NỘI DUNG YÊU CẦU:

Cụ thể ngày 10/5/2020 công ty Thái An đã ký hợp đồng số 01/HĐVC thuê công ty Việt Hưng vận chuyển lô hàng kính từ cảng Hải Phòng về kho số 02 của công ty (đặt tại Hà Nội). Công ty Việt Hưng là công ty chuyên vận tải hàng hóa đường bộ do ông Nguyễn Hoài Nam làm giám đốc. Trên đường vận chuyển chiếc xe container của công ty Việt Hưng do anh Trần Bình điều khiển bị tai nạn tại đường 5 và anh Bình chết tại chỗ. Toàn bộ số hàng trên bị vỡ và không còn giá trị sử dụng. Tổng thiệt hại lên tới 500.000.000 VND. Công ty Thái An yêu cầu công ty Việt Hưng bồi thường thiệt hại xảy ra.

Yêu cầu thực hiện soạn thảo hợp đồng số 01/HĐVC để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bên công ty Thái An.

CƠ SỞ PHÁP LÝ:

  • Bộ luật dân sự năm 2015;

NỘI DUNG TƯ VẤN:

1. Lí luận chung về hợp đồng vận chuyển hàng hóa:

1.1 Khái niệm về hợp đồng vận chuyển hàng hóa:

Hợp đồng vận chuyển hàng hóa là sự thỏa thuận giữa các bên, trong đó một bên (bên vận chuyển) có nghĩa vụ vận chuyển hàng hóa tới địa điểm đã định theo thỏa thuận và giao hàng hóa đó cho người có quyền nhận ; còn bên kia (bên thuê vận chuyển) có nghĩa vụ trả cước phí vận chuyển và các khoản phụ phí khác cho bên vận chuyển (Điều 530 Bộ Luật Dân Sự Việt Nam 2015)

1.2 Đặc điểm của hợp đồng vận chuyển hàng hóa:

Hợp đồng vận chuyển hàng hóa có những đặc điểm pháp lý đặc trưng của hợp đồng vận chuyển tài sản như:

– Là hợp đồng song vụ, mang tính đền bù, và trong từng trường hợp cụ thể có thể là hợp đồng ưng thuận hoặc hợp đồng thực tế.

– Trong một số hoạt động vận chuyển như vận chuyển công cộng theo từng tuyến đường, nghĩa vụ của hai bên chỉ phát sinh khi bên thuê vận chuyển đã giao hàng hóa cho bên vận chuyển.

– Hợp đồng vận chuyển có thể là hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba.

Đặc điểm riêng của hợp đồng vận chuyển hàng hóa so với hợp đồng vận chuyển tài sản:

– Đối tượng của hợp đồng vận chuyển hàng hóa là việc vận chuyển hàng hóa từ địa điểm này đến địa điểm khác theo thỏa thuận của các bên.

– Có nhiều cách thức phân loại hợp đồng vận chuyển hàng hóa khác nhau: Căn cứ vào phương tiện vận chuyển (vận chuyển đường sắt, đường hàng không,…); căn cứ vào dấu hiệu lãnh thổ (vận chuyển nội địa, vận chuyển quốc tế) ; căn cứ vào hành trình vận chuyển (vận chuyển đơn tuyến, vận chuyển có kết hợp nhiều phương tiện trên từng đoạn hành trình…)

1.3 Kỹ năng đàm phán, soạn thảo hợp đồng vận chuyển hàng hóa

Khái niệm về đàm phán hợp đồng: Là thực hiện một hoặc nhiều cuộc đối thoại, thương lượng giữa 2 bên hoặc nhiều bên có ý muốn quan hệ đối tác với nhau nhằm mục đích tiến đến một thoả thuận chung đáp ứng yêu cầu cá nhân hoặc yêu cầu hợp tác kinh doanh của các bên tham gia đàm phán.

