1. Mất giấy phép lái xe có làm lại được không ?

Thưa Luật sư! Cho em hỏi hiện em mất bằng lái xe a1 vô thời hạn mất luôn cả chứng minh thư vậy muốn làm lại thì phải làm chứng minh trước hay làm lại cả hai cùng lúc được ko ạ nếu được thì làm lại giấy phép lái xe vô thời hạn cần những gì ? Cảm ơn!

Luật sư tư vấn:

Theo quy định tại khoản 2 Điều 36 thông tư số 12/2017/TT-BGTVT thì mất giấy phép lái xe còn thời hạn sử dụng thuộc một trong các trường hợp được cấp lại giấy phép lái xe. Về hồ sơ cấp lại giấy phép lái xe, theo quy định tại Khoản 2 Điều 36 thông tư 12/2017/TT-BGTVT thì hồ sơ cấp lại giấy phép lái xe gồm có:

a) Đơn đề nghị cấp lại giấy phép lái xe theo mẫu quy định tại Phụ lục 19 ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Hồ sơ gốc phù hợp với giấy phép lái xe (nếu có);

c) Giấy khám sức khỏe của người lái xe do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp theo quy định, trừ trường hợp cấp lại giấy phép lái xe không thời hạn các hạng A1, A2, A3;

d) Bản sao giấy chứng minh, nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn có ghi số giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân (đối với người Việt Nam) hoặc hộ chiếu còn thời hạn sử dụng (đối với người nước ngoài, người Việt Nam định, cư ở nước ngoài).

Đối chiếu với quy định trên, trong hồ sơ cấp lại giấy phép lái xe, chứng minh thư nhân dân / CCCD / Hộ chiếu là một trong các giấy tờ bắt buộc phải có. Do vậy, nếu bạn không có hộ chiếu mà chỉ có chứng minh thư nhân dân thì trước tiên, trong hai loại giấy tờ bị mất là CMTND và GPLX thì bạn phải đi làm lại chứng minh thư nhân dân trước. Trình tự thực hiện làm lại chứng minh thư nhân dân như sau:

1.1. Hồ sơ cần chuẩn bị cấp lại giấy phép lái xe:

– Đơn đề nghị (mẫu CM3) có dán ảnh, đóng dấu giáp lai và xác nhận của Công an phường, xã, thị trấn nơi đăng ký thường trú;

– Hộ khẩu thường trú

– Kê khai tờ khai cấp CMND.

– Thực hiện thủ tục lăn tay, chụp ảnh hoặc nộp ảnh theo quy định.

1.2. Nơi nộp hồ sơ cấp lại giấy phép lái xe:

Cơ quan công an quận, huyện hoặc tỉnh, thành phố tùy vào nơi bạn đăng ký thường trú.

1.3. Thời gian thực hiện cấp lại giấy phép lái xe:

15 ngày đối với thành phố, thị xã và 30 ngày đối với các địa bàn khác tính từ ngày bạn nộp đủ giấy tờ hợp lệ và làm xong thủ tục cấp Chứng minh nhân dân.

Sau khi được cấp lại chứng minh thư, bạn chuẩn bị bộ hồ sơ cấp lại giấy phép lái xe nêu trên rồi đến Sở Giao thông vận tải nộp và chụp ảnh trực tiếp và xuất trình, bản chính các hồ sơ nêu trên (trừ các bản chính đã gửi) để đối chiếu. Sau thời gian 02 tháng kể từ ngày nộp đủ hồ sơ, chụp ảnh và nộp lệ phí theo quy định, nếu không phát hiện giấy phép lái xe đang bị các cơ quan có thẩm quyền thu giữ, xử lý; có tên trong hồ sơ của cơ quan quản lý sát hạch, thì được cấp lại giấy phép lái xe.

Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ Luật sư tư vấn pháp luật giao thông miễn phí trực tuyến qua tổng đài điện thoại, gọi số: 1900.0191 để được giải đáp. Trân trọng./.

2. Bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe báo mất rồi làm lại được không ?

Thưa Luật sư, tôi có chạy quá tốc độ quy định 22km và bị tạm giữ giấy phép lái xe và tôi cũng chưa nộp tiền phạt xử lý vi phạm hành chính, giả sử bây giờ liệu tôi không nộp tiền phạt nữa mà đi báo mất giấy phép lái xe và tôi đi làm lại thì có được không? Liệu tôi có bị xử phạt vi phạm hành chính nữa hay không?
Mong Luật sư tư vấn cho tôi. Cám ơn Luật sư.

>> Luật sư tư vấn pháp luật Giao thông, gọi: 1900.0191

Trả lời:

Theo quy định tại nghị định 100/2019/NĐ-CP thì việc chạy xe quá tốc độ sẽ bị xử phạt như sau:

Đối với xe ô tô:

– Từ 05 – 10 km/h: Phạt tiền từ 800.000 đồng – 01 triệu đồng (trước đây bị phạt từ 600.000 – 800.000 đồng);

– Từ 10 – 20 km/h: Phạt tiền từ 03 – 05 triệu đồng; tước Bằng lái xe từ 01 – 03 tháng (trước đây bị phạt từ 02 – 03 triệu đồng);

– Từ 20 – 35 km/h: Phạt tiền từ 06 – 08 triệu đồng; tước Bằng lái xe từ 02 – 04 tháng (trước đây bị phạt từ 05 – 06 triệu đồng và tước Bằng từ 01 – 03 tháng);

– Trên 35 km/h: Phạt tiền từ 10 – 12 triệu đồng; tước Bằng lái xe từ 02 – 04 tháng (trước đây bị phạt từ 07 – 08 triệu đồng và tước Bằng từ 02 – 04 tháng).

* Đối với xe máy:

– Từ 05 – 10 km/h: Phạt tiền từ 200.000 – 300.000 đồng (trước đây bị phạt từ 100.000 – 200.000 đồng);

– Từ 10 – 20 km/h: Phạt tiền từ 600.000 đồng – 01 triệu đồng (trước đây bị phạt từ 500.000 đồng – 01 triệu đồng);

– Trên 20 km/h: Phạt tiền từ 04 – 05 triệu đồng; tước Bằng lái xe từ 02 – 04 tháng (trước đây bị phạt từ 03 – 04 triệu đồng).

Bởi vậy, anh cần phải đi nộp phạt theo quy định để được lấy lại giấy phép lái xe.

– Trường hợp anh không đóng phạt mà đi khai mất giấy phép lái xe để thi lại bằng lái, nếu cơ quan chức năng phát hiện thì không những không được thi mà còn bị phạt tiền đối với hành vi “khai không đúng sự thật” theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

Xử phạt các hành vi vi phạm quy định về đào tạo, sát hạch lái xe

3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Cơ sở đào tạo lái xe không bố trí giáo viên dạy thực hành ngồi bên canh để bảo trợ tay lái cho học viên thực hành lái xe; bố trí giáo viên không đủ tiêu chuẩn để giảng dạy;

b) Cơ sở đào tạo lái xe sử dụng xe tập lái không có “Giấy phép xe tập lái” hoặc có nhưng hết hạn, không gắn biển xe “Tập lái” trên xe theo quy định, không ghi tên cơ sở đào tạo, cơ quan quản lý trực tiếp, số điện thoại ở mặt ngoài hai bên cánh cửa hoặc hai bên thành xe theo quy định;

c) Cơ sở đào tạo lái xe sử dụng xe tập lái không trang bị thêm bộ phận hãm phụ hoặc có nhưng không có tác dụng;

d) Cơ sở đào tạo lái xe tuyển sinh học viên không đủ điều kiện về độ tuổi, sức khỏe, trình độ văn hóa, thâm niên, số km lái xe an toàn tương ứng với từng hạng đào tạo;

đ) Cơ sở đào tạo lái xe không có đủ số lượng giáo viên dạy thực hành lái xe các hạng để đáp ứng với lưu lượng đào tạo ghi tổng Giấy phép đào tạo lái xe;

e) Cơ sở đào tạo lái xe không lưu trữ đầy đủ hồ sơ các khóa đào tạo theo quy định;

g) Cá nhân khai báo không đúng sự thật hoặc sử dụng các giấy tờ, tài liệu giả để được học, kiểm tra, sát hạch cấp mới, cấp lại Giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ.

