1. Chủ quyền quốc gia là gì?

Một quốc gia có chủ quyền là tổng thể chính trị với chủ quyền nội bộ thực sự trên lãnh thổ địa lý và không phụ thuộc hay lệ thuộc vào quyền lực của bất kỳ quốc gia nào khác.

Trong phạm vi lãnh thổ của mình, quốc gia có quyền tối cao về lập pháp, hành pháp và tư pháp. Mọi vấn đề chính trị, kinh tế văn hoá, xã hội của quốc gia phải do quốc gia đó quyết định, các quốc gia khác cũng như các tổ chức quốc tế không có quyền can thiệp, mọi tổ chức, cá nhân cư trú trên lãnh thổ của quốc gia đó phải tuân thủ pháp luật của quốc gia nếu điều ước quốc tế mà quốc gia đã ký kết không có quy định khác.

Trong quan hệ quốc tế, quyền độc lập của quốc gia thể hiện ở chỗ:

– Tự quyết định mọi vấn đề đối nội và đối ngoại của mình, các quốc gia khác không có quyền can thiệp hoặc áp đặt; không có một thế lực nào, cơ quan nào đứng trên quốc gia, có quyền đặt ra pháp luật và bắt buộc quốc gia phải thực hiện.

– Quốc gia chỉ có nghĩa vụ tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế hiện đại, các quy định của điều ước quốc tế mà quốc gia đã ký kết hoặc tham gia, đồng thời tôn trọng các tập quán quốc tế cũng như các điều ước quốc tế do các quốc gia khác ký kết phù hợp với những nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế hiện đại.

2. Chủ quyền quốc gia trong pháp luật quốc tế

Luật pháp quốc tế hiện đại đã đặt chủ quyền quốc gia lên vị trí quan trọng hàng đầu trong quan hệ quốc tế. Điều này được thể hiện ở Điều 2 – Hiến chương Liên hiệp quốc (LHQ) về Tuyên bố trao trả độc lập cho các nước và dân tộc thuộc địa năm 1960 (Được thông qua theo Nghị quyết số 1514 (XV) ngày 1-4-1960 của Đại hội đồng LHQ), trong đó quy định: Tất cả các dân tộc có quyền tự quyết, xuất phát từ quyền này, các dân tộc tự do quyết định địa vị chính trị của mình và tự do theo đuổi sự phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa… Tất cả các quốc gia phải tuân thủ một cách nghiêm túc và chặt chẽ các quy định của Hiến chương LHQ, Tuyên ngôn Nhân quyền Thế giới và Tuyên bố này trên cơ sở bình đẳng, không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia và tôn trọng chủ quyền của tất cả các dân tộc và sự toàn vẹn lãnh thổ của họ.

Tuyên bố về các nguyên tắc của luật pháp quốc tế điều chỉnh quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia phù hợp với tuyên bố về các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế điều chỉnh quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia của Đại hội đồng LHQ năm 1970 (Nghị quyết 2625 (XXV) của Đại hội đồng LHQ ngày 24-10-1970), trong đó có nguyên tắc về bình đẳng chủ quyền của các quốc gia: Tất cả mọi quốc gia đều bình đẳng về chủ quyền. Các quốc gia bình đẳng về quyền và nghĩa vụ và là những thành viên bình đẳng của cộng đồng quốc tế, bất chấp sự khác biệt về chế độ kinh tế, chính trị và xã hội. Cụ thể, bình đẳng về chủ quyền bao gồm những nội dung sau: Tất cả các quốc gia bình đẳng về mặt pháp lý; Mỗi quốc gia được hưởng các quyền xuất phát từ chủ quyền hoàn toàn; Mỗi quốc gia có nghĩa vụ tôn trọng tư cách của các quốc gia khác; Sự toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị của quốc gia là bất khả xâm phạm; Mỗi quốc gia có quyền tự do lựa chọn và phát triển chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội của mình; Mỗi quốc gia có nghĩa vụ tuân thủ một cách đầy đủ và có thiện chí các nghĩa vụ quốc tế của mình và chung sống trong hòa bình với các quốc gia khác.

