1. Xu thế lạm quyền trở thành quy luật phổ biến của việc tổ chức, thực hiện quyền lực Nhà nước
Kiểm tra, giám sát trong hoạt động tố tụng hình sự (TTHS) mang tính tất yếu do xu thế lạm quyền trở thành quy luật phổ biến của việc tổ chức, thực hiện quyền lực Nhà nước. Bất kỳ ai khi có quyền lực trong tay, bất kỳ nơi nào có quyền lực thì đều có xu hướng mở rộng quyền và sử dụng quyền cho đến khi nào gặp giới hạn. Xu hướng lạm quyền đó sẽ trở thành phổ biến, chuyên quyền nếu không có cơ chế giám sát quyền lực hiệu quả. Vì vậy, việc kiểm tra, giám sát thực hiện quyền lực Nhà nước được coi là vấn đề cơ bản, trọng yếu của nhà nước pháp quyền, là một trong những công cụ chính trị – pháp lý quan trọng để hạn chế việc lạm quyền. Tuy nhiên, hạn chế sự lạm quyền không phải đơn giản mà hết sức khó khăn đối với tất cả các nhà nước.
Có tác giả đã đưa ra nhận định “Việc kiềm chế sử dụng quyền lực Nhà nước là thách thức đối với bất kỳ nhà nước nào, nhất là khi việc này không được làm cho các cơ quan nhà nước mất đi tính mềm dẻo cần phải có để tiến hành công việc của mình. Việc sử dụng không đúng quyền lực nhà nước gây ra những vấn đề nghiêm trọng cho uy tín của Nhà nước trước nhân dân”.. Hạn chế sự lạm quyền chỉ có hiệu quả khi có cơ chế kiểm tra, giám sát phù hợp “xây dựng một cơ chế kiểm soát hợp lý, đầy đủ và có hiệu lực luôn là những bảo đảm cho quyền lực hoạt động hết công suất đồng thời tránh được tình trạng bộ máy quyền lực vận hành ngoài tầm kiểm soát của người chủ quyền lực dẫn đến quan liêu tha hóa quyền lực”. Vị trí của giám sát và cơ chế kiểm tra giám sát quyền lực Nhà nước ở Việt Nam được xuất phát từ hai yêu cầu chủ yếu sau: a) Yêu cầu của tính thống nhất về quyền lực; b) Yêu cầu phân công quyền lực trong việc tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước. Khi đã có sự phân công quyền lực phải có sự theo dõi, kiểm tra bảo đảm cho các cơ quan thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ được phân công trong việc thực hiện quyền lực. Khi bàn về cơ chế kiểm tra, giám sát, GS.TSKH Đào Trí Úc nhận định “Hoạt động kiểm tra, giám sát việc thực hiện quyền lực nhà nước là hoạt động tất yếu trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa nhằm duy trì bản chất, định hướng chung của quyền lực Nhà nước và để bảo đảm cho quyền lực Nhà nước được thực hiện một cách khoa học, hiệu quả.
2. Cơ chế kiểm tra, giám sát hoạt động TTHS là một bộ phận của cơ chế kiểm tra, giám sát hoạt động tư pháp
Cơ chế kiểm tra, giám sát hoạt động TTHS là một bộ phận của cơ chế kiểm tra, giám sát hoạt động tư pháp nhằm bảo đảm cho hoạt động TTHS của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trong phạm vi, chức năng, quyền hạn được phân công hướng tới mục tiêu của TTHS là “chủ động phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm, phát hiện chính xác, nhanh chóng và xử lý công minh kịp thời mọi hành vi phạm tội, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội” . Cơ chế kiểm tra, giám sát trong hoạt động TTHS được hiểu là tập hợp những thành tố, hình thức các mối quan hệ, thiết chế, tổ chức mà qua đó thực hiện việc xem xét, đánh giá, hiệu quả hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng khi giải quyết vụ án hình sự hướng tới việc bảo đảm tuân theo pháp luật, tôn trọng và bảo đảm quyền công dân. Kiểm tra, giám sát hoạt động TTHS có mục đích: a) Bảo đảm cho Hiến pháp, pháp luật trong TTHS được chấp hành nghiêm chỉnh; b) Bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án hình sự; c) Phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án hình sự; d) Góp phần đổi mới tổ chức và hoạt động của các cơ quan tiến hành TTHS.
