1.Hướng dẫn việc giao nhận hồ sơ vụ án hình sự
>> Xem thêm: Chiến thuật hỏi cung bị can là gì ? Các bước tiến hành việc hỏi cung bị can
Khoản 3 Điều 142 Bộ Luật Tố tụng hình sự quy định: “trong trường hợp truy tố thì trong thời hạn 3 ngày kể từ khi ra quyết định, Viện kiểm sát phải gửi hồ sơ và quyết định truy tố đến Tòa án”. Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao thống nhất hướng dẫn việc áp dụng quy định này như sau:
1- Đối với vụ án chỉ có bị can bị tạm giam thì trong hạn 3ngay kể từ ngày ra quyết định truy tố, Viện kiểm sát gửi đến Tòa án hồ sơ vụ án và quyết định truy tố cùng với biên bản về việc Viện kiểm sát giao cáo trạng cho bị can. Nếu trong hồ sơ vụ án chưa có biên bản về việc Viện kiểm sát giao cáo trạng cho bị can thì Tòa án chưa nhận hồ sơ vụ án;
2- Đối với vụ án vừa có bị can đang bị tạm giam, vừa có bị can tại ngoại, cũng như vụ án chỉ có bị can tại ngoại, thì trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày ra quyết định truy tố, Viện kiểm sát gửi đến Tòa án hồ sơ vụ án và quyết định truy tố cùng với biên bản giao cáo trạng cho bị can đang bị tạm giam, cũng như bị can tại ngoại. Nếu Viện kiểm sát gặp khó khăn trong việc giao cáo trạng cho bị can tại ngoại, thì chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày gửi cho Tòa án hồ sơ vụ án, Viện kiểm sát gửi đến Tòa án biên bản về việc Viện kiểm sát giao cáo trạng cho bị can tại ngoại. Hết thời hạn đó, nếu Viện kiểm sát không gửi đến Tòa án đủ các biên bản giao cáo trạng cho bị can, thì Tòa án trả hồ sơ cho Viện kiểm sát, vì lý do chưa hoàn thành thủ tục tố tụng
2. Nhận hồ sơ vụ án, bản cáo trạng và thụ lý vụ án
>> Xem thêm: Hỏi cung bị can là gì ? Phân tích quy định pháp luật về hỏi cung bị can ?
Thụ lý vụ án là bắt đầu tiếp nhận một vụ việc để xem xét và giải quyết. Là việc tòa dân sự nhận đơn yêu cầu của đương sự đề nghị xem xét giải quyết một vụ việc để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, tổ chức, cơ quan. Là việc tòa án có thẩm quyền xét xử tiếp nhận vụ án thông qua việc viện kiểm sát nhân dân có quyết định truy tố bị can với bản cáo trạng và hồ sơ vụ án chuyển sang tòa án có thẩm quyền bắt đầu xem xét, giải quyết vụ án. Qua bài viết này đội ngũ chuyên viên Luật sư của văn phòng Luật sư Thủ Đô xin được phân tích, bình luận các quy định của pháp luật về nhận hồ sơ vụ án, bản cáo trạng và thụ lý vụ án.
Quy định của pháp luật về nhận hồ sơ vụ án, bản cáo trạng và thụ lý vụ án được quy định của Bộ luật tố tụng hình sự 2015, cụ thể như sau:
– Một là, khi Viện kiểm sát giao bản cáo trạng, hồ sơ vụ án và vật chứng kèm theo (nếu có), Tòa án phải kiểm tra và xử lý:
+ Trường hợp tài liệu trong hồ sơ vụ án, vật chứng kèm theo (nếu có) đã đầy đủ so với bảng kê tài liệu, vật chứng và bản cáo trạng đã được giao cho bị can hoặc người đại diện của bị can thì nhận hồ sơ vụ án.
+ Trường hợp tài liệu trong hồ sơ vụ án, vật chứng kèm theo (nếu có) không đủ so với bảng kê tài liệu, vật chứng hoặc bản cáo trạng chưa được giao cho bị can hoặc người đại diện của bị can thì chưa nhận hồ sơ vụ án và yêu cầu Viện kiểm sát bổ sung tài liệu, vật chứng; yêu cầu giao bản cáo trạng cho bị can hoặc người đại diện của bị can.