Như vậy, bạn nên nộp phạt theo đúng quy định và lấy lại giấy phép lái xe của mình theo đúng quy định của Pháp Luật để tránh những rủi ro không mong muốn.

3. Xe taxi đón trả khách nơi điểm dừng của xe buýt bị phạt bao nhiêu tiền ?

Thưa Luật sư, tôi là một tài xế lái xe taxi, hôm qua tôi có đón trả khách ở khu vực điểm dừng của xe buýt tôi có bị lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính về lỗi này. Luật sư cho tôi hỏi, với lỗi này của tôi thì bị phạt bao nhiêu tiền? có bị tước giấy phép lái xe hay không?

Luật sư tư vấn:

Ở vấn đề của khách hàng, Luật LVN Group căn cứ theo Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 và nghị định 100/2019/NĐ-CP để tư vấn cho Quý khách hàng. Vấn đề của Quý khách hàng Luật LVN Group chia ra làm ba ý nhỏ để Quý khách hàng thuận tiện hơn trong việc theo dõi bài viết.

– Thứ nhất, là về nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính

Căn cứ theo Điều 3 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 có quy định cụ thể như sau:

Điều 3. Nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính

1. Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính bao gồm:

a) Mọi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh, mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật;

b) Việc xử phạt vi phạm hành chính được tiến hành nhanh chóng, công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, bảo đảm công bằng, đúng quy định của pháp luật;

c) Việc xử phạt vi phạm hành chính phải căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, đối tượng vi phạm và tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng;

d) Chỉ xử phạt vi phạm hành chính khi có hành vi vi phạm hành chính do pháp luật quy định.

Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần.

Nhiều người cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính thì mỗi người vi phạm đều bị xử phạt về hành vi vi phạm hành chính đó.

Một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính hoặc vi phạm hành chính nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm;

đ) Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính;

e) Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

2. Nguyên tắc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính bao gồm:

a) Cá nhân chỉ bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính nếu thuộc một trong các đối tượng quy định tại các điều 90, 92, 94 và 96 của Luật này;

b) Việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính phải được tiến hành theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này;

c) Việc quyết định thời hạn áp dụng biện pháp xử lý hành chính phải căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, nhân thân người vi phạm và tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng;

d) Người có thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý hành chính có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính. Cá nhân bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính.

Có nghĩa là muốn xử phạt vi phạm hành chính thì phải áp dụng những nguyên tắc như ở trên.

– Thứ hai là, xe taxi đón trả khách ở điểm dừng của xe buýt bị phạt bao nhiêu tiền?

Tại Điểm e Khoản 2 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, có quy định:

Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: Trong đó có.

Dừng xe, đỗ xe trên đường xe điện, điểm dừng đón trả khách của xe buýt, nơi đường bộ giao nhau, trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường; dừng xe nơi có biển “Cấm dừng xe và đỗ xe”; đỗ xe tại nơi có biển “Cấm đỗ xe” hoặc biển “Cấm dừng xe và đỗ xe”; không tuân thủ các quy định về dừng xe, đỗ xe tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt; dừng xe, đỗ xe trong phạm vi an toàn của đường sắt, trừ hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 2, điểm b khoản 3 Điều 49 Nghị định này;

– Thứ ba, là lỗi này có bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe không?

Căn cứ theo quy định tại nghị định 100/2019/NĐ-CPcó quy định cụ thể như sau:

Những hành vi vi phạm bị tước GPLX ô tô từ 1-3 tháng đối với hành vi:

Vượt đèn đỏ, đèn vàng.

Không chấp hành hiệu lệnh của cảnh sát giao thông.

Điều khiển xe chạy quá tốc độ từ 20-35 km/h.

Đi vào đường cấm, đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển “cấm đi ngược chiều”.

