1. Làm thế nào để giành quyền nuôi con khi ly hôn?

Luật sư xin tư vấn cho em. Em đang rất muốn đươc ly hôn ạ. Em và vợ em kết hôn được 4 tháng. Cuộc sống sau hôn nhân của vợ chồng em rất mệt mỏi và không có sự đồng cảm, cô ấy sống rất cổ hủ, không tôn trọng gia đình bên nhà em. Tài sản chung thì bọn em có 50 triệu và 1 xe Honda Vison ngày cưới trước mặt 2 bên quan họ bố mẹ đẻ cho cô ấy. Và sau kết hôn được 2 tháng bố mẹ đẻ em có cho em 1 căn nhà, sổ đỏ tên em. Hiện tại, cô ấy có thai được 3 tháng vậy em muốn được nuôi con thì em phải làm như thế nào ạ ?
Mong Luật sư của LVN Group tư vấn nhanh cho em.!

Ly hôn và quyền nuôi con?

Luật sư tư vấn pháp luật hôn nhân trực tuyến gọi: 1900.0191

Trả lời:

Chào bạn,Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật của Công ty Luật LVN Group. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ Luật sư của LVN Group của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

Theo Khoản 3 Điều 51, Luật hôn nhân và gia đình 2014 thì: “Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.” Vì vậy, hiện tại vợ bạn đang mang thai 3 tháng nên bạn không được yêu cầu ly hôn đơn phương (không có sự đồng ý của vợ). Nếu vợ chồng bạn thuận tình ly hôn thì việc cấp dưỡng cho “thai nhi” hoặc cấp dưỡng nuôi con sau khi ly hôn do vợ chồng bạn thỏa thuận.

Hơn nữa, khoản 3 Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định: “Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.” Do đó, nếu bạn ly hôn sau khi vợ bạn sinh con thì con dưới 36 tháng tuổi sẽ được giao trực tiếp cho người mẹ nuôi trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.

>> Tham khảo bài viết liên quan: Tư vấn thủ tục ly hôn: Chia tài sản và quyền nuôi con theo quy định mới của luật hôn nhân và gia đình ?

2. Không có việc làm có được giành quyền nuôi con?

Thưa Luật sư của LVN Group tôi muốn hỏi: Hai vợ chồng nhà em gái tôi do điều kiện không ở được với nhau nên ly hôn. Em gái tôi có 1 đứa con, cháu được 19 tháng tuổi thì khi ra tòa ai sẽ được quyền nuôi con. Trong khi em gái tôi thì chưa có việc làm ổn định, còn chồng em gái tôi thì có việc làm. Tôi muốn hỏi Luật sư của LVN Group là em gái tôi có được quyền nuôi con trong trường hợp này không ạ?
Youtube video

Luật sư: Lê Minh Trường – Tư vấn ly hôn và quyền nuôi con trên VTV3

Trả lời:

Căn cứ Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định như sau:

“Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn

1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.

Việc xác định quyền nuôi con sau khi ly hôn phụ thuộc vào thỏa thuận của hai vợ chồng và điều kiện kinh tế, các yếu tố tinh thần nhất định. Cụ thể như sau:

– Nếu hai vợ chồng thỏa thuận được ai là người trực tiếp nuôi con, đồng thời thỏa thuận này đảm bảo quyền và lợi ích tốt nhất cho con thì Tòa án tôn trọng thỏa thuận này.

– Nếu hai vợ chồng không thỏa thuận được ai là người trực tiếp nuôi con thì Tòa án sẽ quyết định, dựa trên các điều kiện vật chất (kinh tế, nơi ăn ở, nuôi dưỡng…) và các yếu tố tinh thần (tình cảm, văn hóa, giáo dục…) để có quyết định cuối cùng.

Trong trường hợp của bạn, về nguyên tắc, con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi. Tuy nhiên, nếu trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con thì Tòa án sẽ tôn trọng thỏa thuận hoặc giao con cho người cha để chăm sóc con.

>> Tham khảo bài viết liên quan: Nếu ngoại tình thì có được quyền nuôi con sau khi ly hôn không ?

