1. Mang dao phòng thân có được pháp luật cho phép không ?

Thưa Luật sư! Em có mua một con dao bấm phần dao dài khoản 7-8cm. Em mua vì thích nó và để phòng thân vì em là con gái mà hay phải đi về muộn lại hay đi bộ và đôi lúc để dùng nó gọt đồ hoặc trong việc vặt lúc chúng em đi chơi. Em hay mang theo nó trong balo. Nhưng hiện nay pháp luật cấm mang vũ khí thô sơ mà em mang theo nó như vậy có vi phạm pháp luật không?
Nếu nó bị coi là vũ khí thô sơ thì em để ở nhà nếu bị phát hiện con dao bấm đó em có bị xử phạt không? Giả sử trong trường hợp mình bị cướp tấn công, và mình kháng cự lại dùng dao để tự vệ có gây thương tích cho đối phương mình sẽ bị kết tội gì?
Xin chân thành cảm ơn!

Luật sư tư vấn Luật hình sự về vũ khí thô sơ, gọi: 1900.0191

Trả lời:

Căn cứ Điều 3 Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Vũ khí là thiết bị, phương tiện hoặc tổ hợp những phương tiện được chế tạo, sản xuất có khả năng gây sát thương, nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người, phá hủy kết cấu vật chất, bao gồm: vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao và vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự.

2. Vũ khí quân dụng là vũ khí được chế tạo, sản xuất bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp, được trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân và các lực lượng khác theo quy định của Luật này để thi hành công vụ, bao gồm:a) Súng cầm tay bao gồm: súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên, súng trung liên, súng chống tăng, súng phóng lựu;b) Vũ khí hạng nhẹ bao gồm: súng đại liên, súng cối, súng ĐKZ, súng máy phòng không, tên lửa chống tăng cá nhân;c) Vũ khí hạng nặng bao gồm: máy bay chiến đấu, trực thăng vũ trang, xe tăng, xe thiết giáp, tàu chiến, tàu ngầm, pháo mặt đất, pháo phòng không, tên lửa;d) Bom, mìn, lựu đạn, ngư lôi, thủy lôi; đạn sử dụng cho các loại vũ khí quy định tại các điểm a, b và c khoản này.

3. Súng săn là súng được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, được sử dụng để săn bắn, bao gồm: súng kíp, súng hơi và đạn sử dụng cho các loại súng này.

4. Vũ khí thô sơ là vũ khí có cấu tạo, nguyên lý hoạt động đơn giản và được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, bao gồm: dao găm, kiếm, giáo, mác, thương, lưỡi lê, đao, mã tấu, côn, quả đấm, quả chùy, cung, nỏ, phi tiêu.

5. Vũ khí thể thao là vũ khí được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, được sử dụng để luyện tập, thi đấu thể thao, bao gồm:a) Súng trường hơi, súng trường bắn đạn nổ, súng ngắn hơi, súng ngắn bắn đạn nổ, súng thể thao bắn đạn sơn, súng bắn đĩa bay và đạn sử dụng cho các loại súng này;b) Vũ khí thô sơ quy định tại khoản 4 Điều này dùng để luyện tập, thi đấu thể thao.

6. Vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự là vũ khí được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, không theo tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp, có khả năng gây sát thương, nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người, phá hủy kết cấu vật chất tương tự như vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao.

7. Vật liệu nổ là sản phẩm dưới tác động của xung kích thích ban đầu gây ra phản ứng hóa học nhanh, mạnh, tỏa nhiệt, sinh khí, phát sáng, tạo ra tiếng nổ, bao gồm:a) Thuốc nổ là hóa chất hoặc hỗn hợp chất được sản xuất, sử dụng nhằm tạo ra phản ứng nổ dưới tác động của xung kích thích;b) Phụ kiện nổ là kíp nổ, dây nổ, dây cháy chậm, mồi nổ, vật phẩm chứa thuốc nổ có tác dụng tạo xung kích thích ban đầu làm nổ khối thuốc nổ hoặc thiết bị chuyên dùng có chứa thuốc nổ.

