1. Ly thân nhưng chồng liên tục quấy rối thì phải làm gì ?

Trong thời gian ly thân thì chồng có phải trợ cấp nuôi con không?

Luật sư tư vấn pháp luật Hôn nhân trực tuyến, gọi: 1900.0191

Luật sư tư vấn:

Theo như thông tin bạn cung cấp, bạn đang tiến hành thủ tục ly hôn với chồng bạn, đồng thời, hai vợ chồng bạn đã ly thân được gần 01 năm nay. Căn cứ Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về ly hôn theo yêu cầu của một bên:

“1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.

2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.

3. Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia.”

Như vậy, bạn muốn ly hôn nhanh với chồng bạn thì bạn phải đưa ra được căn cứ chứng minh được chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được. Lúc này, khi có đầy đủ căn cứ thì Tòa án sẽ giải quyết vấn đề ly hôn cho bạn.

Còn về vấn đề bạn đang lo lắng về việc chồng bạn liên tục quấy rầy, chửi bới bạn và gia đình bạn, anh ấy thường xuyên cư xử thiếu văn hóa, lăng mạ, xúc phạm bạn cũng như người nhà bạn, anh ấy cũng có hành vi đe dọa, thậm chí gọi cho gia đình bạn báo rằng anh sẽ đâm chết bạn… Lúc này, để hạn chế thấp nhất hành vi của chồng bạn thì bạn có thể tố giác chồng bạn tới Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc cơ quan công an cấp xã, phường nơi chồng/bạn đang cư trú để yêu cầu giải quyết để xử phạt hành vi vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 51 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình:

“Điều 51. Hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của thành viên gia đình

1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Tiết lộ hoặc phát tán tư liệu, tài liệu thuộc bí mật đời tư của thành viên gia đình nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm;

b) Sử dụng các phương tiện thông tin nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình;

c) Phổ biến, phát tán tờ rơi, bài viết, hình ảnh, âm thanh nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nạn nhân.

…………….

Hoặc nếu hành vi của chồng bạn có tính chất nguy hiểm, gây ảnh hưởng xấu đến tâm lý của bạn cũng như của gia đình bạn thì bạn có quyền làm đơn tố giác chồng bạn đến trực tiếp cơ quan công an để yêu cầu giả quyết về mức độ hành vi tương ứng của anh chồng bạn theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 có thể thuộc một trong các tội như sau:

Điều 133. Tội đe dọa giết người; Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác; Điều 155. Tội làm nhục người khác; Điều 156. Tội vu khống,…

2. Ai được quyền chăm sóc con khi ly thân ?

Luật sư tư vấn:

Căn cứ theo quy định tại Điều 69 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về nghĩa vụ và quyền của cha mẹ, theo đó, cha, mẹ có quyền và nghĩa vụ sau:

– Thương yêu con, tôn trọng ý kiến của con; chăm lo việc học tập, giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội.

– Trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

– Giám hộ hoặc đại diện theo quy định của Bộ luật dân sự cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự.

– Không được phân biệt đối xử với con trên cơ sở giới hoặc theo tình trạng hôn nhân của cha mẹ; không được lạm dụng sức lao động của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động; không được xúi giục, ép buộc con làm việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.

Như vậy, theo như thông tin bạn cung cấp, bạn và chồng bạn đang trong thời kỳ ly thân, dự định sắp ly hôn, con bạn hiện nay được hơn 18 tháng, bạn đã về nhà bố mẹ đẻ bạn sinh sống. Theo quy định của pháp luật, khi chưa có quyết định hoặc có Bản án chính thức của Tòa án về việc chấm dứt quan hệ hôn nhân của hai vợ chồng bạn thì giữa bạn và chồng bạn vẫn tồn tại quan hệ hôn nhân. Về vấn đề ly thân theo quy định của pháp luật không có quy định về vấn đề này, chính vì vậy, giữa bạn và chồng bạn đang có nghĩa vụ ngang nhau trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn theo Điều 71 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014:

“Điều 71. Nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng

1. Cha, mẹ có nghĩa vụ và quyền ngang nhau, cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

2. Con có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt khi cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự, ốm đau, già yếu, khuyết tật; trường hợp gia đình có nhiều con thì các con phải cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ.”

Trong trường hợp, chồng bạn có hành vi lợi dụng việc chăm sóc con, thăm nom con để gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm của con thì bạn có quyền nộp đơn yêu cầu đến Tòa án nhân dân cấp quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nơi chồng bạn cư trú (có thể là thường trú hoặc tạm trú) để yêu cầu Tòa án hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên theo Điều 85 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014:

“Điều 85. Hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên

1. Cha, mẹ bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên trong các trường hợp sau đây:

a) Bị kết án về một trong các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con với lỗi cố ý hoặc có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con;

b) Phá tán tài sản của con;

c) Có lối sống đồi trụy;

………….