3. Quyền con người có phải là tuyệt đối?

Không ai phủ nhận vai trò của cá nhân – những thực thể cấu thành xã hội loài người nói chung, các cộng đồng dân tộc nói riêng. Cũng không ai phủ nhận tầm quan trọng của quyền con người, với ý nghĩa là những giá trị nhân văn, là động lực thúc đẩy sự tiến bộ của các dân tộc và toàn nhân loại. Tuy nhiên, việc tuyệt đối hóa và cực đoan hóa các quyền cá nhân có thực sự thúc đẩy sự phát triển của các xã hội và bảo vệ các quyền của mọi cá nhân?

Không thể phủ nhận rằng cá nhân không bao giờ và không thể tồn tại tách rời với cộng đồng. Trong mối quan hệ với cộng đồng, mỗi cá nhân có các quyền tự do, nhưng không phải là những quyền tự do tuyệt đối. Nếu mọi cá nhân có các quyền tự do tuyệt đối, cộng đồng sẽ không tồn tại. Bên cạnh các quyền cá nhân, có quyền tập thể của cả cộng đồng. Quyền này nhằm mục đích bảo đảm những lợi ích chung của tất cả các thành viên. Quyền cộng đồng hoàn toàn không phải là sản phẩm của sự tự biện mà là kết tinh của nền văn minh nhân loại và đã được thừa nhận đồng thời với các quyền cá nhân trong các văn kiện quốc tế về nhân quyền.

Sau khi ghi nhận các quyền cá nhân, Tuyên ngôn thế giới về quyền con người năm 1948, tại Điều 29 đồng thời quy định rằng “Ai cũng có nghĩa vụ đối với cộng đồng…; Trong khi thực hiện những quyền tự do của mình, ai cũng phải chịu những giới hạn do luật pháp quy định vì quyền tự do của người khác và những đòi hỏi chính đáng về đạo lý, trật tự công cộng…”. Như vậy, có nghĩa là quyền của cộng đồng phải được đặt cao hơn các quyền của cá nhân. Cực đoan hóa các quyền cá nhân tất yếu dẫn tới vi phạm các quyền của cộng đồng, làm tổn hại lợi ích chung của toàn xã hội.

4. Quyền con người có thể được bảo đảm khi dân tộc mất tự do?

Nhân quyền dựa trên nguyên tắc cơ bản là bình đẳng. Khái niệm bình đẳng hiểu theo nghĩa đầy đủ bao gồm bình đẳng giữa các cá nhân và giữa các quốc gia, dân tộc, vì xét về mặt xã hội, không có cá nhân nào tồn tại ngoài quốc gia, dân tộc. Điều đó có nghĩa là chỉ khi các quốc gia, dân tộc bình đẳng thì các cá nhân của các quốc gia, dân tộc đó mới được tự do, bình đẳng. Muốn có nhân quyền trước hết chúng ta phải thực sự có chủ quyền. Nhân quyền phải dựa trên các điều kiện kinh tế, xã hội của mỗi quốc gia chứ không phải phụ thuộc vào sự áp đặt của “nước lớn” giành cho “nước bé”. Nếu chủ quyền của một quốc gia, dân tộc bị xâm phạm, bị chà đạp thì nhân quyền của những cá nhân trong quốc gia, dân tộc đó cũng khó mà được bảo đảm.

Bởi vậy, ngay từ khi nhân quyền được pháp điển hóa trong luật quốc tế, có một nguyên tắc mặc nhiên được thừa nhận đó là, chủ quyền quốc gia là tiền đề để bảo đảm nhân quyền. Không chỉ vậy, theo tinh thần của hai công ước năm 1966 của LHQ thì chủ quyền quốc gia là một dạng đặc biệt quan trọng của nhân quyền (một quyền con người cụ thể).

Lịch sử LHQ cho thấy, một phần quan trọng trong các hoạt động thúc đẩy nhân quyền của tổ chức lớn nhất hành tinh này 75 năm qua được dành cho cuộc đấu tranh giành chủ quyền của các dân tộc thuộc địa mới được hưởng các quyền và tự do như công dân của mẫu quốc từng đô hộ họ.