8. Vật liệu nổ quân dụng là vật liệu nổ sử dụng cho mục đích quốc phòng, an ninh.

9. Vật liệu nổ công nghiệp là vật liệu nổ sử dụng cho mục đích kinh tế, dân sự.

10. Tiền chất thuốc nổ là hóa chất nguy hiểm, trực tiếp dùng để sản xuất thuốc nổ.

11. Công cụ hỗ trợ là phương tiện, động vật nghiệp vụ được sử dụng để thi hành công vụ, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nhằm hạn chế, ngăn chặn người có hành vi vi phạm pháp luật chống trả, trốn chạy; bảo vệ người thi hành công vụ, người thực hiện nhiệm vụ bảo vệ hoặc báo hiệu khẩn cấp, bao gồm:

a) Súng bắn điện, hơi ngạt, chất độc, chất gây mê, từ trường, laze, lưới; súng phóng dây mồi; súng bắn đạn nhựa, nổ, cao su, hơi cay, pháo hiệu, hiệu lệnh, đánh dấu và đạn sử dụng cho các loại súng này;

b) Phương tiện xịt hơi cay, hơi ngạt, chất độc, chất gây mê, chất gây ngứa;

c) Lựu đạn khói, lựu đạn cay, quả nổ;

d) Dùi cui điện, dùi cui cao su, dùi cui kim loại; khóa số tám, bàn chông, dây đinh gai; áo giáp; găng tay điện, găng tay bắt dao; lá chắn, mũ chống đạn; thiết bị áp chế bằng âm thanh;

đ) Động vật nghiệp vụ là động vật được huấn luyện để sử dụng cho yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội;

e) Công cụ hỗ trợ có tính năng, tác dụng tương tự là phương tiện được chế tạo, sản xuất không theo tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp, có tính năng, tác dụng tương tự như công cụ hỗ trợ quy định tại các điểm a, b, c và d khoản này.”

Căn cứ vào quy định trên, vũ khí thô sơ không bao gồm dao bấm. Tuy nhiên, vũ khí gồm vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao các loại vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự, do đó, trong đó các loại vũ khí khác có tính năng tác dụng tương tự được hiểu là loại vũ khí khi sử dụng có khả năng gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe đối với con người, thiệt hại về tài sản, ảnh hưởng đến với môi trường tương tự như vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao. Nếu chỉ đề cập đến loại vũ khi có tính năng, tác dụng tương tự như vũ khí thô sơ thì có thể thấy dao bấm cũng được coi là vũ khí.

Việc tàng trữ, sử dụng dao bấm của bạn là vi phạm pháp luật. Nếu bị phát hiện bạn có thể bị xử phạt hành chính theo Điều 10 Nghị định 167/2013/NĐ-CP:

“Điều 10. Vi phạm quy định về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm bị cấm

3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Hủy hoại, cố ý làm hư hỏng, cho, tặng, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, thế chấp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ;

b) Trao đổi, mua bán, làm giả, sửa chữa, tẩy xóa, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, thế chấp, làm hỏng các loại giấy phép, giấy chứng nhận, giấy xác nhận về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo hoa;

c) Không thông báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền về việc mất các loại giấy phép, giấy chứng nhận, giấy xác nhận về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo hoa;

d) Sử dụng các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trái quy định nhưng chưa gây hậu quả;

đ) Sử dụng các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ mà không có giấy phép;

e) Giao vũ khí, công cụ hỗ trợ cho người không có đủ điều kiện, tiêu chuẩn sử dụng;

g) Không giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ theo quy định”.

Về việc sử dụng dao để tự vệ, Điều 22, Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 quy định về phòng vệ chính đáng;

Điều 22. Phòng vệ chính đáng

1. Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.

2. Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại.Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này.”

Như vậy trong trường hợp bị tấn công bạn hoàn toàn có quyền chống trả lại một cách cần thiết người đang có có hành vi xâm phạm kia. Tuy nhiên hành vi chống trả này không được vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, nếu không có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tùy vào từng trường hợp để xem xét một hành vi có phải là hành vi phòng vệ chính đáng. Nếu hành vi đó vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, bạn vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự với hành vi cố ý gây thương tích cho người khác (Điều 134 Bộ luật hình sự 2015). Tuy nhiên, cần lưu ý, kể cả việc bạn mua và tàng trữ dao bấm với lý do để “tự vệ” cũng không được coi là hợp pháp.

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số:1900.0191 hoặc gửi qua email:Tư vấn pháp luật hình sự miễn phí qua Email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật LVN Group. Rất mong nhận được sự hợp tác!

