Khách hàng: Kính thưa Luật sư LVN Group. Tôi mong Luật sư phân tích giúp tôi những vấn đề liên quan đến khiếu nại hành chính.

Cảm ơn!

Trả lời:

 

1. Khiếu nại hành chính

Khiếu nại hành chính là quyền cơ bản của công dân ở mọi Nhà nước, thể hiện ý chí của công dân mong muốn Nhà nước xem xét lại những quyết định mà công dân không đồng ý, cho là trái pháp luật hoặc không hợp lý. Khiếu nại hành chính không chỉ là quyền mà còn là phương thức căn bản để mỗi người tự bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi bị xâm phạm bởi các cơ quan nhà nước.

Khiếu nại hành chính thể hiện mối quan hệ giữa nhà nước và công dân, thể hiện bản chất dân chủ của một nhà nước. Để thực hiện quyền khiếu nại hành chính, cơ sở đầu tiên và quan trọng nhất chính là xác định những đối tượng có thể bị khiếu nại, lấy đó làm căn cứ để xác định thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết và các vấn đề pháp lý khác có liên quan. Đây là vấn đề được rất nhiều quốc gia quan tâm, đặc biệt ở những quốc gia có nền dân chủ lâu đời.

 

2. Đối tượng bị khiếu nại hành chính

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại quyết định, hành vi trong tố tụng hành chính của cơ quan, người tiến hành tố tụng hành chính khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Khiếu nại hành chính trước hết bắt nguồn từ hoạt động hành chính. Hoạt động hành chính được tiếp cận theo nghĩa rộng không chỉ là hoạt động của cơ quan hành chính mà còn có thể là hoạt động của các cơ quan nhà nước khác hoặc các chủ thể khác được giao quyền hành chính. Người dân không thể khiếu nại về hoạt động hành chính nói chung mà phải khiếu nại về một hoạt động cụ thể, được biểu hiện dưới một hình thức nhất định.

Các hình thức hoạt động hành chính được chia làm 3 nhóm: hình thức mang tính pháp lý; hình thức ít mang tính pháp lý và hình thức không mang tính pháp lý. Trong số đó, quan trọng nhất là các hình thức mang tính pháp lý, bao gồm: hoạt động ban hành các quyết định chủ đạo; hoạt động ban hành các quyết định quy phạm; hoạt động ban hành các quyết định cá biệt. Tính pháp lý của các hình thức hoạt động này thể hiện: về hình thức, chúng được pháp luật quy định chi tiết cụ thể; về nội dung: chúng thực sự mang lại sự thay đổi trong cơ chế điều chỉnh pháp luật – bằng cách làm phát sinh, thay đổi hay chấm dứt các quy phạm pháp luật hoặc các quyền và nghĩa vụ của các chủ thể. Các hình thức mang tính pháp lý là sự thể hiện cô động nhất của thẩm quyền các cơ quan hành chính. Các hình thức hoạt động hành chính còn lại được xếp vào nhóm ít mang hoặc không mang tính pháp lý như: các hoạt động tổ chức hội thảo, tổ chức phong trào thi đua; các hoạt động tác nghiệp vật chất kỹ thuật như lập tờ trình, tài liệu, biên bản để chuẩn bị cho việc ban hành quyết định hành chính; công tác văn thư lưu trữ, chuyển giao giấy tờ hành chính, trực điện thoại….; hợp đồng hành chính.

Trong số các hình thức hoạt động mang tính pháp lý, ngoài cách phân chia theo tính pháp lý (quyết định chủ đạo, quyết định quy phạm và quyết định cá biệt) thì còn có thể chia thành các quyết định hành chính và hành vi hành chính. Việc phân biệt giữa quyết định và hành vi chủ yếu dựa trên hình thức biểu hiện. Nếu như quyết định hành chính được thể hiện thành văn bản, thì hành vi hành chính chỉ là hành động hay không hành động của chủ thể công quyền. Như vậy, đối tượng của khiếu nại hành chính đã được xác định một cách có cơ sở đó chính là các quyết định hành chính và hành vi hành chính.

Theo tiêu chí thẩm quyền ban hành, có thể phân biệt quyết định hành chính của cơ quan hành chính, quyết định hành chính của các cơ quan nhà nước khác. Theo tiêu chí tính chất pháp lý, có thể phân biệt quyết định hành chính chủ đạo, quyết định hành chính quy phạm và quyết định hành chính cá biệt – cụ thể. Theo tiêu chí về phạm vi tác động, có thể phân biệt quyết định hành chính hướng ra bên ngoài và quyết định hành chính trong nội bộ cơ quan nhà nước… Khác với quyết định hành chính, hành vi hành chính thường chỉ phân thành hai loại là hành động hoặc không hành động. Tuy nhiên, ý nghĩa của việc hành động hay không hành động được xác định trong từng hoàn cảnh cụ thể.