3. Trong thời gian ly thân thì chồng có phải trợ cấp nuôi con không ?

Xin chào Luật sư của LVN Group: Tôi muốn xin tư vấn về vấn đề ly thân và trợ cấp nuôi con. Tôi và chồng ly thân được 18 năm rồi, chồng tôi bỏ con lại cho tôi nuôi và không một khoản trợ cấp nào để nuôi con, cả gia đình bên chồng cũng chưa bao giờ hỏi han và trợ cấp cho con tôi. Vì vậy tôi muốn xin tư vấn xem con tôi có thể đòi quyền lợi cho mình từ bố và gia đình nội không?
Xin cảm ơn Luật sư của LVN Group!

Luật sư tư vấn:

Theo quy định của pháp luật hiện hành, cũng như theo phong tục, tập quán của Việt Nam có quy định: Nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện giữa cha, mẹ và con; giữa anh, chị, em với nhau; giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu; giữa cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột; giữa vợ và chồng theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Nghĩa vụ cấp dưỡng không thể thay thế bằng nghĩa vụ khác và không thể chuyển giao cho người khác. Theo đó, tại Điều 110 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 có quy định như sau:

“Điều 110. Nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ đối với con
Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con.”

Cũng theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về nghĩa vụ cấp dưỡng giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu tại Điều 113 như sau:

“1. Ông bà nội, ông bà ngoại không sống chung với cháu có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cháu trong trường hợp cháu chưa thành niên hoặc cháu đã thành niên không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình và không có người cấp dưỡng theo quy định tại Điều 112 của Luật này.

2. Cháu đã thành niên không sống chung với ông bà nội, ông bà ngoại có nghĩa vụ cấp dưỡng cho ông bà nội, ông bà ngoại trong trường hợp ông bà không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình và không có người khác cấp dưỡng theo quy định của Luật này.”

Như vậy, theo quy định, bạn và chồng bạn đều có nghĩa vụ ngang nhau trong việc chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con kể cả trong thời kỳ hôn nhân hoặc đã ly thân, thậm chí đã ly hôn. Bởi lẽ, nghĩa vụ của cha, mẹ là cần phải chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con tốt nhất để đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp cho con. Do vậy, trong trường hợp của bạn thì hai bạn đã ly thân được 18 năm, từ đó đến nay chồng bạn không cấp dưỡng cho con bạn lần nào, kể cả gia đình bên chồng. Chính vì vậy, bạn hoàn toàn có quyền yêu cầu chồng bạn, gia đình chồng bao gồm ông bà nội của con bạn cấp dưỡng cho con bạn trong khoảng thời gian mà bạn phải chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con một mình.

Như vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành thì không quy định mức cấp dưỡng cụ thể là bao nhiêu mà pháp luật chỉ quy định mức cấp dưỡng trước hết là do các bên thỏa thuận với nhau, nếu không thỏa thuận được thì sẽ căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng và có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết. Còn về phương thức cấp dưỡng cũng do hai bên thỏa thuận với nhau để lựa chọn phương thức cấp dưỡng phù hợp nhất.

4. Hướng dẫn áp dụng tập quán trong luật hôn nhân và gia đình ?

Trả lời:

Theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Bộ luật dân sự 2015, tập quán được áp dụng trong trường hợp các bên không có thỏa thuận và pháp luật không quy định thì có thể áp dụng tập quán nhưng tập quán áp dụng không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này.

Điều 20 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về quyền bình đẳng giữa vợ và chồng lựa chọn nơi cư trú chung như sau:

“Việc lựa chọn nơi cư trú của vợ chồng do vợ chồng thỏa thuận, không bị ràng buộc bởi phong tục, tập quán, địa giới hành chính.”

Như vậy, trường hợp này sẽ không áp dụng tập quán.

5. Xin tư vấn về luật hôn nhân và gia đình ?

Xin tư vấn về luật hôn nhân và gia đình ?

Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoạigọi:1900.0191

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã tin tưởng sử dụng dịch vụ tư vấn của Công ty chúng tôi. Vấn đề của bạn chúng tôi xin được tư vấn như sau:

1. Có thể để trống phần con chung trong yêu cầu ly hôn đơn phương được không và con cái có quyền lựa chọn sống cùng bố hay mẹ được không ?