2. Mức phạt hành chính khi mang theo dao phòng thân ?

Thưa Luật sư của LVN Group, xin hỏi: Tôi đem theo dao để cắt keo cũng có cho là phạm pháp không Luật sư của LVN Group. Tôi là thợ dán keo xe nên tôi thường người có dao, kéo, lưởi làm thì có cho rằng tôi tàng trữ sử dụng vũ khí không ?
Và cây gậy 3 khúc đâu phải nhất thiết là vũ khí, còn tùy thuộc vào người sử dụng chứ đâu phải ai cũng làm vũ khí, trong khi tôi chưa có tiền án; tiền sự mà phạt 10-20 triệu thì tôi thấy hoàn toàn vô lý không thể chấp nhận và được nhà nước công nhận hơn là tôi cướp đầu đường xó chợ hay sao. Trong khi chỉ là đồ tôi hành nghề kiếm sống; trong khi tôi không có tiền án tiền sự; thí dụ nếu không công nhận đó là đồ hành nghề và cho rằng đây là vũ khí thì các anh có chứng minh được đây là vũ khí hay hung khí vì không sao lại có mức phạt cho tôi hoàn toàn không hợp lý; luật như vây tôi nghĩ không hay lắm phải chi có anh cán bộ nào vô tình giành chút thời gian để đọc được những dòng bức xúc của tôi thì cho dù tôi có giảm thọ 5-10 năm cũng vui còn hơn phải đóng phạt đồng tiền mồ hôi mà mình phải cày đêm cày hôm không đủ xài… chẵng thà kêu tôi làm từ thiện giup đỡ ai đó còn hay hơn…
Kính mong quý Luật sư của LVN Group giúp được tôi phần nào thì quý Luật sư giúp tôi chỉ mong bộ luật đó có sửa đổi chút ít là vui mừng cho nhưng người dân lao động hợp pháp có lỡ họ không biết luật lại giống như tôi;giống như là người bị hại còn hơn là tội phạm.

>> Luật sư tư vấn hình sự trực tuyến, Gọi: 1900.0191

Trả lời:

Theo căn cứ tại khoản 4 Điều 3 Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017 thì:

4. Vũ khí thô sơ là vũ khí có cấu tạo, nguyên lý hoạt động đơn giản và được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, bao gồm: dao găm, kiếm, giáo, mác, thương, lưỡi lê, đao, mã tấu, côn, quả đấm, quả chùy, cung, nỏ, phi tiêu.

Nếu bạn mang theo người là vũ khí thuộc một trong các vũ khí thô sơ trên thì bạn đã vi phạm pháp luật dù mục đích mang theo là gì. Mức xử phạt theo quy định tại khoản 5 Điều 10 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống, chống bạo lực gia đình:

“5. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Sản xuất, sửa chữa các loại vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ mà không có giấy phép;

b) Sản xuất, sửa chữa các loại đồ chơi đã bị cấm;

c) Mua, bán, vận chuyển, tàng trữ vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ mà không có giấy phép;

d) Mua, bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép vũ khí thể thao;

đ) Vận chuyển vũ khí, các chi tiết vũ khí quân dụng, phụ kiện nổ, công cụ hỗ trợ mà không có giấy phép hoặc có giấy phép nhưng không thực hiện đúng quy định trong giấy phép hoặc không có các loại giấy tờ khác theo quy định của pháp luật;

e) Bán vật liệu nổ công nghiệp, Nitrat Amon hàm lượng cao (từ 98,5% trở lên) cho các đơn vị chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự và giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp hoặc Nitrat Amon hàm lượng cao (từ 98,5% trở lên) hoặc văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.”

Vậy bạn sẽ bị xử phạt hành chính về hành vi trên với mức tiền từ 10.000.000 đến 20.000.000. Hành vi của bạn chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định tại Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.0191 hoặc gửi qua email:Tư vấn pháp luật hình sự miễn phí qua Email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật LVN Group. Rất mong nhận được sự hợp tác!

3. Dùng dao đâm vào phần bắp chân sẽ bị truy cứu trách nhiệm gì ?

Chào Luật sư của LVN Group. Xin Luật sư của LVN Group tư vấn cho tôi trường hợp sau: Em trai tôi trước đây có thuê nhà ở cùng bạn gái trong tỉnh A. Trong một lần cãi vã với bạn gái đã vớ một con dao thái lan nhọn dùng để làm bếp vẫn hay bán ngoài chợ đâm vào phần bắp chân của bạn gái kia. Vết thương sâu khoảng 3cm và có chảy ít máu nhưng sau đó đã được em tôi băng bó lại.
Người bạn gái kia đã báo công an sự việc trên và họ đã gửi em tôi có giấy triệu tập. Vậy cho tôi hỏi mức án mà em tôi phải chịu là bao nhiêu và có cần thiết phải đi giám định tỷ lệ thương tật của vết thương kia mà em tôi gây ra cho bạn gái đó không và em tôi phải chịu trách nhiệm như thế nào với bên bạn gái kia ?
Xin chân thành cảm ơn.