Vi phạm nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở.

Không nhường đường hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ.

Không tuân thủ các quy định về dừng xe, đỗ xe trên đường cao tốc.

Những hành vi vi phạm bị tước GPLX ô tô từ 2-4 tháng:

Gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn.

Điều khiển xe chạy quá tốc độ trên 35 km.

Người điều khiển phương tiện đón, trả khách trên đường cao tốc.

Những hành vi vi phạm bị tước GPLX ô tô từ 3-5 tháng:

Vi phạm nồng độ cồn vượt quá 50-80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25-0,4 miligam/1 lít khí thở.

Những hành vi vi phạm bị tước GPLX ô tô từ 4-6 tháng:

Vi phạm nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở.

Không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn, chất ma túy của người thi hành công vụ.

Lùi xe, chạy ngược chiều trên cao tốc

Những hành vi vi phạm bị tước GPLX ô tô từ 22-24 tháng:

Vi phạm nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở ở mức cao nhất (phạt bổ sung từ 30-40 triệu đồng).

Như vậy có nghĩa là, với lỗi này của bạn bên cạnh việc bị xử phạt vi phạm hành chính, phạt tiền thì bạn chỉ bị tước giấy phép lái xe khi bạn có gây tai nạn giao thông.

4. Thời điểm bắt đầu tính thời hạn tước giấy phép lái xe khi bị phạt ?

Thưa Luật sư! Tôi bị xử phạt lỗi chuyển hướng ô tô không nhường đường cho xe đi ngược chiều gây tai nạn giao thông. Tôi đã bị xử phạt 150.000 đồng, bị tước giấy phép lái xe 3 tháng. Tôi muốn hỏi việc tước giấy phép lái xe của CSGT có đúng không? Nếu đúng thì thời hạn tước giấy phép lái xe là 3 tháng có phải sẽ tính từ ngày tôi bị giữ giấy tờ hôm xảy ra va chạm hay không?
Tôi xin cảm ơn!

>> Luật sư tư vấn pháp luật Giao thông, gọi: 1900.0191

Trả lời:

Thứ nhất, về việc xử phạt vi phạm hành chính:

Theo thông tin bạn cung cấp, bạn bị xử phạt 150.000 đồng về hành vi chuyển hướng không nhường đường cho xe đi ngược chiều, gây tai nạn và đồng thời bị tước giấy phép lái xe 03 tháng. Để biết việc bạn bị xử phạt như vậy là đúng hay sai, bạn tham khảo quy định sau:

Nghị định 100/2019/NĐ-CP có quy định về việc xử phạt đối với hành vi vi phạm của bạn như sau:

Điều 5. Xử phạt người điều khiển, người được chở trên xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ

1. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:…

c) Chuyển hướng không nhường đường cho: Các xe đi ngược chiều; người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật đang qua đường tại nơi không có vạch kẻ đường cho người đi bộ;

12. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:..

c) Thực hiện hành vi quy định tại Điểm b Khoản 7; Điểm c, Điểm d, Điểm đ Khoản 8 Điều này bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng. Thực hiện hành vi quy định tại một trong các Điểm, Khoản sau của Điều này mà gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng: Điểm a, Điểm b, Điểm c, Điểm d, Điểm đ, Điểm e, Điểm g, Điểm h Khoản 1; Điểm a, Điểm b, Điểm d, Điểm đ, Điểm g, Điểm h, Điểm i, Điểm k, Điểm l Khoản 2; Điểm b, Điểm c, Điểm d, Điểm đ, Điểm e, Điểm g, Điểm h, Điểm k, Điểm l Khoản 3; Điểm a, Điểm b, Điểm c, Điểm e, Điểm g, Điểm h, Điểm i Khoản 4; Khoản 5; Điểm a Khoản 6; Điểm c Khoản 7;

Đối chiếu với quy định trên, hành vi chuyển hướng không nhường đường cho xe đi người chiều dẫn đến tai nạn giao thông ngoài phạt tiền còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tước giấy phép lái xe từ 2 – 4 tháng. Trong trường hợp của bạn, CSGT ra quyết định tước giấy phép lái xe 3 tháng là đúng theo quy định pháp luật.