3. Hỏi về việc ủy quyền nuôi con và toàn quyền quyết định việc của các con ?

Xin kính chào Luật sư của LVN Group . tôi có một việc xin hỏi và kính mong Luật sư của LVN Group tư vấn giúp ạ. vợ chồng tôi ly hôn năm 2014 . khi ra tòa giải quyết việc của vợ chồng tôi là thuận tình ly hôn. Không có bất kỳ một tranh chấp nào . vợ chồng tôi có sinh được 2 cháu . một trai , một gái. Cháu trai sinh 2004, cháu gái 2006, khi tòa giải quyết về việc nuôi con Căn cứ vào nguyện vọng của 2 cháu ( 2 lá đơn xin được ở với bố )và sự thuận tình của vợ tôi . Nên tòa giải quyết việc nuôi con giao toàn quyền cho tôi. trong đó ghi rất rõ, và cá nhân tôi không yêu cầu vợ tôi chu cấp bất cứ gì về tài chính kinh tế để nuôi con . cho đến bây giờ là 2016 , tôi có ý định cho cháu đi nước ngoài cùng tôi định cứ.
Vậy xin hỏi luận sư tôi có cần phải yêu cầu vợ cũ tôi làm giấy ủy quyền gì nữa không và nếu có thì cấp cơ quan nào có thẩm quyền chứng thực và ký ạ ?
Mong Luật sư của LVN Group tư vấn giúp tôi xin chân thành cảm ơn

>> Luật sư tư vấn luật Hôn nhân trực tuyến, gọi: 1900.0191

Trả lời:

Căn cứ Điều 562 Bộ luật dân sự 2015 có quy định về hợp đồng ủy quyền

Điều 562. Hợp đồng uỷ quyền

Hợp đồng uỷ quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được uỷ quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên uỷ quyền, bên uỷ quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định.

Như vậy, việc ủy quyền chỉ diễn ra khi người ủy quyền có quyền thực hiện một công việc, họ không thể làm việc đó nên ủy quyền cho người khác làm thay. Trong trường hợp của bạn, quyền ở đây là quyền trực tiếp nuôi con. Nếu vợ bạn có quyền này, cô ấy không thể trực tiếp nuôi con được và muốn ủy quyền cho bạn nuôi, thì việc ủy quyền này mới có hiệu lực.

Theo thông tin bạn cung cấp cho chúng tôi, thì bạn đã được tòa án giao cho quyền trực tiếp nuôi con bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa. Vì vậy, quyền trực tiếp nuôi con của bạn đã được công nhận, vợ bạn không có quyền này, do vậy, bạn không cần sự ủy quyền của vợ hay văn bản thể hiện sự đồng ý cho bạn mang con ra nước ngoài. Việc mang hai con ra nước ngoài sống với bạn là bạn đang thực hiện quyền trực tiếp nuôi con của mình. Việc này chỉ bị ảnh hưởng khi vợ bạn nộp đơn yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con theo Điều 84 Luật hôn nhân gia đình 2014.

“Điều 84. Thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

1. Trong trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức được quy định tại khoản 5 Điều này, Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con.

2. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:

a) Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;

b) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

3. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên.

Nếu vợ bạn không có căn cứ thuộc quy định tại khoản 2, 3 trên thì cô ấy không thể giành quyền nuôi con với bạn cũng như quyết định về quyền trực tiếp nuôi con của bạn.

>> Bài viết tham khảo thêm: Quyền nuôi con khi đủ 3 tuổi sẽ được tòa án phân định thế nào khi ly hôn ?

4. Xin Tòa chứng nhận toàn quyền nuôi con thế nào khi không có giấy kết hôn?

Xin chào Luật sư của LVN Group, tôi và bạn trai cũ (không đăng ký kết hôn) có một con trai chung (11 tuổi). Chúng tôi chia tay cách đây 10 năm và bé ở với tôi, chúng tôi không có tranh chấp gì. Nay tôi đưa con đi nước ngoài, họ yêu cầu giấy chứng nhận tôi là người giám hộ chính, hoặc có toàn quyền nuôi con. Bạn trai cũ đồng ý giúp tôi làm giấy, xin Luật sư của LVN Group hướng dẫn cần nộp đơn và giấy tờ gì, nộp đến tòa án quận/huyện của tôi hay anh ấy ?
Xin chân thành cảm ơn rất nhiều.

