Về nhà đọc lại thì toàn có lợi cho bên A, con là bên B. Hôm qua là ngày đầu con đi làm theo sự sắp xếp ở bên A, nhưng khi làm thì biết được bên đó là 1 đường dây trung gian. Theo đúng thì tụi con được trả lương sau khi kết thúc ca làm (làm nhân viên phục vụ trong nhà hàng), thì bên A nhận tiền đó và bớt xén 1ít tiền lương của tụi con. Sau khi hỏi mấy bạn cùng làm chung thì mấy bạn nói làm 5 buổi bên A mới trả tiền cho tụi con, nhưng khi đủ 5 buổi bên A không trả và con có gọi điện thì không nghe máy. Con thấy không ổn nên có ý định là bỏ làm.
Nhưng quan trọng là con đã kí trong biên bản thỏa thuận. Vì muốn đi làm thêm nên con hời hợt chỉ đọc lướt qua thôi. Đó là 1 sai sót lớn của con. Trong biên bản thỏa thuận sau khi con đọc kĩ lại, thì nếu con nghỉ việc, sẽ bị bồi thường thiệt hại. Tiếp theo trong biên bản có ghi là con sẽ gặp 1 nguời nhóm trưởng để nhận tiền sau khi làm đủ 5 buổi, con chỉ thấy số điện thoại của chị, và liên lạc với chị thôi, con cũng chưa thấy mặt chị dù chỉ 1 lần. Mấy bạn con nói, tới ngày lãnh lương liên lạc với chị nhóm trưởng thì chị tắt máy. Sáng nay con có nhắn tin xin nghỉ, hủy ca làm đã đăng kí, chị nói nếu con không đi làm sẽ phải bồi thường tiệc cưới tầm 310-640 triệu. Nếu không sẽ gửi giấy về trường và địa phương con ở. Con đang lo lắm, vì không biết phải giải quyết như thế nào, vì con đang bị đe dọa, nhưng mọi thứ trong biên bản đều bất lợi cho con nếu con không đi làm. Có chữ kí của con trong đó nữa.
Con xin hỏi là 1 biên bản thỏa thuận phải đầy đủ nhưng yếu tố gì thì được coi là hợp pháp. Vì trong biên bản toàn thông tin cá nhân của con, chữ kí, họ tên của con. Chứ không hề có 1thông tin cá nhân, số điện thoại liên lạc gì của bên A. Bên A chỉ kí tên mà không có ghi rõ họ tên người kí biên bản với con ?
Con xin cảm ơn ạ !
Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật Lao động của Công ty luật LVN Group
Luật sư trả lời:
Trong trường hợp này, theo thông tin dữ liệu bạn đưa thì quan hệ giữ bạn với bên công ty tiệc cưới là quan hệ lao động, quan hệ này thể hiện thông qua các thông tin sau:
– Làm nhân viên phục vụ trong nhà hàng
– Được trả lương.
Do đó, văn bản pháp luật áp dụng cho bạn là Bộ luật Lao động năm 2012.
Theo quy định của Điều 16 Bộ luật Lao động năm 2012 thì chỉ có những công việc tạm thời có thời hạn dưới 03 tháng thì hai bên sẽ có thể giao kết hợp đồng lao động bằng miệng, cụ thể:
“Điều 16. Hình thức hợp đồng lao động
1. Hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản và được làm thành 02 bản, người lao động giữ 01 bản, người sử dụng lao động giữ 01 bản, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Đối với công việc tạm thời có thời hạn dưới 03 tháng, các bên có thể giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói.”
Do đó, với thông tin bạn cung cấp thì công ty này vừa mới tuyển bạn vào làm, do đó họ có thể giao kết hợp đồng bằng lời nói với bạn. Mặc dù giao kết hợp đồng bằng lời nói thì công ty này vẫn phải tuân thủ theo đúng quy định pháp luật lao động.
Đối với biên bản mà bên bạn ký với công ty tiệc cưới, biên bản này vẫn có giá trị nếu đáp ứng theo quy định tại Điều 3 Bộ luật Dân sự năm 2015, cụ thể:
“Điều 3. Các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự
1. Mọi cá nhân, pháp nhân đều bình đẳng, không được lấy bất kỳ lý do nào để phân biệt đối xử; được pháp luật bảo hộ như nhau về các quyền nhân thân và tài sản.
2. Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng.
3. Cá nhân, pháp nhân phải xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình một cách thiện chí, trung thực.
4. Việc xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự không được xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.
5. Cá nhân, pháp nhân phải tự chịu trách nhiệm về việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự.”
Tuy nhiên, do bạn không cung cấp cho chúng tôi nội dung biên bản nên chúng tôi chưa thể xác định điều, khoản nào trong nội dung biên bản vi phạm pháp luật, trái với đạo đức xã hội để có thể đảm bảo quyền lợi cho bạn.
Với thông tin dữ liệu bạn đưa “Sáng nay con có nhắn tin xin nghỉ, hủy ca làm đã đăng kí, chị nói nếu con không đi làm sẽ phải bồi thường tiệc cưới tầm 310-640 triệu. Nếu không sẽ gửi giấy về trường và địa phương con ở”. Đối chiếu theo quy định tại Điều 130 Bộ luật Lao động năm 2012 thì bạn chỉ phải bồi thường thiệt hại cho bên công ty khi mà bạn có hành vi “làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc có hành vi khác gây thiệt hại tài sản của người sử dụng lao động”, cụ thể:
“Điều 130. Bồi thường thiệt hại
1. Người lao động làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc có hành vi khác gây thiệt hại tài sản của người sử dụng lao động thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Trường hợp người lao động gây thiệt hại không nghiêm trọng do sơ suất với giá trị không quá 10 tháng lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố được áp dụng tại nơi người lao động làm việc, thì người lao động phải bồi thường nhiều nhất là 03 tháng tiền lương và bị khấu trừ hằng tháng vào lương theo quy định tại khoản 3 Điều 101 của Bộ luật này.
2. Người lao động làm mất dụng cụ, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động hoặc tài sản khác do người sử dụng lao động giao hoặc tiêu hao vật tư quá định mức cho phép thì phải bồi thường thiệt hại một phần hoặc toàn bộ theo thời giá thị trường; trường hợp có hợp đồng trách nhiệm thì phải bồi thường theo hợp đồng trách nhiệm; trường hợp do thiên tai, hoả hoạn, địch họa, dịch bệnh, thảm họa, sự kiện xảy ra khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép thì không phải bồi thường.”
Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ Luật sư tư vấn pháp luật Lao động về tranh chấp hợp đồng lao động, gọi: 1900.0191 để được giải đáp.
Trân trọng./.
Bộ phận tư vấn pháp luật Lao động – Công ty luật LVN Group