1. Tổ chức Liên hợp quốc

Liên Hợp Quốc (tiếng Anh: United Nations, viết tắt là UN hay LHQ) là một tổ chức liên chính phủ có nhiệm vụ duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia, thực hiện sự hợp tác quốc tế, làm trung tâm điều hòa các nỗ lực quốc tế và các mục tiêu chung. Liên Hiệp Quốc được thành lập vào giai đoạn cuối Thế chiến II, với mục đích ngăn chặn các cuộc xung đột quy mô toàn cầu trong tương lai, và thay thế cho một tổ chức đã giải thể trong quá khứ là Hội Quốc Liên vốn hoạt động không mấy hiệu quả. Trụ sở chính được đặt tại Manhattan, thành phố New York, các văn phòng khác nằm ở Geneva, Nairobi, Vienna và The Hague. Tổ chức này được tài trợ bằng sự đóng góp tự nguyện từ các quốc gia thành viên. Liên Hiệp Quốc là tổ chức liên chính phủ lớn nhất trên thế giới. Khi thành lập, LHQ có 51 quốc gia thành viên; hiện có 193 thành viên (và 2 quan sát viên).

Vào ngày 25 tháng 4 năm 1945, 50 chính phủ đã họp tại San Francisco cho một hội nghị và bắt đầu soạn thảo Hiến chương Liên Hiệp Quốc, được thông qua vào ngày 25 tháng 6 năm 1945 tại Nhà hát Opera San Francisco và ký kết ngày 26 tháng 6 năm 1945 tại khán phòng Nhà hát Herbst. Điều lệ này có hiệu lực vào ngày 24 tháng 10 năm 1945, khi Liên Hợp Quốc bắt đầu hoạt động. Tầm ảnh hưởng của tổ chức này đã tăng lên đáng kể sau quá trình phi thực dân hóa rộng rãi bắt đầu từ những năm 1960. Kể từ đó, 80 thuộc địa cũ đã giành được độc lập, bao gồm 11 vùng lãnh thổ được giám sát bởi Hội đồng Quản thác. Vào những năm 1970, ngân sách dành cho các chương trình phát triển kinh tế và xã hội vượt xa chi tiêu cho việc gìn giữ hòa bình. Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Liên Hiệp Quốc đã chuyển đổi và mở rộng hoạt động thực địa, thực hiện nhiều nhiệm vụ phức tạp.

2. Cơ cấu tổ chức của Liên Hợp quốc

Liên hợp quốc có sáu cơ quan chính: Đại hội đồng; Hội đồng Bảo an; Hội đồng kinh tế xã hội; Hội đồng quản thác; Tòa án Công lý Quốc tế; và Ban thư ký LHQ. Các cơ quan của Hệ thống Liên hợp quốc bao gồm Nhóm Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Y tế Thế giới, Chương trình Lương thực Thế giới, UNESCO và UNICEF. Nhân viên nổi bật nhất của Liên Hợp Quốc là Tổng thư ký, một vị trí được chính trị gia và nhà ngoại giao Bồ Đào Nha António Guterres nắm giữ kể từ ngày 1 tháng 1 năm 2017. Các tổ chức phi chính phủ có thể được cấp trạng thái tư vấn với ECOSOC và các cơ quan khác để tham gia vào công việc chung của Liên Hợp Quốc.

– Đại hội đồng:

Là cơ quan duy nhất của Liên Hiệp Quốc có đại diện của tất cả thành viên, Đại Hội đồng có chức năng của một diễn đàn để các thành viên để đạt sáng kiến trong những vấn đề về hòa bình, tiến bộ kinh tế và nhân quyền. Cũng có thể đề xuất các cuộc nghiên cứu, đưa ra những lời khuyên, cổ xúy cho nhân quyền, soạn thảo và phát triển công pháp quốc tế và xúc tiến những chương trình kinh tế, xã hội, văn hóa và giáo dục.

– Hội đồng bảo an:

Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (United Nations Security Council, viết tắt UNSC) là cơ quan chính trị quan trọng nhất và hoạt động thường xuyên của Liên Hiệp Quốc, chịu trách nhiệm chính về việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Những nghị quyết của Hội đồng Bảo an được thông qua mà phù hợp với Hiến chương Liên Hiệp Quốc thì bắt buộc các nước hội viên của Liên Hiệp Quốc phải thi hành. Hội đồng Bảo an không phụ thuộc vào Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc

– Hội đồng kinh tế xã hội

Hội đồng Kinh tế và Xã hội Liên Hiệp Quốc (United Nations Economic and Social Council, viết tắt ECOSOC) là một trong các cơ quan quan trọng nhất của Liên Hiệp Quốc chịu trách nhiệm phối hợp hoạt động của các ban về kinh tế – xã hội, bao gồm 14 ủy ban chuyên môn, ủy ban chức năng và 5 ủy ban khu vực trực thuộc Liên Hiệp Quốc.

