1. Lựa chọn mô hình pháp điển hóa pháp luật VIệt Nam

Xuất phát từ các yêu cầu đặt ra đối với công tác hệ thống hóa pháp luật trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, mô hình pháp điển hóa pháp luật Việt Nam nên theo hướng xây dựng bộ pháp điển theo chủ đề.

Theo đó, toàn bộ các quy phạm pháp luật hiện hành sẽ được tập hợp, sắp xếp, pháp điển hóa theo từng chủ đề để đưa vào bộ pháp điển. Sau khi có bộ pháp điên thì chỉ những quy phạm pháp luật ở trong bộ pháp điển là có giá trị pháp lý, những quy phạm pháp luật được ban hành trước đây mà không được đưa vào bộ pháp điển thì sẽ không có giá trị pháp lý. Những quy phạm pháp luật được ban hành sau khi có bộ pháp điển sẽ được cơ quan pháp điển quốc gia tập hợp, sắp xếp để đưa vào bộ pháp điển theo chủ đề. Trường hợp sửa đổi, bổ sung các quy phạm pháp luật trước đây thì cơ quan ban hành văn bản phải chỉ rõ sửa đổi, bổ sung những điều khoản, để mục nào của bộ pháp điển. Bộ pháp điển không chi có giá trị sử dụng mà còn có giá trị pháp lý và được viện dẫn trước Tòa án, được sử dụng như văn bản gốc.

Pháp điển hóa đem lại rất nhiều lợi ích không chỉ cho người dân mà cho cả cơ quan, cán bộ, công chức nhà nước. Đó là việc tạo lập được một hệ thống pháp luật công khai, minh bạch, thân thiện, dễ tiếp cận. Theo đó, quy định trong các văn bản pháp luật hiện hành của các cơ quan nhà nước ở trung ương sẽ được tập hợp, sắp xếp theo các chủ đề đã được xác định với những tiêu chí nhất định. Những chủ đề sẽ hợp thành bộ pháp điển gồm toàn bộ các quy phạm pháp luật của các cơ quan nhà nước ở trung ương ban hành đang có hiệu lực áp dụng, những quy phạm nào không nằm trong bộ pháp điển sẽ không có giá trị pháp lý. Để làm được bộ pháp điển này, cách làm đơn giản và khôn ngoan nhất là trích các mảng quy định liên quan đến từng chủ đề lớn trong các văn bản hiện hành, rồi đưa nguyên vẹn vào các vị trí thích hợp trong khung định sẵn của bộ pháp điển. Như vậy, việc làm bộ pháp điển không yêu cầu người làm công tác pháp điển phải có kiến thức chuyên môn quá cao hoặc đưa ra cách thức pháp điển dựa trên việc phân tích, sắp xếp quá tỉ mỉ đối với từng vấn đề cụ thể mà chỉ cần thực hiện những thao tác kỹ thuật đơn giản là trích các điều khoản từ văn bản gốc và đưa vào vị trí thích hợp trong khung định sẵn của bộ pháp điển. Với cách làm này, chỉ trong một thời gian ngắn là có thể hình thành nên bộ pháp điển có thể chấp nhận được mặc dù có thể bộ pháp điển còn có những tồn tại, thiếu sót, nhưng những tổn tại này sẽ được khắc phục ở trong giai đoạn duy trì bộ pháp điển. Khi những tồn tại này được khắc phục, bộ pháp điển vừa để phục vụ cơ quan nhà nước trong áp dụng pháp luật, vừa nhằm bảo đảm việc tra cứu văn bản thuận lợi một cách tối đa cho mọi đối tượng trong xã hội.