Xin Tòa chứng nhận toàn quyền nuôi con thế nào khi không có giấy kết hôn?

Luật sư tư vấn pháp luật hôn nhân gia đình về quyền nuôi con sau ly hôn, gọi: 1900.0191

Luật sư trả lời:

Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến Luật LVN Group với nội dung bạn yêu cầu chúng tôi xin trả lời như sau:

Căn cứ theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 có quy định:

Điều 14. giải quyết hậu quả của việc nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn

1. Nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng. Quyền, nghĩa vụ đối với con, tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên được giải quyết theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Luật này.

2. Trong trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng theo quy định tại khoản 1 Điều này nhưng sau đó thực hiện việc đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật thì quan hệ hôn nhân được xác lập từ thời điểm đăng ký kết hôn.

Điều 15. Quyền, nghĩa cụ của cha mẹ và con trong trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn

Quyền, nghĩa vụ giữa nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng và con được giải quyết theo quy định của Luật này về quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con.

Như vậy trường hợp khi hai bạn không chung sống được với nhau thì sẽ thỏa thuận về việc nuôi con, trường hợp không thỏa thuận được một trong các bên sẽ gửi yêu cầu nhờ tòa án can thiệp việc quyết định ai là người nuôi dưỡng chăm sóc cho con sẽ căn cứ theo nguyên tắc quy định trong Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 cụ thể:

Điều 81. Việc trông mom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn

1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.

Vì vậy đối với trường hợp của bạn bạn và bạn trai cũ có thể lựa chọn gửi đơn yêu cầu công nhận sự thỏa thuận nuôi con ra tòa án nhân dân nơi bạn hoặc bạn trai cũ để được giải quyết

>> Tham khảo ngay: Chồng tố cáo vợ ngoại tình để giành quyền nuôi con phải làm sao ?

5. Ly hôn và quyền nuôi con sau ly hôn khi chồng mắc chứng bệnh tâm lý ?

Cào Luật sư của LVN Group Công ty Luật LVN Group. Chúng tôi kết hôn từ tháng 10/2012 và hiện có 1 con trai 3.5 tuổi. Tôi sinh năm 1988, chồng tôi sinh năm 1982. Chúng tôi kết hôn từ tháng 10/2012, và sinh con vào tháng 6/2013. Sau đó chồng tôi thất nghiệp từ 08/2013-12/2015.

Tôi chi trả toàn bộ 100% chi phí sinh hoạt gia đình. từ tháng 1/2016- nay, hàng tháng chồng tôi đưa thêm 1.000.000đ/1 tháng để thêm vào phục vụ tiền ăn uống cho bản thân chồng tôi. các khoản tiền chồng tôi có trước khi kết hôn, chồng tôi vẫn giữ tròn vẹn đến hiện tại và là tài sản riêng của chồng tôi (bao gồm 1 sổ tiết kiệm 80 triệu và 1 xe máy liberty mua ngay sau khi cưới đứng tên chồng). Trước khi kết hôn, chồng tôi mắc chứng rối loạn cảm xúc nhưng chồng và gia đình chồng giấu không cho tôi biết. Tôi đã im lặng và tích cực hết sức để chữa bệnh cho chồng 1 lần nữa. Biểu hiện bệnh tình của chồng tôi là không thích làm việc, chỉ thích chơi, ngủ, xem phim và chờ vợ phục vụ, không thích quan tâm chăm sóc người khác, tuy nhiên về vấn đề tiền bạc, chồng tôi rất cẩn thận và giữ rất kỹ.

