NỘI DUNG YÊU CẦU:
Anh Tùng vào làm việc tại công ty TNHH ABC theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn từ năm 2020. Anh Tùng là người có năng lực nên công ty muốn được cử Anh đi học ở Nhật Bản để nâng cao trình độ sau này về làm việc lâu dài cho công ty. Thời gian học là 01 năm và tổng chi phí khoảng 05 triệu USD do công ty chi trả.
Theo anh, (chị) công ty nên đàm phán và soạn thảo hợp đồng với Anh Tùng như thế nào để sau khi học sẽ phải về làm việc cho công ty.
NỘI DUNG TƯ VẤN:
1. Khái quát chung về kỹ năng đàm phán, soạn thảo hợp đồng lao động:
1.1 Những lưu ý về hình thức và nội dung của hợp đồng lao động:
* Về hình thức của hợp đồng lao động:
Về hình thức, giống như hợp đồng dân sự hợp đồng lao động có thể được thực hiện bằng văn bản hoặc bằng lời nói (hợp đồng miệng).
- Hình thức giao kết (thỏa thuận) bằng miệng được thực hiện trong trường hợp thuê lao động đối với công việc có tính chất tạm thời mà thời hạn dưới 3 tháng và các công việc lao động giúp việc gia đình. Mặc dù giao kết hợp đồng bằng miệng nhưng hai bên cam kết vẫn phải thực hiện đúng các quy định của pháp luật về lao động.
Hình thức giao kết (ký kết) bằng văn bản, ngoài những trường hợp nêu trên thì hợp đồng lao động phải được ký kết bằng văn bản (theo mẫu của Bộ Lao động thương binh và xã hội quy định (Việc ký hợp đồng lao động bằng văn bản là quy định bắt buộc (Điều 14 Bộ luật Lao động 2019).
*Về nội dung của hợp đồng lao động:
Hợp đồng lao động khi thỏa thuận phải có những nội dung chủ yếu sau đây:
– Về công việc phải làm: là công việc mà có thể thực hiện và không thuộc đối tượng cấm của pháp luật, không trái với đạo đức xã hội.
– Về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi
– Về tiền lương:Phải nêu rõ mức lương, các loại phụ cấp, hình thức trả lương, các loại tiền thưởng, các loại trợ cấp, thời gian trả lương, các loại phúc lợi tập thể, điều kiện nâng bậc lương, việc giải quyết tiền lương và tiền tàu xe trong những ngày đi đường khi nghỉ hàng năm.
– Về địa điểm làm việc: Phải nêu rõ địa điểm chính thức, làm tại chỗ, đi làm lưu động xa hay gần, phương tiện đi lại, ăn, ở trong thời gian lưu động.
– Về thời hạn hợp đồng: Phải nêu rõ loại hợp đồng, ngày bắt đầu, ngày kết thúc hợp đồng.
– Về bảo hiểm xã hội: Phải nêu rõ trách nhiệm của mỗi bên trong việc đóng góp, thu nộp bảo hiểm xã hội, quyền, lợi ích của người lao động về bảo hiểm xã hội.
* Phân loại hợp đồng lao động:
Bộ Luật Lao động phân hợp đồng lao động thành 02 loại như sau:
- Hợp đồng lao động không xác định thời hạn: Loại hợp đồng này được ký kết cho những công việc làm có tính chất thường xuyên, không ấn định trước thời hạn và thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng mà thường là những công việc có tính chất thường xuyên.
- Hợp đồng lao động xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong thời gian không quá 36 tháng kể từ thời điểm có hiệu lực của hợp đồng.
* Nguyên tắc ký kết hợp đồng lao động:
Nguyên tắc ký kết hợp đồng lao động được Bộ luật Lao động quy định khá chặt chẽ, cụ thể như sau:
– Các điều khoản của hợp đồng không được trái pháp luật, với thỏa ước lao động tập thể.
– Các điều khoản của hợp đồng lao động phải được sự nhất trí, thỏa thuận của cả hai bên, hai bên đều bình đẳng trước pháp luật, bên nào vi phạm hợp đồng lao động thì phải bồi thường thiệt hại trực tiếp cho bên kia.
1.2 Những lưu ý về kỹ năng:
– Đáp ứng đựợc kỹ năng chung về tư vấn pháp luật lao động
– Soạn thảo hợp đồng trên cơ sở mẫu đã được quy định, cần chú ý đến tính chuyên nghiệp
-Tôn trọng quyền lợi khách hàng nhưng cần lưu ý đến sự hài hòa về lợi ích và tính ổn định bền vững của quan hệ lao động.
2. Giải quyết tình huống cụ thể:
2.1 Văn bản pháp luật điều chỉnh:
- Bộ luật lao động năm 2019
- Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động.
- Nghị định 28/2020/NĐ-CP ngày 01 tháng 03 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực lao động, bảo hiểm xa hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
2.2 Một số vấn đề cần lưu ý khi đàm phán, soạn thảo nội dung hợp đồng:
Thứ nhất, về lựa chọn loại hình hợp đồng sẽ ký kết
Hiện nay, cử người đi học là một trong những nhu cầu thiết yếu và chính đáng của doanh nghiệp. Sau khi ký kết hợp đồng lao động với người lao động, người lao động đã làm việc tại doanh nghiệp được một thời gian, đồng thời năng lực của nhân viên được bộc lộ và còn có thể phát triển sâu hơn nữa, doanh nghiệp sẽ xem xét cân nhắc và cử người của doanh nghiệp mình đi học hỏi, nâng cao trình độ qua nhiều cách thức khác nhau với mong mỏi sau đó họ sẽ về làm việc, cống hiến hết sức mình cho sự phát triển của công ty.