Hợp đồng được ký kết trên nguyên tắc tự do và bình đẳng, do đó nội dung của mỗi hợp đồng cụ thể luôn có sự khác nhau. Bởi nó phụ thuộc vào ý chí của các bên và đòi hỏi thực tiễn của việc mua bán mỗi loại hàng hoá, dịch vụ là khác nhau, trong các điều kiện, hoàn cảnh, thời điểm khác nhau.

Việc soạn thảo hợp đồng phải đảm bảo đúng kết cấu của hợp đồng vận chuyển hàng hóa.

3. Giải quyết vấn đề:

Căn cứ Điều 530, Điều 545, Điều 540 BLDS, theo đó bên vận chuyển có nghĩa vụ phải bồi thường thiệt hại nếu bên vận chuyển để mất mát, hư hỏng tài sản do lỗi của mình.

Đối chiếu với trường hợp xảy ra, trên đường vận chuyển chiếc xe container của công ty Việt Hưng do anh Trần Bình điều khiển bị tai nạn tại đường 5 và anh Bình chết tại chỗ. Toàn bộ số hàng trên bị vỡ và không còn giá trị sử dụng. Tổng thiệt hại lên tới 500.000.000 VND. Công ty Thái An yêu cầu công ty Việt Hưng bồi thường thiệt hại xảy ra.

  • Đối với công ty Thái An mục đích quan tâm tới là

tổn thất do hư hỏng hàng hóa; tổn thất do chi phí giao hàng lần hai, tổn thất do bồi thường, phạt hợp đồng với đối Việt Hưng… Về nguyên tắc khi Công ty Thái An thuê công ty Việt Hưng vận chuyển thì bên chịu trách nhiệm chính là bên nhận vận chuyển.

  • Đối với công ty Việt Hưng mục đích quan tâm tới là:

Vấn đề thanh toán chi phi, vấn đề về miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Các trường hợp miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo như sự kiện bất khả kháng, do lỗi của bên thuê, các trường hợp miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo thỏa thuận hai bên

Ở đây, Trong tình tiết này cần lưu ý trường hợp A Bình đã có dùng mỗi biện pháp để tránh thiệt hại xảy ra không hay lỗi tai nạn từ phía A. Căn cứ trên tinh thần của quy định tại điểm a Điều 32 Nghị đinh 195/NĐ-CP/ về BAN HÀNH ĐIỀU LỆ VẬN CHUYỂN HÀNG HOÁ BẰNG Ô-TÔ : “Trong thời gian vận chuyển, bên vận tải có trách nhiệm bảo quản tốt hàng hoá. Nếu hàng hoá bị mất mát hư hỏng, bên vận tải phải bồi thường cho chủ hàng, trừ những trường hợp sau đây: a) Thiệt hại vì tai nạn mà bên vận tải đã chuẩn bị mọi phương pháp đề phòng và hết sức chống đỡ nhưng không thể phòng ngừa hay khắc phục được.”

Cần xem xét hợp đồng vận chuyển giữa Thái An và Việt Hưng như trong nội dung yêu cầu. Xem nội dung hợp đồng có vấn đề quy định về rủi ro, hư hỏng hàng hóa như thế nào? ta có thể tham khảo thêm Điều 233 đến Điều 240 Luật thương mại nếu hợp đồng vận chuyển là Hợp đồng thương mại (hai bên đều có mục đích lợi nhuận).
Nội dung hợp đồng có điều khoản về thiệt hại rủi ro không, lỗi của bên vận chuyển hay lỗi của bên thuê vận chuyển, trách nhiệm bồi thường thiệt hại cụ thể như thế nào. Công ty Thái An và công ty Việt Hưng có thỏa Thuận khác nằm trong khuôn khổ pháp luật không?

Việc bồi thường có bảo hiểm vận chuyển không? Ví dụ công ty Thái An có kí hợp đồng thuê bảo hiểm vận chuyển thì việc bồi thường thiẹt hại sẽ như thế nào?

