Ngân sách nhà nước là toàn bộ các khoản thu chi của nhà nước được cơ quan có thẩm quyền quyết định và được thực hiện trong một năm. Có thể nói ngân sách nhà nước là “túi tiền” của Nhà nước. Nguồn thu của ngân sách nhà nước phần lớn là từ thuế. Trong đó không thể kể đến thuế tiêu thụ đặc biệt áp dụng đối với một số hàng hóa và dịch vụ có tính chất đặc thù

Khái quát chung về thuế tiêu thụ đặc biệt.

Khái niệm về thuế nói chung và thuế TTĐB nói riêng.

Thuế là khoản thu nộp mang tính bắt buộc mà các tổ chức hoặc cá nhân phải nộp cho nhà nước khi có đủ những điều kiện nhất định. Đặc điểm của thuế là: là khoản thu nộp bắt buộc vào ngân sách; gắn với yếu tố quyền lực và không mang tính đối giá, không hoàn trả trực tiếp.

Thuế TTĐB là loại thuế đánh vào một số hàng hóa, dịch vụ đặc biệt, cần điều tiết mạnh nhằm hướng dẫn sản xuất và tiêu dùng đồng thời tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Thuế TTĐB là một loại thuế gián thu.

Thuế TTĐB cũng giống như thuế GTGT đều thuộc loại thuế gián thu. Tính chất gián thu của loại thuế này thể hiện ở chỗ: thuế TTĐB đánh vào thu nhập của người tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ chịu thuế TTĐB một cách gián tiếp thông qua giá cả của hàng hóa, dịch vụ mà người đó tiêu dùng và người sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế TTĐB là người nộp thuế cho Nhà nước thay cho người tiêu dùng. Như vậy, người sản xuất, nhập khẩu hàng hóa, kinh doanh dịch vụ sẽ nộp thuế TTĐB và khoản thuế này được chuyển vào giá bán sản phẩm và chuyển sang cho người tiêu dùng cuối cùng phải gánh chịu.

Vai trò của thuế TTĐB.

Thứ nhất, thuế TTĐB là một trong những công cụ giúp Nhà nước thực hiện chính sách quản lý đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh và nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ; góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh đối với một số hàng hóa, dịch vụ.

Thứ hai, thuế TTĐB là một trong những công cụ kinh tế để Nhà nước điều tiết thu nhập của các tầng lớp dân cư có thu nhập cao, hướng dẫn tiêu dùng hợp lí. Thông qua việc thu thuế TTĐB, Nhà nước, một mặt, có thể định hướng tiêu dùng xã hội, góp phần tích cực vào việc hình thành xu hướng tiêu dùng xã hội lành mạnh, xu hướng tiêu dùng phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh kinh tế của đất nước. Mặt khác, nhà nước còn có thể huy động một bộ phận thu nhập của những đối tượng có thu nhập cao và có khả năng tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ không thiết yếu, không được khuyến khích tiêu dùng vào ngân sách nhà nước để sử dụng cho những mục tiêu công cộng, góp phần đảm bảo công bằng xã hội.

Thứ ba, thuế TTĐB là công cụ quan trọng được sử dụng nhằm ổn định và tăng cường nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Do có thuế suất cao, số tiền thu được từ thuế TTĐB chiếm tỉ trọng đáng kể trong tổng thu ngân sách nhà nước.

Đặc trưng của thuế tiêu thụ đặc biệt.

Thuế TTĐB có diện đánh thuế hẹp.

Thuế TTĐB chỉ tập trung điều tiết một số mặt hàng và dịch vụ nhất định, không được Nhà nước khuyến khích tiêu dùng. Tùy theo quan điểm của các nhà làm luật ở mỗi quốc gia mà danh mục hàng hóa và dịch vụ phải chịu loại thuế này có thể rất khác nhau. Điều này được lý giải bởi chủ trương, chính sách của Nhà nước trong việc hướng dẫn sản xuất, tiêu dùng cũng như trong lĩnh vực điều tiết thu nhập của các tầng lớp dân cư ở từng giai đoạn phát triển kinh tế, xã hội và phong tục tập quán của mỗi nước. Nhìn chung các quốc gia thường đánh thuế tiêu thụ đặc biệt vào một số mặt hàng được coi là cao cấp và không thiết yếu, Nhà nước không khuyến khích tiêu dùng như: thuốc hút, rượu bia, xăng dầu.

