1. Lợi nhuận chuyển ra nước ngoài là gì?
Lợi nhuận nhà đầu tư nước ngoài chuyển từ Việt Nam ra nước ngoài là lợi nhuận hợp pháp được chia hoặc thu được từ các hoạt động đầu tư trực tiếp tại Việt Nam theo Luật Đầu tư, sau khi thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước Việt Nam theo quy định.
2. Đối tượng nào được phép được chuyển lợi nhuận ra nước ngoài?
Tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư trực tiếp tại Việt Nam theo quy định tại Điều 21, Điều 22, Điều 23, Điều 24, Điều 25 của Luật Đầu tư (dưới đây gọi chung là nhà đầu tư nước ngoài), chuyển lợi nhuận từ kết quả đầu tư tại Việt Nam ra nước ngoài theo quy định tại Điều 2 Thông tư này.
Tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư gián tiếp tại Việt Nam theo quy định tại Điều 26 của Luật Đầu tư, việc chuyển lợi nhuận ra nước ngoài thực hiện theo quy định của pháp luật liên quan.
3. Lợi nhuận được chuyển ra nước ngoài bằng những hình thức nào?
Lợi nhuận chuyển từ Việt Nam ra nước ngoài có thể bằng tiền hoặc bằng hiện vật.
– Lợi nhuận chuyển ra nước ngoài bằng tiền theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối;
– Lợi nhuận chuyển ra nước ngoài bằng hiện vật và thực hiện quy đổi giá trị hiện vật theo quy định của pháp luật về xuất nhập khẩu hàng hoá và quy định của pháp luật liên quan.
4. Cách tính lợi nhuận chuyển ra nước ngoài
Căn cứ Điều 3 Thông tư số 186/2010/TT-BTC quy định
4.1. Lợi nhuận được chuyển ra nước ngoài hằng năm
Lợi nhuận được chuyển ra nước ngoài hàng năm là lợi nhuận nhà đầu tư nước ngoài được chia hoặc thu được của năm tài chính từ hoạt động đầu tư trực tiếp căn cứ trên báo cáo tài chính đã được kiểm toán, tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp của doanh nghiệp mà nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư cộng với (+) các khoản lợi nhuận khác như khoản lợi nhuận chưa chuyển hết từ các năm trước chuyển sang; trừ đi (-) các khoản nhà đầu tư nước ngoài đã sử dụng hoặc cam kết sử dụng để tái đầu tư tại Việt Nam, các khoản lợi nhuận nhà đầu tư nước ngoài đã sử dụng để trang trải các khoản chi của nhà đầu tư nước ngoài cho hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc cho nhu cầu cá nhân của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Ví dụ: Lợi nhuận thu được trong năm 2017 là 20 tỷ, lợi nhuận chưa chuyển hết của năm 2016 là 5 tỷ, chi phí phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh là 10 tỷ.
Vậy lợi nhuận được chuyển ra nước ngoài hằng năm là 20 + 5 – 10 = 15 tỷ.
3.2. Lợi nhuận được chuyển ra nước ngoài khi kết thúc hoạt động đầu tư
Lợi nhuận được chuyển ra nước ngoài khi kết thúc hoạt động đầu tư tại Việt Nam là tổng số lợi nhuận nhà đầu tư nước ngoài thu được trong quá trình đầu tư trực tiếp tại Việt Nam, trừ đi (-) các khoản lợi nhuận đã được sử dụng để tái đầu tư, các khoản lợi nhuận đã chuyển ra nước ngoài trong quá trình hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam và các khoản đã sử dụng cho các chi tiêu khác của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Ví dụ:
Nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của một Công ty Cổ phần tại Việt Nam từ năm 2012 đến năm 2017 và thu được 50 tỷ từ hoạt động đầu tư này.
Trong khoảng thời gian 2012 đến năm 2017, nhà đầu tư đã:
- chuyển ra nước ngoài 10 tỷ;
- sử dụng 15 tỷ để tái đầu tư cho hoạt động sản xuất kinh doanh;
- góp vốn 10 tỷ vào một Công ty TNHH khác.
Vậy lợi nhuận được chuyển ra nước ngoài khi kết thúc hoạt động đầu tư tại Việt Nam là 50 – 10 – 15 – 10 = 15 tỷ
4. Trường hợp nào không được chuyển lợi nhuận ra nước ngoài?
Nhà đầu tư nước ngoài không được chuyển ra nước ngoài số lợi nhuận được chia hoặc thu được từ hoạt động đầu tư trực tiếp tại Việt Nam của năm phát sinh lợi nhuận trong trường hợp trên báo cáo tài chính của doanh nghiệp mà nhà đầu tư nước ngoài đầu tư của năm phát sinh lợi nhuận vẫn còn số lỗ luỹ kế sau khi đã chuyển lỗ theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.