Từ những lý lẽ trên để bảo đảm quyền và lợi ích cho công ty Thái An và công ty Việt Hưng, ta có thể soạn thảo hợp đồng Số 01/HĐVC theo hướng như sau:

4. Soạn thảo hợp đồng

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

—–o0o—–

Hà Nội, ngày 10 tháng 05 năm 2020

HỢP ĐỒNG VẬN CHUYỂN

Số: 01/HĐVC

– Căn cứ vào Bộ luật dân sự năm 2015;

– Căn cứ vào Luật thương mại năm 2005;

– Căn cứ vào nhu cầu của các bên.

Chúng tôi gồm có:

BÊN CHỦ HÀNG (BÊN A): Công ty Thái An

Địa chỉ: …………………………………………………………….

Điện thoại: …………………………………………………………

Fax: …………………………………………………………………

Mã số thuế: …………………………………………………………

Tài khoản số: ………………………………………………………..

Do ông (bà): ……………………… Chức vụ: ………… làm đại diện.

BÊN VẬN CHUYÊN (BÊN B): Công ty Việt Hưng

Địa chỉ: ………………………………………………………………..

Điện thoại: …………………………………………………………….

Fax: ……………………………………………………………………

Mã số thuế: …………………………………………………………….

Tài khoản số: …………………………………………………………

Do ông (bà): ……………………… Chức vụ: …………. làm đại diện.

Hai bên cùng thỏa thuận ký hợp đồng với những nội dung sau:

ĐIỀU 1: HÀNG HÓA VẬN CHUYỂN

1.1 Tên hàng : Bên A thuê bên B vận tải: 500 tấm kính cường lực.

Mỗi tấm: Độ dày: 10mm; Kích thước: 2400 x 4200mm.

1.2. Tính chất hàng hóa: hàng dễ vỡ.

1.3. Đơn vị tính đơn giá cước: 14.123 Đồng/Km

ĐIỀU 2: ĐỊA ĐIỂM NHẬN HÀNG VÀ GIAO HÀNG

2.1. Bên B đưa phương tiện đến nhận hàng tại cảng Hải Phòng do bên A giao.

2.2. Bên B giao hàng cho bên A tại kho số 02 của công ty (……………………………………………………………..…………..)

ĐIỀU 3: LỊCH THỜI GIAN GIAO NHẬN HÀNG

  • Nhận hàng

Số lượng: 500 tấm kính cường lực

Địa điểm: Tại cảng Hải Phòng

Thời gian: 10h Sáng Ngày 11/07/2020

Bên A có thể thay đổi địa điểm nhận hàng, nhưng phải báo trước cho bên B một khoảng thời gian hợp lý (trước 24h)

  • Giao hàng

Số lượng: 500 tấm kính cường lực

Địa điểm: kho số 02 của công ty Thái An ( ………………………………………………………………………………………..……..)

Thời gian: 15h Ngày 11/07/2020

ĐIỀU 4: PHƯƠNG TIỆN VẬN TẢI

4.1. Bên A yêu cầu bên B vận tải số hàng trên bằng xe container

Phải có những khả năng cần thiết như :

– Tốc độ phải đạt 70km/ giờ.

– Có mái che cho hàng hóa được vận chuyển

– Số lượng phương tiện là : 4

4.2. Bên B chịu trách nhiệm về kỹ thuật cho phương tiện vận tải để bảo đảm vận tải trong thời gian là: 10h – 15h ngày 11/07/2020.

4.3. Bên B phải chuẩn bị đầy đủ giấy tờ cho phương tịện đi lại hợp lệ trên tuyến giao thông đó để vận tải số hàng hóa đã thỏa thuận như trên và chịu mọi hậu quả về giấy tờ pháp lý của phương tiện vận tải.

4.4. Bên B phải làm vệ sinh phương tiện vận tải khi nhận hàng, chi phí vệ sinh phương tiện vận tải sau khi giao hàng bên A phải chịu là 1.000 000đồng (Bằng chữ: Một triệu đồng)

4.5. Sau khi bên B đưa phương tiện đến nhận hàng mà bên A chưa có hàng để giao sau: 30phút thì bên A phải chứng nhận cho bên B đem phương tiện về và phải trả giá cước của loại hàng thấp nhất về giá vận tải theo đoạn đường đã hợp đồng. Trong trường hợp không tìm thấy người đại diện của bên A tại địa điểm giao hàng, bên B chờ sau 20 Phút, có quyền nhờ Ủy ban nhân dân cơ sở xác nhận phương tiện có đến và cho phương tiện về và yêu cầu thanh toán chi phí như trên.