Như vậy, đối tượng chịu thuế chủ yếu là những hàng hóa, dịch vụ có tính chất đặc biệt: là loại xa xỉ phẩm cần điều tiết thu nhập, hoặc cần định hướng sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng do việc tiêu dùng có ảnh hưởng tiêu cực đến con người nhưng không thể cấm tiêu dùng.

So sánh với thuế giá trị gia tăng: Mặc dù cũng là thuế tiêu dùng, nhưng khác với thuế GTGT, thuế TTĐB có đối tượng chịu thuế hẹp, chỉ bao gồm một số hàng hóa, dịch vụ Nhà nước cần điều tiết. Còn thuế GTGT đánh vào hầu hết hàng hóa, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng trong phạm vi quốc gia. Nếu như thuế GTGT đánh vào tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ trừ nhóm hàng hóa dịch vụ nằm trong nhóm không thuộc đối tượng chịu thuế thì thuế TTĐB chỉ đánh vào 11 loại hàng hoá và 6 loại dịch vụ.

Thuế suất thuế TTĐB có thể là thuế suất cố định hoặc thuế suất tỉ lệ và thường cao hơn so với thuế suất của các loại thuế gián thu khác.

Thuế TTĐB có phạm vi điều chỉnh hẹp nhưng thường có mức thuế suất cao. Do đối tượng của thuế TTĐB chỉ áp dụng với một số hàng hóa, dịch vụ nên Việt Nam và các nước thường áp dụng mức thuế suất thuế TTĐB cao để hướng dẫn sản xuất, tiêu dùng qua đó cũng điều tiết một phần thu nhập của những người tiêu dùng các hàng hóa dịch vụ có thu nhập cao, đảm bảo công bằng xã hội. Dưới góc độ điều tiết thu nhập của người có thu nhập cao sau khi tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ xa xỉ, thuế TTĐB còn góp phần khắc phục hạn chế về công bằng theo chiều dọc của thuế GTGT

So sánh với thuế giá trị gia tăng:

Đây là điểm khác biệt rõ nét với thuế GTGT. Nếu như thuế GTGT chỉ có mức thuế suất là 0%, 5% và 10% thì thuế TTĐB có thể chịu mức thuế suất lên tới 150%[1]. Xuất phát từ vai trò thuế TTĐB hạn chế tiêu dùng còn thuế GTGT khuyến khích tiêu dùng. Đối với những mặt hàng hóa với đặc điểm dễ gây hại cho sức khỏe con người, gây ô nhiễm môi trường, những dịch vụ không thiết yếu,… Nhà nước sẽ đánh thuế suất cao nhằm tăng giá cả của hàng hóa để hạn chế tiêu dùng của người dân, các mặt hàng chịu thuế TTĐB không thể là quảng đại quần chúng lao động mà chỉ là những tầng lớp khá giả trong xã hội. Còn đối với thuế GTGT, vì đối tượng chịu thuế của thuế GTGT đều là những mặt hàng thiết yếu cần dùng trong cuộc sống, nên thuế suất thấp sẽ giúp cho đa số người dân đều mua được những mặt hàng cần thiết đó.

Thuế TTĐB thường chỉ được thu một lần ở khâu sản xuất hoặc nhập khẩu.

Cùng một mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, khi luân chuyển qua khâu lưu thông sẽ không bị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt.

Nhà nước chỉ thu thuế TTĐB một lần ở khâu sản xuất, nhập khẩu hàng hóa hay kinh doanh các dịch vụ thuộc diện chịu thuế TTĐB. Khi hàng hóa và dịch vụ này chuyển qua khâu lưu thông thì không phải chịu thuế TTĐB. Đây là điểm khác biệt lớn với thuế GTGT. Nếu như thuế TTĐB chỉ đánh một lần thì thuế GTGT đánh vào phần giá trị tăng thêm của tất cả các khâu, các bước của quá trình kinh doanh, bao gồm cả sản xuất, lưu thông và tiêu dùng. Chính vì thế cơ sở kinh doanh được khấu trừ số thuế TTĐB đã nộp đối với nguyên liệu đã nộp thuế TTĐB nếu có chứng từ hợp pháp. Số thuế TTĐB dduwwocj khấu trừ đối với nguyên liệu tối đa không quá số thuế TTĐB tương ứng với số nguyên liệu dùng sản xuất ra hàng hóa đã tiêu thu. Vì vậy, việc quản lý thuế TTĐB đòi hỏi phải kiểm tra, giám sát chặt chẽ, đảm bảo hạn chế đến mức tối đa sự thất thu thuế TTĐB tại khâu sản xuất, cung ứng dịch vụ hoặc nhập khẩu.

