Kính thưa quý khách hàng!

Công ty Luật TNHH LVN GROUP xin gửi tới quý khách hàng lời chào trân trọng và cảm ơn quý khách đã tin tưởng vào dịch vụ do chúng tôi cung cấp. Chúng tôi nhận được yêu cầu của quý khách liên quan đến nội dung cụ thể như sau:

NỘI DUNG YÊU CẦU

Kính gửi: Luật LVN Group!

Cha mẹ tôi có 1 thửa đất và đã được cấp GCNQSDĐ năm 2010. Nhưng đến tháng 03 năm 2019 Cha mẹ tôi làm thủ tục Hợp Đồng cho tặng con gái là bà A (Hợp đồng đã công chứng). Trước khi cho tặng cha mẹ tôi có nói là nhà này sau này làm nhà thờ. Để làm chỗ thờ cúng tổ tiên và phụng dưỡng cha mẹ tôi. Và chỗ sau này chị em tôi ở xa về thăm cha mẹ hoặc về thắp hương cho tổ tiên. Sau này cũng có trách nhiệm thờ cúng cha mẹ tôi khi cha mẹ qua đời. Nay mẹ tôi đã mất.

Đến năm 2019 thì bà A làm thủ tục Hợp Đồng cho tặng ông B (HĐ đã công chứng) trước khi cho tặng bà A cũng nói rõ quan điểm với ông B như cha mẹ tôi nói với bà A trước đó (nhưng trong HĐ không thể hiện mà chỉ nói miệng) ông B là em trai bà A và cũng là con trai của cha mẹ tôi. Nhưng từ thời điểm cho tặng đến nay Vợ chồng ông B không có trách nhiệm hương khói tổ tiên và cũng không yêu thương chăm sóc phụng dưỡng cha tôi.

Nay cha tôi tuổi cao sức yếu không được chăm sóc nên chị em tôi ở xa về đó ở chăm sóc phụng dưỡng cha tôi thì vợ chồng ông B hay kiếm chuyện, gây gổ, chửi bới chị em về chăm sóc và đòi đuổi ra khỏi nhà. Vậy cha tôi có thể đòi lại đất và nhà để làm nhà thờ và là tài sản chung không (nhiều lần cha tôi nói chuyện với ông B nhưng ông không thay đổi. Nên cha tôi muốn ra ngoài ở với người cháu nội).

Vậy xin Luật sư của LVN Group tư vấn giờ cha tôi phải làm thế nào có đòi lại được nhà hay không. Và nếu đòi thì nên đòi bà A Hay ông B . Và qui trình thủ tục như thế nào?

Cảm ơn Luật sư của LVN Group!

Câu hỏi bổ sung: Hiện tại cha tôi muốn đòi lại nhà. Ông xác nhận là có sự gian dối trong việc làm hợp đồng cho tặng con gái là bà A.

Hiện tại bà A cũng xác nhận việc đó và bà A cũng muốn đòi lại nhà đó cho cha mẹ tôi.

Vậy hiện tại bây giờ cha mẹ tôi phải làm đơn khiếu nại bà A hay là giữa cha tôi và bà A nên làm thủ tục hủy hợp đồng cho tặng của cha mẹ tôi với bà A .

Thủ tục nào đơn giản nhất mà ko liên quan tới trách nhiệm với bà A

Và qui trình thủ tục các bước nộp đơn từ đâu

TRẢ LỜI:

CƠ SỞ PHÁP LÝ

– Bộ luật dân sự 2015;

– Bộ luật tố tụng dân sự 2015;

– Luật đất đai 2013;

– Nghị định 43/2014/NĐ-CP hướng dẫn thi hành luật đất đai;

– Thông tư 24/2014/TT-BTNMT về hồ sơ địa chính do Bộ trưởng Bộ tài nguyên và môi trường ban hành;

– Văn bản pháp luật khác;

NỘI DUNG TƯ VẤN

Như thư tư vấn trước đó đã gửi cho Qúy khách hàng, Chỉ trong trường hợp cha mẹ Qúy khách và bà A có thỏa thuận trước về điều kiện tặng cho (cụ thể là ngôi nhà sau này để làm nhà thờ, để thờ cúng tổ tiên và phụng dưỡng cha mẹ tôi. Sau này chị em trong nhà ở xa về thăm cha mẹ hoặc về thắp hương cho tổ tiên. Bà A trách nhiệm thờ cúng cha mẹ khi cha mẹ qua đời.) và nội dung này phải được ghi trong hợp đồng thì khi bà A không thực hiện theo thỏa thuận, cha mẹ Qúy khách mới được đòi lại tài sản từ bà A.

Tuy nhiên, hiện tại Qúy khách có bổ sung thông tin có sự gian dối trong việc làm hợp đồng cho tặng con gái là bà A, bà A hiện tại cũng xác nhận việc đó. Vậy, cần xác định xem mục đích gian dối khi lập hợp đồng này là gì? Có phải do nhầm lần hay giả tạo không?

Điều 124 và Điều 126 Bộ luật dân sự 2015 quy định:

“Điều 124. Giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo

1. Khi các bên xác lập giao dịch dân sự một cách giả tạo nhằm che giấu một giao dịch dân sự khác thì giao dịch dân sự giả tạo vô hiệu, còn giao dịch dân sự bị che giấu vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp giao dịch đó cũng vô hiệu theo quy định của Bộ luật này hoặc luật khác có liên quan.

