Tháng trước tôi đã nhập hộ khẩu của mình vào nhà vợ. Vừa rồi tôi đã trình bày với cơ quan đang công tác là muốn nghỉ việc và lên sở bồi hoàn chi phí đào tạo. Nhưng cơ quan của tôi không muốn tôi nghỉ việc và nói rằng nếu nghỉ việc tôi phải bồi hoàn chi phí lên đến 400 triệu. Tôi muốn nhờ Luật sư của LVN Group tư vấn cho tôi một số vấn đề sau:

1. Việc sở y tế tỉnh giữ bằng tốt nghiệp của tôi như thế có đúng không?

2. Khi tôi gọi lên sở xin bồi hoàn chi phí đào tạo còn lại để lấy bằng thì đại diện sở trả lời là phải sang năm mới cho lấy bằng. Điều đó có đúng ko thưa Luật sư của LVN Group?

3. Từ khi tôi đi học đến nay, giữa tôi và Sở y tế không hề có kí bất kì 1 cam kết nào cho thời gian làm việc, chi phí đào tạo và cả việc giữ bằng của tôi. Như vậy việc cơ quan tôi đang công tác không muốn chấp nhận tôi thôi việc và sở y tế gây khó dễ trong vấn đề lấy bằng và bồi hoàn chi phí của tôi là đúng hay sai trong trường hợp này?

4. Tôi đã làm theo phân công được 10 tháng, cơ quan nói tôi phải bồi hoàn chi phí đào tạo lên đến 400 triệu. Họ nói như vậy có đúng không?

5. Bây giờ tôi phải làm sao mới có thể nhận lấy bằng đại học để trở về đoàn tụ với gia đình, chăm sóc vợ lúc sinh đẻ và còn có thể tìm cho mình 1 công việc nào đó nuôi sống gia đình mình?

Rất mong được Luật sư của LVN Group sớm giải đáp thắc mắc, xin chân thành cảm ơn!

Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục tư vấn pháp luật lao độngcủa công ty Luật LVN Group.

>> Luật sư tư vấn pháp luật lao động trực tuyến, gọi: 1900.0191

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật của Công ty Luật LVN Group. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ Luật sư của LVN Group của chúng tôi nghiên cứu và tư vấn như sau: 

1. Cơ sở pháp lý:

Bộ luật lao động năm 2012

Nghị định số 88/2015/NĐ-CP Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 8 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động,bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

Nghị định 95/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

2. Nội dung tư vấn:

Thứ nhất, Theo quy định tại Điều 20 Bộ luật lao động 2012 quy định:

“Điều 20. Những hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động

1. Giữ bản chính giấy tờ tuỳ thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động.

2. Yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động.”

Theo đó, một trong những hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết hợp đồng lao động khi thực hiện lao động là việc giữ bằng đại học gốc của người lao động. Vì vậy, Khi người lao động chấm dứt hợp đồng vì bất cứ lý do gì, nếu người sử dụng lao động không trả lại bằng, người lao động hoàn toàn có thể khởi kiện ra tòa.

Căn cứ theo quy định tại khoản 2, điều 5 Nghị định số 88/2015/NĐ-CP Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 8 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng:

“2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động;

b) Buộc người lao động thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động;

c) Giao kết hợp đồng lao động với người lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi mà không có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật của người lao động.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc trả lại bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ đã giữ của người lao động đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều này;”

Như vậy, việc sở y tế giữ bằng đại học và không trả lại cho bạn là vi phạm quy định của pháp luật, bạn có quyền khởi kiện để lấy lại bằng và sở y tế có thể sẽ bị xử phạt theo quy định trên.

Thứ hai, về hợp đồng đào tạo nghề,Theo quy định tại Điều 61, 62 Bộ luật lao động 2012 thì khi người lao động học nghề để làm việc cho người sử dụng lao động thì phải ký kết hợp đồng đào tạo nghề:

“Điều 61. Học nghề, tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động

1. Người sử dụng lao động tuyển người vào học nghề, tập nghề để làm việc cho mình, thì không phải đăng ký hoạt động dạy nghề và không được thu học phí.

Người học nghề, tập nghề trong trường hợp này phải đủ 14 tuổi và phải có đủ sức khoẻ phù hợp với yêu cầu của nghề, trừ một số nghề do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định.

Hai bên phải ký kết hợp đồng đào tạo nghề. Hợp đồng đào tạo nghề phải làm thành 02 bản, mỗi bên giữ 01 bản.

2. Trong thời gian học nghề, tập nghề, nếu người học nghề, tập nghề trực tiếp hoặc tham gia lao động làm ra sản phẩm hợp quy cách, thì được người sử dụng lao động trả lương theo mức do hai bên thoả thuận.