2. Vì sao mô hình pháp điển theo chủ đề khả thi và phù hợp với VIệt Nam?

Căn cứ vào những yêu cầu đặt ra cho việc xây dựng mô hình pháp điển hóa đáp ứng yêu cầu của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có thể thấy, với mô hình pháp điển hóa theo hướng xây dựng bộ pháp điển theo chủ đề nêu trên là khả thi và phù hợp với Việt Nam trong giai đoạn hiện nay và tương lai, bởi vì:

Thứ nhất, mô hình này được xây dựng theo các định hướng chiến lược phát triển của đất nước. Nếu mô hình này được thực hiện sẽ hiện thực hóa các định hướng và giải pháp xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật theo Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24-5-2005 của Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020;

Thứ hai, mô hình này thuận tiện tối đa cho các cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm thực thi việc xây dựng bộ pháp điển;

Thứ ba, việc sắp xếp các quy định trong một trật tự mới không làm đảo lộn quy trình ban hành văn bản theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật;

Thứ tư, chi phí pháp điển không quá lớn cho ngân sách nhà nước;

Thứ năm, thời gian hoàn thiện bộ pháp điển tương đối ngắn do được xây dựng trên nguyên tắc bảo đảm sự thuận tiện tối đa cho các cơ quan liên quan đến hoạt động này, từ cơ quan trực tiếp tiến hành pháp điển đêh các cơ quan phê chuẩn, thông qua bộ pháp điển. Nếu các cơ quan thực hiện pháp điển tiến hành một cách nhanh chóng việc tập hợp và sắp xếp các quy phạm pháp luật, bộ pháp điển có thể sẽ được hoàn thành trong thời gian tương đối ngắn (2 năm để hoàn thành công việc này là khả thi);

Thứ sáu, mô hình này còn có cơ chế cập nhật thuận tiện hướng tới việc duy trì bộ pháp điển một cách bền vững, không bị lạc hậu, lỗi thời so với quá trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật;

Thứ bảy, mô hình pháp điển hóa theo hướng xây dựng bộ pháp điển theo chủ để được xây dựng trên cơ sở tham khảo mô hình thí điểm pháp điển các quy phạm pháp luật về tổ chức và hoạt động của Quốc hội, về sở hữu trí tuệ do Văn phòng Quốc hội, Thường trực ủy ban pháp luật, Bộ Khoa học và Công nghệ phôi hợp với các cơ quan hữu quan thực hiện trong năm 2009 và 2010. Chỉ trong thời gian ba tháng, nhóm chuyên gia pháp điển của Bộ khoa học và Công nghệ cùng một số cơ quan, tổ chức liên quan đã rà soát, tập hợp, sắp xếp các quy phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ; lây câu trúc của luật làm gốc, bổ sung các quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành vào cấu trúc chủ đề; các quy phạm pháp luật được sắp xếp theo thứ bậc pháp lý từ cao đến tháp để cho ra đời bộ pháp điển về sở hữu trí tuệ 748 trang. Với kết quả thí điểm này, có thể nói mô hình pháp điển hóa theo hướng mà người viết nêu ra là khả thi;

Thứ tám, mô hình này được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu đặc điểm, tính chất, quá trình hình thành và phát triển của hệ thống pháp luật Việt Nam; tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm pháp điển hóa của một số nước theo hệ thống thông luật và dân luật trên thế giới.

3. Tổ chức triển khai thực hiện pháp điển hóa theo chủ đề có gặp khó khăn gì không?

Với các quy định về việc xây dựng Bộ pháp điển cũng như thực tế các điều kiện bảo đảm cho việc xây dựng Bộ pháp điển hiện nay thì để xây dựng thành công Bộ pháp điển, các cơ quan thực hiện pháp điển sẽ gặp không ít khó khăn thách thức như:

– Thứ nhất công tác pháp điển hiện nay là việc làm mới ở Việt Nam: Pháp điển trong lịch sử Việt Nam hầu hết là pháp điển về mặt nội dung, còn hiện nay, pháp điển ở Việt Nam là pháp điển về mặt hình thức. Công tác xây dựng Bộ Pháp điển ở Việt Nam sử dụng hình thức pháp điển về hình thức là do hệ thống pháp luật của Việt Nam hiện nay còn cồng kềnh, phức tạp, nhiều tầng nấc, thường xuyên thay đổi và có nhiều hạn chế. Ngoài ra, đây cũng là lần đầu tiên kể từ khi thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa năm 1945, Nhà nước có chủ trương xây dựng một Bộ pháp điển chung nhất, được sử dụng chính thức. Do vậy, công tác pháp điển theo quy điển theo quy định tại Pháp lệnh pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật hiện nay là việc làm hoàn toàn mới, chưa có tiền lệ, chưa có kinh nghiệm.

