1. Ký gửi chứng khoán là gì?
Ký gửi chứng khoán là việc đưa chứng khoán đã đăng ký tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam vào lưu giữ tập trung tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam để thực hiện giao dịch. (khoản 9 Điều 2 Thông tư 119/2020/TT-BTC)
2. Quy định về ký gửi chứng khoán
2.1. Nguyên tắc ký gửi chứng khoán
Việc ký gửi chứng khoán trừ công cụ nợ của Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương của khách hàng tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam được thực hiện theo nguyên tắc sau:
– Khách hàng ký gửi chứng khoán vào Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam thông qua thành viên lưu ký nơi khách hàng đó mở tài khoản lưu ký chứng khoán;
– Thành viên lưu ký có trách nhiệm làm thủ tục nhận chứng khoán ký gửi của khách hàng và tái ký gửi vào Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ của khách hàng;
– Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam có trách nhiệm xử lý hồ sơ ký gửi chứng khoán trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ của thành viên lưu ký.
Thành viên lưu ký, tổ chức mở tài khoản trực tiếp, khách hàng ký gửi chứng khoán không hợp lệ, chứng khoán giả mạo, bị thông báo mất cắp hoặc không có đủ thông tin theo yêu cầu phải chịu trách nhiệm về việc ký gửi số chứng khoán này và phải bồi thường cho các bên liên quan thiệt hại do việc lưu ký chứng khoán đó gây ra.
Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam thực hiện yêu cầu ký gửi chứng khoán cho cổ đông của tổ chức phát hành khi có yêu cầu từ tổ chức phát hành đứng ra đại diện cho các cổ đông.
Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam thực hiện hạch toán chứng khoán vào tài khoản lưu ký chứng khoán của thành viên lưu ký, tổ chức mở tài khoản trực tiếp hoặc khách hàng của thành viên lưu ký có liên quan trong các trường hợp ký gửi công cụ nợ của Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương và ký gửi cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đăng ký bổ sung phát sinh từ các chứng khoán đã lưu ký tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.
2.2. Quy trình ký gửi chứng khoán
Quy trình ký gửi chứng khoán được tiến hành như sau:
– Ký gửi chứng khoán tại thành viên lưu ký
Khách hàng nộp chứng khoán tại thành viên lưu ký, nơi khách hàng mở tải khoản lưu ký chứng khoán.
Để xác định chính xác chủ sở hữu chứng khoán, đối với các chứng chỉ cổ phiếu, trái phiếu ghi danh khi ký gửi phải có ký hậu của khách hàng trên tờ chứng chỉ. Trong các trường hợp khác, cần phải có các căn cứ xác minh quyền sở hữu chứng khoán của người sở hữu chứng khoán do tổ chức phát hành lập.
– Thành viên lưu ký tiếp nhận và hạch toán chứng khoán ký gửi
Sau khi nhận được đầy đủ hồ sơ lưu ký chứng khoán do khách hàng nộp, thành viên lưu ký hạch toán số cổ phiếu, trái phiếu cho khách hàng gửi vào tài khoản lưu ký chứng khoán của khách hàng và gửi cho khách hàng bản xác nhận ký gửi chứng khoán. Thành viên lưu ký chứng khoán vào trung tâm giao dịch chứng khoán.
Sau khi thành viên tái lưu ký số chứng khoán của khách hàng vào Trung tâm lưu ký thuộc Sở giao dịch chứng khoán và nhận được giấy báo Có của Trung tâm thì thời điểm đó khách hàng mới được phép đặt lệnh giao dịch hay tiến hành nghiệp vụ khác đối với số chứng khoán ký gửi.
– Thành viên tái lưu ký chứng khoán vào Trung tâm lưu ký chứng khoán
Chứng khoán ký gửi của khách hàng được thành viên tái lưu ký vào trung tâm giao dịch trong thời gian sớm nhất. Qui trình tái lưu ký của khách hàng do thành viên thực hiện phụ thuộc vào hình thức chứng khoán ký gửi là các chứng khoán chiết khấu hay chứng khoán ghi sổ.
Đối với các chứng chỉ chứng khoán, thành viên lưu ký trực tiếp mang số chứng khoán này đến trung tâm lưu ký chứng khoán để làm thủ tục lưu ký.