4.6. Bên B có quyền từ chối không nhận hàng nếu bên A giao hàng không đúng loại hàng ghi trong vận đơn khi xét thấy phương tiện điều động không thích hợp với loại hàng đó, có quyền yêu cầu bên A phải chịu phạt …… giá trị tổng cước phí.

4.7. Trường hợp bên B đưa phương tiện đến nhận hàng chậm so với lịch giao nhận phải chịu phạt hợp đồng là………………………đồng/ giờ.

Điêù 5: VỀ GIẤY TỜ CHO VIỆC VẬN CHUYỂN HÀNG HÓA

5.1. Bên B phải làm giấy thông báo hàng hóa và phải được bên B ký, đóng dấu xác nhận trước ………. giờ so với thời điểm giao hàng.

5.2. Bên B phải thông báo lại cho bên A số lượng và trọng tải các phương tiện có thể điều động trong vòng 24 giờ trước khi bên A giao hàng. Nếu bên A không báo xin thêm phương tiện thì bên B không chịu trách nhiệm.

5.3. Bên A phải làm vận đơn cho từng chuyến giao hàng ghi rõ tên hàng và số lượng (phải viết rõ, không tẩy xóa, viết thêm, chồng hay gián chồng …Trường hợp cần xóa bỏ phải có ký chứng thực). Bên A phải có trách nhiệm về những điều mình ghi vào vận đơn hàng giao cho bên B.

5.4. Bên A phải đính kèm vận đơn với các giấy tờ khác cần thiết để các cơ quan chuyên trách có thể yêu cầu xuất trình khi kiểm soát như:

– Giấy phép lưu thông loại hàng hóa đặc biệt.

– Biên bản các khoản thuế đã đóng.

– Các giấy tờ khác nếu có.

Nếu không có đủ các giấy tờ khác cần thiết cho việc vận chuyển loại hàng hóa đó thì bên A phải chịu trách nhiệm do hậu quả để thiếu.

5.5. Trường hợp xin vận chuyển đột xuất hàng hóa. Bên B chỉ nhận chở nếu có khả năng. Trường hợp này bên A phải trả thêm cho bên B một khoản tiền bằng 50% cước vận chuyển, ngoài ra còn phải trả các chi phí các khoản phí tổn khác cho bên B kể cả tiền phạt do điều động phương tiện vận tải đột xuất làm lỡ các hợp đồng đã ký với chủ hàng khác nếu có. Trừ các trường hợp bên A có giấy điều động vận chuyển hàng khẩn theo lệnh của Chủ Tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải trở lên thì không phải nộp các khoản bồi thường các phí tổn đó.

Điều 6: PHƯƠNG THỨC GIAO NHẬN HÀNG

6.1.Hai bên thỏa thuận giao nhận hàng theo hai phương thức sau:

– Nguyên đai, nguyên kiện, nguyên bao.

– Theo nguyên hầm hay container.

6.2. Bên A đề nghị bên B giao hàng theo phương thức: nguyên đai, nguyên kiện, nguyên bao.

Điều 7: TRÁCH NHIỆM XẾP DỠ HÀNG

7.1. Bên (B) có trách nhiệm xếp dỡ hàng hóa:

– Tại địa điểm có thể tổ chức xếp dỡ chuyên trách thì chi phí xếp dỡ do bên A chịu.

– Trong trường hợp chủ hàng phụ trách xếp dỡ không thuê chuyên trách thì bên vận tải có trách nhiệm hướng dẫn kỹ thuật xếp dỡ.

7.2.Thời gian xếp dỡ giải phóng phương tiện là 02 giờ.