– Hai là, việc giao, nhận hồ sơ vụ án và bản cáo trạng được lập biên bản theo quy định tại Điều 133 của Bộ luật tố tụng hình sự 2015 và đưa vào hồ sơ vụ án.
– Ba là, ngay sau khi nhận được hồ sơ vụ án kèm theo bản cáo trạng thì Tòa án phải thụ lý vụ án. Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày thụ lý vụ án, Chánh án Tòa án phải phân công Thẩm phán chủ tọa phiên tòa giải quyết vụ án.
3. Bình luận vấn đề nhận hồ sơ, bản cáo trạng và thụ lý vụ án
>> Xem thêm: Bức cung là gì ? Khái niệm bức cung được hiểu như thế nào ?
Sau khi nhận hồ sơ của Viện kiểm sát, công tác chuẩn bị xét xừ là một việc rất quan trọng, thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa có nhiệm vụ kiểm tra và xử lý:
– Trường hợp tài liệu trong hồ sơ vụ án, vật chứng kèm theo (nếu có) đã đầy đủ so với bảng kê tài liệu, vật chứng và bản cáo trạng đã được giao cho bị can hoặc người đại diện của bị can thì nhận hồ sơ vụ án;
– Trường hợp tài liệu trong hồ sơ vụ án, vật chứng kèm theo (nếu có) không đủ so với bảng kê tài liệu, vật chứng hoặc bản cáo trạng chưa được giao cho bị can hoặc người đại diện của bị càn thì chưa nhận hồ sơ vụ án và yêu cầu Viện kiểm sát bổ sung tài liệu, vật chứng; yêu cầu giao bản cáo trạng cho bị can hoặc người đại diện của bị can.
Tòa án phải kiểm tra xem việc truy tố có căn cứ không và tùy từng trường hợp, có quyền ra quyết định đưa vụ án ra xét xử, trả hồ sơ để điều tra bổ sung, tạm đình chỉ vụ án hoặc đình chỉ vụ án. Nếu vụ án được đưa ra xét xử thì thẩm phán tiến hành những công việc trong quá trình chuẩn bị xét xử khi có đơn khiếu nại hoặc yêu cầu của những người tham gia tố tụng về việc vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng; đề nghị thay đổi biện pháp ngăn chặn cho bị can, bị cáo; trả lại đồ vật đã bị tạm giữ v.v… thì Thẩm phán phải xem xét giải quyết. Đối với những yêu cầu, khiếu nại không thuộc thẩm quyền của mình, Thẩm phán phải báo cáo Chánh án Tòa án.
Trong khi chuẩn bị xét xử nếu thấy cần thiết, Thẩm phán có thể gặp trao đổi với người giám định đề nghị người giám định giải thích những điểm chưa rõ trong kết luận giám định; gặp đại diện cơ quan, tố chức để nắm được quan điểm của họ về việc giải quyết vụ án đối với những vấn đề có liên quan.
Việc giao, nhận hồ sơ vụ án và bản cáo trạng được lập biên bản theo quy định tại Điều 133 của Bộ luật này và đưa vào hồ sơ vụ án. Ngay sau khi nhận được hồ sơ vụ án kèm theo bản cáo trạng thì Tòa án phải thụ lý vụ án. Trong thời hạn 03 ngày kề từ ngày thụ lý vụ án, Chánh án Tòa án phải phân công Thẩm phán chủ tọa phiên tòa giải quyết vụ án.
4. Một số khó khăn vướng mắc về niêm phong và mở niêm phong vật chứng trong vụ án hình sự
Thứ nhất, theo quy định tại Điều 6 Nghị định 127 thì người tổ chức thực hiện niêm phong, mở niêm phong vật chứng gồm: “1. Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra, điều tra viên; 2. Cấp trưởng, cấp phó, cán bộ điều tra của các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; 3. Người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật đang thụ lý vụ án trong giai đoạn truy tố, xét xử, thi hành án”.