Trong trường hợp chứng khoán là chứng khoán ghi sổ, được thể hiện dưới hình thức giấy chứng nhận quyền sở hữu chứng khoán do tổ chức phát hành cấp, thì qui trình lưu ký chứng khoán hiện nay qui định như sau:
Các thành viên lập và gửi cho các tổ chức phát hành lập danh sách cổ đông sở hữu chứng khoán, có kèm giấy chứng nhận sở hữu chứng khoán để tổ chức phát hành kiểm tra danh sách cổ đông sở hữu chứng khoán của công ty.
Danh sách cổ đông sở hữu chứng khoán lưu ký của công ty sau đó được tổ chức phát hành gửi cho trung tâm lưu ký chứng khoán.
– Trung tâm lưu ký chứng khoán tiếp nhận và hạch toán chứng khoán lưu ký
Căn cứ vào số chứng khoán do thành viên tái lưu ký, trung tâm lưu ký chứng khoán hạch toán vào tài khoản chứng khoán giao dịch của khách hàng của thành viên hoặc của chính thành viên lưu ký.
Sau đó trung tâm lưu ký chứng khoán gửi giấy báo Có xác nhận việc gửi chứng khoán cho thành viên lưu ký. Chứng khoán của khách hàng được bảo quản và lưu ký tập trung tại kho lưu ký chứng khoán của trung tâm.
3. Rút chứng khoán
Thứ nhất, rút chứng khoán theo yêu cầu của khách hàng:
– Khách hàng chỉ được yêu cầu rút chứng khoán trong phạm vi số lượng chứng khoán sở hữu trên các tài khoản lưu ký chứng khoán, trừ các chứng khoán đang bị tạm giữ, phong tỏa, ký quỹ bù trừ;
– Thành viên lưu ký phải chuyển cho Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam hồ sơ rút chứng khoán trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ của khách hàng;
– Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam có trách nhiệm xử lý hồ sơ rút chứng khoán trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ của thành viên lưu ký;
– Thông tin sở hữu chứng khoán của nhà đầu tư rút chứng khoán lưu ký được ghi nhận vào danh sách người sở hữu chứng khoán chưa lưu ký;
– Tổ chức phát hành có trách nhiệm cấp lại giấy chứng nhận sở hữu chứng khoán hoặc sổ chứng nhận sở hữu chứng khoán cho người sở hữu chứng khoán đã rút chứng khoán trong trường hợp tổ chức phát hành có cấp giấy chứng nhận sở hữu chứng khoán hoặc sổ chứng nhận sở hữu chứng khoán.
Thứ hai, việc rút chứng khoán do chứng khoán hết hiệu lực lưu hành, rút chứng khoán do hủy đăng ký chứng khoán tự nguyện được thực hiện theo nguyên tắc Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam tự động hạch toán giảm số lượng chứng khoán lưu ký trên tài khoản lưu ký chứng khoán của các thành viên lưu ký sau khi tổ chức phát hành hoàn tất việc hủy đăng ký chứng khoán tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.
Thứ ba, việc rút chứng khoán đã lưu ký tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam được thực hiện theo quy chế về hoạt động lưu ký chứng khoán của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.
4. Chuyển khoản chứng khoán
Việc chuyển khoản chứng khoán để thanh toán các giao dịch chứng khoán thực hiện thông qua hệ thống giao dịch chứng khoán được thực hiện theo quy định về bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán.
Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam thực hiện chuyển khoản chứng khoán lưu ký ngoài hệ thống giao dịch chứng khoán và không gắn với chuyển quyền sở hữu chứng khoán trong các trường hợp sau:
(i) Khách hàng chuyển khoản chứng khoán từ tài khoản lưu ký chứng khoán của khách hàng tại thành viên lưu ký này sang tài khoản lưu ký chứng khoán, tài khoản ký quỹ bù trừ của chính khách hàng tại thành viên lưu ký khác;
(ii) Chuyển khoản giấy tờ có giá giữa các tài khoản lưu ký chứng khoán của cùng nhà đầu tư phục vụ giao dịch trên thị trường tiền tệ;
(iii) Chuyển khoản chứng khoán để thực hiện hoạt động phòng ngừa rủi ro cho chứng quyền có bảo đảm của công ty chứng khoán phát hành chứng quyền có bảo đảm; chuyển khoản chứng khoán để thực hiện hoạt động tạo lập thị trường của nhà tạo lập thị trường;
(iv) Chuyển khoản chứng khoán do chuyển danh mục đầu tư giữa các tài khoản lưu ký chứng khoán của cùng một nhà đầu tư theo yêu cầu của nhà đầu tư đó;
(v) Chuyển khoản chứng khoán do thay đổi thông tin về loại chứng khoán, điều chỉnh sai sót về số lượng chứng khoán sở hữu, thay đổi đại diện sở hữu vốn nhà nước; chuyển khoản chứng khoán do thay đổi tỷ lệ sở hữu nước ngoài hoặc thay đổi quốc tịch dẫn tới thay đổi từ nhà đầu tư trong nước thành nhà đầu tư nước ngoài và ngược lại;
(vi) Chuyển khoản khi thành viên lưu ký nơi khách hàng đang mở tài khoản bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động lưu ký chứng khoán, rút nghiệp vụ môi giới chứng khoán hoặc bị Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam thu hồi Giấy chứng nhận thành viên lưu ký; chuyển khoản khi thành viên bù trừ bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán;
(vii) Khi tổ chức mở tài khoản trực tiếp chấm dứt hợp đồng cung cấp dịch vụ với Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.