Nếu cần xếp dỡ vào ban đêm, vào ngày lễ và ngày chủ nhật bên A phải báo trước cho bên B 24 giờ, phải trả chi phí cao hơn giờ hành chính là 1000.000 đồng/giờ/tấn.

7.3. Mức thưởng phạt

– Nếu xếp dỡ xong trước thời gian quy định và an toàn thì bên A sẽ thưởng cho bên B số tiền là 500.000 đồng/giờ

– Nếu xếp dỡ chậm bị phạt là : 500.000 đồng trên/ giờ

– Xếp dỡ bị hư hỏng hàng hóa phải bồi thường theo giá trị thị trường tại thời điểm bốc xếp.

Điều 8: GIẢI QUYẾT HAO HỤT HÀNG HÓA

8.1. Nếu hao hụt theo quy định dưới mức 5% tổng số lượng hàng thì bên B không phải bồi thường .

8.2. Hao hụt trên tỷ lệ cho phép thì bên B phải bồi thường cho bên A theo giá trị thị trường tự do tại nơi giao hàng (áp dụng cho trường hợp bên A không cử người áp tải).

8.3. Mọi sự kiện mất hàng bên A phải phát hiện và lập biên bản trước và trong khi giao hàng nếu đúng thì bên B phải ký xác nhận vào biên bản, nhận hàng xong nếu bên A báo mất mát, hư hỏng bên B không chịu trách nhiệm bồi thường.

ĐIỀU 9: THANH TOÁN PHÍ VẬN TẢI

9.1. Tiền cước phí chính mà bên A phải thanh toán cho bên B bao gồm:

– Loại hàng là: …………. đồng

Tổng cộng cước phí chính là: …………… đồng.

9.2. Tiền phụ phí vận tải bên A phải thanh toán cho bên B gồm:

– Phí tổn điều xe một số quãng đường không chở hàng là …………. đồng/ km.

– Cước qua phà là …………… đồng.

– Chi phí chuyển tải là …………… đồng.

– Phí tổn vật dụng chèn lót là ………….. đồng.

– Giá chênh lệch nhiên liệu tổng cộng là ………….. đồng.

– Lệ phí bến đổ phương tiện là …………… đồng.

– Kê khai trị giá hàng hóa …………… đồng.

– Cảng phí …………… đồng.

– Hoa tiêu phí ………….. đồng.

9..3. Tổng cộng cước phí bằng số: ……………………….. (Bằng chữ: ……………….………………………)

9.4. Bên A thanh toán cho bên B bằng hình thức chuyển khoản sau khi bên B giao hàng cho bên A tại kho và chậm nhất là 24h kể từ khi các bên kí giấy xác nhận về việc nhận hàng của bên A tại kho.

ĐIỀU 10: QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA CÁC BÊN

10.1. Quyền và nghĩa vụ của bên A

a) Nghĩa vụ của bên A:

– Trả đủ tiền cước phí vận chuyển cho bên B theo đúng thời hạn, phương thức đã thoả thuận;

– Bên A phải bồi thường thiệt hại cho bên B và người thứ ba về thiệt hại do tài sản vận chuyển có tính chất nguy hiểm mà không có biện pháp đóng gói, bảo đảm an toàn trong quá trình vận chuyển.

b) Quyền của bên A :

– Yêu cầu bên B chuyên chở tài sản đến đúng địa điểm, thời điểm đã thoả thuận;

– Trực tiếp hoặc chỉ định người thứ ba nhận lại tài sản đã thuê vận chuyển;

– Yêu cầu bên B bồi thường thiệt hại.

