1. Khu vực biên giới đất liền là gì ?

Khu vực biên giới là phần lãnh thổ nằm phía trong, tiếp giáp với đường biên giới quốc gia, có phạm vi và chế độ pháp lý riêng nhất định theo các quy định của pháp luật quốc gia hoặc các Điều ước quốc tế về quy chế biên giới được quốc gia ký kết.

Khoản 1 Điều 6 Luật Biên giới năm 2003 quy định

“Khu vực biên giới trên đất liền gồm xã, phường, thị trấn có một phần địa giới hành chính trùng hợp với biên giới quốc gia trên đất liền”

2. Đối tượng nào được cư trú tại khu vực biên giới đất liền ?

Căn cứ theo Điều 5 Nghị định 34/2014/NĐ-CP quy định

“Điều 5. Cư trú ở khu vực biên giới đất liền

1. Những người được cư trú ở khu vực biên giới đất liền:

a) Cư dân biên giới;

b) Người có giấy phép của cơ quan Công an có thẩm quyền cho phép cư trú ở khu vực biên giới đất liền;

c) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công chức quốc phòng, công nhân viên quốc phòng, hạ sĩ quan, chiến sĩ Quân đội nhân dân; sĩ quan, công nhân, viên chức, hạ sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật Công an nhân dân có đơn vị đóng quân ở khu vực biên giới đất liền.

2. Những người không được cư trú ở khu vực biên giới đất liền:

a) Người đang thi hành quyết định của cơ quan có thẩm quyền cấm cư trú ở khu vực biên giới đất liền, người chưa được phép xuất cảnh, tạm hoãn xuất cảnh;

b) Người đang bị cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú;

c) Người bị kết án phạt tù nhưng chưa có quyết định thi hành án, được hưởng án treo hoặc đang được hoãn, tạm đình chỉ thi hành án phạt tù; người đang bị quản chế;

d) Người bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc, nhưng đang được hoãn chấp hành hoặc tạm đình chỉ thi hành.

đ) Người không thuộc diện quy định tại Khoản 1 Điều này;

Các đối tượng quy định tại các Điểm a, b, c, d Khoản này không áp dụng đối với cư dân biên giới.”

3. Cần có điều kiện như thế nào để được phép đi vào khu vực biên giới ?

Theo quy định tại Điều 6 Thông tư 43/2015/TT-BQP quy định như sau:

“Điều 6. Đi vào khu vực biên giới

1. Đối với công dân Việt Nam

a) Công dân Việt Nam (không phải là cư dân biên giới) vào khu vực biên giới phải:

– Có giấy tờ tùy thân theo quy định của pháp luật;

– Xuất trình giấy tờ khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền;

– Trường hợp nghỉ qua đêm phải đăng ký lưu trú tại Công an xã, phường, thị trấn;

– Hết thời hạn lưu trú phải rời khỏi khu vực biên giới;

– Trường hợp có nhu cầu lưu lại quá thời hạn đã đăng ký phải đến nơi đã đăng ký xin gia hạn.

b) Công dân Việt Nam (không thuộc đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 34/2014/NĐ-CP) vào vành đai biên giới phải có giấy tờ tùy thân theo quy định của pháp luật, có trách nhiệm thông báo bằng văn bản theo Mẫu số 13 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này cho Đồn Biên phòng hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã sở tại. Trường hợp ở qua đêm trong vành đai biên giới phải đăng ký lưu trú tại Công an cấp xã theo quy định của pháp luật; Công an cấp xã có trách nhiệm thông báo bằng văn bản theo Mẫu số 14 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này cho Đồn Biên phòng sở tại biết để phối hợp theo dõi, quản lý.

c) Người, phương tiện vào hoạt động trong khu vực biên giới phải có giấy tờ tùy thân, giấy tờ liên quan đến phương tiện và giấy phép hoạt động theo lĩnh vực chuyên ngành do cơ quan có thẩm quyền cấp, đồng thời chịu sự kiểm tra, giám sát của Đồn Biên phòng, Công an cấp xã sở tại và lực lượng quản lý chuyên ngành theo quy định của pháp luật.

d) Những người không được cư trú ở khu vực biên giới có lý do đặc biệt vào khu vực biên giới như có bố (mẹ), vợ (chồng), con chết hoặc ốm đau; ngoài giấy tờ tùy thân phải có giấy phép của Công an cấp xã nơi người đó cư trú, đồng thời phải trình báo Đồn Biên phòng hoặc Công an cấp xã sở tại biết thời gian lưu trú ở khu vực biên giới; trường hợp ở qua đêm hoặc vào vành đai biên giới phải được sự đồng ý của Đồn Biên phòng sở tại.