3. Hết thời hạn học nghề, tập nghề, hai bên phải ký kết hợp đồng lao động khi đủ các điều kiện theo quy định của Bộ luật này.

4. Người sử dụng lao động có trách nhiệm tạo điều kiện để người lao động tham gia đánh giá kỹ năng nghề để được cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.

Điều 62. Hợp đồng đào tạo nghề giữa người sử dụng lao động, người lao động và chi phí đào tạo nghề

1. Hai bên phải ký kết hợp đồng đào tạo nghề trong trường hợp người lao động được đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề, đào tạo lại ở trong nước hoặc nước ngoài từ kinh phí của người sử dụng lao động, kể cả kinh phí do đối tác tài trợ cho người sử dụng lao động.

Hợp đồng đào tạo nghề phải làm thành 02 bản, mỗi bên giữ 01 bản.

“2. Hợp đồng đào tạo nghề phải có các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Nghề đào tạo;

b) Địa điểm đào tạo, thời hạn đào tạo;

c) Chi phí đào tạo;

d) Thời hạn người lao động cam kết phải làm việc cho người sử dụng lao động sau khi được đào tạo;

đ) Trách nhiệm hoàn trả chi phí đào tạo;

e) Trách nhiệm của người sử dụng lao động.

3. Chi phí đào tạo bao gồm các khoản chi có chứng từ hợp lệ về chi phí trả cho người dạy, tài liệu học tập, trường, lớp, máy, thiết bị, vật liệu thực hành, các chi phí khác hỗ trợ cho người học và tiền lương, tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người học trong thời gian đi học. Trường hợp người lao động được gửi đi đào tạo ở nước ngoài thì chi phí đào tạo còn bao gồm chi phí đi lại, chi phí sinh hoạt trong thời gian ở nước ngoài.”

Theo đó, khi người lao động học nghề để làm việc cho người sử dụng lao động thì phải ký kết hợp đồng đào tạo nghề và những điều khoản trong hợp đồng phải bao gồm những nội dung theo quy định trên. Việc người sử dụng lao động không ký kết hợp đồng đạo tạo nghề với bạn sẽ bị xử phạt hành chính theo khoản 2 điều 10 Nghị định 95/2013 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng:

“2. Phạt tiền người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Không đào tạo nghề cho người lao động trước khi chuyển người lao động sang làm nghề, công việc khác; không ký kết hợp đồng đào tạo nghề đối với người học nghề, tập nghề; không trả lương cho người học nghề trong thời gian họ học nghề, tập nghề mà trực tiếp hoặc tham gia lao động làm ra sản phẩm hợp quy cách; không tiến hành ký kết hợp đồng lao động đối với người học nghề, người tập nghề khi hết thời hạn học nghề, tập nghề, theo một trong các mức sau đây:

a) Từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;”

Trường hợp của bạn, do bạn và người sử dụng lao động không ký kết bất kỳ một hợp đồng đào tạo nghề hay hợp đồng lao động nào nên khi bạn nghỉ việc bạn sẽ không phải hoàn trả chi phí đào tạo, đồng thời bạn có quyền chấm dứt lao động. Việc người sử dụng lao động yêu cầu bạn bồi thường chi phí đào tạo là 400 triệu đồng là không có căn cứ. Người sử dụng lao động sẽ bị xử phạt theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 10 Nghị định 95/2013/NĐ-CP nêu trên.

Thứ ba, để bảo vệ quyền lợi của bạn, bạn có thể gửi đơn đến cơ quan, tổ chức giải quyết tranh chấp lao động để giải quyết tranh chấp theo quy định của pháp luật, cụ thể, theo quy định tại Khoản 3 Điều 32 và khoản 1 Điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự 2015:

Điều 32. Những tranh chấp về lao động thuộc thẩm quyền của tòa án:

3. Tranh chấp liên quan đến lao động bao gồm:

a) Tranh chấp về học nghề, tập nghề;

Điều 35. Thẩm quyền của tòa án nhân dân cấp huyện

1. Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp sau đây:

c) Tranh chấp về lao động quy định tại Điều 32 của Bộ luật này.”

Như vậy, tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp của bạn trong trường hợp này là Tòa án nhân dân cấp huyện nơi công ty có trụ sở.

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số:  1900.0191  hoặc gửi qua email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật LVN Group.

Rất mong nhận được sự hợp tác!                                  

Trân trọng./.                            

Bộ phận tư vấn pháp luật lao động – Công ty luật LVN Group