Trong thời gian từ tháng 12/2013-12/2014, tôi đi làm trở lại và chồng tôi ở nhà trông con, tuy nhiên, do không chơi với con mà chỉ để con chơi 1 mình với tivi, do đó đến tháng 1/2015 con tôi có dấu hiệu rối loạn ngôn ngữ, khi đó cháu 18 tháng tuổi. Tôi cho con đi nhà trẻ và đi khám bác sỹ, bác sỹ tâm lý khuyên tôi không nên cho con ở cùng với bố. Nên tôi đã tách bố con trong vòng 3 tháng để chuyên tâm chăm sóc con. Hiện tại con trai tôi đã khoẻ mạnh, nhanh nhẹn bình thường. Đến tháng 10.2015, gia đình chồng tôi mua cho vợ chồng tôi 1 căn hộ chung cư, tuy nhiên không cho đứng tên. Tháng 9-10/2016, tôi bị quá tải và mệt mỏi, cũng thời điểm đó, bác sỹ của chồng tôi tư vấn cho tôi yêu cầu gia đình chồng giúp đỡ về mặt tinh thần, khuyên giải và hỗ trợ tôi. Chồng tôi cũng đã đồng ý ly hôn bằng miệng vào thời gian đó. Đến thời điểm hiện tại, khi tôi đang làm thủ tục ly hôn, với thoả thuận là tôi nuôi con và ra đi tay trắng, không xe, nhà hay tiền bạc thì họ lại đổi ý.

Chồng tôi không đồng ý ký đơn ly hôn nữa và gia đình chồng cũng phản đối. Tất cả vấn đề tôi nêu trên là thực tế nhưng tôi không có bằng chứng cụ thể, tôi chỉ có duy nhất sổ khám chữa bệnh của chồng tôi. Tôi có các vấn đề lo lắng như sau mong được Luật sư của LVN Group tư vấn cho tôi: Làm thế nào đê giải quyết ly hôn nhanh nhất và đảm bảo quyền lợi cho mẹ con tôi? Nếu không được thuận tình ly hôn vậy nếu đơn phương ly hôn sẽ có những vấn đề gì? Tôi có hộ khẩu từ Nghệ An, hiện tại tôi nhập khẩu vào gia đình chồng, vậy sau khi ly hôn thì thủ tục tách khẩu như thế nào và tôi sẽ đăng ký hộ khẩu ở đâu hay tạm trú ở Hà Nội không? Xin Luật sư của LVN Group tư vấn cho tôi các vấn đề gặp phải trong trường hợp này ?

Tôi xin chân thành cảm ơn và mong nhận được trả lời sớm nhất có thể từ luật LVN Group.

Ly hôn và quyền nuôi con sau ly hôn khi chồng mắc chứng bệnh tâm lý ?

Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến , gọi: 1900.0191

Trả lời:

Theo quy định của pháp luật, vấn đề ly hôn theo yêu cầu của một bên (đơn phương xin ly hôn) được quy định chi tiết và cụ thể tại Điều 56 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 như sau:

Điều 56. Ly hôn theo yêu cầu của một bên
1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.
3. Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia.
Với trường hợp này, bạn phải chứng minh được việc chồng bạn vi phạm nghĩa vụ vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống hôn nhân không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được.

Để giải quyết ly hôn nhanh vẫn phải theo trình tự thủ tục, theo quy định của Pháp luật:

-Thời hạn xét xử: Từ 4 đến 6 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án;

-Hạn mở phiên tòa: Từ 1 đến 2 tháng kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử

-Về vấn đề giành quyền nuôi con khi ly hôn:

Nếu hai vợ chồng không thỏa thuận được với nhau thì Tòa án sẽ xem xét và quyết định ai sẽ là người trực tiếp nuôi con và người còn lại phải có nghĩa vụ cấp dưỡng. Khi xem xét, Tòa sẽ căn cứ vào các yếu tố khác nhau để đảm bảo điều kiện phát triển tốt nhất cho đứa trẻ. Thông thường, Tòa sẽ căn cứ vào các yếu tố sau:

– Yếu tố vật chất: bao gồm khả năng kinh tế, điều kiện vật chất, ăn ở, sinh hoạt… của cha mẹ.

– Yếu tố về tinh thần: bao gồm thời gian chăm sóc, đời sống tinh thần… mà cha mẹ dành cho con.

