Một trong những công việc của cháu là điều hành xe sử dụng cho công ty, cho nhân viên. Công ty cháu thuê lại xe của các nhà cung cấp khác và thanh toán theo hành trình hàng tháng. Trước đây công ty cháu có quy trình thanh toán khá đơn giản; cháu nhận đặt xe, và xác nhận hành trình qua email của công ty, có lúc thì qua mẫu in, có ký duyệt của chủ quản các bộ phận và nhân viên sử dụng xe, và hàng tháng thực hiện đăng ký thanh toán của công ty dựa trên các email, và các mẫu in đó.

Mấy tháng trở lại đây, công ty cháu ra quy trình quản lý xe và thanh toán mới. Vì ở xa hội sở nên cháu không được tập huấn quy trình mới.  Cháu vẫn thực hiện thanh toán theo lối cũ, vì thế các thanh toán từ tháng 5 năm nay của cháu đều bị công ty từ chối. Và công ty cháu đã đình trệ thanh toán nửa năm nay, dù các nhà cung cấp đã nặng nhẹ với cháu. Hôm nay chủ quản Hành chính công ty cho cháu biết, công ty sẽ đồng ý thanh toán những hành trình đăng ký bằng mẫu in có chữ ký duyệt của chủ quản các bộ phận và xác nhận của người dùng xe. Các hành trình còn lại chỉ đăng ký và xác nhận qua email,cháu phải tự chịu trách nhiệm, và tự lo thanh toán cho nhà cung cấp, và dọa cho cháu ra tòa nếu không đồng ý.

Cháu xin được quý Luật sư tư vấn trợ giúp, về mặt luật pháp, công ty bắt buộc cháu phải bỏ tiền túi thanh toán như vậy là đúng không, và các email của công ty về đặt xe, duyệt, xác nhận hành trình đó có giá trị về mặt pháp lý hay không? Và cháu xin các cô các chú Luật sư, lời khuyên cháu có thể và cần phải làm gì trong trường hợp này!

Cháu xin chân thành cảm ơn Quý Luật sư! Kính Thư!

Người hỏi: HL

>> Luật sư tư vấn luật dân sự, gọi: 1900.0191

 

Trả lời:

1. Nguyên tắc chung tiến hành giao dịch điện tử

Theo Điều 5 Luật Giao dịch điện tử năm 2005 quy định “Nguyên tắc chung tiến hành giao dịch điện tử’ như sau:

“1. Tự nguyện lựa chọn sử dụng phương tiện điện tử để thực hiện giao dịch.

2. Tự thỏa thuận về việc lựa chọn loại công nghệ để thực hiện giao dịch điện tử.

3. Không một loại công nghệ nào được xem là duy nhất trong giao dịch điện tử.

4. Bảo đảm sự bình đẳng và an toàn trong giao dịch điện tử.

5. Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng.

6. Giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước phải tuân thủ các nguyên tắc quy định tại Điều 40 của Luật này.”

 

2. Công ty bạn không công nhận hợp đồng là đúng hay sai?

Xin được trả lời câu hỏi của bạn: Về mặt pháp lý, những hợp đồng bạn kí với bên thứ ba được đề cập đến trong thư là nhân danh công ty chứ không phải nhân danh cá nhân. Do đó, việc công ty bạn không công nhận hợp đồng sai mẫu và bắt bạn tự bỏ tiền túi ra là không đúng với pháp luật. 

Việc bạn không tham gia tập huấn quy trình mới là lỗi của bạn, bạn có thể phải chịu xử lý kỷ luật nếu nội quy của đơn vị có quy định. Tuy nhiên, căn cứ Điều  128 Bộ luật Lao động 2019 như sau:

“Điều 128. Những quy định cấm khi xử lý kỷ luật lao động

1. Xâm phạm thân thể, nhân phẩm của người lao động.

2. Dùng hình thức phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động.

3. Xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động có hành vi vi phạm không được quy định trong nội quy lao động.”

Như vậy, công ty cũng không thể buộc bạn bỏ tiền túi ra trả cho những hợp đồng sai quy trình như một hình thức xử lý kỷ luật. Việc bạn không áp dụng quy trình mới mà gây thiệt hại cho công ty thì bạn có thể phải chịu trách nhiệm vật chất như sau:

Căn cứ Điều 130 Bộ luật Lao động:

“Điều 130. Bồi thường thiệt hại

1. Người lao động làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc có hành vi khác gây thiệt hại tài sản của người sử dụng lao động thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Trường hợp người lao động gây thiệt hại không nghiêm trọng do sơ suất với giá trị không quá 10 tháng lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố được áp dụng tại nơi người lao động làm việc, thì người lao động phải bồi thường nhiều nhất là 03 tháng tiền lương và bị khấu trừ hằng tháng vào lương theo quy định tại khoản 3 Điều 101 của Bộ luật này.

2. Người lao động làm mất dụng cụ, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động hoặc tài sản khác do người sử dụng lao động giao hoặc tiêu hao vật tư quá định mức cho phép thì phải bồi thường thiệt hại một phần hoặc toàn bộ theo thời giá thị trường; trường hợp có hợp đồng trách nhiệm thì phải bồi thường theo hợp đồng trách nhiệm; trường hợp do thiên tai, hoả hoạn, địch họa, dịch bệnh, thảm họa, sự kiện xảy ra khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép thì không phải bồi thường.”

 

3. Hình thức giao dịch 

Đối với câu hỏi thứ 2 của bạn, chúng tôi căn cứ vào Điều 124 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:

“Điều 124. Hình thức giao dịch dân sự

1. Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.

Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu được coi là giao dịch bằng văn bản.

