá thành sản xuất 100.000.000 đồng trở lên;

b) Hàng giả có giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn từ 200.000.000 đồng trở lên;

c) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 500.000.000 đồng trở lên trong trường hợp không xác định được giá thành sản xuất, giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;

d) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;

đ) Làm chết 02 người trở lên;

e) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên, với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;

g) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên;

h) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:

a) Pháp nhân thương mại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;

b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;

c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;

d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;

đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.”

Như vậy, mức hình phạt của tội này được chia thành ba khung, cụ thể như sau:

+ Khung một (Khoản 1)

Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Được áp dụng đối với trường hợp phạm tội có đủ các dấu hiệu cấu thành cơ bản nêu ở mặt khách quan.

+ Khung hai (Khoản 2)

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

đ) Hàng giả trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;

e) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng trong trường hợp không xác định được giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;

g) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

h) Làm chết người;

i) Gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên;

k) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

l) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;

m) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều này qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại;

n) Tái phạm nguy hiểm.

+ Khung ba (Khoản 3)

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Hàng giả có giá thành sản xuất 100.000.000 đồng trở lên;

b) Hàng giả có giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn từ 200.000.000 đồng trở lên;

c) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 500.000.000 đồng trở lên trong trường hợp không xác định được giá thành sản xuất, giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;

d) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;

đ) Làm chết 02 người trở lên;

e) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên, với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;

g) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên;

h) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

+ Hình phạt bổ sung (Khoản 4)

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

+ Xử phạt pháp nhân (Khoản 5)

Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:

a) Pháp nhân thương mại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;

b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;

c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;

d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;

đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

4. Thực trạng, nguyên nhân của tội sản xuất, buôn bán hàng giả ở nước ta

Trong những năm qua, số lượng tội phạm về sản xuất, buôn bán hàng giả ngày một gia tăng. Theo số liệu thống kê của Tòa án nhân dân tối cao, từ những năm đầu của thế kỷ 21, mỗi năm ngành Tòa án vài trăm ngàn vụ với vài trăm ngàn bị cáo bị đưa ra xét xử. Hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả ngày một gia tăng mạnh với thủ đoạn ngày càng tinh vi. Từ những vụ sản xuất, buôn bán hàng giả có giá trị chỉ vài chục triệu đồng trước đây, nay đã lên tới hàng trăm, hàng chục tỷ đồng. Điển hình như vụ sản xuất, buôn bán mực in Ricoh giả tại thành phố Hồ Chí Minh, Chi cục Quản lý thị trường thành phố Hồ Chí Minh đã phát hiện và thu giữ 389 ống mực hiệu Ricoh, 142 ống mực hiệu Toshiba; hay vụ án sản xuất, mua bán 321.000 chiếc điện kế điện tử giả tại Công ty Điện lực thành phố Hồ Chí Minh…Qua các vụ án này cho thấy, việc sản xuất, buôn bán hàng giả được các tội phạm thực hiện khá bài bản, theo một quy trình và rất tinh vi. Nhưng hầu hết hành vi phạm tội sản xuất, buôn bán hàng giả là tội phạm ít nghiêm trọng. Đa số người phạm tội khi đưa ra xét xử đều cố gắng trả đủ số tiền phạt để khắc phục hậu quả tội phạm do mình gây ra. Cho nên, so với các tội phạm khác, loại tội phạm này có xu hướng ngày càng gia tăng. Sự gia tăng đó có nhiều nguyên nhân, trong đó có công tác quản lý của các cơ quan thực thi pháp luật còn lỏng lẻo, các quy định của pháp luật để điều chỉnh chưa đầy đủ, còn nhiều kẽ hở tạo điều kiện cho loại tội phạm này hoạt động.

Theo số liệu thống kê của cơ quan quản lý thị trường, số lượng các vụ vi phạm sản xuất, buôn bán hàng giả được phát hiện ngày một nhiều, nhưng số lượng các vụ án được thụ lý và đưa ra xét xử tại Tòa án lại không nhiều. Các đối tượng trực tiếp sản xuất hàng giả ngày một gia tăng, số lượng hàng giả ngày càng lưu thông nhiều trên thị trường (trong đó có cả hàng giả trực tiếp sản xuất ở trong nước và hàng giả từ nước ngoài vào thị trường Việt Nam). Nhưng các hình thức xử lý các hành vi phạm tội này được xử lý bằng hình thức xử phạt vi phạm hành chính và tịch thu hàng hóa, chưa áp dụng mạnh chế tài hình sự nên chưa đủ sức răn đe.
Điều này cho thấy, cần phải hoàn thiện các quy định của pháp luật về tội sản xuất, buôn bán hàng giả. Bởi vì, việc không ngừng hoàn thiện pháp luật về đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là pháp luật hình sự một cách toàn diện, kịp thời sẽ lấp được những “lỗ hổng”, khiếm khuyết của pháp luật khi áp dụng trong thực tiễn, nâng cao được hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm. Thực hiện cải cách Tư pháp và đổi mới, hoàn thiện hệ thống pháp luật hiện nay, việc ban hành BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, trong đó quy định khá chặt chẽ, cụ thể hành vi, động cơ phạm tội và khung hình phạt đối với loại tội phạm này là vô cùng quan trọng.