Luật sư tư vấn luật hình sự về tội gây thương tích, gọi: 1900.0191

Trả lời:

3.1 Những trường hợp cần phải bắt buộc giám định tư pháp là gì ?

Theo Bộ Luật tố tụng hình sự 2015Luật giám định tư pháp 2012 thì các trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định khi cần xác định tình trạng tâm thần của người bị buộc tội khi có sự nghi ngờ về năng lực trách nhiệm hình sự của họ; tình trạng tâm thần của người làm chứng hoặc bị hại khi có sự nghi ngờ về khả năng nhận thức, khả năng khai báo đúng đắn về những tình tiết của vụ án; Tuổi của bị can, bị cáo, bị hại nếu việc đó có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án và không có tài liệu để xác định chính xác tuổi của họ hoặc có nghi ngờ về tính xác thực của những tài liệu đó; Nguyên nhân chết người; Tính chất thương tích, mức độ tổn hại sức khoẻ hoặc khả năng lao động; Chất ma tuý, vũ khí quân dụng, vật liệu nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, tiền giả, vàng, bạc, kim khí quý, đá quý, đồ cổ; Mức độ ô nhiễm môi trường. Hay nói các khác trường hợp cố ý gây thương tích là một trong những trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định.

Đồng thời, đương sự hoặc người đại diện của họ có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trưng cầu giám định những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ, trừ trường hợp việc giám định liên quan đến việc xác định trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội. Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, cơ quan tiến hành tố tụng phải xem xét, ra quyết định trưng cầu giám định. Trường hợp không chấp nhận đề nghị thì thông báo cho người đã đề nghị giám định biết bằng văn bản và nêu rõ lý do. Hết thời hạn này hoặc kể từ ngày nhận được thông báo từ chối trưng cầu giám định của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thì người đề nghị giám định có quyền tự mình yêu cầu giám định.

3.2 Hình phạt hành vi cố ý gây thương tích ?

Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác được quy định tại Điều 134 Bộ Luật hình sự 2015 sửa đổi 2017, Cụ thể, các yếu tố cấu thành của tội này như sau:

Mặt khách quan: Hành vi khách quan của tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe là hành vi nguy hiểm cho xã hội, trái pháp luật hình sự, thể hiện nhận thức và điều khiển hành vi của người phạm tội mong muốn gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác.

Công cụ, phương tiện sử dụng: Nếu người phạm tội sử dụng các phương tiện có tính nguy hiểm cao như: lựu đạn, súng, chất nổ, dao găm… phần nào đó có thể xác định người phạm tội mong muốn cho nạn chết. Ngược lai, nếu người phạm tội không lựa chọn hoặc chỉ lựa chọn loại phương tiện ít nguy hiểm đến tính mạng thì phần nào không mong muốn nạn nhân chết. Vì vậy, dựa vào việc người phạm tội sử dụng công cụ, phương tiện để thực hiện hành vi phạm tội có thể xác định được là người phạm tội mong muốn giết người hay đơn thuần chỉ gây thương tích, gây tổn hại sức khỏe.

Vị trí trên cơ thể mà người phạm tội gây ra thương tích , tổn hại sức khỏe: Trên thực tế khi muốn tước đoạt sinh mạng của ai đó thì người phạm tội sẽ tấn công vào những nơi xung yếu trên cơ thể như: vùng đầu, vùng ngực, vùng cổ, vùng bụng…kết hợp việc sử dụng công cụ, phương tiện nếu là công cụ, phương tiện ít nguy hiểm, cùng với việc tấn công vào những nơi được coi là không xung yếu trên cơ thể, có thể xác định là hành vi cố ý gây thương tích, gây tổn hại sức khỏe mà không phải là hành vi giết người.

Mức độ nguy hiểm của hành vi tấn công: Xác định hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe dựa vào mức độ tấn công với cường độ mạnh hay yếu cùng với vị trí tấn công trên cơ thể xem hành vi đó có dồn dập và cường độ tấn công mạnh không? Nếu cường độ tấn công không mạnh và những vị trí tấn công không xung yếu, không nhằm tước đi sinh mạng của nạn nhân, khi đó sẽ không xác định là hành vi giết người mà là hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác.

