Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật Doanh nghiệp của Công ty luật LVN Group

>> Luật sư tư vấn pháp luật Doanh nghiệp, gọi: 1900.0191

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật của Công ty Luật LVN Group. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ Luật sư của LVN Group của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

Cơ sở pháp lý:

Luật bảo vệ môi trường 2014

Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật bảo vệ môi trường

Thông tư số 41/2013/TT – BTNMT ngày 2/12/2013 quy định trình tự, thủ tục, chứng nhận nhãn sinh thái cho sản phẩm thân thiện với môi trường

1. Khái niệm về sản phẩm thân thiện với môi trường

1.1 Khái niệm

Sản phẩm thân thiện môi trường là nhóm sản phẩm mà quá trình sản xuất và tiêu thụ chúng không gây ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường(nếu có thì cũng có tác động nhẹ hơn so với các sản phẩm cùng loại). Trong một chừng mực nhất định, sản phẩn thân thiện với môi trường còn có tác động tích cực tới môi trường.

Sản phẩm thân thiện với môi trường còn được gọi là các sản phẩm xanh, sản phẩm sinh thái. Ngày nay, sản phẩm thân thiện với môi trường ngày càng được sử dụng phổ biến tại các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia phát triển. Dưới góc độ xã hội và môi trường, một sản phẩm được xem là sản phẩm thân thiện với môi trường nếu đáp ứng 1 trong 4 tiêu chí:

  • Sản phẩm được tạo ra từ các vật liệu thân thiện với môi trường;
  • Sản phẩm đem đến những giải pháp an toàn đối với môi trường và sức khỏe con người, thay cho các sản phẩm độc hại truyền thống;
  • Sản phẩm giảm tác động đến môi trường trong quá trình sử dụng (ít chất thải, sử dụng năng lượng tái sinh, ít chi phí bảo trì);
  • Sản phẩm tạo ra một môi trường thân thiện và an toàn đối với sức khỏe con người.

Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật bảo vệ môi trường 2014 (Nghị định số 19/2015/NĐ-CP) có đưa ra định nghĩa sản phẩm thân thiện với môi trường tại Điều 3, khoản 9. Theo đó, “sản phẩm thân thiện với môi trường là sản phẩm đáp ứng các tiêu chí nhãn sinh thái và được chứng nhận nhãn sinh thái”. Theo định nghĩa này, một sản phẩm được xác định là sản phẩm thân thiện với môi trường khi đáp ứng các tiêu chí nhãn sinh thái và được chứng nhận nhãn sinh thái. Tiêu chí “đáp ứng các tiêu chí nhãn sinh thái” là tiêu chí cần và tiêu chí “được chứng nhận nhãn sinh thái” là tiêu chí đủ để một sản phẩm được xác định là sản phẩm thân thiện với môi trường.

Theo Điều 1, Thông tư số 41/2013/TT – BTNMT ngày 2/12/2013 quy định trình tự, thủ tục, chứng nhận nhãn sinh thái cho sản phẩm thân thiện với môi trường (Thông tư số 41/2013/TT-BTNMT) thì nhãn sinh thái gắn cho các sản phẩm thân thiện với môi trường được gọi là Nhãn xanh Việt Nam.

1.2 Điều kiện để được cấp chứng nhận Nhãn xanh Việt Nam

Để được cấp chứng nhận Nhãn xanh Việt Nam, các sản phẩm phải đáp ứng tiêu chí Nhãn xanh Việt Nam do Bộ trưởng Bộ TN&MT ban hành. Các tiêu chí này được đăng tải công khai trên trang thông tin điện tử của Tổng cục Môi trường. Cho tới thời điểm này, Bộ trưởng Bộ TN&MT đã ban hành một số tiêu chí Nhãn xanh Việt Nam cho 5 nhóm sản phẩm gồm: Ắc quy, giấy văn phòng, sơn phủ dùng cho xây dựng, máy in, máy tính xách tay. Có thể thấy, nội dung quy định về tiêu chí Nhãn xanh Việt Nam đã xác định những tiêu chí mang tính định lượng cần đáp ứng để một sản phẩm được coi là sản phẩm thân thiện với môi trường.

Gắn Nhãn xanh Việt Nam là hoạt động tự nguyện nên để được cấp Nhãn xanh Việt Nam, tổ chức, cá nhân (gọi là doanh nghiệp) phải lập hồ sơ đăng ký theo quy định tại Điều 7, Thông tư số 41/2013/TT-BTNMT và gửi cho Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT. Khi hồ sơ được chấp nhận đầy đủ, hợp lệ, Tổng cục Môi trường có trách nhiệm đánh giá hồ sơ đăng ký chứng nhận Nhãn xanh Việt Nam trên cơ sở xác định mức độ phù hợp của hồ sơ đăng ký với tiêu chí Nhãn xanh Việt Nam. Trường hợp kết quả đánh giá đạt yêu cầu, Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường ký Quyết định chứng nhận Nhãn xanh Việt Nam.Quyết định chứng nhận Nhãn xanh Việt Nam được thông báo tới doanh nghiệp ngay khi được ký ban hành. Sau khi có Quyết định chứng nhận Nhãn xanh Việt Nam, doanh nghiệp có quyền gắn Nhãn xanh Việt Nam cho sản phẩm đã được chứng nhận.