5. Giải pháp hoàn thiện

Thứ nhất, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan bảo vệ pháp luật

Hoạt động của các cơ quan bảo vệ pháp luật trong lĩnh vực đấu tranh phòng chống tội sản xuất, buôn bán hàng giả trong thời gian qua tuy đã cố gắng và đạt được những kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên cũng thấy rằng các cơ quan bảo vệ pháp luật cũng thể hiện sự yếu kém, thiếu sự phối hợp trong đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này, có nơi còn có cán bộ tiếp tay cho tội phạm này hoạt động. Qua số liệu thống kê ta thấy mức độ của tội phạm này ngày một gia tăng, nhưng mức độ xử lý của các cơ quan chức năng thì đại đa số chỉ bị xử lý hành chính, trong đó có nhiều vụ cần phải xử lý hình sự. Số vụ xử lý hình sự chưa nhiều, nhiều trường hợp phạt tù thì lại cho hưởng án treo, chưa đủ sức răn đe, chưa tương xứng với mức nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội này. Từ đó dẫn đến coi thường pháp luật, coi thường các cơ quan bảo vệ pháp luật cũng như người thực thi pháp luật. Ngang nhiên tiến hành sản xuất, buôn bán hàng giả. Nhiều nơi có tình trạng buông lỏng quản lý một cách nghiêm trọng trong quản lý thị trường, tiêu chuẩn hàng hóa cũng như việc lưu thông, kinh doanh hàng hóa trên thị trường, dẫn đến nạn sản xuất, buôn bán hàng giả diễn ra tràn lan, không kiểm soát, ngăn chặn được. Bên cạnh đó là việc buông lỏng quản lý, không thường xuyên kiểm tra, kiểm soát…đã tạo điều kiện cho các tư thương cạnh tranh buôn bán, thu lợi bất chính, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm gây rối loạn thị trường…

Thứ hai, nâng cao công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật

Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, vận động toàn dân tham gia phòng ngừa, đấu tranh chống sản xuất, buôn bán hàng giả. Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng giúp cho mọi người hiểu được tác hại của hàng giả, hiểu được quyền lợi, nghĩa vụ của mình, không tham gia sản xuất, buôn bán hàng giả và sử dụng hàng giả, tích cực tham gia cùng các cơ quan chức năng phát hiện, đấu tranh ngăn chặn.
Bên cạnh đó, cần bám sát các quan điểm chỉ đạo của Đảng, chương trình của Chính phủ về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của công chức, viên chức, người lao động và nhân dân, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan Tư pháp. Thông qua việc truyền đạt, phổ biến rộng rãi đến mọi tầng lớp nhân dân, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan Tư pháp. Thông qua việc phổ biến rộng rãi đến mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội về những quy định của pháp luật hình sự về “Tội sản xuất, buôn bán hàng giả”, các chế tài xử lý nghiêm minh đối với loại tội phạm này, giúp nhân dân nâng cao nhận thức, không thực hiện hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, đồng thời tố giác cá nhân, tổ chức vi phạm.

Thứ ba, đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh

Phải ý thức tự bảo vệ sản phẩm của mình bằng cách đăng ký quyền sở hữu công nghiệp cho các nhãn hiệu sản phẩm, kiểu dáng công nghiệp, tem chống hàng giả…cần cải tiến quy trình công nghệ, đưa ra các mẫu mã ký hiệu riêng cho sản phẩm của mình nhằm bảo đảm tính an toàn cao, để tội phạm khó có thể làm giả, đồng thời giúp người tiêu dùng nhận biết được hàng thật và hàng giả; Bên cạnh đó, chúng ta phải tăng cường hợp tác quốc tế, xây dựng và tham gia các hiệp định, trao đổi thông tin về tình hình tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả nói riêng, tội phạm khác nói chung.

Như vậy, sản xuất, buôn bán hàng giả ở nước ta là một vấn đề phức tạp, tội phạm này đã và đang gián tiếp gây ảnh hưởng và tác hại lớn đối với sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng, ảnh hưởng lớn đến sự quản lý của Nhà nước trong quản lý kinh tế, kìm hãm sự phát triển và cạnh tranh không lành mạnh của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên thị trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sự nghiệp phát triển của đất nước. Do vậy, đấu tranh phòng, chống nạn sản xuất, buôn bán hàng giả là nhiệm vụ cấp thiết đặt ra cho các cơ quan bảo vệ pháp luật, của toàn dân và mọi công dân trong xã hội. Việc đấu tranh phòng, chống tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả có hiệu quả là điều kiện quan trọng bảo vệ người tiêu dùng, góp phần ổn định và phát triển kinh tế thị trường, phụ vụ sự nghiệp đổi mới của đất nước ta, góp phần vào sự phát triển chung của toàn xã hội.