– Nguyện vọng của đứa trẻ (chỉ áp dụng khi con 7 tuổi trở lên).

Như vậy bạn có thể thấy có nhiều yếu tố quyết định đến quyền nuôi con của bạn và của chồng. Nhiệm vụ của bạn là phải chứng minh được trước tòa án rằng mình có đủ điều kiện để chăm lo cho con tốt nhất có thể.

Như bạn nói, bạn có sổ khám chữa bệnh của chồng vậy đó cũng là một bằng chứng, chứng minh chồng bạn không thể đủ điều kiện tốt cho việc chăm sóc, nuôi dạy con.

-Vấn đề tách hộ khẩu ra khỏi gia đình chồng: Theo Luật Cư trú sửa đổi bổ sung năm 2013 số 36/2013/QH13:

Điều 27. Tách sổ hộ khẩu

1. Trường hợp có cùng một chỗ ở hợp pháp được tách sổ hộ khẩu bao gồm:

a) Người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và có nhu cầu tách sổ hộ khẩu;

b) Người đã nhập vào sổ hộ khẩu quy định tại khoản 3 Điều 25 và khoản 2 Điều 26 của Luật này mà được chủ hộ đồng ý cho tách sổ hộ khẩu bằng văn bản.

2. Khi tách sổ hộ khẩu, người đến làm thủ tục phải xuất trình sổ hộ khẩu; phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu; ý kiến đồng ý bằng văn bản của chủ hộ nếu thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.

3. Trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền phải trả kết quả giải quyết việc tách sổ hộ khẩu; trường hợp không giải quyết việc tách sổ hộ khẩu thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Vì vậy, khi hôn nhân đã chấm dứt và bạn muốn tách khẩu thì bạn cần liên hệ với cơ quan công an quận, huyện nhà chồng bạn để làm thủ tục cắt chuyển hộ khẩu cho bạn, do bạn không phải là chủ hộ nên bạn cần có sự đồng ý của chồng (gia đình chồng) bạn khi thay đổi hộ khẩu thường trú. Bạn có thể chuyển hộ khẩu về gia đình bố mẹ đẻ, còn việc bạn chuyển ra thuê phòng trọ bên ngoài thì bạn sẽ phải đăng kí tạm trú tại nơi đó.

1. Hồ sơ ly hôn bao gồm:

– Đơn xin ly hôn;

– Bản chính Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn;

– Bản sao Hộ khẩu thường trú, tạm trú của nguyên đơn và bị đơn;

– Bản sao Chứng minh thư nhân dân hoặc bản sao hộ chiếu của nguyên đơn và bị đơn;

– Các giấy tờ chứng minh về tài sản: Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở…

– Bản sao giấy khai sinh của các con.

Dưới đây là mẫu đơn xin đơn phương ly hôn Mẫu đơn xin ly hôn đơn phương

6,. Quyền nuôi con thuộc về vợ hay chồng khi con 20 tháng tuổi?

Cho em hỏi hai vợ chồng em cùng làm một cửa hàng, khi hai vợ chồng ly hôn em không lấy cái gì và cũng chưa tìm được công việc thì em có quyền nuôi con hay không? Con em được 20 tháng tuổi. Cảm ơn!
Youtube video

Luật sư tư vấn luật hôn nhân về giải quyết tranh chấp quyền nuôi con gọi: 1900.0191

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật của Công ty Luật LVN Group. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ Luật sư của LVN Group của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

Căn cứ Khoản 3 Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình mới năm 2014 số 52/2014/QH13 quy định:

“3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.”

Căn cứ theo quy định pháp luật trên thì con dưới 36 tháng tổi sẽ được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.

>> Bạn có thể tham khảo các bài viết sau: Chuyển hộ khẩu và quyền nuôi con sau khi ly hôn?

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số:1900.0191 hoặc gửi qua email: Tư vấn pháp luật hôn nhân gia đình miễn phí qua Email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật LVN Group.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Bộ phận Tư vấn Pháp luật Hôn nhân – Công ty luật LVN Group