Kính gửi quý đoàn Luật Sư LVN Group ! Lời đầu tiên xin gửi đến Luật Sư lời chúc sức khỏe An Khang Thịnh Vượng. Chúng tôi làm việc cho một Công ty cổ phần, thời gian 2 năm gần đây Công ty lâm vào tình trạng khó khăn, do kinh doanh kém hiệu quả nên mỗi ngày Công ty nợ lương nhân viên và công nhân càng nhiều hơn, từ đầu 1-2 tháng rồi đến bây giờ 7-8 tháng. Một số người xin nghỉ việc nhưng một số người thì tiếc tiền công sức mình bỏ ra nên đã cố ở lại và hy vọng công ty sẽ phát triển lên và lấy được lương, những người đã nghỉ việc là đã chấp nhận mất đi tiền lương mình làm ra. Tất cả những người nghỉ việc hay vẫn làm đều không ai làm đơn báo cơ quan luật pháp vì nghĩ rằng báo cũng khó mà lấy được mà rất lằng nhằng. Công ty không những nợ lương mà còn nợ BHXH, nhưng hàng tháng vẫn trừ vào lương người lao động, một số lao động còn không làm hợp đồng. Xin Luật Sư tư vấn giải đáp cho tôi một số trường hợp sau:

– Trường hợp 1: Một công nhân giữ tài sản của Công ty là 2 con lăn trị giá 2.600.000đ (đã làm dừng toàn bộ dây chuyền sản xuất trong nửa ngày) và đòi Công ty thanh toán đầy đủ hết tiền lương rồi mới trả con lăn, Công nhân này không báo cơ quan pháp luật, Công ty nợ lương công nhân này khoảng 4 tháng khoảng 13 triệu.

– Trường hợp 2: Một nhân viên kế toán bán hàng, thu được tiền của khách hàng là 44 triệu đã giữ lại và đòi công ty thanh toán bù trừ hết tiền lương nợ 7 tháng là khoảng gần 40 triệu cho nhân viên đó, nhân viên này không báo cơ quan pháp luật.

– Trường hợp 3: Một nhân viên kế toán ngân hàng, đi rút tiền Ngân Hàng của Công ty đã giữ lại 40tr và đòi công ty thanh toán hết tiền lương nợ 7 tháng tương ứng 42 tr . Nhân viên này không báo công an.

– Trường hợp 4: Một nhân viên bán hàng thu tiền của khách hàng là 45tr đã giữ lại và đòi công ty thanh toán hết nợ lương 7 tháng là khoảng 40tr , nhân viên này khác với các trường hợp trên là sau khi giữ tiền của công ty đã làm tờ trình với công ty là chỉ tạm giữ số tiền 45tr khi công ty thanh toán hết lương nếu thừa sẽ hoàn trả công ty, nhân viên này đã làm đơn báo cơ quan công an trình bày rõ về sự việc này.

Câu hỏi:

1. Xin hỏi Luật Sư các trường hợp trên người lao động đúng hay sai ?

2. Người lao động có bị quy vào tội chiếm đoạt tài sản (tiền) không ? Có phải bồi thường thiệt hại cho công ty khi giữ tài sản không?

3. Nếu người lao động không có hợp đồng thì có kiện được không? Nếu có hợp đồng mà kiện Công ty thì quy trình làm đơn như thế nào? Cần những gì? Khi nào thì công ty phải trả lương? Nếu công ty không có tiền trả thì có bị thu hồi giấy phép kinh doanh không?

 Công ty thực chất không có tiền, khi có chút tiền thì lại đầu tư kinh doanh để hoạt động cầm chừng. Rất mong nhận đượ c hồi âm sớm nhất và được sự lưu tâm của Luật Sư ! Chúng tôi xin chân thành cảm ơn !

Người gửi: TMH

Câu hỏi được biên tập từchuyên mục hỏi đáp pháp luậtcủa Công ty Luật LVN Group.

Tư vấn pháp luật lao động, gọi: 1900.0191

Trả lời:

Xin chào bạn TMH, rất hân hạnh khi được trả lời câu hỏi của bạn.

1, 2. Bạn đưa ra 4 trường hợp người lao động tự ý giữ lại tài sản của công ty, trong đó có trường hợp nhân viên bán hàng thu tiền của khách là 45 triệu đồng, nhưng đã làm tờ trình với công ty và trình báo với cơ quan công an. 

