NỘI DUNG TƯ VẤN:​

1. Các vấn đề lí luận chung

1.1 Tranh chấp thương mại:

Tranh chấp thương mại là những mấu thuẫn, bất đồng hoặc xung đột về quyền và nghĩa vụ giữa các bên trong quá trình thực hiện các hoạt động thương mại.

Giải quyết tranh chấp thương mại là cách thức các chủ thể có tranh chấp lựa chọn các phương thức, loại hình thích hợp mà pháp luật có quy định để khắc phục, loại trừ các tranh chấp thương mại đã phát sịnh, giải tỏa các mâu thuẫn, bất đồng, xung đột của các bên, để đạt được kết quả mà các bên có thể chấp nhận được và tự nguyện thi hành.

1.2 Thủ tục hòa giải và hòa giải viên:

Hòa giải là phương thức giải quyết tranh chấp với sự tham gia của bên thứ ba làm trung gian hòa giải để hỗ trợ, thuyết phục các bên tranh chấp tìm kiếm các giải pháp nhằm loại trừ tranh chấp đã phát sinh.

Hòa giải thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp thương mại do các bên thỏa thuận và được hòa giải viên thương mại làm trung gian hòa giải hỗ trợ giải quyết tranh chấp theo quy định của Nghị định này

Hòa giải viên phải đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật. Được các bên lựa chọn hoặc được tổ chức hòa giải thương mại chỉ định theo đề nghị của các bên để hỗ trợ các bên giải quyết tranh chấp theo quy định về hòa giải thương mại.

1.3 Kỹ năng giải quyết tranh chấp trong thương mại:

Kỹ năng là thực lực của chủ thể thực hiện thuần thục một hay một chuỗi hành động trên cơ sở kiến thức và kỹ năng nhằm tạo ra kết quả như mong đợi.

Kỹ năng giải quyết tranh chấp trong thương mại là những kiến thức dựa trên cơ sở pháp luật cũng như kiến thức, kỹ năng thực tế nhằm xử lý những mâu thuẫn, bất đồng đưa ra trong hoạt động kinh doanh thương mại.

2. Kỹ năng cơ bản của hòa giải viên trong giải quyết tranh chấp thương mại:

Ngoài những kỹ năng chung của một hòa giải viên cần có như trên thì trong giải quyết tranh chấp thương mại thì hòa giải viên còn cần có những kỹ năng riêng, cụ thể như:

2.1 Kỹ năng chuẩn bị hòa giải

* Kỹ năng chuẩn bị hồ sơ

Chuẩn bị hồ sơ là việc đầu tiên các hòa giải viên cần làm khi tiếp nhận một vụ việc. Việc này cũng cần có những kỹ năng và việc hòa giải viên làm tốt bước này sẽ tạo thuận lợi cho việc thực hiện các bước sau của quá trình hòa giải.

– Trong bước chuẩn bị này, hòa giải viên phải chuẩn bị những hồ sơ cần thiết bao gồm hồ sơ của các bên trong quan hệ tranh chấp, hồ sơ của hòa giải viên. Hòa giải viên cần có kỹ năng trong việc chuẩn bị hồ sơ như như những giấy tờ, chứng cứ cần thiết để giải quyết vụ án tránh để bị thiếu hò sơ ảnh hưởng đến công tác hòa giải.

– Hòa giải viên có thể yêu cầu các bên hòa giải cung cấp thêm các thông tin, chứng cứ có liên quan đến vụ việc hòa giải. Và các chứng cứ này phải là các chứng cứ có thực và hợp pháp.

* Kỹ năng tiếp nhận và phân tích hồ sơ

– Kỹ năng tiếp nhận thông tin: hòa giải viên cần tiếp nhận thông tin từ mọi nguồn cung cấp tuy nhiên phải biết tiếp nhận có chọn lọc, tiếp nhận những thông tin có độ pháp lý cao nhất.

– Kỹ năng đọc, phân tích, đánh giá hồ sơ

Vì hồ sơ các bên cung cấp cho hòa giải viên rất tràn lan và không đầy đủ nên yêu cầu hòa giải viên phải tiếp nhận hồ sơ một cách có chọn lọc, chỉ đọc những tài liệu có liên quan đến vụ việc, những tài liệu không liên quan đến vụ việc có thể bỏ qua.