– Thứ hai, việc giao cho quá nhiều cơ quan (27 bộ, ngành) có thẩm quyền thực hiện pháp điển gây khó khăn cho việc triển khai thực hiện pháp điển và tốn nhiều thời gian, kinh phí: Theo Điều 4 Pháp lệnh pháp điển thì có tới 27 bộ, ngành có thẩm quyền thực hiện pháp điển. Trong đó, tại các bộ, ngành, việc thực hiện pháp điển các quy phạm pháp luật lại được giao cho nhiều đơn vị trực thuộc chủ trì thực hiện. Hiện nay, trong 27 bộ, ngành thì có tới khoảng hơn hai trăm đơn vị trực thuộc được giao thực hiện nhiệm vụ pháp điển.

– Thứ ba, giá trị pháp lý của Bộ pháp điển không cao nên sự quyết tâm của các bộ, ngành trong việc thực hiện pháp điển cũng không cao: Theo quy định tại Điều 5 của Pháp lệnh pháp điển thì Bộ pháp điển được sử dụng để tra cứu trong áp dụng và thực hiện pháp luật. Như vậy, Bộ pháp điển có giá trị pháp lý không cao, không có giá trị trong áp dụng và thực hiện pháp luật mà chỉ được sử dụng để tra cứu trong áp dụng và thực hiện pháp luật.

4. Những lợi ích pháp điển hóa mang lại

– Tiện lợi trong việc tìm kiếm, tra cứu, thỏa mãn nhu cầu sử dụng và tìm hiểu các quy định của pháp luật. Công tác pháp điển là việc sắp xếp các quy phạm pháp luật vào các đề mục trong các chủ đề với phạm vi nội dung được xác định rõ ràng, ổn định, có tính hệ thống cao. Theo quy định của Pháp lệnh pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật thì Bộ pháp điển của Việt Nam được cấu trúc theo chủ đề, hiện nay, Bộ pháp điển có 45 chủ đề được đánh số thứ tự từ số 1 đến số 45, trong đó, mỗi chủ đề chứa đựng các quy phạm pháp luật điều chỉnh các nhóm quan hệ xã hội nhất định được xác định theo lĩnh vực.

– Bảo đảm tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật và góp phần nâng cao sự tin tưởng của người dân vào hệ thống pháp luật. Sau khi Chính phủ thông qua từng phần của Bộ pháp điển thì kết quả đó được đăng tải và duy trì thường xuyên, liên tục trên Cổng thông tin điện tử pháp điển và được sử dụng miễn phí.

– Pháp điển góp phần nâng cao tính thống nhất, tính đồng bộ của hệ thống quy phạm pháp luật. Các quy phạm pháp luật từ cấp Thông tư trở lên đang còn hiệu lực (trừ Hiến pháp và các quy định thuộc về bí mật nhà nước) được thực hiện pháp điển theo một quy trình nhất định, bảo đảm các quy phạm pháp luật đang có hiệu lực phải được tập hợp đầy đủ, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, phù hợp, từ đó phát hiện những quy định trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo, không phù hợp để có các biện pháp xử lý kịp thời.

5. Cơ sở pháp lý tiến hành pháp điển

Ngày 16/4/2012, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật, tạo cơ sở pháp lý nền tảng cho công tác xây dựng Bộ pháp điển của Nhà nước. Hiện nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Pháp lệnh pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật về cơ bản đã đầy đủ, bảo đảm cho công tác xây dựng Bộ pháp điển. Theo Đề án xây dựng Bộ pháp điển đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Quyết định số 1267/QĐ-TTg ngày 29/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ), Bộ Pháp điển có lộ trình xây dựng trong 10 năm từ 2014 đến 2023 và chia thành ba giai đoạn: Giai đoạn 1 (2014 – 2017) hoàn thành 22 đề mục; Giai đoạn 2 (2018 – 2020) hoàn thành 144 đề mục và Giai đoạn 3 (2021 – 2023) hoàn thành 99 đề mục.

 

LUẬT LVN GROUP (Sưu tầm & Biên tập)