Điều 4 Nghị định 127 cũng quy định về nguyên tắc thì khi niêm phong, mở niêm phong vật chứng phải bảo đảm đúng trình tự, thủ tục, hình thức, thẩm quyền theo quy định của pháp luật; bảo đảm nhanh chóng, kịp thời; bảo đảm tôn trọng lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; bảo đảm tính nguyên vẹn của vật chứng.
Như vậy, trong giai đoạn điều tra khi tiến hành mở niêm phong để giám định vật chứng bắt buộc phải có mặt của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra, hoặc Điều tra viên; cấp trưởng, cấp phó, cán bộ điều tra của các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra nếu không có mặt thì không thể mở niêm phong và không thể giám định vật chứng được. Trong khi đó, nhiều trường hợp chẳng hạn như: Cơ quan điều tra, cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra ở các tỉnh Miền Trung – Tây Nguyên, vùng sâu, vùng xa trưng cầu giám định vật chứng vụ án, nhiều loại vật chứng chỉ có cơ quan chuyên môn tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh mới có thẩm quyền giám định. Thông thường Cơ quan điều tra gửi vật chứng giám định bằng nhiều hình thức như cử cán bộ điều tra trực tiếp mang đi…. Tuy nhiên, Điều 6 Nghị định 127 quy định bắt buộc phải có mặt của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng, hoặc Điều tra viên để mở niêm phong là rất khó thực hiện bởi vì thông thường Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng, hoặc Điều tra viên khi được phân công thụ lý giải quyết vụ án có rất nhiều việc phải giải quyết nên không thể trực tiếp đi để tham gia mở niêm phong để giám định hết được tất cả các vụ án…
Thứ hai, tại Điều 105 BLTTHS quy định: “Vật chứng phải được thu thập kịp thời, đầy đủ, mô tả đúng thực trạng vào biên bản và đưa vào hồ sơ vụ án. Trường hợp vật chứng không thể đưa vào hồ sơ vụ án thì phải chụp ảnh, có thể ghi hình để đưa vào hồ sơ vụ án. Vật chứng phải được niêm phong, bảo quản theo quy định của pháp luật”. Việc niêm phong đối với vật chứng được thực hiện theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 127 quy định chi tiết việc niêm phong, mở niêm phong vật chứng. Trong đó, đối với vật chứng có khối lượng, kích thước lớn hoặc không thể di chuyển được thì dán giấy niêm phong lên từng phần hoặc trên những bộ phận quan trọng của vật chứng.
Khi khám nghiệm hiện trường, phát hiện và thu giữ vật chứng là khúc cây (đoạn gỗ) dài, cồng kềnh, cây dao,… thì có cần thiết phải niêm phong không? Theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 127 quy định vật chứng cần niêm phong và vật chứng không cần niêm phong như sau: “Mọi vật chứng sau khi thu thập phải được niêm phong, trừ các trường hợp sau: Vật chứng là động vật, thực vật sống; Vật chứng là tài liệu được đưa vào hồ sơ vụ án; Vật chứng thuộc loại mau hỏng hoặc khó bảo quản. Những vật chứng khác mà cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng xét thấy không cần thiết phải niêm phong”.