Căn cứ theo Điều 81 Luật hôn nhân gia đình 2014:

“Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn

1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

…………..

Như vậy vợ chồng có thể thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn, trường hợp của bạn bố bạn không chịu thỏa thuận và đồng ý cho hai chị em ở với mẹ thì tòa án sẽ có quyền quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi, quyết định này căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con và hai chị em bạn đã trên 9 tuổi thì có quyền bày tỏ nguyện vọng được sống cùng với ai của mình dựa trên nguyện vọng này tòa án sẽ ra quyết định giao con cho bố hoặc mẹ là người nuôi dưỡng.

Ngoài ra, pháp luật về hôn nhân và gia đình hiện nay không buộc các bên đương sự đưa vấn đề quyền nuôi con ra giải quyết khi ly hôn. Do vậy, khi ly hôn đơn phương, các bên có quyền

2. Có thể chứng minh căn nhà đang ở là tài sản riêng của mẹ bạn không ?

Căn cứ theo Điều 43 LHNGĐ :

“Điều 43. Tài sản riêng của vợ, chồng

1. Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.

2. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 33 và khoản 1 Điều 40 của Luật này.”

Như vậy chỉ có tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng mới được xác định là tài sản riêng của vợ chồng, trường hợp của bạn tuy tiền mua số đất nhà nói trên là do mẹ bạn làm ra nhưng số tiền này được hình thành trong thời kì hôn nhân không phân biệt ai là người làm ra nên số tiền này được xác định là tài sản chung đồng nghĩa với việc số đất nhà nói trên cũng là tài sản chung căn cứ theo Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình, kể cả khi chỉ bố bạn đứng tên trên giấy tờ nhà đất thôi thì vẫn được xác định là tài sản chung theo khoản 1 Điều 33 và Điều 34 Luật hôn nhân và gia đình.

3. Không có chứng minh thư nhân dân có thể ly hôn đơn phương được không ?

Nếu không thể lấy lại được chứng minh bản gốc mẹ bạn có thể nộp chứng minh nhân dân bản sao có chứng thực hoặc giấy tờ tùy thân khác có giá trị chứng minh nơi cư trú hoặc có thể đến cơ quan công an địa phương xin xác nhận về việc cư trú để hoàn thiện hồ sơ đơn phương ly hôn cho mẹ bạn.

4. Việc đánh và đe dọa người trong gia đình xử lý như thế nào ?

Nếu bố bạn có các hành vi đe dọa, chửi bới đánh đập ba mẹ con bạn, bạn có thể báo cho cơ quan công an nơi gần nhất hoặc ủy ban nhân dân cấp xã để được bảo vệ đồng thời ngăn cản hành vi của bố bạn theo Điều 18 Luật phòng chống bạo lực gia đình 2007.

Điều 18. Phát hiện, báo tin về bạo lực gia đình

1. Người phát hiện bạo lực gia đình phải kịp thời báo tin cho cơ quan công an nơi gần nhất hoặc Uỷ ban nhân dân cấp xã hoặc người đứng đầu cộng đồng dân cư nơi xảy ra bạo lực, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 23 và khoản 4 Điều 29 của Luật này.

2. Cơ quan công an, Uỷ ban nhân dân cấp xã hoặc người đứng đầu cộng đồng dân cư khi phát hiện hoặc nhận được tin báo về bạo lực gia đình có trách nhiệm kịp thời xử lý hoặc kiến nghị, yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền xử lý; giữ bí mật về nhân thân và trong trường hợp cần thiết áp dụng biện pháp bảo vệ người phát hiện, báo tin về bạo lực gia đình.

Ngoài ra người nào đe dọa giết người còn có thể phải chịu truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 133 Bộ Luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017, việc bố bạn liên tục đe dọa giết mẹ bạn hay những thành viên khác như vậy là trái pháp luật bạn hoàn toàn có thể làm đơn trình báo đên cơ quan công an :

“Điều 133. Tội đe dọa giết người

1. Người nào đe dọa giết người, nếu có căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Đối với 02 người trở lên;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;

d) Đối với người dưới 16 tuổi;

đ) Để che giấu hoặc trốn tránh việc bị xử lý về một tội phạm khác.”

Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/ và có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng qua email Tư vấn pháp luật hôn nhân gia đình miễn phí qua Email hoặc qua tổng đài 1900.0191. Chúng tôi sẳn sàng giải đáp.

Trân trọng ./.

Bộ phận Tư vấn Luật Hôn Nhân Gia Đình – Công ty luật LVN Group