Cơ chế kiểm tra giám giám sát đối với hoạt động TTHS bao gồm nhiều thành tố, có những thành tố bên trong (kiểm tra giám sát của các cơ quan tiến hành tố tụng), những thành tố bên ngoài thuộc về nội bộ hệ thống cơ quan Nhà nước (Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, đại biểu dân cử, các cơ quan nhà nước khác) và giám sát xã hội (Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các thành viên của Mặt trận).
3. Nguyên tắc Kiểm tra, giám sát trong tố tụng hình sự
Căn cứ Điều 33 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 (BLTTHS) tuân thủ pháp luật về nguyên tắc kiểm tra, giám sát trong tố tụng hình sự được quy định như sau:
“Điều 33. Kiểm tra, giám sát trong tố tụng hình sự
1. Cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải thường xuyên kiểm tra việc tiến hành các hoạt động tố tụng thuộc thẩm quyền; thực hiện kiểm soát giữa các cơ quan trong việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.
2. Cơ quan nhà nước, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, đại biểu dân cử có quyền giám sát hoạt động của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Nếu phát hiện hành vi trái pháp luật của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thì cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử có quyền yêu cầu, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận có quyền kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng xem xét, giải quyết theo quy định của Bộ luật này. Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải xem xét, giải quyết và trả lời kiến nghị, yêu cầu đó theo quy định của pháp luật.”
4. Chủ thể thực hiện nhiệm vụ “kiểm tra, kiểm soát” và “giám sát” trong tố tụng hình sự
Điều luật được xây dựng trên cơ sở sửa đổi, bổ sung Điều 32 của BLTTHS 2003 quy định về nguyên tắc bảo đảm việc kiểm tra, giám sát trong tố tụng hình sự.
Điều luật này quy định nhiệm vụ “kiểm tra, kiểm soát” và “giám sát” trong tố tụng hình sự của hai chủ thể khác nhau. Theo đó, nhiệm vụ “kiểm tra” việc tiến hành các hoạt động tố tụng thuộc thẩm quyền của cơ quan, người có thẩm quyền; hay thực hiện “kiểm soát” giữa các cơ quan trong việc tiếp nhận, giải quyết các nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án là của các cơ quan tiến hành tố tụng, của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Nhiệm vụ này phải được tiến hành một cách thường xuyên nhằm phát hiện kịp thời những vi phạm để kiến nghị chủ thể vi phạm khắc phục, sửa chữa kịp thời.
Hoạt động kiểm tra trong tố tụng hình sự là việc xem xét, nhận xét, đánh giá thực trạng tiến hành tố tụng. Kiểm soát là xem xét để phát hiện, ngăn chặn những vấn đề trái với quy định của Luật. Hoạt động kiểm tra, kiểm soát là những hoạt động mang tính hành chính và phải được cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thực hiện thường xuyên, liên tục để đánh giá kết quả các hoạt động tố tụng thuộc thẩm quyền của mình.
Việc kiểm tra, kiểm soát giữa các cơ quan trong việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án được thực hiện qua công tác thanh tra, kiểm tra (định kỳ hoặc đột xuất) trong ngành Công an, Kiểm sát, Tòa án, Thi hành án; qua công tác kiểm sát hoạt động tư pháp của VKSND (được quy định tại Điều 4 Luật tổ chức VKSND 2014 ) qua công tác phối hợp liên ngành.