Mặt khác nếu tài liệu nào liên quan và mang tính chất mấu chốt đến vụ việc hòa giải thì nên đánh dấu lại để làm lưu ý.

Khi đọc hồ sơ, hòa giải viên nên cân nhắc và điều tra về tính xác thực của hồ sơ vì các bên hòa giải luôn luôn cung cấp những hồ sơ, chứng cứ có lợi cho mình và giấu nhẹm đi những hồ sơ không có lợi cho mình. Vì vậy yêu cầu hòa giải viên phải nghiên cứu thật kỹ, xác minh lại tính xác thực của hồ sơ.

– Kỹ năng lựa chọn cơ sở pháp lý

Hòa giải viên phải lựa chọn cơ sở pháp lý phù hợp nhất, đúng nhất với vụ việc. Phải cập nhật được những thông tư, nghị định mới nhất để áp dụng vào vụ việc, tránh sử dụng những tài liệu đã hết hiệu lực.

Ngoài ra, hòa giải viên cũng cần nghiên cứu thêm những bộ luật, nghị định thông tư có liên quan khác để áp dụng vào vụ việc.

Kỹ năng tiếp nhận và phân tích hồ sơ là bước đầu nhưng rất quan trọng vì nó là bước hào giải viên bắt đầu định hình suy nghĩ và hướng giải quyết vụ việc. những chứng cứ mà hai bên đưa ra rất quan trọng nên đòi hỏi hòa giải viên phải có kỹ năng, trình độ để lấy thông tin từ hai bên tranh chấp và thu thập những chứng cứ riêng phục vụ cho việc hòa giải.

2.2Kỹ năng trong khi hòa giải

Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, kiến thức thì hòa giải viên sẽ tiến hành phiên hòa giải với sự tham gia của các bên. Đây là bước quan trọng có ý nghĩa quyết định đòi hỏi nhiều kỹ năng của hòa giải viên như kỹ năng nghe, phân tích sự việc, tâm lý và cả thuyết phục hai bên tranh chấp hòa giải… Ở bước này Hòa giải viên cần làm những việc sau:

– Thực hiện các nguyên tắc, phương pháp hòa giải, trực tiếp trao đổi với từng bên, đề cao lẽ phải, tìm hiểu thêm các nguyên nhân mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh.

Phương pháp tiến hành hòa giải thường áp dụng là dùng uy tín của Hòa giải viên để giải thích, giáo dục, cảm hóa, động viên các bên tranh chấp tự hòa giải, đi đến thỏa thuận giải quyết tranh chấp, bất đồng với phương châm kiên trì, bền bỉ.

Nắm rõ đặc điểm, tâm lý của từng đối tượng (phụ nữ, thanh niên, trẻ em, người già,…) cũng như tính chất vụ việc (dân sự, hình sự, hôn nhân và gia đình…) để áp dụng “nghệ thuật” hòa giải phù hợp là một trong những yếu tố để đạt kết quả trong hòa giải.

– Tùy từng trường hợp cụ thể, Hòa giải viên có thể gặp gỡ từng bên hoặc các bên. Hòa giải viên phân tích, giải thích, chỉ ra những hành vi phù hợp pháp luật và đạo đức xã hội, hành vi sai trái của mỗi bên với thái độ chân thành, khách quan, vô tư và chỉ ra những hậu quả pháp lý mà đương sự có thể phải chịu nếu tiếp tục tranh chấp, trên cơ sở đó mà cảm hóa, thuyết phục các bên tự nhận ra sai lầm của mình, tự thỏa thuận để giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp. Không áp đặt ý chí của Hòa giải viên đối với đương sự.