10.2. Quyền và nghĩa vụ của bên B

a) Nghĩa vụ của bên B:

– Bảo đảm vận chuyển hàng hóa đầy đủ, an toàn đến địa điểm đã định, theo đúng thời hạn;

– Trả tài sản cho người có quyền nhận;

– Chịu chi phí liên quan đến việc chuyên chở tài sản, trừ trường hợp có thoả thuận khác;

– Mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự theo quy định của pháp luật;

– Bồi thường thiệt hại cho bên A trong trường hợp bên B để mất mát, hư hỏng tài sản do lỗi của mình, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

b) Quyền của bên B:

– Kiểm tra sự xác thực của tài sản, của vận đơn hoặc chứng từ vận chuyển tương đương khác;

– Từ chối vận chuyển tài sản không đúng với loại tài sản đã thoả thuận trong hợp đồng;

– Yêu cầu bên A thanh toán đủ cước phí vận chuyển đúng thời hạn;

– Từ chối vận chuyển tài sản cấm giao dịch, tài sản có tính chất nguy hiểm, độc hại, nếu bên B biết hoặc phải biết;

– Yêu cầu bên A bồi thường thiệt hại.

ĐIỀU 11: ĐĂNG KÝ BẢO HIỂM

11.1. Bên A phải chi phí mua bảo hiểm hàng hóa.

11.2. Bên B chi phí mua bảo hiểm phương tiện vận tải với chi nhánh Bảo Việt.

ĐIỀU 12: BIỆN PHÁP BẢO ĐẢM THỰC HIỆN HỢP ĐỒNG

Bên A thực hiện việc kí quỹ tại Ngân hàng ………………để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ thanh toán với bên B.

Nếu hết thời hạn thanh toán theo quy định tại Điều 9 của hợp đồng này mà bên A vẫn chưa thanh toán cho bên B hặc chưa thanh toán hết thì bên B được Ngân hàng nơi kí quỹ thanh toán.

ĐIỀU 13: TRÁCH NHIỆM DO VI PHẠM HỢP ĐỒNG

13.1. Bên nào vi phạm hợp đồng, một mặt phải trả cho bên bị vi phạm tiền phạt vi phạm hợp đồng, mặt khác nếu có thiệt hại xảy ra do lỗi vi phạm hợp đồng dẫn đến như mất mát, hư hỏng, tài sản phải chi phí để ngăn chặn hạn chế thiệt hại do vi phạm gây ra, tiền phạt do vi phạm hợp đồng khác và tiền bồi thường thiệt hại mà bên bị vi phạm đã phải trả cho bên thứ ba là hậu quả trực tiếp của sự vi phạm này gây ra.

13.2. Nếu bên A đóng gói hàng mà không khai hoặc khai không đúng sự thật về số lượng, trọng lượng hàng hóa thì bên A phải chịu phạt đến ………. % số tiền cước phải trả cho lô hàng đó.

13.3. Nếu bên B có lỗi làm hư hỏng hàng hóa trong quá trình vận chuyển thì:

– Trong trường hợp có thể sửa chữa được nếu bên A đã tiến hành sửa chữa thì bên B phải bồi thường phí tổn.

– Nếu hư hỏng đến mức không còn khả năng sửa chữa thì hai bên thỏa thuận mức bồi thường nếu không thỏa thuận được thì xác định theo giá thị trường ở cùng thời điểm.

13.4. Nếu bên A vi phạm nghĩa vụ thanh toán tổng cước phí vận chuyển thì phải chịu phạt theo mức lãi suất chậm trả của tín dụng ngân hàng là ……… % ngày (hoặc tháng) tính từ ngày hết hạn thanh toán.

13.5. Bên nào đã ký hợp đồng mà không thực hiện hợp đồng hoặc đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng mà không có lý do chính đáng thì sẽ bị phạt tới ………. % giá trị phần tổng cước phí dự chi.

13.6. Nếu hợp đồng này có một bên nào đó gây ra đồng thời nhiều loại vi phạm, thì chỉ phải chịu một loại phạt có số tiền phạt ở mức cao nhất theo các mức phạt mà hai bên đã thỏa thuận trong hợp đồng này, trừ các loại trách hiệm bồi thường khi làm mất mát hoặc hư hỏng hàng hóa lúc vận chuyển.

ĐIỀU 14: GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG

Các bên cam kết cùng nhau thực hiện hợp đồng. Nếu trong quá trình thực hiện có phát sinh vướng mắc các bên sẽ trao đổi trên tinh thần hợp tác, trường hợp hai bên không thỏa thuận được thì việc tranh chấp sẽ được giải quyết tại Trọng tài hoặc tòa án.

