1. Sự ra đời của kiểu pháp luật tư sản
Các văn bản pháp luật tư sản quan trọng đầu tiên là bản Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ năm 1776, Bản tuyên ngôn nhân quyển và dân quyền năm 1789 của Pháp, Bộ luật dân sự Napôlêông năm 1804, Bộ luật thương mại năm 1807, Bộ luật hình. sự năm 1810 của Pháp.
So với pháp luật phong kiến, pháp luật tư sản có những điểm tiến bộ hơn thể hiện ở chỗ: 1) Phát triển toàn diện cả về hình sự và dân sự, về những thiết chế nhà nước và thiết chế về công dân; 2) Thiết lập nguyên tắc mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật; 3) Bãi bỏ các chế tài dã man trong luật hình sự của nhà nước phong kiến; 4) Xây dựng đạo luật cơ bản của nhà nước là hiến pháp với yêu cầu các cơ quan nhà nước kể cả nguyên thủ quốc gia phải hoạt động trong khuôn khổ của hiến pháp; 5) Quy định các quyền tự do dân chủ của công dân và các quyền con người trong đạo luật cơ bản của nhà nước… Nhà nước có nghĩa vụ tôn trọng và bảo vệ các quyền công dân và quyền con người; 6) Thiết lập nguyên tắc chủ quyền nhà nước thuộc về nhân dân một cách hình thức; 7) Thiết lập nghị viện là cơ quan đại diện của các tầng lớp dân cư trong xã hội, do bầu cử thành lập nên, có chức năng lập pháp và giải quyết các vấn đề quan trọng của đất nước; 8) Kĩ thuật lập pháp phát triển cao hơn pháp luật phong kiến. Các bộ luật được xây dựng theo từng lĩnh vực quan hệ xã hội như bộ luật hình sự, bộ luật dân sự, bộ luật thương mại, bộ luật bầu cử, bộ luật tố tụng hình sự, bộ luật tố tụng dân sự… (các bộ luật thời kì phong kiến thường là các bộ luật hỗn hợp cả hình sự lẫn dân- sự, thương mại); 9) Thay đổi mối quan hệ giữa nhà nước và pháp luật.
Pháp luật tư sản tồn tại dưới ba hình thức là pháp luật tập quán, pháp luật án lệ và văn bản quy phạm pháp luật (pháp luật thành văn). Pháp luật tư sản, xét trên nhiều phương diện, là một phát triển dài so với pháp luật phong kiến, pháp luật chiếm hữu nô lệ, nhưng vẫn mang nặng tính giai cấp, ra sức bảo vệ chế độ sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa, ngay cả trong trường hợp đối lập gay gắt với lợi ích chung của toàn xã hội và trong nhiều trường hợp, tính hình thức vẫn còn khá đậm nét.
2. Phân tích đặc điểm của kiểu pháp luật tư sản
Sau khi ra đời, một mặt nhà nước tư sản tiếp tục sử dụng những quy định còn phù họp trong pháp luật phong kiến, mặt khác, nhà nước nhanh chóng xây dựng hệ thống pháp luật mới cho mình. Pháp luật tư sản được xây dựng trên cơ sở kinh tế là quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa, cơ sở xã hội là quan hệ giữa nhà tư bản với người công nhân làm thuê, cơ sở tư tưởng là hệ tư tưởng tư bản chủ nghĩa. Pháp luật tư sản thể hiện các đặc điểm sau:
Thứ nhất, pháp luật tư sản ghi nhận và bảo vệ chế độ sở hữu tư bản chủ nghĩa
Trong pháp luật tư sản, chế định quyền sở hữu tài sản là một trong những chế định trung tâm và quan trọng nhất. Hiến pháp và pháp luật tư sản đều thừa nhận quyền sở hữu tài sản là thiêng liêng và bất khả xâm phạm. Chẳng hạn, Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền năm 1789 của Pháp quy định: “Không ai có thể mất quyền sở hữu là một quyền thiêng liêng, bât khả xâm phạm trừ trường họp có sự cần thiết của xã hội mà luật đã quy định với điều kiện là bồi thường trước và công bằng”. Hoặc Điều 29 Hiến pháp năm 1947 của Nhật Bản quy định: “Quyền tư hữu có tỉnh cách bất khả xâm phạm. Quyền tư hữu được định nghĩa bởi pháp luật cho phù hợp với lợi ích công cộng. Có thể truẩt quyền tư hữu vì lí do công ích sau khi bồi thường xác đáng cho sở hữu chủ Hiến pháp Mỹ, Phần Lan… cũng có những điều khoản với nội dung tương tự. Theo các quy định trên thì quyền sở hữu của chủ sở hữu chỉ bị hạn chế bởi một lí do duy nhất là vì lợi ích công cộng, việc xâm hại đến quyền sở hữu vì bất cứ lí do gì ngoài lí do trên đều là bất hợp pháp và đều bị trừng phạt nghiêm khắc.