Nội dung Nghị định số 127 quy định “vật chứng xét thấy không cần thiết phải niêm phong” là chưa phù hợp với quy định tại Điều 105 BLTTHS là “vật chứng phải được niêm phong, bảo quản theo quy định của pháp luật”. Đồng thời việc quy định như trên dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau như thế nào là vật chứng xét thấy “không cần thiết”, không có tiêu chí để đánh giá. Quy định trên gây khó khăn, vướng mắc trong quá trình thu thập, niêm phong vật chứng, nhất là đối với các vụ án “cố ý gây thương tích” có sử dụng hung khí như: khúc gỗ, côn, dao để gây thương tích…
Thứ ba, trong giai đoạn chuẩn bị xét xử. Điều 276 BLTTHS quy định: “Khi viện kiểm sát giao bản cáo trạng, hồ sơ vụ án và vật chứng kèm theo (nếu có), Tòa án phải kiểm tra và xử lý: Trường hợp tài liệu trong hồ sơ vụ án, vật chứng kèm theo (nếu có) đã đầy đủ so với bảng kê tài liệu, vật chứng và bản cáo trạng đã được giao cho bị can hoặc người đại diện của bị can thì nhận hồ sơ vụ án; Trường hợp tài liệu trong hồ sơ vụ án, vật chứng kèm theo (nếu có) không đủ so với bảng kê tài liệu, vật chứng hoặc bản cáo trạng chưa được giao cho bị can hoặc người đại diện của bị can thì chưa nhận hồ sơ vụ án và yêu cầu Viện kiểm sát bổ sung tài liệu, vật chứng;…”
Như vậy, khi Tòa án nhận hồ sơ từ Viện kiểm sát chuyển sang thì Tòa án phải kiểm tra tình trạng hồ sơ và vật chứng kèm theo. Vấn đề đặt ra là các vật chứng đều được niêm phong thì theo quy định của pháp pháp luật, cán bộ Tòa án đảm nhiệm công tác thụ lý vụ án cũng không có quyền mở niêm phong để kiểm tra tình trạng, số lượng vật chứng được… Như vậy, không có cơ sở xác định được vật chứng kèm theo hồ sơ vụ án đủ hay không đủ để Tòa án nhận và thụ lý vụ án…
Ví dụ: Ngày 12/10/2020, Viện kiểm sát quân sự Khu vực M cử cán bộ kiểm sát (kiểm tra viên) Nguyễn Lưu B giao hồ sơ vụ án Dũ Ngọc H bị truy tố về tội “giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi” theo khoản 1 Điều 145 Bộ luật Hình sự. Hồ sơ gồm 01 tập, 290 bút lục, việc giao nhận các quyết định tố tụng đảm bảo theo quy định của pháp luật; vật chứng kèm theo hồ sơ gồm có: 01 (một) ống nghiệm chứa dịch lấy từ âm đạo của Võ Thị Hồng G; 01 (một) mẫu vải có dính chất màu vàng cắt từ một cái áo của Võ Thị Hồng G; 01 (một) mẫu vải có dính chất màu vàng sậm cắt từ đáy quần của Võ Thị Hồng G; 01 (một) chiếc quần đùi jean đã bị cắt một phần; 01 (một chiếc áo thun màu trắng đã bị cắt một phần; 01 (một) chiếc phong bì bên trong có chứa mẫu tóc của Dũ Ngọc H. Tất cả các vật chứng trên đều đã được Cơ quan điều tra Khu vực H niêm phong.
Trong trường hợp trên thì cán bộ Tòa án không thể kiểm tra được vật chứng của vụ án; các vật chứng được niêm phong thì khi mở niêm phong phải thực hiện theo trình tự, thủ tục, thẩm quyền được quy định tại Nghị định số 127 của Chính phủ nên không thể nhận hồ sơ vụ án (việc nhận hồ sơ vụ án sẽ không đảm bảo theo quy định tại Điều 276 BLTTHS). Hiện nay, về thủ tục tiếp nhận vật chứng dưới hình thức gói niêm phong trong giai đoạn chuẩn bị xét xử vẫn chưa được hướng dẫn thể, nên trong quá trình thực hiện gây khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng. Thực tiễn, trong nhiều trường hợp nêu trên (khi đối chiếu với biên bản giao nhận vật chứng) thì tòa án vẫn nhận và thụ lý vụ án là không đúng theo quy định của pháp luật.