ĐIỀU 15: HIỆU LỰC CỦA HỢP ĐỒNG

Hợp đồng này có hiệu lực từ ngày 10 tháng 5 năm 2020 đến ngày các bên hoàn thành nghĩa vụ được ghi trong hợp đồng này.

Hợp đồng được lập thành 2 bản, mỗi bên giữ một bản và có giá trị như nhau.

ĐẠI DIỆN BÊN A ĐẠI DIỆN BÊN B

Chức vụ Chức vụ

(Ký tên, đóng dấu) (Ký tên, đóng dấu)

PHỤ LỤC

Điều 11

Đối tượng bảo hiểm: Hàng hóa trong quá trình vận chuyển bằng đường bộ cụ thể là lô hàng kính được vận chuyển từ Hải Phòng về Hà Nội

Phạm vi bảo hiểm:

(Theo Quy tắc bảo hiểm hàng hóa vận chuyển trong lãnh thổ Việt Nam – QTC 2004 của Bảo hiểm Bảo Việt)

Rủi ro được bảo hiểm bao gồm:

  • Cháy hoặc nổ
  • Động đất, bão lụt, gió lốc, sóng thần và sét đánh
  • Phương tiện vận chuyển bị đắm, bị lật đổ, bị rơi, bị trật bánh, mắc cạn, đâm va nhau hoặc va vào vật thể khác
  • Cây gãy đổ; cầu cống, đường hầm và các công trình kiến trúc khác bị sập đổ
  • Phương tiện chở hàng mất tích
  • Tổn thất chung

Chi phí được bảo hiểm là những chi phí hợp lý cho việc:

  • Phòng tránh hoặc giảm nhẹ tổn thất cho hàng hóa được bảo hiểm (do Người được bảo hiểm/người làm công/đại lý của họ đã chi ra)
  • Dỡ hàng, lưu kho và gửi tiếp hàng hóa được bảo hiểm tại một nơi dọc đường đi do hậu quả của rủi ro thuộc phạm vi trách nhiệm bảo hiểm
  • Giám định và xác định nguyên nhân, mức độ tổn thất thuộc trách nhiệm bảo hiểm

​ Phí bảo hiểm: Phí bảo hiểm = Số tiền bảo hiểm x tỷ lệ phí bảo hiểm (%)

Tỷ lệ phí bảo hiểm phụ thuộc vào loại hàng hóa, phương thức đóng gói, phương tiện vận chuyển, tuyến đường.Như vậy trong tình huống trên, xe chở hàng bất ngờ bị tai nạn, người lái xe chết và số lô hàng bị hư hỏng hết, đây là sự kiện bất khả kháng. Trong trường hợp này thì cả hai bên A và B đều bị tổn thất, một bên tổn thất người và phương tiện chở hàng còn một bên tổn thất về hàng cần chở. Do vậy, rủi ro được bảo hiểm ở đây là tổn thất chung của cả 2 bên. Mà trong trường hợp này bên A là phải chi mua bảo hiểm hàng hóa, còn bên B chi phí mua bảo hiểm phương tiện. Vì vậy, trong tình huống này, thì cả 2 bên đều phải chịu trách nhiệm, 2 bên có thể thỏa thuận với nhau để giải quyết hợp đồng. Vì trong tình huống này, cả 2 đều thiệt hại, và cũng không phải do bên nào vi phạm hợp đồng, xảy ra tai nạn hoàn toàn là điều ngoài ý muốn, không lường trước được.

Cảm ơn quý khách đã gửi yêu cầu đến Công ty Luật LVN Group, trên đây là nội dung tư vấn của Công ty, nội dung tư vấn có giá trị tham khảo, nếu còn vấn đề mà quý khách hàng còn chưa rõ xin vui lòng liên hệ đến tổng đài của Công ty Luật LVN Group 1900.0191 hoặc vui lòng gửi tin nhắn đến email [email protected] để được giải đáp thắc mắc. Trân trọng!

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty Luật Minh Khu