2. Đối với người nước ngoài

a) Người nước ngoài thường trú, tạm trú ở Việt Nam vào khu vực biên giới phải có giấy phép do Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an hoặc Giám đốc Công an cấp tỉnh nơi người nước ngoài thường trú, tạm trú hoặc giấy phép của Giám đốc Công an tỉnh biên giới nơi đến; trường hợp ở lại qua đêm trong khu vực biên giới, người quản lý trực tiếp, điều hành hoạt động của cơ sở lưu trú phải khai báo tạm trú cho người nước ngoài với Công an cấp xã sở tại theo quy định của pháp luật; đồng thời Công an cấp xã có trách nhiệm thông báo bằng văn bản theo Mẫu số 14 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này cho Đồn Biên phòng sở tại biết để phối hợp quản lý; trường hợp vào vành đai biên giới phải được sự đồng ý và chịu sự kiểm tra, kiểm soát của Đồn Biên phòng sở tại.

b) Cư dân biên giới nước láng giềng vào khu vực biên giới phải có đầy đủ giấy tờ theo quy định của quy chế quản lý biên giới giữa hai nước; phải tuân thủ đúng thời gian, phạm vi, lý do, mục đích hoạt động; trường hợp ở lại qua đêm phải đăng ký lưu trú theo quy định của pháp luật Việt Nam, hết thời hạn cho phép phải rời khỏi khu vực biên giới. Trường hợp lưu trú quá thời hạn cho phép phải được sự đồng ý của Đồn Biên phòng hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã sở tại.

3. Hoạt động của người, phương tiện Việt Nam và nước ngoài ở khu du lịch, dịch vụ, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế và khu vực cửa khẩu liên quan đến khu vực biên giới thực hiện theo quy định của pháp luật đối với các khu vực đó và pháp luật có liên quan.

Trường hợp hoạt động liên quan đến vành đai biên giới, vùng cấm thực hiện theo quy định tại Nghị định số 34/2014/NĐ-CP và Thông tư này.

4. Cơ quan, tổ chức Việt Nam đưa hoặc mời người nước ngoài theo quy định tại Điểm b, c Khoản 2 Điều 6 Nghị định số 34/2014/NĐ-CP vào khu vực biên giới phải thông báo bằng văn bản theo Mẫu số 15 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này cho Công an, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh nơi đến biết.”

4. Hành vi nào bị nghiêm cấm trong khu vực biên giới đất liền?

– Làm hư hỏng, hủy hoại, xê dịch hoặc mất mốc quốc giới, dấu hiệu nhận biết đường biên giới, các biển báo “khu vực biên giới”, “vành đai biên giới”, “vùng cấm”, công trình biên giới.

– Làm thay đổi dòng chảy tự nhiên, làm cạn kiệt nguồn nước, gây ngập úng, ô nhiễm môi trường của sông, suối biên giới.

– Cư trú, khai thác lâm thổ sản, thăm dò, khai thác khoáng sản, thủy sản trái phép.

– Vượt biên giới làm ruộng, rẫy, săn bắn, chăn thả gia súc.

– Chôn cất, chuyển dịch mồ mả, vận chuyển thi thể, hài cốt, động vật, thực vật và xác động vật qua biên giới không được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam.

– Bắn súng qua biên giới, gây nổ, chặt phá và đốt cây khai hoang trong vành đai biên giới.

– Quay phim, chụp ảnh, ghi âm, đo, vẽ cảnh vật ở những nơi có biển cấm trong khu vực biên giới đất liền.

– Các hành vi buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới, gian lận thương mại.

– Các hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định của pháp luật Việt Nam và các hiệp định về quy chế biên giới mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký với các nước láng giềng.

5. Quy định pháp luật về hoạt động của người, phương tiện trong khu vực biên giới đất liền

Theo Điều 7 Nghị định 34/2014/NĐ-CP quy định

“Điều 7. Hoạt động của người, phương tiện trong khu vực biên giới đất liền

1. Công dân Việt Nam (trừ cư dân biên giới) và người nước ngoài vào khu vực biên giới đất liền, nếu ở qua đêm phải đăng ký lưu trú tại cơ quan Công an cấp xã sở tại theo quy định của pháp luật. Trường hợp ở qua đêm trong vành đai biên giới phải thông báo bằng văn bản cho Đồn Biên phòng sở tại.