Về phương diện đối nội, cho dù là những chuẩn mực quốc tế, các quyền con người không mặc nhiên trở thành hiện thực trên thế giới nếu không được thể chế hóa vào pháp luật, chính sách của các quốc gia. Vì thế, chủ quyền quốc gia không làm tổn hại đến nhân quyền, mà ngược lại, là điều kiện để sản sinh ra các công cụ hiện thực hóa nhân quyền.

Đó là lý do giải thích tại sao luật pháp quốc tế không chấp nhận hành động xâm phạm chủ quyền với danh nghĩa bảo vệ nhân quyền. Thay vào đó, để thúc đẩy sự hưởng thụ nhân quyền của tất cả thành viên trong “gia đình” nhân loại, LHQ sử dụng các giải pháp hợp tác, đối thoại và trợ giúp quốc tế.

Nếu một quốc gia coi trọng nhân quyền hơn hoặc quá coi trọng chủ quyền mà dẫn đến vi phạm quyền con người thì đó đều không phải là chủ trương hợp lý. Điều đó rất có thể sẽ bị lợi dụng trở thành công cụ của tổ chức chống phá nhà nước. Để tăng trưởng kinh tế, thịnh vượng không còn con đường nào nào khác là phải hội nhập quốc tế, tham gia vào tiến trình toàn cầu hóa nhằm nâng cao những vấn đề liên quan đến quyền dân sự, chính trị, văn hóa, xã hội của người dân nhưng một mặt vẫn phải đảm bảo quyền độc lập tự chủ, chủ quyền quốc gia. Trên thực tế, chủ quyền quốc gia được xác lập là cơ sở để bảo vệ và phát triển nhân quyền đích thực của nhân dân mỗi nước. Một quốc gia không có chủ quyền dân tộc, thì không thể nói đến chuyện nhân quyền. Các quyền như: không bị phân biệt đối xử, quyền sống, ,quyền tự do và an toàn thân thể; quyền bình đẳng trước pháp luật; quyền được bảo vệ khỏi bị bắt, giam giữ hay lưu đày tùy tiện….và rất nhiều quyền khác không thể được đảm bảo theo đúng nghĩa. Nếu mất chủ quyền quốc gia thì nhân quyền chắc chắn bị vi phạm. Luật quốc tế hiện đại thừa nhận cả nhân quyền và chủ quyền quốc gia đều là những nguyên tắc cơ bản, cộng đồng quốc tế pahir có trách nhiệm bảo vệ nhân quyền và chủ quyền quốc gia. Việc cải thiện tình hình nhân quyền của mỗi nước chỉ có thể thực hiện được khi nhà nước có chủ quyền và được lãnh đảo bởi một tổ chức và thông qua sự nỗ lực của toàn dân. Cho nên, phải có chủ quyền quốc gia mới có điều kiện để bảo vệ và phát triển nhân quyền đích thực.

Nhân quyền và chủ quyền quốc gia đều là những nội dung cơ bản trong đời sống chính trị ở mỗi quốc gia cũng như trên phạm vi quốc tế, và đều được ghi nhận là những nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế hiện đại. Trong thời đại chúng ta, việc tôn trọng chủ quyền quốc gia được ghi nhận như là nguyên tắc hàng đầu của luật quốc tế hiện đại. Nội dung của chủ quyền quốc gia được bao hàm trong các nội dung luật pháp quốc tế hiện đại hoàn toàn không mâu thuẫn với nhân quyền; ngược lại, đó chính là điều kiện thuận lợi bên trong và bên ngoài sự bảo vệ và phát triển nhân quyền đích thực. Không một quốc gia nào được lợi dụng vấn đề nhân quyền như là một công cụ gây sức ép trong quan hệ quốc tế, gắn nhân quyền với viện trợ kinh tế thương mại, tuyệt đối không được lôi kéo các tổ chức quốc tế trong thực hiện các mưu đồ chính trị khi xử lý các vấn đề nhân quyền.