 

3. Quyền, nghĩa vụ của người khiếu nại

Người khiếu nại có các quyền sau đây:

– Tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khiếu nại;

– Khiếu nại trong bất kỳ giai đoạn nào của quá trình giải quyết vụ án;

– Rút khiếu nại trong bất kỳ giai đoạn nào của quá trình giải quyết khiếu nại;

– Được nhận văn bản trả lời về việc thụ lý để giải quyết khiếu nại; nhận quyết định giải quyết khiếu nại;

– Được khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp đã bị xâm phạm, được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Người khiếu nại có các nghĩa vụ sau đây:

– Khiếu nại đến đúng người có thẩm quyền giải quyết;

– Trình bày trung thực sự việc, cung cấp thông tin, tài liệu cho người giải quyết khiếu nại; chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung trình bày và việc cung cấp thông tin, tài liệu đó;

– Không được lạm dụng quyền khiếu nại để cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án;

– Chấp hành quyết định, hành vi của người tiến hành tố tụng mà mình đang khiếu nại trong thời gian khiếu nại;

– Chấp hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật.

 

4. Quyền và nghĩa vụ của người bị khiếu nại

Người bị khiếu nại có các quyền sau đây:

– Được biết các căn cứ khiếu nại của người khiếu nại; đưa ra bằng chứng về tính hợp pháp của quyết định, hành vi trong tố tụng bị khiếu nại;

– Được nhận quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định, hành vi trong tố tụng của mình.

Người bị khiếu nại có các nghĩa vụ sau đây:

– Giải trình về quyết định, hành vi trong tố tụng hành chính bị khiếu nại; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan khi cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền yêu cầu;

– Chấp hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật;

– Bồi thường thiệt hại, bồi hoàn hoặc khắc phục hậu quả do quyết định, hành vi trong tố tụng hành chính trái pháp luật của mình gây ra theo quy định của pháp luật.

 

5. Thời hiệu khiếu nại

Thời hiệu khiếu nại là 10 ngày kể từ ngày người khiếu nại nhận được hoặc biết được quyết định, hành vi tố tụng mà người đó cho rằng có vi phạm pháp luật.

Trường hợp có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan mà người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hạn quy định tại Điều này thì thời gian có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan đó không tính vào thời hiệu khiếu nại.

Việc khiếu nại phải được thực hiện bằng đơn. Trong đơn khiếu nại phải ghi rõ ngày, tháng, năm; họ, tên, địa chỉ của người khiếu nại; nội dung, lý do khiếu nại, yêu cầu của người khiếu nại, có chữ ký hoặc điểm chỉ của người khiếu nại.

 

6. Thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi người tiến hành tố tụng

Khiếu nại quyết định, hành vi của người tiến hành tố tụng là Thẩm phán, Phó Chánh án, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án, Hội thẩm nhân dân do Chánh án Tòa án đang giải quyết vụ án hành chính có thẩm quyền giải quyết.

Đối với khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của Chánh án Tòa án thì Chánh án Tòa án trên một cấp trực tiếp có thẩm quyền giải quyết.

Khiếu nại quyết định, hành vi của người tiến hành tố tụng là Kiểm sát viên, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm tra viên do Viện trưởng Viện kiểm sát giải quyết.

Đối với khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của Viện trưởng Viện kiểm sát thì Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp có thẩm quyền giải quyết.

Khiếu nại quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu của Chánh án Tòa án, Viện trưởng Viện kiểm sát quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này do Chánh án Tòa án trên một cấp trực tiếp, Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp giải quyết.

Thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu là 15 ngày kể từ ngày Tòa án, Viện kiểm sát nhận được khiếu nại. Trường hợp cần thiết, đối với vụ việc có tính chất phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể được kéo dài nhưng không quá 15 ngày kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại.

 

7. Nội dung quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu

Người giải quyết khiếu nại lần đầu phải ra quyết định giải quyết khiếu nại bằng văn bản. Quyết định giải quyết khiếu nại phải có các nội dung sau đây: Ngày, tháng, năm ra quyết định; Tên, địa chỉ của người khiếu nại, người bị khiếu nại; Nội dung khiếu nại; Kết quả xác minh nội dung khiếu nại; Căn cứ pháp luật để giải quyết khiếu nại; Nội dung quyết định giải quyết khiếu nại.

Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu phải được gửi cho người khiếu nại, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; trường hợp là quyết định của Chánh án Tòa án thì còn phải gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp.

 

8. Thủ tục giải quyết khiếu nại lần hai

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày người khiếu nại nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu, nếu không đồng ý với quyết định đó hoặc quá thời hạn quy định tại Điều 333 của Luật Tố tụng hành chính mà khiếu nại không được giải quyết thì người khiếu nại có quyền khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai.

Đơn khiếu nại phải kèm theo bản sao quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu và các tài liệu kèm theo.

Quyết định giải quyết khiếu nại lần hai phải có các nội dung sau đây: Nội dung quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản 1 Điều 334 của Luật Tố tụng hành chính; Kết quả giải quyết khiếu nại của người giải quyết khiếu nại lần đầu; Kết luận về từng vấn đề cụ thể trong nội dung khiếu nại của người khiếu nại và việc giải quyết của người giải quyết khiếu nại lần hai.

Quyết định giải quyết khiếu nại lần hai phải được gửi cho người khiếu nại, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; trường hợp là quyết định của Chánh án Tòa án thì còn phải gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp.

Quyết định giải quyết khiếu nại lần hai có hiệu lực thi hành.

Việc giải quyết khiếu nại về hoạt động giám định trong tố tụng hành chính được thực hiện theo quy định của pháp luật về giám định tư pháp và quy định khác của pháp luật có liên quan.

 

Trân trọng!