(viii) Tổ chức mở tài khoản trực tiếp chuyển khoản chứng khoán từ tài khoản lưu ký chứng khoán của chính mình tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam sang tài khoản lưu ký chứng khoán, tài khoản ký quỹ bù trừ của tổ chức mở tài khoản trực tiếp tại thành viên lưu ký và ngược lại.
Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam thực hiện chuyển khoản chứng khoán lưu ký gắn với chuyển quyền sở hữu chứng khoán ngoài hệ thống giao dịch chứng khoán đối với các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 6 Thông tư 119 và các trường hợp chuyển khoản khác sau khi có ý kiến của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Thành viên lưu ký phải chuyển cho Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam hồ sơ chuyển khoản chứng khoán trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ của khách hàng.
Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam có trách nhiệm xử lý hồ sơ chuyển khoản chứng khoán trong thời hạn 01 ngày làm việc đối với các trường hợp chuyển khoản (i), (ii), (iii), (iv), (v), (viii), tối đa 05 ngày làm việc đối với các trường hợp chuyển khoản quy định tại các điểm e, g khoản 2, khoản 3 Điều 22 Thông tư 119 kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.
Việc chuyển khoản chứng khoán tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam được thực hiện theo quy chế về hoạt động lưu ký chứng khoán của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.
5. Phong tỏa, giải tỏa chứng khoán
Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam thực hiện phong tỏa, giải tỏa chứng khoán trong các trường hợp:
a) Phong tỏa, giải tỏa chứng khoán theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
b) Phong tỏa, giải tỏa chứng khoán theo yêu cầu của nhà đầu tư;
c) Phong tỏa, giải tỏa chứng khoán của nhà đầu tư được sử dụng để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ trong các giao dịch bảo đảm.
Đối với trường hợp quy định tại điểm a), Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam chỉ thực hiện phong tỏa, giải tỏa chứng khoán sau khi có yêu cầu bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Sau khi phong tỏa, giải tỏa chứng khoán trên các tài khoản lưu ký chứng khoán, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam có trách nhiệm thông báo để thành viên lưu ký, tổ chức mở tài khoản trực tiếp thực hiện phong tỏa, giải tỏa chứng khoán và thông báo cho khách hàng có liên quan của thành viên lưu ký.
Đối với trường hợp quy định tại điểm b) Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam thực hiện phong tỏa, giải tỏa chứng khoán của nhà đầu tư khi có yêu cầu của chính nhà đầu tư gửi cho Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam thông qua thành viên lưu ký nơi nhà đầu tư có chứng khoán lưu ký thực hiện phong tỏa, giải tỏa.
Chứng khoán phong tỏa là loại chứng khoán tự do chuyển nhượng, không bị phong tỏa, tạm giữ, ký quỹ. Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam có trách nhiệm xử lý hồ sơ phong tỏa, giải tỏa chứng khoán trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ. Việc phong tỏa, giải tỏa chứng khoán theo yêu cầu của nhà đầu tư được thực hiện theo quy chế về hoạt động lưu ký chứng khoán của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.
Đối với trường hợp quy định tại điểm c) Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam thực hiện theo quy định về đăng ký biện pháp bảo đảm đối với chứng khoán đã đăng ký tập trung tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.
Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.0191 để được giải đáp.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Bộ phận tư vấn pháp luật Doanh nghiệp – Công ty luật LVN Group