2. Người, phương tiện hoạt động trong khu vực biên giới đất liền phải có đầy đủ giấy tờ theo quy định của pháp luật và chấp hành sự hướng dẫn, kiểm tra, kiểm soát của Đồn Biên phòng, Công an cấp xã sở tại và lực lượng chuyên ngành theo quy định của pháp luật.

3. Hoạt động của người, phương tiện Việt Nam và nước ngoài ở khu du lịch, dịch vụ, thương mại, khu kinh tế cửa khẩu, khu vực cửa khẩu và các khu kinh tế khác được mở ra trong khu vực biên giới đất liền thực hiện theo quy định của pháp luật đối với các khu vực đó và quy định của pháp luật khác có liên quan.

4. Các hoạt động khác trong khu vực biên giới đất liền thực hiện theo quy định của pháp luật về lĩnh vực đó và tuân theo quy định tại Nghị định này.

5. Cư dân biên giới của nước láng giềng hoạt động trong khu vực biên giới đất liền Việt Nam thực hiện theo hiệp định về quy chế biên giới hai nước đã ký kết và quy định của pháp luật Việt Nam.”

6. Trường hợp nào được tạm dừng các hoạt động trong khu vực biên giới?

Căn cứ Điều 10 Nghị định 34/2014/NĐ-CP quy định

“Điều 10. Tạm dừng các hoạt động trong khu vực biên giới đất liền

1. Các trường hợp được tạm dừng:

a) Khu vực đang xảy ra tranh chấp về biên giới, lãnh thổ, đe dọa đến chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia;

b) Khu vực đang xảy ra xung đột vũ trang, trấn cướp, khủng bố, bạo loạn, xâm nhập, bắt cóc người hoặc gây rối an ninh, trật tự nghiêm trọng;

c) Khu vực đang có thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, sự cố hóa chất, sự cố phóng xạ có nguy cơ đe dọa gây thiệt hại đến cộng đồng, lan truyền qua biên giới;

d) Nhận được thông báo của Chính phủ, chính quyền địa phương hoặc lực lượng bảo vệ biên giới nước láng giềng về việc tạm dừng qua lại biên giới.

2. Để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân; ngăn chặn thiên tai, hỏa hoạn, lũ lụt, dịch bệnh, các hoạt động sau đây sẽ bị tạm dừng:

Vào vành đai biên giới, họp chợ, tổ chức lễ hội, sản xuất, kinh doanh, xây dựng, thăm dò, khai thác tài nguyên và các hoạt động khác thuộc các trường hợp xảy ra quy định tại Khoản 1 Điều này.

3. Người có thẩm quyền tạm dừng các hoạt động trong khu vực biên giới đất liền được quy định như sau:

a) Đồn trưởng Đồn Biên phòng quyết định tạm dừng không quá 12 giờ trong phạm vi vành đai biên giới thuộc địa bàn phụ trách và phải báo cáo Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh, đồng thời thông báo bằng văn bản cho Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã sở tại và các cơ quan liên quan ở khu vực biên giới đất liền và chính quyền địa phương, lực lượng quản lý, bảo vệ biên giới của nước láng giềng biết;

b) Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh quyết định tạm dừng không quá 24 giờ trong khu vực biên giới đất liền thuộc phạm vi quản lý và phải báo cáo bằng văn bản cho Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đồng thời thông báo cho Công an tỉnh và lực lượng quản lý, bảo vệ biên giới đối diện nước láng giềng biết;

Trường hợp hết thời hạn 24 giờ, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh xét thấy cần phải tiếp tục tạm dừng các hoạt động trong khu vực biên giới đất liền, có trách nhiệm đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định; thời gian tiếp tục tạm dừng không quá 24 giờ, đồng thời thông báo cho Công an cấp tỉnh và lực lượng quản lý, bảo vệ biên giới đối diện nước láng giềng biết.

4. Người có thẩm quyền quy định tại Khoản 3 Điều này có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho Bộ Ngoại giao để phối hợp xử lý khi cần thiết; phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và cơ quan cấp trên trực tiếp về các quyết định tạm dừng; khi hết thời hạn cho phép hoặc khi tình hình đã trở lại bình thường phải ban hành quyết định bãi bỏ quyết định tạm dừng đã ban hành và thông báo bằng văn bản đến các cơ quan có liên quan, lực lượng quản lý, bảo vệ biên giới nước láng giềng và thông báo trêncác phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân biết.”

Luật LVN Group (tổng hợp & phân tích)