Thứ hai, về thời điểm bắt đầu thời hạn tước giấy phép lái xe:

Căn cứ vào quy định tại Khoản 1 Điều 66 và khoản 1 Điều 67 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 thì người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong thời hạn 07 ngày; kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính.

Đối với vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp mà không thuộc trường hợp giải trình hoặc đối với vụ việc thuộc trường hợp giải trình thì thời hạn ra quyết định xử phạt tối đa là 30 ngày, kể từ ngày lập biên bản. Quyết định xử phạt có hiệu lực kể từ ngày kí.

Bên cạnh đó, căn cứ khoản 3 Điều 81 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định:

“Điều 81. Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt

3. Thời điểm bắt đầu tính thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt như sau:

a) Trường hợp tại thời điểm ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà người có thẩm quyền xử phạt đã tạm giữ được giấy phép, chứng chỉ hành nghề của cá nhân, tổ chức vi phạm thì thời điểm bắt đầu tính thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề là thời điểm quyết định xử phạt vi phạm hành chính có hiệu lực thi hành;

b) Trường hợp tại thời điểm ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà người có thẩm quyền xử phạt chưa tạm giữ được giấy phép, chứng chỉ hành nghề của cá nhân, tổ chức vi phạm thì người có thẩm quyền xử phạt vẫn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định đối với hành vi vi phạm. Trong nội dung quyết định xử phạt phải ghi rõ thời điểm bắt đầu tính hiệu lực thi hành của hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề là kể từ thời điểm mà người vi phạm xuất trình giấy phép, chứng chỉ hành nghề cho người có thẩm quyền xử phạt tạm giữ;“

Như vậy, theo thông tin bạn cung cấp thì khi lập biên bản lỗi vi phạm của bạn thì phía CSGT đã tạm giữ Giấy phép lái xe do đó thời điểm tính thời hạn tước quyền sử dụng GPLX là thời điểm quyết định xử phạt hành chính có hiệu lực. Sau 02 tháng bạn quay trở lại giải quyết biên bản thì bạn có thể kiểm tra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính của bạn có hiệu lực từ thời điểm nào để xác định thời gian tước Giấy phép lái xe của bạn.

5, Thành phần hồ sơ cấp lại Giấy phép lái xe nếu bị mất

Người có giấy phép lái xe bị mất, còn thời hạn sử dụng hoặc quá thời hạn sử dụng dưới 03 tháng, được xét cấp lại giấy phép lái xe.

Hồ sơ bao gồm:

a) Đơn đề nghị cấp lại giấy phép lái xe theo mẫu quy định tại Phụ lục 19 ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Hồ sơ gốc phù hợp với giấy phép lái xe (nếu có);

c) Giấy khám sức khỏe của người lái xe do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp theo quy định, trừ trường hợp cấp lại giấy phép lái xe không thời hạn các hạng A1, A2, A3;

d) Bản sao giấy chứng minh, nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn có ghi số giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân (đối với người Việt Nam) hoặc hộ chiếu còn thời hạn sử dụng (đối với người nước ngoài, người Việt Nam định, cư ở nước ngoài).

Khi đến thực hiện thủ tục cấp lại giấy phép lái xe tại Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải, người lái xe gửi 01 bộ hồ sơ, chụp ảnh trực tiếp và xuất trình, bản chính các hồ sơ nêu trên (trừ các bản chính đã gửi) để đối chiếu. Sau thời gian 02 tháng kể từ ngày nộp đủ hồ sơ, chụp ảnh và nộp lệ phí theo quy định, nếu không phát hiện giấy phép lái xe đang bị các cơ quan có thẩm quyền thu giữ, xử lý; có tên trong hồ sơ của cơ quan quản lý sát hạch, thì được cấp lại giấy phép lái xe.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại gọi ngay số: 1900.0191 để được giải đáp.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật Giao thông – Công ty luật LVN Group