Hậu quả của tội phạm: Hậu quả của tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác thể hiện ở tỷ lệ thương tật ( tỷ lệ %) mất sức lao động của nạn nhân.

– Chủ thể của tội phạm: Là người đã có lỗi trong việc thực hiện hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho người khác, có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo luật định.

– Khách thể của tội phạm: Khách thể tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác là quyền được pháp luật bảo vệ về sức khỏe.

– Mặt chủ quan của tội phạm: Người phạm tội mong muốn gây ra thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác.

3.3 Mức bồi thường cho bên bị hại là như thế nào ?

Em bạn khi đã có đủ yếu tố cấu thành tội cố ý gây thương tích như đã nêu ở trên thì vủa sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự và vừa phải chịu trách nhiệm bồi thường cho bên bị hại, bao gồm bồi thường về mặt vật chất và bồi thường về mặt tinh thần cho bên bị hại do hành vi vi phạm pháp luật của em bạn gây ra.

Rất mong nhận được sự hợp tác! Trân trọng./.

4. Dùng dao đâm vào tim người khác sẽ phạm tội gì ?

Kính gửi Luật LVN Group, tôi có sự việc sau mong Luật sư tư vấn giúp: Ngày 22/01/2018 anh trai tôi có đi đám cỗ về nhà mới của một người trong làng. Sau khi chung vui xong anh tôi ra về nhưng vừa tới đầu làng thì thấy anh A và B – là hàng xóm đang xảy ra mâu thuẫn, đánh nhau. Thấy vậy anh tôi có vào can ngăn không cho đánh nhau nhưng anh B cầm luôn con dao đâm anh tôi 4 nhát.
Vết thứ nhất vào tim, vết thứ hai vào gan và hai vết khác vào bụng. Hiên nay tình trạng của anh tôi rất nguy cấp tuy nhiên gia đình họ không tới xin lỗi, thăm hỏi mà còn thách thức gia đình tôi kiện. Cho nên gia đình tôi rất bực tức. Vậy Luật sư cho tôi hỏi họ sẽ phạm tội gì? Gia đình tôi rất mong muốn và luôn tin tưởng vào công lý ?
Gia đình xin chân thành cảm ơn!

Trả lời:

Việc anh bạn bị đâm trọng thương do can ngăn anh A và B đánh nhau, đây là một việc làm rất cao cả, tốt đẹp. Còn hành vi của đối tượng B có dấu hiệu của tội giết người theo quy định tại Điều 123 – Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Điều 123. Tội giết người

1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Theo đó, giết người là hành vi tước đoạt tính mạng của người khác một cách trái pháp luật xâm phạm trực tiếp tới tính mạng của con người. Đối chiếu với trường hợp của gia đình bạn nhận thấy:

Thứ nhất, Hành vi cầm dao đâm vào anh bạn thể hiện tính côn đồ.

Anh B sử dụng dao để gây thương tích: Dao là một công cụ phạm tội nguy hiểm có tính sát thương cao cho nên khi sử dụng dao để gây thương tích thể hiện tính côn đồ của B.

Thứ hia, B dùng dao đâm gây thương tích 4 vết thương: trong đó có một vết thương vào gan, một vết vào tim và hai vết vào bụng. Điều này cho thấy B đã cố ý đâm vào những nơi hiểm yếu đặc biệt là tim để cướp tính mạng của anh bạn. Với tình tiết này thể hiện B coi thường mạng người.
Mặc dù, tính mạng anh bạn vẫn chưa bị tước đoạt, mục đích của B vẫn chưa đạt được là giết anh bạn nhưng hành vi của B đã thực hiện xong. Cho nên từ đó khẳng định B phạm tội giết người theo quy định tại Điều 123 – Bộ luật hình sự năm 2015 ở giai đoạn chưa đạt đã hoàn thành.

Điều 15 – Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 quy định về phạm tội chưa đạt như sau:

Điều 15. Phạm tội chưa đạt

Phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội.

Người phạm tội chưa đạt phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm chưa đạt.

Như vậy, anh B phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người.

Khoản 3 – Điều 57 – Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về quyết định hình phạt trong trường hợp phạm tội chưa đạt như sau:

Điều 57. Quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt

3. Đối với trường hợp phạm tội chưa đạt, nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình thì áp dụng hình phạt tù không quá 20 năm; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định.

Theo đó, hình phạt mà Tòa án quyết định cho B cao nhất không quá 20 năm tù.