Thực tế cho thấy, thông thường khi muốn cho nhân viên của doanh nghiệp mình đi học để nâng cao trình độ, có 2 phương án mà doanh nghiệp thường sử dụng, đó là: ghi nhận luôn thành một trong các nội dung của Hợp đồng lao động mà các bên đã ký kết trước đó với điều khoản: cử đi đào tạo hoặc học nâng cao trình độ; hoặc 2 bên sẽ ký kết thêm 1 loại hợp đồng mới: Hợp đồng đào tạo nghề.
+ Ghi nhận thành một trong các nội dung của hợp đồng lao động.
Ưu điểm:
- 2 bên đã có sự đàm phán từ trước nên có thể không cần thỏa thuận lại
Hạn chế:
- Nội dung đàm phán không sâu, không toàn diện dẫn đến khó xử lý khi tranh chấp phát sinh
- Vấn đề bồi thường, hoàn trả chi phí đào tạo của người lao động đối với người sử dụng lao động khi có tranh chấp có thể sẽ áp dụng theo Bộ luật lao động năm 2019 và Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động, theo đó hậu quả pháp lý gây bất lợi cho người sử dụng lao động.
+ Ký kết thành 1 hợp đồng đào tạo nghề cụ thể
Ưu điểm:
- Hình thành 01 căn cứ pháp lý vững chắc khi có tranh chấp xảy ra và cần phải giải quyết.
- Vấn đề bồi thường, hoàn trả chi phí đào tạo của người lao động đối với người sử dụng lao động khi có tranh chấp sẽ áp dụng áp dụng điều 62 Bộ luật lao động năm 2019 thì người lao động phải trả chi phí đào tạo cho người sử dụng lao mặc dù anh Tùng có đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đúng pháp luật đi nữa thì vẫn phải trả chi phí đào tạo nghề cho công ty.
Hạn chế:
- Các bên có thể sẽ mất thêm thời gian, chi phí để đi tới thống nhất những vấn đề trong hợp đồng.
Từ nhu cầu của công ty muốn có sự ràng buộc giữa Anh Tùng ở lại làm việc lâu dài, công ty nên ký kết một hợp đồng đào tạo nghề mới.
Thứ hai, các điều khoản trong hợp đồng
Điều 62 Bộ luật lao động năm 2019 quy định như sau:
Hợp đồng đào tạo nghề phải có các nội dung chủ yếu sau đây:
a) Nghề đào tạo;
b) Địa điểm đào tạo, thời hạn đào tạo;
c) Chi phí đào tạo;
d) Thời hạn người lao động cam kết phải làm việc cho người sử dụng lao động sau khi được đào tạo;
đ) Trách nhiệm hoàn trả chi phí đào tạo;
e) Trách nhiệm của người sử dụng lao động.
Thông thường để một văn bản hợp đồng được rõ ràng, dễ hiểu thì người ta chia các vấn đề ra thành các điều khoản hay các mục, theosố thứ tự từ nhỏ đến lớn. Vậy nội dung của từng điều khoản cần được xác định rõ ràng.
+ Điều khoản về công việc
Thời gian học tập tại Nhật Bản là 1 năm kể từ ngày anh Tùng bắt đầu khóa học. Ngoài việc học tâp ở Nhật Bản để nâng cao trình độ, Anh Tùng còn phải nghiên cứu để áp dụng cho phù hợp với quy chuẩn tại Việt Nam.
+ Điều khoản về quyền lợi của anh Tùng khi đi học và sau khi trở về Việt Nam làm việc
Khi đi học anh Tùng được trợ cấp tiền ăn, ở đi lại, học tập và nghiên cứu không vượt quá 5.000.000 USD trong suốt quá trình 1 năm từ lúc bắt đầu từ Việt Nam sang Nhật cho đến lúc trở về Việt Nam. Sau khi trở về, mức lương của Anh Tùng cũng cần được đề cập trong hợp đồng để đảm bảo quyền lợi cho anh Tùng khi về nước. Ngoài ra, cần nói rõ đến những vấn đề phát sinh khác khi anh Tùng học tập và sinh sống tại Nhật Bản.
+ Điều khoản về nghĩa vụ của anh Tùng đối với công ty
Anh Tùng có nghĩa vụ học tập và nghiên cứu tạ Nhật Bản và hoàn thành đúng thời hạn 1 năm trừ trường hợp bất khả kháng (cần nêu rõ các trường hợp bất khả kháng ở đây là như thế nào). Sau khi trở về Việt Nam, anh Tùng phải làm việc tại công ty TNHH ABC theo như hợp đồng đã ký kết.
+ Điều khoản vi phạm hợp đồng
Nếu Anh Tùng không thực hiện như đã ký kết thì công ty sẽ xử lý như thế nào? Và ngược lại công ty không thực hiện như đúng cam kết thì sẽ xử lý làm sao?
Phạt vi phạm là sự thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng, theo đó bên vi phạm nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm. Mức phạt vi phạm do các bên thỏa thuận, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác. Các bên có thể thỏa thuận về việc bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm mà không phải bồi thường thiệt hại hoặc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại. Trường hợp các bên có thỏa thuận về phạt vi phạm nhưng không thỏa thuận về việc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm.
Cảm ơn quý khách đã gửi yêu cầu đến Công ty Luật LVN Group, trên đây là nội dung tư vấn của Công ty, nội dung tư vấn có giá trị tham khảo, nếu còn vấn đề mà quý khách hàng còn chưa rõ xin vui lòng liên hệ đến tổng đài của Công ty Luật LVN Group 1900.0191 hoặc vui lòng gửi tin nhắn đến email [email protected] để được giải đáp thắc mắc. Trân trọng!
Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty Luật LVN Group