Về mặt pháp luật, trong các trường hợp trên, trường hợp 1, 2, 3 là người lao động sai. Khi người lao động tự ý giữ tài sản của công ty là đã xâm phạm đến tài sản của công ty, được coi là hành vi chiếm đoạt tài sản của công ty. Trong trường hợp thứ tư, nhân viên bán hàng thu tiền của khách hàng là 45tr đã giữ lại và đòi công ty thanh toán hết nợ lương 7 tháng là khoảng 40tr , nhân viên này khác với các trường hợp trên là sau khi giữ tiền của công ty đã làm tờ trình với công ty là chỉ tạm giữ số tiền 45tr khi công ty thanh toán hết lương nếu thừa sẽ hoàn trả công ty, nhân viên này đã làm đơn báo cơ quan công an trình bày rõ về sự việc này, nên sẽ không bị coi là chiếm đoạt tài sản của công ty.

Việc tự ý giữ lại tài sản của công ty gây ra thiệt hại cho công ty thì người lao động sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại tương ứng cho công ty. Trong những trường hợp bạn đưa ra, chỉ thấy nhắc đến trong trường hợp thứ nhất, một công nhân giữ 2 con lăn của công ty, dẫn đến việc toàn bộ dây chuyền sản xuất ngừng hoạt động trong vòng nửa ngày, việc này khiến cho công ty bị tổn thất, nên nếu công ty yêu cầu bồi thường thiệt hại thì người lao động đương nhiên phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

3. Nếu người lao động không có hợp đồng lao động với công ty thì vẫn có thể kiện được. Bởi theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004, sửa đổi, bổ sung năm 2011, người có quyền khởi kiện là người có quyền và nghĩa vụ liên quan đến vụ việc dân sự. 

Đối với người lao động có hợp đồng lao động khởi kiện công ty, quy trình khởi kiện gồm các bước như sau:

Trước hết, người khởi kiện có thể gửi đơn khởi kiện trực tiếp tại Tòa án hoặc gửi theo đường bưu điện.

Bước 1: Đơn khởi kiện được được làm theo mẫu của Tòa án.

Bước 2: Đơn khởi kiện phải kèm theo những chứng cứ, tài liệu chứng minh quyền khởi kiện và những yêu cầu là có căn cứ và hợp pháp. Trong trường hợp của bạn, khi khởi kiện cần kèm theo hợp đồng lao động, các giấy tờ cho thấy công ty đã không thực hiện việc trả lương cho nhân viên và một số tài liệu, chứng cứ khác có liên quan.

Sau khi nộp đơn khởi kiện, Tòa án sẽ nhận đơn khởi kiện và xem xét thụ lý vụ án. Nếu đơn khởi kiện của bạn được Tòa án chấp nhận, Tòa án sẽ thông báo với bạn và tiến hành thủ tục thụ lý vụ án, thông báo về việc nộp tiền tạm ứng án phí. 

Như vậy, người lao động dù có hợp đồng lao động hay không có hợp đồng lao động thì vẫn có quyền khởi kiện công ty. Tuy nhiên, trường hợp của bạn liên quan đến lợi ích của tập thể lao động nên có thể yêu cầu công đoàn cấp trên của công đoàn cơ sở của công ty khởi kiện công ty bảo vệ lợi ích của tập thể người lao động. Việc khởi kiện thông qua công đoàn sẽ dễ dàng và thuận lợi cho tập thể người lao động.

4. Về việc khi nào công ty phải trả lương cho nhân viên, giả sử có đơn khởi kiện công ty, sau vụ án được giải quyết, trong bản án hoặc quyết định của Tòa án sẽ ấn định thời gian mà công ty phải thu xếp trả lương cho nhân viên. 

Về câu hỏi nếu công ty không có tiền trả thì có bị thu hồi giấy phép kinh doanh không? Trường hợp này, công ty đã nợ lương nhân viên trong một thời gian dài, có nhân viên là 4 tháng, có nhân viên là 7 tháng. Theo quy định của Luật Phá sản năm 2014, công ty thuộc trường hợp phải mở thủ tục phá sản. Điều 5 khoản

 2 Luật Phá sản năm 2014 quy định về người có quyền và nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản có quy định: ” Người lao động, công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở những nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày phải thực hiện nghĩa vụ trả lương, các khoản nợ khác đến hạn đối với người lao động mà doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán”. Như vậy, trường hợp này công ty không phải thuộc trường hợp bị thu hồi giấy phép kinh doanh mà thuộc trường hợp mở thủ tục phá sản doanh nghiệp.

Khi có đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, cơ quan có thẩm quyền sẽ tiếp nhận đơn và tiến hành thủ tục phá sản. Trong quá trình thanh toán các khoản nợ của công ty, nợ lương nhân viên là một trong những ưu tiên thanh toán hàng đầu mà công ty phải thực hiện. Do đó, quyền lợi của người lao động chắc chắn được bảo đảm.

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật lao động