2. Trong trường hợp pháp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản, phải có công chứng hoặc chứng thực, phải đăng ký hoặc xin phép thì phải tuân theo các quy định đó.”

Bên cạnh đó, theo Khoản 5, Khoản 6 Điều 4 Luật Giao dịch Điện tử (GDĐT) có hiệu lực ngày 01/03/2006, thì: “Dữ liệu là thông tin dưới dạng ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự”, “Giao dịch điện tử là giao dịch được thực hiện bằng phương tiện điện tử”

Thông điệp dữ liệu là thông tin được tạo ra, được gửi đi, được nhận và được lưu trữ bằng phương tiện điện tử” (Khoản 12 Điều 4 Luật GDĐT)

Điều 12 Luật GDĐT khẳng định “Thông điệp dữ liệu có giá trị như văn bản”.

Như vậy, thư điện tử (email) chính là một hình thức thông điệp dữ liệu nên giao dịch qua mail hoàn toàn có giá trị pháp lý như những hợp đồng kí kết trực tiếp.

 

4. Hành vi bị nghiêm cấm trong giao dịch điện tử

Theo Điều 9 Luật Giao dịch điện tử năm 2005 quy định “Các hành vi bị nghiêm cấm trong giao dịch điện tử” là:

“1. Cản trở việc lựa chọn sử dụng giao dịch điện tử.

2. Cản trở hoặc ngăn chặn trái phép quá trình truyền, gửi, nhận thông điệp dữ liệu.

3. Thay đổi, xoá, huỷ, giả mạo, sao chép, tiết lộ, hiển thị, di chuyển trái phép một phần hoặc toàn bộ thông điệp dữ liệu.

4. Tạo ra hoặc phát tán chương trình phần mềm làm rối loạn, thay đổi, phá hoại hệ thống điều hành hoặc có hành vi khác nhằm phá hoại hạ tầng công nghệ về giao dịch điện tử.

5. Tạo ra thông điệp dữ liệu nhằm thực hiện hành vi trái pháp luật.

6. Gian lận, mạo nhận, chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép chữ ký điện tử của người khác.”

 

5. Khái quát về giá trị pháp lý của thông điệp giữ liệu

– Cơ sở pháp lý: Mục 1 chương 2  Luật Giao dịch điện tử 2005

Thứ nhất, Hình thức thể hiện thông điệp dữ liệu (Điều 10)

Thông điệp dữ liệu được thể hiện dưới hình thức trao đổi dữ liệu điện tử, chứng từ điện tử, thư điện tử, điện tín, điện báo, fax và các hình thức tương tự khác.

Thứ hai, Giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu

Thông tin trong thông điệp dữ liệu không bị phủ nhận giá trị pháp lý chỉ vì thông tin đó được thể hiện dưới dạng thông điệp dữ liệu.

Thứ ba. Thông điệp dữ liệu có giá trị như văn bản

Trường hợp pháp luật yêu cầu thông tin phải được thể hiện bằng văn bản thì thông điệp dữ liệu được xem là đáp ứng yêu cầu này nếu thông tin chứa trong thông điệp dữ liệu đó có thể truy cập và sử dụng được để tham chiếu khi cần thiết.

Thứ tư, Thông điệp dữ liệu có giá trị như bản gốc

Thông điệp dữ liệu có giá trị như bản gốc khi đáp ứng được các điều kiện sau đây:

– Nội dung của thông điệp dữ liệu được bảo đảm toàn vẹn kể từ khi được khởi tạo lần đầu tiên dưới dạng một thông điệp dữ liệu hoàn chỉnh.

Nội dung của thông điệp dữ liệu được xem là toàn vẹn khi nội dung đó chưa bị thay đổi, trừ những thay đổi về hình thức phát sinh trong quá trình gửi, lưu trữ hoặc hiển thị thông điệp dữ liệu;

– Nội dung của thông điệp dữ liệu có thể truy cập và sử dụng được dưới dạng hoàn chỉnh khi cần thiết.

Thứ năm, thông điệp dữ liệu có giá trị làm chứng cứ

– Thông điệp dữ liệu không bị phủ nhận giá trị dùng làm chứng cứ chỉ vì đó là một thông điệp dữ liệu.

– Giá trị chứng cứ của thông điệp dữ liệu được xác định căn cứ vào độ tin cậy của cách thức khởi tạo, lưu trữ hoặc truyền gửi thông điệp dữ liệu; cách thức bảo đảm và duy trì tính toàn vẹn của thông điệp dữ liệu; cách thức xác định người khởi tạo và các yếu tố phù hợp khác.

Thứ sau, Lưu trữ thông điệp dữ liệu

– Trường hợp pháp luật yêu cầu chứng từ, hồ sơ hoặc thông tin phải được lưu trữ thì chứng từ, hồ sơ hoặc thông tin đó có thể được lưu trữ dưới dạng thông điệp dữ liệu khi đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Nội dung của thông điệp dữ liệu đó có thể truy cập và sử dụng được để tham chiếu khi cần thiết;

b) Nội dung của thông điệp dữ liệu đó được lưu trong chính khuôn dạng mà nó được khởi tạo, gửi, nhận hoặc trong khuôn dạng cho phép thể hiện chính xác nội dung dữ liệu đó;

c) Thông điệp dữ liệu đó được lưu trữ theo một cách thức nhất định cho phép xác định nguồn gốc khởi tạo, nơi đến, ngày giờ gửi hoặc nhận thông điệp dữ liệu.

– Nội dung, thời hạn lưu trữ đối với thông điệp dữ liệu được thực hiện theo quy định của pháp luật về lưu trữ.

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.0191 hoặc gửi qua email: Tư vấn pháp luật dân sự miễn phí qua Email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật LVN Group. Rất mong nhận được sự hợp tác!