Chế định quyền sở hữu trong pháp luật tư sản có sự kế thừa nhưng phát triển và hoàn thiện hơn nhiều so với chế định này trong các kiểu pháp luật trước. Pháp luật quy định cách hiểu về khái niệm quyền sở hữu, quy định nội dung quyền sở hữu, cơ sở xác định quyền sở hữu, việc chuyển giao quyền sở hữu, pháp luật thừa nhận và bảo vệ các hình thức sở hữu tài sản khác nhau trong xã hội. Điều dễ nhận thấy là, mặc dù hiện tại người lao động đã có tài sản thuộc quyền sở hữu của mình, pháp luật cũng bảo vệ quyền sở hữu cho tất cả mọi chủ thể, song thực tế cho thấy, chế định này vẫn chủ yếu bảo vệ lợi ích của giai cấp tư sản vì phần lớn tài sản quốc gia nằm trong tay giai cấp tư sản.
Thứ hai, pháp luật tư sản bảo vệ sự thống trị về chính trị và tư tưởng của giai cấp tư sản trong xã hội
Mặc dù về mặt pháp lí, pháp luật tư sản thừa nhận một số quyền tự do chính trị cho công dân như quyền bầu cử và ứng cử vào các cơ quan đại diện của nhà nước, quyền tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do báo chí..tuy nhiên, trên thực tế, hầu như chỉ giai cấp tư sản mới có đủ điều kiện và khả năng thực hiện được đầy đủ các quyền đó. Theo quy định của pháp luật, các công dân nghèo cũng có thể ứng cử vào các chức vụ quan trọng trong bộ máy nhà nước, song trong thực tế, họ hầu như không có cơ hội trúng cử vào các chức vụ đó vì muốn đắc cử, các ứng cử viên phải nhận được sự ủng hộ và sự tài trợ lớn về tài chính mới có đủ khả năng vận động tranh cử, điều mà những người nghèo khó có thể đạt được.
Pháp luật tư sản bảo vệ hệ tư tưởng tư sản bằng cách tạo điều kiện cho việc tuyên truyền, phổ biến tư tưởng và lối sống tư sản, ngăn chặn, hạn che và đàn áp việc tuyên truyền cho những tư tưởng cộng sản và những tư tưởng trái với tư tưởng, lối sống tư sản.
Thứ ba, pháp luật tư sản có tính dân chủ, nó thừa nhận quyền tự do và bình đẳng về mặt pháp lí cho công dân
Pháp luật tư sản được xây dựng dựa trên cơ sở các nguyên tắc bình đẳng, tự do và dân chủ. Đây là điểm tiến bộ vượt bậc của pháp luật tư sản so với các kiểu pháp luật trước đó. Tự do, bình đẳng, bác ái là những khẩu hiệu được giai cấp tư sản sử dụng để tập hợp lực lượng tiến hành cách mạng tư sản. Sau khi nhà nước tư sản ra đời, các khẩu hiệu này đã trở thành các nguyên tắc của pháp luật tư sản. Cùng với sự ra đời của pháp luật tư sản, lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, quyền con người, quyền tự do cá nhân, quyền công dân được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Nếu như pháp luật chủ nô, pháp luật phong kiến công khai thừa nhận và bảo vệ sự bất bình đẳng trong xã hội thì pháp luật tư sản khẳng định mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Giữa nhà tư bản với người công nhân làm thuê, giữa người giàu với người nghèo, giữa các giai cấp, tầng lớp trong xã hội đều bình đẳng với nhau về mặt pháp lí. Theo quy định của pháp luật, nhà tư bản và người công nhân làm thuê đều tự do bày tỏ ý chí khi kí kết hợp đồng lao động, không bên nào có quyền áp đặt ý chí cho bên nào. Pháp luật tư sản thừa nhận quyền bình đẳng của công dân trước pháp luật, điều đó thể hiện qua nhiều quy định trong Hiến pháp và các văn bản pháp luật khác của nhà nước tư sản.