Ví dụ: Nhà đầu tư nước ngoài A góp vốn thành lập Công t y tại Việt Nam. Năm 2009, Công ty có phát sinh số lỗ là 4 tỷ đồng.
Giả sử năm 2010, Công ty có thu nhập trước thuế là 3 tỷ đồng. Như vậy, sau khi bù trừ chuyển lỗ từ năm 2009 chuyển sang theo quy định, trong năm 2010 Công ty có số lỗ là 1 tỷ đồng. Công ty không được chia lợi nhuận cho các bên tham gia góp vốn và nhà đầu tư nước ngoài A không được chuyển lợi nhuận được chia của năm 2010 về nước.
Giả sử năm 2010, Công ty có thu nhập trước thuế là 5 tỷ đồng. Như vậy, sau khi bù trừ chuyển lỗ từ năm 2009 chuyển sang theo quy định, trong năm 2010 Công ty còn lại số thu nhập chịu thuế TNDN là 1 tỷ đồng. Nếu thuế suất thuế TNDN Công ty áp dụng là 25% thì Công ty thực hiện nộp thuế TNDN là 250 triệu đồng (= 1 tỷ đồng x 25%). Công ty được chia số lợi nhuận sau thuế cho các bên tham gia góp vốn và nhà đầu tư nước ngoài A được chuyển lợi nhuận được chia của năm 2010 về nước.
5. Thời điểm chuyển lợi nhuận ra nước ngoài
– Chuyển lợi nhuận ra nước ngoài hàng năm.
Nhà đầu tư nước ngoài được chuyển hàng năm số lợi nhuận được chia hoặc thu được từ các hoạt động đầu tư trực tiếp tại Việt Nam ra nước ngoài khi kết thúc năm tài chính, sau khi doanh nghiệp mà nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước Việt Nam theo quy định của pháp luật, đã nộp báo cáo tài chính đã được kiểm toán và tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm tài chính cho cơ quan quản lý thuế trực tiếp.
– Chuyển lợi nhuận ra nước ngoài khi kết thúc hoạt động đầu tư trực tiếp tại Việt nam.
Nhà đầu tư nước ngoài được chuyển lợi nhuận ra nước ngoài khi kết thúc hoạt động đầu tư trực tiếp tại Việt Nam sau khi doanh nghiệp mà nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước Việt Nam theo quy định của pháp luật, đã nộp báo cáo tài chính đã được kiểm toán và tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp cho cơ quan quản lý thuế trực tiếp đồng thời thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo quy định của Luật Quản lý thuế.
– Trách nhiệm của doanh nghiệp nơi nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư vốn.
Doanh nghiệp nơi nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư vốn có trách nhiệm thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước Việt Nam theo quy định của pháp luật liên quan đến thu nhập hình thành nên khoản lợi nhuận mà nhà đầu tư nước ngoài chuyển ra nước ngoài.
6. Thủ tục chuyển lợi nhuận ra nước ngoài cần làm những gì?
Theo Điều 5 Thông tư số 186/2010/TT-BTC quy định
“Nhà đầu tư nước ngoài trực tiếp hoặc uỷ quyền cho doanh nghiệp mà nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư thực hiện thông báo việc chuyển lợi nhuận ra nước ngoài theo mẫu ban hành kèm theo Thông tư này gửi cho cơ quan thuế trực tiếp quản lý doanh nghiệp mà nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư, trước khi thực hiện chuyển lợi nhuận ra nước ngoài ít nhất là 07 ngày làm việc.”
Như vậy để chuyển lợi nhuận về nước đơn vị cần làm thông báo Chuyển lợi nhuận về nước gửi cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp.
7. Hồ sơ để chuyển lợi nhuận ra nước ngoài cần có những giấy tờ gì?
Sau khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện chuyển lợi nhuận ra nước ngoài theo quy định, nhà đầu tư cần phải cung cấp hồ sơ, tài liệu xác định số lợi nhuận chuyển ra nước ngoài, gồm:
+ Giấy tờ chứng minh nguồn tiền hợp pháp: Biên bản họp của Hội đồng quản trị, hội đồng thành viên… phê duyệt về việc phân chia lợi nhuận, hoặc hợp đồng chuyển nhượng vốn góp…
+ Giấy tờ chứng minh đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính với nhà nước Việt Nam: Báo cáo tài chính đã được kiểm toán, tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp, quyết toán thuế thu nhập cá nhân….
Trước khi chuyển lợi nhuận ra nước ngoài, nhà đầu tư phải thông báo bằng văn bản việc chuyển lợi nhuận ra nước ngoài cho cơ quan thuế trực tiếp quản lý trước ít nhất 7 ngày làm việc.
8. Thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài
Trường hợp nhà đầu tư là tổ chức nước ngoài thì khi chia lợi nhuận công ty không phải nộp thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài.