Trên đây là tư vấn giải đáp thắc mắc của bạn. Trường hợp còn vướng mắc hoặc trao đổi vui lòng liên hệ Bộ phận tư vấn pháp luật Hình sự trực tuyến, gọi: 1900.0191 để được Luật sư tư vấn trực tuyến hỗ trợ.

5. Say rượu hàng xóm cầm dao sang chém phải làm thế nào?

Thưa Luật sư, gia đình tôi có bán quán nước, hàng xóm nhà tôi cũng bán quán nước như nhà tôi. Tháng trước, thấy nhà tôi có đông khách hơn nên Ông A – hàng xóm nhà tôi đã cầm con dao thái lan dài chừng 20 centimet đến gây sự với bố tôi và đâm và tay bố tôi dẫn đến việc bố tôi phải đi viện và kết luận giám định là thương tật 10%.
Luật sư cho tôi hỏi , với hành vi này của ông A – hàng cóm nhà tôi, tôi có thể báo lên cơ quan công an được hay không? và báo thì ông A sẽ bị tội gì và bị bao nhiêu năm tù? Mong Luật sư tư vấn cho tôi. Cám ơn Luật sư.

Luật sư tư vấn pháp luật Hình sự về cố ý gây thương tích, gọi: 1900.0191

Luật sư tư vấn:

Như bạn có trình bày ở trên thì do hàng xóm nhà bạn thấy nhà bạn kinh doanh nhiều khách hơn nhà hàng xóm của bạn nên hàng xóm của bạn đã vác dao ra gây gổ và gây ra thương tích tho bố bạn và tỉ lệ thương tật sau khi đã giám định là thương tật 10%. Đối với hành vi này của ông A – hàng xóm nhà bạn, bạn có thể làm đơn trình báo lên cơ quan công an điều tra cấp Quận/ huyện nơi bạn đang ở để cơ quan công an có thể làm rõ về vấn đề này.

Như bạn có trình bày thì hung khí mà Ông A đã đâm bố bạn là một con dao thái lan, dài chừng 20 centimet, màu vàng và thuwofng dùng để bổ hoa quả. Với con dao này, theo hướng dẫn bởi Điểm 3.1 Điều 3 Nghị quyết 01/2006/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ Luật hình sự có quy định cụ thể như sau:

3. Về một số tình tiết quy định tại khoản 1 Điều 104 của BLHS

3.1. Tình tiết “dùng hung khí nguy hiểm” quy định tại điểm a khoản 1 Điều 104 của BLHS

“Dung hung khí nguy hiểm” quy định tại điểm a khoản 1 Điều 104 của BLHS là trường hợp dùng vũ khí hoặc phương tiện nguy hiểm theo hướng dẫn tại các tiểu mục 2.1 và 2.2 mục 2 Phần I Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17-4-2003 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao để cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.

Ví dụ: Theo hướng dẫn tại điểm a tiểu mục 2.2 mục 2 Phần I Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17-4-2003 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì dao nhọn là phương tiện nguy hiểm và đã được A sử dụng gây thương tích cho B thì thuộc trường hợp “dùng hung khí nguy hiểm”.

Như vậy có nghĩa là con dao thái lan mà bạn có trình bày nó được coi là hung khí nguy hiểm. Mà mặt khác theo quy định tại Điều 134 của Bộ Luật hình sự 2015 sửa đổi 2017 cũng có quy định cụ thể như sau:

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của -Bộ Luật hình sự 2015 (Bộ luật hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2017)

22. Sửa đổi, bổ sung Điều 134 như sau:

“Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;

b) Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm;

c) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo của mình, người nuôi dưỡng, chữa bệnh cho mình;

đ) Có tổ chức;

e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

g) Trong thời gian đang bị giữ, tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành án phạt tù, đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng hoặc đang chấp hành biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;

h) Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do được thuê;

i) Có tính chất côn đồ;

k) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 06 năm:

a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30%;

c) Phạm tội 02 lần trở lên;

d) Tái phạm nguy hiểm;

đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 4 Điều này;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này;

d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 14 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích làm biến dạng vùng mặt của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;

d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này;

đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.

5. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Làm chết 02 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.

6. Người nào chuẩn bị vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm, a-xít nguy hiểm, hóa chất nguy hiểm hoặc thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm nhằm gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.”.

Như vậy, có nghĩa là hành vi này của ông A – hàng xóm của bạn sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Khoản 1 Điều 134 của Bộ Luật hình sự 2015 sửa đổi 2017 là bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại gọi số: 1900.0191 để được giải đáp.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật Hình sự – Công ty luật LVN Group