Còn đối với cơ quan thi hành án, về thủ tục tiếp nhận vật chứng dưới hình thức gói niêm phong. Tại điểm b tiểu mục 1.4 mục 1 phần II Thông tư 06/2007/TT-BTP ngày 05/7/2007 của Bộ Tư pháp quy định: “Trong trường hợp vật chứng, tài sản được bàn giao dưới hình thức gói niêm phong, cơ quan thi hành án chỉ nhận khi có kết luận giám định rõ số lượng, chủng loại, chất lượng của từng loại vật chứng, tài sản trong gói niêm phong đó của cơ quan có thẩm quyền. Cơ quan thi hành án chỉ nhận vật chứng, tài sản là ma túy dưới hình thức gói niêm phong khi có kết luận của Viện khoa học hình sự…”. Căn cứ vào quy định này, khi nhận vật chứng, tài sản dưới dạng gói niêm phong, cơ quan thi hành án yêu cầu bên giao kèm theo kết luận của cơ quan có thẩm quyền và biên bản thu giữ ban đầu của Cơ quan điều tra nhưng các kết luận giám định và biên bản thu giữ ban đầu đều được Cơ quan điều tra chuyển theo hồ sơ của vụ án cho cơ quan có thẩm quyền nên không thể cung cấp. Để chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ, cơ quan thi hành án viện dẫn Thông tư 06/2007/TT-BTP nhưng không được bên giao chấp nhận vì đó chỉ là Thông tư của Bộ Tư pháp chứ không phải Thông tư liên ngành. Vì vậy, đối với những loại vật chứng này hiện nay cũng đang còn vướng mắc trong thủ tục tiếp nhận. Bên cạnh đó, khi giao nhận vật chứng là ma túy dưới hình thức gói niêm phong phải có kết luận giám định của Viện khoa học hình sự. Tuy nhiên, trên thực tế, không phải mọi vụ án liên quan đến ma túy đều phải được Viện khoa học hình sự giám định mà thông thường là Tổ chức Giám định Tội phạm – Kỹ thuật hình sự thuộc công an cấp tỉnh tiến hành giám định và trên thực tế cơ quan thi hành án một số địa phương cũng chấp nhận kết luận giám định của cơ quan này. Do đó, liên ngành các cơ quan Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp cần có văn bản hướng dẫn thống nhất về vấn đề này.
Thứ tư, theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị định 127 quy định người tham gia mở niêm phong vật chứng gồm: “a) Người liên quan; đại diện cơ quan, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm liên quan đến vật chứng được niêm phong (nếu có); b) Người bào chữa (nếu xét thấy cần thiết); c) Đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi mở niêm phong vật chứng (trong trường hợp cần thiết); d) Đại diện cơ quan quản lý vật chứng được niêm phong trong những trường hợp vật chứng được bảo quản tại các cơ quan chuyên môn”.
Khoản 3 Điều 11 Nghị định 127 cũng quy định: “Trường hợp mở niêm phong phục vụ hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, sau đó phải niêm phong lại thì thành phần thực hiện niêm phong lại bao gồm: Những người tổ chức, người tham gia niêm phong; người, đại diện cơ quan được giao quản lý vật chứng; người chứng kiến (là đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn); người thân thích hoặc người bào chữa của bị can, bị cáo (nếu có)”. Như vậy, khi tiến hành mở niêm phong bắt buộc phải có mặt của người liên quan. Theo đó, người liên quan đến vật chứng trong vụ án hình sự khi bị thu giữ thường là người bị tình nghi, người bị tố giác, người bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo. Bởi vì, các vật chứng khi thu giữ phục vụ cho công tác điều tra, truy tố và xét xử thường cơ quan điều tra phải cho người bị tình nghi, người bị tố giác, người bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo tham gia vào việc niêm phong vật chứng và có những vụ án rất nhiều mẫu vật phải thu giữ để giám định, thời gian giám định dài mới có kết quả hoặc có nhiều trường hợp khi giám định ADN thì cơ quan điều tra phải lấy mẫu như lông, tóc và các vi thể của người bị tình nghi, người bị tố giác, người bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo để giám định và khi lấy mẫu bắt buộc phải niêm phong và phải có những người bị tình nghi, người bị tố giác, người bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo tham gia niêm phong. Do vậy, khi muốn mở niêm phong để giám định bắt buộc phải có mặt của những người bị tình nghi, người bị tố giác, người bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo hoặc người thân thích của họ. Trong khi đó, những vật chứng thu giữ như ma túy và nhiều vật chứng khác khi giám định nếu bắt buộc phải có mặt của người liên quan hoặc người thân thích, người bào chữa là rất khó. Bởi vì, các đối tượng phạm tội nhất là tội phạm về ma túy, công tác truy bắt, canh giữ là một vấn đề rất phức tạp nhưng trong trường hợp này phải dẫn giải các đối tượng đi để mở niêm phong lại càng phức tạp hơn hoặc mời người thân thích của họ thường không hợp tác bởi vì nếu tham gia vào việc mở niêm phong để giám định thì tốn kém về mặt thời gian và chi phí đi lại nên họ không hợp tác.