Không chỉ thừa nhận quyền bình đẳng về mặt pháp lí giữa các công dân với nhau, pháp luật tư sản còn thừa nhận quyền bình đẳng giữa công dân với nhà nước thông qua việc thừa nhận các quyền và nghĩa vụ của công dân trong Hiến pháp và pháp luật. Điều đó có nghĩa là trong quan hệ với công dân, nhà nước không chỉ có quyền mà còn có nghĩa vụ, trong đó quyền của công dân là nghĩa vụ của nhà nước và ngược lại. Việc thừa nhận này đã làm cho khái niệm công dân trong pháp luật tư sản khác hoàn toàn với khái niệm thần dân trong pháp luật phong kiến vì theo pháp luật tư sản, công dân được pháp luật thừa nhận và bảo vệ một cách rộng rãi các quyền tự do trong các lĩnh vực của đời sống như tự do kinh doanh, tự do hội họp, lập hội, mít tinh, biểu tình…. Công dân có thể tham gia vào việc tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, giám sát hoạt động của các nhân viên và cơ quan nhà nước… Còn thần dân trong pháp luật phong kiến chỉ là những người tuyệt đối thần phục nhà nước, chỉ có nghĩa vụ mà không được thừa nhận bất cứ một quyền tự do dân chủ nào. Có thể khẳng định, chế định công dân trong pháp luật tư sản khá phát triển với đặc trưng là việc thừa nhận các quyền tự do dân chủ cho công dân trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá xã hội, tự do cá nhân. Đây là chế định thể hiện tập trung giá trị dân chủ và nhân đạo của pháp luật tư sản. Tuy nhiên, việc tôn trọng và thực hiện chế định này trong thực tế rất khác nhau giữa các nhà nước tư sản và giữa các giai đoạn phát triển của nhà nước tư bản chủ nghĩa.
Pháp luật tư sản còn ghi nhận một sổ nguyên tắc tiến bộ trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước như nguyên tắc phân chia quyền lực nhà nước, nguyên tắc dân chủ, nguyên tắc bộ máy nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật… Các nguyên tắc trên hiện nay đã thực sự ưở thành cơ sở pháp lí cho việc tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước, cho việc kiểm soát quyền lực nhà nước nhằm hạn chế và ngăn chặn tình trạng độc tài, chuyên chế, lạm quyền… trong quá trình thực hiện quyền lực nhà nước.
Thứ tư, pháp luật tư sản nhân đạo hơn các kiểu pháp luật trước
Tính nhân đạo của pháp luật tư sản thể hiện ở chỗ nó không còn quy định những hình phạt và cách thi hành hình phạt dã man, tàn bạo như trong các kiểu pháp luật trước. Hình phạt tử hình đã thu hẹp đáng kể, thậm chí hiện nay, nhiều nước đã bỏ hình phạt này. Những nước còn giữ hình phạt tử hình thì cách thi hành hình phạt cũng không nhằm gây đau đớn về thể xác và tinh thần cho người vi phạm cũng như cho những người khác. Neu trong pháp luật chủ nô và phong kiến, pháp luật hình sự giữ vị trí then chốt thì trong pháp luật tư sản hiện nay, pháp luật dân sự giữ vai trò hàng đầu và hợp đồng trở thành chế định trung tâm của ngành luật này.
Pháp luật tư sản hiện đại có các quy định khá đầy đủ, chi tiết về chế độ phổ cập giáo dục bắt buộc cho công dân; về mức lương tối thiểu, thời gian lao động, thời gian nghỉ ngơi, trợ cấp thất nghiệp cho người lao động; về chế độ thuế thu nhập lũy tiến; về bảo vệ môi trường sống, chống các căn bệnh thế kỉ, viện trợ nhân đạo, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng…
Luật LVN Group (sưu tầm & biên tập)