Để thực hiện tốt việc kiểm tra, kiểm soát trong tố tụng hình sự đòi hỏi cơ quan, người có thẩm quyền phải chủ động, nghiêm túc tiến hành kiểm tra, kiểm soát thường xuyên, khi phát hiện sai phạm trong hoạt động tố tụng phải thực hiện các biện pháp khắc phục, xử lí nghiêm cá nhân vi phạm pháp luật, tránh tình bao che sai phạm.
Giám sát là công cụ cần thiết của việc củng cố pháp chế trong quá trình hoạt động của Nhà nước cũng như các bộ phận cấu thành Nhà nước, đặc biệt là hoạt động của cơ quan tư pháp. Để tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện quyền giám sát của cơ quan, tổ chức và nhân dân đối với hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, góp phần phòng ngừa và khắc phục oan sai, bỏ lọt tội phạm, BLTTHS 2015 quy định việc giám sát trong hoạt động tố tụng thuộc trách nhiệm của cơ quan nhà nước, UBMTTQVN và các tổ chức thành viên của Mặt trận, đại biểu dân cử và có quyền kiến nghị nếu phát hiện vi phạm.
Theo khoản 1 Điều 25 Luật Mặt trận tổ quốc Việt Nam 2015:
“Giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là việc UBMTTQVN các cấp trực tiếp hoặc đề nghị các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo dõi, xem xét, đánh giá, kiến nghị đối với hoạt động của cơ quan, tổ chức, đại biểu dân cử, cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện chính sách pháp luật.”
Hình thức giám sát của MTTQVN là nghiên cứu xem xét văn bản của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tổ chức đoàn giám sát; thông qua hoạt động của Ban thanh tra nhân dân được thành lập ở cấp xã, Ban giám sát đầu tư công cộng, tham gia giám sát với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ( quy định tại Điều 27 Luật Mặt trận tổ quốc Việt Nam 2015).
Các cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm xem xét, giải quyết và trả lời kiến nghị, yêu cầu của các chủ thể có quyền giám sát theo quy định của pháp luật. Nếu phát hiện những hành vi trái pháp luật của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thì cơ quan nhà nước, đại biêu dân cử có quyền yêu cầu, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận có quyền kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo quy định của BLTTHS.
5. Nguyên tắc kiểm tra, giám sát trong tố tụng hình sự trong BLTTHS 2003 và BLTTHS 2015
So với quy định về nguyên tắc giám sát trong tố tụng hình sự được để cập tại Điều 32 BLTTHS 2003, nguyên tắc giám sát trong tố tụng hình sự được đề cập trong BLTTHS năm 2015 có sự thay đổi, điều chỉnh và bổ sung thêm nguyên tắc kiểm tra. Bên cạnh quy định về quyền, trách nhiệm giám sát của các cơ quan nhà nước, UBMTTQVN và các tổ chức thành viên của Mặt trận, đại biểu dân cử; các cơ quan,người có thẩm quyền tiến hành tố tụng cũng như việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hàng tố tụng; điều luật còn bổ sung quy định về trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng và người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong việc “ thường xuyên kiểm tra việc tiến hành các hoạt động tố tụng thuộc thẩm quyền, thực hiện kiểm soát giữa các cơ quan trong việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án” nhằm đề cáo trách nhiệm của các chủ thể này.
Như vậy, việc kiểm tra, giám sát áp dụng pháp luật trong hoạt động của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, bảo đảm tính công khai, rõ ràng, minh bạch trong hoạt động của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, tăng cường trách nhiệm và tính chủ động của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; phát huy tinh thần làm chủ của nhân dân thông quan cơ quan nhà nước, tổ chức, đại biểu dân cử đối với hoạt động tư pháp. Qua đó góp phần bảo đảm cho hoạt động của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đúng pháp luật, tránh bỏ lọt tội phạm và oan sai.
LUẬT LVN GROUP (Sưu tầm & Biên tập)