Doanh nghiệp có quyền gắn Nhãn xanh Việt Nam cho sản phẩm đã được chứng nhận trong thời hạn 3 năm, kể từ thời điểm có Quyết định chứng nhận Nhãn xanh Việt Nam. Hết thời hạn này, để được tiếp tục gắn Nhãn xanh Việt Nam, doanh nghiệp phải lập lại hồ sơ và thực hiện trình tự, thủ tục đăng ký và chứng nhận lại.

2. Một số quy định về sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thân thiện với môi trường:

Điều 44 luật bảo vệ môi trường 2014 có quy định về sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thân thiện với môi trường:

1. Cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm tham gia sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường.

2. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước có trách nhiệm ưu tiên sử dụng sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường được chứng nhận nhãn sinh thái theo quy định của pháp luật.

3. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với cơ quan thông tin truyền thông giới thiệu, quảng bá về sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường

Do đó cá cơ quan, tổ chức,hộ gia đình, cá nhân phải phối hợp với nhau để thực hiện tốt hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thân thiện với môi trường để bảo vệ môi trường.

3. Các chính sách của Nhà nước về bảo vệ môi trường

Tại Điều 5 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 quy định về các chính sách của Nhà nước về bảo vệ môi trường, cụ thể như sau:

– Tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tham gia hoạt động bảo vệ môi trường; kiểm tra, giám sát việc thực hiện hoạt động bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

– Tuyên truyền, giáo dục kết hợp với biện pháp hành chính, kinh tế và biện pháp khác để xây dựng kỷ cương và văn hóa bảo vệ môi trường.

– Bảo tồn đa dạng sinh học; khai thác, sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên; phát triển năng lượng sạch và năng lượng tái tạo; đẩy mạnh tái chế, tái sử dụng và giảm thiểu chất thải.

– Ưu tiên xử lý vấn đề môi trường bức xúc, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ô nhiễm môi trường nguồn nước; chú trọng bảo vệ môi trường khu dân cư; phát triển hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường.

– Đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư cho bảo vệ môi trường; bố trí khoản chi riêng cho bảo vệ môi trường trong ngân sách với tỷ lệ tăng dần theo tăng trưởng chung; các nguồn kinh phí bảo vệ môi trường được quản lý thống nhất và ưu tiên sử dụng cho các lĩnh vực trọng điểm trong bảo vệ môi trường.

– Ưu đãi, hỗ trợ về tài chính, đất đai cho hoạt động bảo vệ môi trường, cơ sở sản xuất, kinh doanh thân thiện với môi trường.

– Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực về bảo vệ môi trường.

– Phát triển khoa học, công nghệ môi trường; ưu tiên nghiên cứu, chuyển giao và áp dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường; áp dụng tiêu chuẩn môi trường đáp ứng yêu cầu tốt hơn về bảo vệ môi trường.

– Gắn kết các hoạt động bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên với ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh môi trường.

– Nhà nước ghi nhận, tôn vinh cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân có đóng góp tích cực trong hoạt động bảo vệ môi trường.

– Mở rộng, tăng cường hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường; thực hiện đầy đủ cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường.

4. Những hoạt động bảo vệ môi trường được khuyến khích ở Việt Nam

Tại Điều 6 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 quy định về những hoạt động được khuyến khích để bảo vệ môi trường, cụ thể bao gồm các hoạt động sau đây:

– Truyền thông, giáo dục và vận động mọi người tham gia bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học.

– Bảo vệ, sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên.

– Giảm thiểu, thu gom, tái sử dụng và tái chế chất thải.

– Hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu; phát triển, sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; giảm thiểu phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, phá hủy tầng ô-dôn.

– Đăng ký cơ sở, sản phẩm thân thiện với môi trường; sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng sản phẩm thân thiện với môi trường.

– Nghiên cứu khoa học, chuyển giao, ứng dụng công nghệ xử lý, tái chế chất thải, công nghệ thân thiện với môi trường.

– Đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất thiết bị, dụng cụ bảo vệ môi trường; cung cấp dịch vụ bảo vệ môi trường; thực hiện kiểm toán môi trường; tín dụng xanh; đầu tư xanh.

– Bảo tồn và phát triển nguồn gen bản địa; lai tạo, nhập nội các nguồn gen có giá trị kinh tế và có lợi cho môi trường.

– Xây dựng thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, khu dân cư thân thiện với môi trường.

– Phát triển các hình thức tự quản và tổ chức hoạt động dịch vụ giữ gìn vệ sinh môi trường của cộng đồng dân cư.

– Hình thành nếp sống, thói quen giữ gìn vệ sinh môi trường, xóa bỏ hủ tục gây hại đến môi trường.

– Đóng góp kiến thức, công sức, tài chính cho hoạt động bảo vệ môi trường; thực hiện hợp tác công tư về bảo vệ môi trường.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi về vấn đề mà quy khách hàng quan tâm “Khái niệm và một số quy định về sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thân thiện với môi trường”. Nội dung chúng tôi đưa ra dựa trên những thông tin khách hàng cung cấp và trên cơ sở các quy định pháp luật hiện hành nhằm mục đích để khách hàng tham khảo.  Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại gọi ngay số: 1900.0191 để được giải đáp.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật Doanh nghiệp – Công ty luật LVN Group