– Trường hợp Hòa giải viên trực tiếp chứng kiến vụ việc tranh chấp, xích mích thì cần can ngăn, dàn xếp, làm dịu tình hình căng thẳng giữa các bên, không để “việc bé xé ra to”. Đối với những vụ việc như đánh nhau, gây mất an ninh trật tự cần có biện pháp ngăn chặn kịp thời, trong trường hợp cần thiết cần thông báo cho Công an cấp xã hoặc cảnh sát khu vực để can thiệp

– Mặt khác, các Hòa giải viên phải tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của các cá nhân, tổ chức có liên quan đến vụ việc hòa giải hoặc có ảnh hưởng đến các bên tranh chấp.

2.3Kỹ năng khi phiên hòa giải kết thúc

Khi phiên hòa giải kết thúc, hòa giải viên phải tiến hành lập biên bản hòa giải.

– Trường hợp hòa giải thành thì lập biên bản hòa giải thành có chữ ký của hòa giải viên và chữ ký của các bên hòa giải. Hòa giải viên cần tiếp tục quan tâm động viên, giúp đỡ, thăm hỏi, nhắc nhở các bên tự nguyện thực hiện thỏa thuận của mình, tạo điều kiện để họ thực hiện tốt cam kết đó.

– Trường hợp hòa giải không thành và việc tiếp tục hòa giải không thể đạt kết quả, thì Hòa giải viên vẫn phải lập biên bản ghi rõ lý do hòa giải không thành và yêu cầu 2 bên hòa giải ký vào sau đó hướng dẫn cho các bên thực hiện quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp.

– Trường hợp hòa giải thành mà không thực hiện thì lập biên bản (có một hoặc các bên ký tên) để làm cơ sở cho cấp trên giải quyết tranh chấp theo thẩm quyền, bởi vì kết quả hòa giải không có chế tài thực hiện.

2.4Nguyên tắc khi tiến hành hòa giải

– Hòa giải viên phải tôn trọng sự thật khách quan.

– Hòa giải viên phải trung thực, vô tư và đảm bảo bí mật cho các bên tranh chấp.

– Tôn trọng sự tự nguyện thỏa thuận của các đương sự, không được dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực, bắt buộc các đương sự phải thỏa thuận không phù hợp với ý chí của mình;

– Nội dung thỏa thuận giữa các đương sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

Thứ nhất, hòa giải phải tôn trọng sự tự nguyện của các bên, không bắt buộc, áp đặt các bên tranh chấp phải tiến hành hòa giải. Như vậy, khi các đương sự đã tự nguyện thỏa thuận tức là các đương sự tự lựa chọn quyết định các vấn đề tranh chấp bằng hòa giải và thương lượng, thỏa thuận với nhau giải quyết các vấn đề của vụ án.

Thứ hai, hòa giải phải được tiến hành theo đúng quy định của pháp luật, nội dung thỏa thuận không trái với pháp luật, đạo đức xã hội.

Khi tòa án tiến hành hòa giải để giải quyết vụ án dân sự ngoài yếu tố tự nguyện thỏa thuận của các đương sự thì việc tòa án hòa giải còn phải thỏa mãn các điều kiện: tuân thủ đúng trình tự, thủ tục hòa giải; phạm vi hòa giải theo pháp luật quy định; nội dung thỏa thuận giữa các đương sự không được trái pháp luật hoặc đạo đức xã hội

Thứ ba, hòa giải phải tích cực, kiên trì nhằm đạt được kết quả hòa giải. Tích cực để có thể giải quyết được nhanh chóng vụ án, không để việc hòa giải kéo dài vô ích khi không có khả năng hòa giải nhưng lại phải kiên trì giải thích cho đương sự hiểu rõ pháp luật áp dụng giải quyết vụ án và đi sâu giải quyết các mắc mớ trong tâm tư tình cảm của họ.

Cảm ơn quý khách đã gửi yêu cầu đến Công ty Luật LVN Group, trên đây là nội dung tư vấn của Công ty, nội dung tư vấn có giá trị tham khảo, nếu còn vấn đề mà quý khách hàng còn chưa rõ xin vui lòng liên hệ đến tổng đài của Công ty Luật LVN Group 1900.0191 hoặc vui lòng gửi tin nhắn đến email [email protected] để được giải đáp thắc mắc. Trân trọng!

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty Luật LVN Group