So sánh với thuế giá trị gia tăng:

Đặc điểm này cho thấy thuế tiêu thụ đặc biệt khác với thuế doanh thu và thuế giá trị gia tăng ở chỗ các loại thuế này đánh trên toàn bộ doanh thu bán hàng hoặc trên giá trị tăng thêm của hàng hóa ở mỗi khâu trong lưu thông. “Phần giá trị tăng thêm” là sự chênh lệch giá trị giữa giá đầu ra và đầu vào của hàng hóa, dịch vụ sau mỗi giai đoạn. Mà căn nguyên của sự gia tăng về giá trị đó là do những tác động của nhà sản xuất, nhà kinh doanh tới hàng hóa, dịch vụ[2]. Thuế GTGT là thuế đánh vào tiêu dùng nên về nguyên tắc chỉ cần đánh vào khâu tiêu dùng cuối cùng. Tuy nhiên, việc xác định khâu tiêu dùng nào là cuối cùng là điều không đơn giản. Vì vậy, kết thúc mỗi khâu hàng hóa, dịch vụ tồn tại trên thụ trường mà có phát sinh giá trị tăng thêm thì sẽ phải đánh thuế ngay để bảo đảm số thuế GTGT thu về ngân sách. Về cơ bả, quá trình này có thể được nhìn nhận từ khi các nhà sản xuất mua nguyên, nhiên, vật liệu sau đó qua quá trình sản xuất, chế biến tạo GTGT để bán cho các nhà buôn; sau đó các nhà bán buôn phân phối đến các nhà bán lẻ và cuối cùng các nhà bán lẻ phân phối đến người tiêu dùng. Sau mỗi một công đoạn đó, từ sản xuất, chế biến cho đến lưu thông và tới tay người tiêu dùng nếu hàng hóa, dịch vụ phát sinh giá trị tăng thêm khi kết thúc công đoạn nào thì sẽ bị đánh thuế GTGT ngay của công đoạn đó.

Các hàng hóa, dịch vụ đã chịu thuế TTĐB, khi lưu thông trên thị trường, tức là được chuyển qua khâu thương nghiệp thì các cơ sở kinh doanh các mặt hàng này không phải nộp thuế TTĐB nhưng phải nộp thuế GTGT.

Nhìn chung, hầu hết các nước trên thế giới đều áp dụng thuế TTĐB. Về căn bản, thuế TTĐB của các nước đều đánh vào những loại hàng hóa, dịch vụ xa xỉ, không thiết yếu, có hại cho cơ thể con người, gây ô nhiễm môi trường,… Tuy nhiên, do đặc trưng của từng quốc gia nên các quy định về thuế TTĐB có sự khác biệt nhất định nhằm phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội và yêu cầu của mỗi quốc gia.

Công cuộc cải cách chính sách thuế của các nước trên thế giới hiện nay đang tập trung theo hướng làm thay đổi cơ cấu thuế theo hướng dịch chuyển từ thuế trực thu sang thuế gián thu, chú trọng tỷ trọng thuế gián thu trong cơ cấu tổng thu NSNN. Bên cạnh số thu từ thuế nhập khẩu sẽ giảm đi theo lộ trình cắt giảm thuế quan song phương hay theo các cam kết đa phương , việ c tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với một số mặt hàng không được khuyến khích sử dụng, hay làm ảnh hưởng đến cộng đồng xã hội đã góp phần bù đắp vào các khoản thiếu hụt trong thu ngân sách từ thuế.


[1] Đối với ô tô dung tích từ 6l trở lên, áp dụng từ ngày 1.1.2017.

[2] Đỗ Đức Huy (2018), Pháp luật về thuế GTGT đối với chủ thể nộp thuế bằng phương pháp tính trực tiếp trên GTGT, Luật văn Thạc sĩ Luật học, Đại học Luật Hà Nội, tr. 11.