Thực tiễn cho thấy các cơ quan chuyên môn có thẩm quyền giám định thường ở xa, nếu như bắt buộc phải có mặt của những người liên quan đến vật chứng để mở niêm phong thì mới giám định và sau khi mở niêm phong bắt buộc phải có những người bị tình nghi, người bị tố giác, người bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo để niêm phong lại sẽ gây khó khăn cho công tác dẫn giải, bảo vệ các đối tượng bị tình nghi, người bị tố giác, người bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo và gây tốn kém, lãng phí cho ngân sách nhà nước.
5. Một số đề xuất, kiến nghị
Thứ nhất, cần sửa đổi, bổ sung Nghị định số 127/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ quy định chi tiết việc niêm phong, mở niêm phong vật chứng theo hướng:
+ Đối với vật chứng niêm phong phục vụ cho công tác giám định để giải quyết các vụ án hình sự khi mở niêm phong phục vụ cho công tác giám định không nhất thiết phải có mặt của người bị tình nghi, người bị tố giác, người bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo hoặc người thân thích của người bị tình nghi, người bị tố giác, người bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo hoặc người bào chữa mà khi mở niêm phong vật chứng để giám định mà chỉ cần đại diện cơ quan trưng cầu và mời người chứng kiến tham gia là đảm bảo quy định của pháp luật.
+ Cần quy định rõ tại khoản 3 Điều 6 Nghị định 127 về người tổ chức thực hiện niêm phong, mở niêm phong vật chứng: “3. Người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật đang thụ lý vụ án trong giai đoạn truy tố, xét xử, thi hành án…” gồm cụ thể những người nào để thuận lợi cho cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng áp dụng vào thực tiễn.
Thứ hai, để thực hiện theo đúng quy định tại Điều 276 BLTTHS về “nhận hồ sơ vụ án, bản cáo trạng và thụ lý vụ án”, khi Viện kiểm sát tiến hành bàn giao hồ sơ vụ án, kèm theo vật chứng dưới hình thức gói niêm phong cho Tòa án, cơ quan chuyên môn cấp trên cần hướng dẫn cụ thể việc giao nhận vật chứng gói niêm phong được thực hiện cụ thể như thế nào, để việc giao nhận hồ sơ vụ án đảm bảo theo quy định của pháp luật.
Thứ ba, bổ sung tại Điều 105 BLTTHS quy định về thu thập vật chứng như sau:… “Vật chứng phải được niêm phong, bảo quản theo quy định của pháp luật; trừ các trường hợp không cần niêm phong theo quy định của Chính phủ”.
Thứ tư, về thủ tục tiếp nhận vật chứng dưới hình thức gói niêm phong, điểm b, tiểu mục 1.4, mục 1 phần II của Thông tư 06/2007/TT-BTP ngày 05/7/2007 của Bộ Tư pháp cần sửa đổi, bổ sung như sau: “Trong trường hợp vật chứng, tài sản được bàn giao dưới hình thức gói niêm phong, cơ quan thi hành án chỉ nhận khi có bản sao kết luận giám định rõ số lượng, chủng loại, chất lượng của từng loại vật chứng, tài sản trong gói niêm phong đó của cơ quan có thẩm quyền. Cơ quan thi hành án chỉ nhận vật chứng, tài sản là ma túy dưới hình thức gói niêm phong khi có kết luận giám định của cơ quan chuyên môn”.
Mọi vướng mắc pháp lý liên quan đến lĩnh vực tố tụng hình sự về bị can, truy tố bị can, Hãy gọi ngay: 1900.0191 để được Luật sư tư vấn pháp luật hình sự trực tuyến qua tổng đài. Đội ngũ Luật sư của LVN Group giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực hình sự luôn sẵn sàng lắng nghe và giải đáp cụ thể.
Trân trọng./.
Bộ phận tư vấn pháp luật hình sự – Công ty luật LVN Group