Trường hợp nhà đầu tư là cá nhân nước ngoài, khi chuyển lợi nhuận ra nước ngoài, công ty nơi nhà đầu tư nước ngoài góp vốn có nghĩa vụ khấu trừ 5% trên số lợi nhuận được chia để nộp vào ngân sách nhà nước.
9. Thực trạng trốn thuế ở Việt Nam hiện nay
Điều 13 Thông tư số 166/2013/TT-BTC ngày 15/11/2013 của Bộ Tài chính đã quy định rõ các hành vi trốn thuế, gian lận thuế của doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, tình trạng trốn thuế, gian lận thuế diễn ra khá phổ biến không chỉ tại các DN mà còn ở mọi thành phần kinh tế. Những hành vi mà DN thực hiện gian lận thuế, trốn thuế bị phát hiện bao gồm: Bán hàng không có hóa đơn, kê khai lỗ nhiều năm liên tiếp, mua bán hóa đơn khống.
Tình trạng DN bán hàng không xuất hóa đơn diễn ra rất phổ biến. Việc quy định xuất hóa đơn kèm hàng bán chưa thực sự là đòi hỏi bắt buộc đối với DN và nhất là với khách hàng đã tạo kẽ hở cho DN kê khai giảm doanh thu bán hàng, từ đó giảm lợi nhuận và tránh được thuế thu nhập DN. Bên cạnh đó, khi xuất hóa đơn, DN kê khai giảm giá trị hàng bán thấp hơn so với giá trị thực tế mà khách hàng thanh toán cũng là hành vi trốn thuế của DN và của chính khách hàng, chủ yếu đối với tài sản có giá trị như ô tô, nhà, đất, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại điện tử.
Theo thống kê của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương), tổng doanh thu lĩnh vực thương mại điện tử và công nghệ thông tin năm 2013 đạt 2,2 tỷ USD, năm 2014 đạt khoảng 4 tỷ USD và năm 2015 đạt khoảng 6 tỷ USD. Việc cung cấp dịch vụ tìm kiếm thông minh và quảng cáo trực tuyến (Google, Yahoo, Bing, YouTube, Facebook…) đã mang lại lợi nhuận “béo bở” cho các ông chủ sở hữu.
Tuy nhiên, các DN này thường không kê khai đủ hoặc kê khai sai doanh thu thuế giá trị gia tăng; không kê khai thuế nhà thầu đối với dịch vụ của một số công ty đa quốc gia như Google, Yahoo… có phát sinh dịch vụ ở Việt Nam. Điều này làm thất thu thuế cho ngân sách, đồng thời tạo nên sự thiếu minh bạch, thiếu tính chính xác trong nền kinh tế phát triển bền vững.
Việc các DN kê khai lỗ nhiều năm liên tiếp để trốn đóng thuế thu nhập DN cũng khá phổ biến, điển hình là các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Thống kê những năm qua cho thấy, cả nước có khoảng 50% DN FDI kê khai lỗ, trong đó nhiều DN thua lỗ liên tục trong nhiều năm liên tiếp. Điển hình như tại TP. Hồ Chí Minh có tới gần 60% trong số trên 3.500 DN FDI thường xuyên kê khai lỗ trong nhiều năm; tương tự tại tỉnh Lâm Đồng với 104/111 DN FDI báo cáo lỗ liên tục; tỉnh Bình Dương, một trong những Tỉnh thu hút được nhiều dự án FDI, cũng có đến 50% DN FDI báo cáo lỗ từ năm 2006 – 2013.
Hầu hết các hành vi trốn thuế của DN FDI thực hiện thông qua việc kê khai chi phí đầu vào cao, đặc biệt đối với nguyên liệu nhập khẩu, trong khi giá bán xuất khẩu thấp hơn nhiều, từ đó tạo ra lỗ nhưng thực chất là dòng tiền vẫn chuyển động giữa các công ty thành viên, công ty mẹ – con.
Trong Bảng xếp hạng 1000 DN nộp thuế thu nhập DN lớn nhất Việt Nam năm 2015 được Vietnam Report công bố cho thấy, một nghịch lý là khối DN FDI xuất hiện nhiều nhất (46%) và đang ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong quy mô nền kinh tế Việt Nam nhưng tỷ lệ đóng góp vào tổng thuế thu nhập DN của toàn bảng chỉ ở mức 37%.
Mặc dù kê khai lỗ nhiều năm nhưng các DN FDI vẫn tăng cường các chương trình quảng bá, khuyếch trương và mở rộng quy mô kinh doanh. Nhằm ngăn chặn các hiện tượng trên, Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan thuế các cấp tập trung đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra thuế tại các doanh nghiệp FDI báo lỗ nhiều năm liền và có dấu hiệu chuyển giá.
Tình trạng trốn thuế còn diễn ra phổ biến ngay ở các DN trong nước thông qua hình thức thành lập các công ty con, công ty thành viên hoặc mua bán hóa đơn khống từ các DN khác.