Hội đồng Kinh tế và Xã hội có 54 thành viên và tổ chức một cuộc họp lớn kéo dài 4 tuần vào tháng 7 hàng năm.

– Hội đồng quản thác:

Hội đồng Quản thác Liên Hiệp Quốc (United Nations Trusteeship Council) từng là một trong những cơ quan chính của Liên Hiệp Quốc, được thành lập nhằm đảm bảo những lãnh thổ ủy thác được quản lý với những lợi ích tốt nhất dành cho cư dân nơi đấy cũng như an ninh và hòa bình quốc tế. Các lãnh thổ ủy thác này (phần lớn trong số chúng là các cựu lãnh thổ ủy trị của Hội Quốc Liên hoặc các vùng lãnh thổ tách ra từ những nước bại trận trong thế chiến thứ hai ngày nay đều đã giành được quyền tự trị hoặc nền độc lập. Chúng hoặc trở thành những quốc gia riêng biệt hoặc sáp nhập vào những quốc gia độc lập xung quanh. Lãnh thổ ủy thác cuối cùng là Palau, từng là một phần của lãnh thổ Ủy thác Quần đảo Thái Bình Dương, đã trở thành thành viên Liên Hiệp Quốc vào tháng 12 năm 1994.

– Toàn án công lý quốc tế:

Toà án Công lý Quốc tế (International Court of Justice – ICJ) là một phân ban trực thuộc Liên Hiệp Quốc, được thành lập vào năm 1945 với tiền thân là Toà án Thường trực Công lý Quốc tế (Permanent Court of International Justice) có từ năm 1922. Tòa bắt đầu chính thức nhận hồ sơ, thụ lý và giải quyết tranh chấp các vấn đề giữa các quốc gia thành viên có liên quan, cũng như làm công tác cố vấn pháp luật cho Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc và Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, cũng như các ủy ban khác trực thuộc Liên Hiệp Quốc như đã ghi rõ trong Hiến chương Liên Hiệp Quốc từ 1946.

– Ban thư ký:

Đứng đầu là Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc, giúp việc cho Tổng Thư ký là nhiều nhân viên dân sự hoạt động trên khắp thế giới. Ban thư ký có nhiệm vụ cung cấp thông tin, thực hiện các nghiên cứu, và hỗ trợ các cơ quan khác nhau của Liên Hiệp Quốc tổ chức các cuộc họp. Ngoài ra, nó còn thực hiện các công việc được giao bởi Đại hội đồng, Hội đồng Bảo an, Hội đồng Kinh tế và Xã hội, và các cơ quan khác.

3. Liên hợp quốc với quyền cư trú của con người

Quyền cư trú là việc một quốc gia cho phép những người nước ngoài đang bị truy nã ở nước họ do hoạt động chính trị trái vối chủ trương đường lối của Nhà nước được phép nhập cảnh và cư trú trên lãnh thổ nước mình.

Trên cơ sở nguyên tắc tôn trọng các quyền và tự do cơ bản của con người, quyền cư trú đồng thời cũng là quyền của mỗi người được tìm nơi cư trú nước khác khi họ phải chạy khỏi nước mình do bị truy nã vì hoạt động chính trị.

Trong thực tiễn quốc tế có hai hình thức cư trú là cư trú lãnh thổ và cư trú trên lãnh thổ nước mình;

+ Cư trú lãnh thổ là việc quốc gia dành cho người nước ngoài quyền cư trú trên lãnh thổ nước mình;

+ Cư trú ngoại giao là việc những cá nhân riêng biệt được giành quyền cư trú trong cơ quan ngoại giao hoặc lãnh sự của nước ngoài. Thông thường quyền cư trú này dành cho công dân của nước đại diện ngoại giao.

4. Nhận thức về vấn đề cư trú chính trị

Các quy định về cư trú chính trị được ghi nhận trong Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền năm 1948 và Tuyên bố về cư trú lãnh thổ năm 1967. Từ sau Cách mạng tư sản Pháp, cư trú chính trị đã trở thành một chế định pháp lý được ghi nhận trong Điều 20 Hiến pháp của Pháp năm 1973: “Những người nước ngoài bị truy nã vì đấu tranh cho tự do, được quyền cư trú chính trị” và đến nay đã được thừa nhận rộng rãi trong quan hệ quốc tế.

Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền năm 1948 đã nêu rõ: “Mỗi người đều có quyền tìm kiếm và được hưởng quy chế tị nạn tại nước khác, thoát khỏi sự săn đuổi”. Hay như trong Tuyên bố về quyền cư trú chính trị năm 1967: “Quyền cư trú chính trị cần được trao cho những người đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân. Các nước cần phải giúp đỡ những người này để họ có thể nhập cảnh, không trục xuất họ hoặc cưỡng bức họ trở về nước mà họ đang bị truy nã…”. Bên cạnh đó, người nước ngoài đang cư trú chính trị được quốc gia sở tại bảo đảm về an ninh cũng như cam kết không bị dẫn độ hoặc trục xuất về nước mà họ là công dân hoặc nước mà họ đã cư trú trước khi được cư trú chính trị theo yêu cầu của các quốc gia này.

Tuy nhiên, vấn đề cư trú chính trị không chỉ tạo ra mối quan hệ căng thẳng giữa quốc gia mà người đó đang cư trú với quốc gia sở tại nơi người nước ngoài xin “tị nạn” mà còn với các quốc gia yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Cư trú chính trị hay còn được gọi là tị nạn chính trị bao gồm hai hình thức là “tị nạn ngoại giao” và “tị nạn lãnh thổ”.

Tị nạn ngoại giao là việc một người đang cư trú tại một nước nhưng trốn tránh sự truy nã của nước này bằng cách vào cơ quan đại diện ngoại giao, lên máy bay quân sự, tàu quân sự của nước khác đang hoạt động trên lãnh thổ nước sở tại để xin cư trú.

Tị nạn lãnh thổ là việc một người đang cư trú ở nước này chạy trốn sang lãnh thổ nước khác để xin nhập cảnh và cư trú.

5. Thực tiễn thực hiện quyền cư trú chính trị

Hiện nay, trong các điều ước quốc tế cũng như các văn bản pháp luật của các quốc gia chỉ quy định chung chung về việc “một quốc gia cho phép người nước ngoài đang bị truy nã trên lãnh thổ quốc gia mà họ là công dân hoặc quốc gia mà họ đang cư trú do hành vi đấu tranh cho độc lập, dân chủ, tiến bộ xã hội hoặc bất đồng quan điểm về chính trị, tôn giáo… được quyền nhập cảnh và cư trú trên lãnh thổ nước mình”, nhưng hành vi dẫn đến việc người đó bị truy nã lại không được quy định rõ ràng.

Cơ sở chung để một người được hưởng quyền cư trú chính trị là người đó đang bị truy tố vì lý do chính trị chứ không phải hình sự. Người xin cư trú chính trị không bị dẫn độ đến các quốc gia mà ở đó có thể họ phải đối mặt với hình phạt nặng hơn so với nước sở tại. Ngoài ra, trong một số trường hợp, pháp luật quốc tế cho phép các quốc gia cấp quy chế tị nạn chính trị cho những người đang tị nạn tại quốc gia mình.

Thủ tục cấp quy chế tị nạn chính trị ở mỗi nước lại có những khác biệt nhất định. Ở Nga, người xin tị nạn phải viết đơn và gửi đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Ở Mỹ và các nước châu Âu, người tị nạn phải gửi gói tài liệu bao gồm bằng chứng về việc ở nước mình người tị nạn đã bị đàn áp vì lý do tôn giáo, dân tộc hoặc khuynh hướng tình dục… đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Từ những quy định của việc dẫn độ trong pháp luật Việt Nam như Luật Tương trợ tư pháp 2007, Luật Quốc tịch 2008, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 cùng với các điều ước quốc tế đa phương và các hiệp định tương trợ tư pháp giữa các nước, có thể hiểu “dẫn độ tội phạm là việc một quốc gia chuyển giao cho quốc gia khác công dân của quốc gia được chuyển giao đang có mặt trên lãnh thổ của quốc gia mình, mà người đó đã có hành vi phạm tội thuộc thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự của quốc gia được chuyển giao hoặc đã bị tòa án của quốc gia được chuyển giao kết án và bản án đã có hiệu lực pháp luật để quốc gia được chuyển giao tiếp tục truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành hình phạt đối với người đó trên cơ sở các điều ước quốc tế và pháp luật của mỗi quốc gia”.

Như vậy, các căn cứ xác định quyền được cư trú chính trị chưa được quy định cụ thể, rõ ràng. Trình tự, thủ tục cấp quy chế tị nạn của các quốc gia còn chưa thống nhất. Đặc biệt, hoạt động dẫn độ tội phạm chỉ được áp dụng đối với những trường hợp phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự và phụ thuộc vào quốc gia được yêu cầu có chấp nhận đề nghị dẫn độ đó hay không.

LUẬT LVN GROUP (Sưu tầm)