2. Trường hợp xác lập giao dịch dân sự giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba thì giao dịch dân sự đó vô hiệu.”

Điều 126. Giao dịch dân sự vô hiệu do bị nhầm lẫn

1. Trường hợp giao dịch dân sự được xác lập có sự nhầm lẫn làm cho một bên hoặc các bên không đạt được mục đích của việc xác lập giao dịch thì bên bị nhầm lẫn có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Giao dịch dân sự được xác lập có sự nhầm lẫn không vô hiệu trong trường hợp mục đích xác lập giao dịch dân sự của các bên đã đạt được hoặc các bên có thể khắc phục ngay được sự nhầm lẫn làm cho mục đích của việc xác lập giao dịch dân sự vẫn đạt được.”

Do đó, nếu có căn cứ rằng việc xác lập hợp đồng tặng cho giữa cha mẹ Qúy khách và bà A là do nhầm lẫn hoặc do giả tạo hoặc do vi phạm một trong các điều kiện quy định tại Điều 117 Bộ luật dân sự 2015 Bố Qúy khách có thể làm đơn yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng tặng cho là vô hiệu:

“Điều 117. Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự

1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;

b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;

c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

2. Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định.

Hồ sơ yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu:

1. Đơn yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu

2. Bản sao hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất giữ bố mẹ Qúy khách và bà A.

3. Bản sao chứng minh nhân dân của bố Qúy khách.

4. Các giấy tờ khác chứng minh sự nhầm lần, giả tạo (nếu có)

Người yêu cầu nộp đơn yêu cầu tuyên bố hợp đồng công chứng vô hiệu đến Tòa án nhân dân cấp quận/huyện nơi có đất.

Tòa án chuẩn bị xét đơn yêu cầu. Thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu tuyên bố hợp đồng công chứng vô hiệu là 01 tháng, kể từ ngày Tòa án thụ lý đơn yêu cầu; hết thời hạn này, Tòa án phải ra quyết định mở phiên họp xét đơn yêu cầu.

Sau khi thụ lý đơn yêu cầu, Tòa án có thẩm quyền phải thông báo ngay cho tổ chức hành nghề công chứng, công chứng viên đã thực hiện việc công chứng, người yêu cầu công chứng, người có quyền, lợi ích liên quan, cơ quan nhà nước có thẩm quyền và Viện kiểm sát cùng cấp;

Trong thời hạn chuẩn bị xét xử đơn yêu cầu, nếu người yêu cầu rút đơn yêu cầu thì Toà án ra quyết định đình chỉ việc xét đơn yêu cầu;

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày ra quyết định mở phiên họp, Tòa án phải mở phiên hợp để xét đơn yêu cầu.

Tòa án ra quyết định tuyên bố hợp đồng công chứng vô hiệu. Tòa án có thể chấp nhận hoặc không chấp nhận đơn yêu cầu tuyên bố hợp đồng công chứng vô hiệu.

Ngoài ra Qúy khách cũng nên xét đến trường hợp, hợp đồng công chứng tặng cho vi phạm pháp luật:

Công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản (sau đây gọi là hợp đồng, giao dịch), tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt (sau đây gọi là bản dịch) mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng.

Nguyên tắc hành nghề công chứng

1. Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật.

2. Khách quan, trung thực.

3. Tuân theo quy tắc đạo đức hành nghề công chứng.

4. Chịu trách nhiệm trước pháp luật và người yêu cầu công chứng về văn bản công chứng.

Đương sự có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng công chứng vô hiệu bao gồm:

  • Công chứng viên đã thực hiện việc công chứng
  • Người yêu cầu công chứng
  • Người làm chứng
  • Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan
  • Cơ quan nhà nước có thẩm quyền

Người có yêu cầu Tòa tuyên hủy hợp đồng công chứng khi có căn cứ cho rằng việc công chứng có vi phạm pháp luật theo quy định của pháp luật về công chứng.

Căn cứ khởi kiện yêu cầu hủy hợp đồng công chứng vô hiệu được căn cứ vào những hành vi vi phạm pháp luật về công chứng (công chứng viên không đúng thẩm quyền, không tuân thủ trình tự, thủ tục công chứng theo quy định pháp luật) hoặc hợp đồng công chứng bị làm giả,…

Yêu cầu tuyên bố hợp đồng công chứng vô hiệu thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án quy định tại (Khoản 6 Điều 27 Bộ luật tố tụng dân sự 2015).

Sau khi Tòa án ra bản án/quyết định có hiệu lực, tuyên bố hợp đồng công chứng vô hiệu thì hợp đồng giao kết giữa các bên không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập.

Khi hợp đồng vô hiệu, các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.

Trường hợp một trong các bên trong hợp đồng hoặc công chứng viên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi vềTư vấn về hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất”. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và hồ sơ do quý khách cung cấp. Mục đích đưa ra bản tư vấn này là để quý khách tham khảo. Trường hợp trong bản tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong bản tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề, rất mong nhận được phản ánh của quý khách. Chúng tôi sẵn sàng giải đáp.

Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.0191 để được giải đáp.

Trân trọng cảm ơn!

Bộ phận tư vấn Pháp luật

Công ty Luật TNHH LVN Group