Nhân quyền và chủ quyền có mối quan hệ gắn bó mật thiết sâu sắc. Việc lợi dụng nhân quyền để can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của quốc gia này đối với quốc gia khác đang diễn ra khá phổ biến và điều này là vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế. Thách thức trong thời đại toàn cầu hóa là làm sao dung hòa được việc giữ gìn chủ quyền quốc gia và bảo tồn bản sắc văn hóa, đồng thời nỗ lực hết mình để giữ vững vị thế của mình trong thời đại toàn cầu hóa. Vì vậy, trong quá trình hội nhập quốc tế và khu vực, nhất là bối cảnh toàn cầu hóa về kinh tế, cần có quan điểm đúng đắn để giải quyết mối quan hệ giữa nhân quyền và chủ quyền quốc gia, bảo vệ, phát triển nhân quyền, đồng thời giữ vững chủ quyền quốc gia, độc lập dân tộc mới bảo đảm cho sự phát triển bền vững.

Bất cứ quốc gia nào muốn đảm bảo tốt nhất nhân quyền của quốc gia mình theo những quy định của luật quốc tế thì đều phải tiến hành hội nhập. Nếu phải hội nhập trong điều kiện mà chủ quyền quốc gia bị xâm phạm, phải hy sinh bản sắc văn hóa và không kiểm soát được sự phát triển dễ dàng dẫn đến sự phản đối của người dân do nhân quyền bị xâm phạm. Do vậy, để dung hòa mọi lợi ích trong xã hội và bảo vệ chủ quyền quốc thì quốc gia đó cần có những quyết sách hợp lý, mềm dẻo. Lựa chọn con đường phát triển bền vững và không quá lệ thuộc vào các quốc gia khác. Một quốc gia mà chủ quyền bị xâm phạm hoặc một quốc gia luôn khép kính thì người dân không thể có nhân quyền đầy đủ. Vậy các quốc gia cần đưa ra những lựa chọn đúng đắn trong việc phát triển kinh tế xã hội của đất nước không phải là bất chấp tất cả và trà đạp lên những giá trị quyền con người để phát triển.

Như vậy, mối quan hệ giữa chủ quyền quốc gia và chính sách hội nhập quốc tế để bảo vệ, phát triển các yếu tố liên quan đến đảm bảo quyền con người vừa có tính bổ sung, vừa có tính hạn chế lẫn nhau. 

5. Chủ trương nhân quyền và chủ quyền ở Việt Nam

Ở nước ta, quan điểm về chủ quyền phải luôn gắn với nhân quyền. Tiếp thu nền tảng lý luận và quan điểm thời đại, trong Tuyên ngôn độc lập năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng…”, “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do” và phân biệt rõ nhân quyền ở các nước chính quốc khác với các nước thuộc địa. Với Hồ Chí Minh, độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia là “quyền tự nhiên” của các dân tộc mà cộng đồng quốc tế phải thừa nhận.

Tiếp thu tinh hoa của Tư tưởng Hồ Chí Minh, tôn trọng các nguyên tắc của LHQ, Đảng, Nhà nước ta luôn khẳng định chủ quyền là cơ sở để bảo đảm quyền con người được thực thi có hiệu quả trên thực tế. Đảng ta khẳng định: Quyền con người gắn với quyền dân tộc cơ bản và thuộc chủ quyền quốc gia. Trong đó, gắn độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ với chế độ xã hội do nhân dân làm chủ dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, các quyền công dân và quyền con người được tôn trọng và bảo đảm đã đi vào Cương lĩnh, đường lối, chính sách của Đảng, Hiến pháp và hệ thống pháp luật quốc gia xuyên suốt các giai đoạn cách mạng, từ khi dân tộc ta giành được độc lập đến nay. Bảo đảm quyền con người vừa là mục tiêu vừa là động lực của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội trên cơ sở giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ vì hòa bình, ổn định, phát triển của khu vực và thế giới.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi.  Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.0191 để được giải đáp.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Luật LVN Group – Sưu tầm & biên tập