1. Khái niệm tài sản là gì?

Trong ngôn ngữ đời thường, tài sản được hiểu là của cải, tiền bạc. “Tài sản có thể được hiểu là bất cứ thứ gì có giá trị, một khái niệm rộng và không giới hạn, luôn được bồi đắp thêm bởi những giá trị mới mà con người nhận thức ra”.

Dưới góc độ luật học, tài sản được giải nghĩa là một từ được sử dụng chung để chỉ mọi thứ là đối tượng của quyền sở hữu, hoặc hữu hình hoặc vô hình, hoặc động sản hoặc bất động sản. Như vậy, có thể hiểu, khái niệm tài sản được nhìn nhận trong mối quan hệ với quyền sở hữu và được xem xét dưới các khía cạnh đa dạng như tài sản hữu hình, tài sản vô hình, động sản và bất động sản.

Điều 105 Bộ luật Dân sự năm 2015 có định nghĩa về tài sản như sau:

“Điều 105. Tài sản

1. Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.

2. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.”

Như vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành thì tài sản được định nghĩa theo kiểu liệt kê các loại tài sản của điều luật này dễ dẫn đến tình trạng bỏ sót những dạng tài sản khác.

Đặc điểm pháp lý cơ bản của tài sản

Thứ nhất, tài sản là những đối tượng mà con người có thể sở hữu được. Nếu tài sản là vật hữu hình thì con người có thể nắm giữ hoặc chiếm giữ được thông quan các giác quan tiếp xúc; nếu tài sản là vật vô hình thì con người phải có cách thức để quản lý và kiểm soát sự tồn tại của chúng.

Thứ hai, tài sản phải mang lại những lợi ích nhất định cho con người, có giá trị và trị giá được thành tiền, ở đây cần có sự phân biệt giữa yếu tố giá trị và trị giá được thành tiền của tài sản. Tài sản có giá trị được hiểu là tài sản đó có ý nghĩa về mặt tinh thần hay có giá trị sử dụng cụ thể nào đó với mỗi chủ thể khác nhau. Do đó, không phải mọi tài sản có giá trị thì đều có thể trị giá được thành tiền.

2. Khái quát chung về tài sản bảo đảm

2.1. Khái niệm tài sản bảo đảm

Tính đến thời điểm hiện tại, khái niệm tài sản bảo đảm chưa được quy định trong bất kỳ văn bản pháp luật nào của nước ta. Cách hiểu về tài sản bản đảm chỉ được đúc rút từ những quy định về biện pháp bảo đảm nói chung.

Dưới góc độ nghiên cứu lý luận, việc xây dựng một khái biện về tài sản bảo đảm là cần thiết để hoàn thiện hơn nữa hệ thống các quy định pháp luật về giao dịch bảo đảm. Khái niệm tài sản bảo đảm được tìm hiểu với các cách tiếp cận khác nhau:

Thứ nhất, khái niệm tài sản bảo đảm được tiếp cận dưới góc độ là đối tượng của hợp đồng bảo đảm. Đối tượng của hợp đồng bảo đảm là tài sản bảo đảm, chứ không phải quyền sở hữu tài sản bảo đảm cũng như không phải giá trị của tài sản bảo đảm. Bởi chỉ có tài sản bảo đảm mới đáp ứng được điều kiện cơ bản của đối tượng hợp đồng là tài sản và có tính cụ thể, tính xác định, có thể chuyên giao lưu trong các giao lưu dân sự.

Thứ hai, tài sản bảo đảm được tiếp cận dưới góc độ là phương tiện (lượng vật chất) để bảo đảm quyền lợi cho bên nhận bảo đảm. Nếu quyền trên tài sản bảo đảm được đăng ký – sẽ là cở sở để bên nhận bảo đảm tuyên bố công khai quyền của mình trên tài sản. Khi cần bảo đảm cho quyền lợi của mình, bên nhận bảo đảm có thể thực hiện quyền truy đồi đối với số tài sản và năm giữ vị trí ưu tiên trước các chủ thể khác khi thanh toán từ số tiền thu được do xử lý tài sản bảo đảm.

Như đã phân tích ở trên, có thể thấy tài sản bảo đảm trước hết phải là đối tượng của hợp đồng bảo đảm bởi hợp đồng bảo đảm là hình thức ghi nhận sự thỏa thuận của các bên trong việc lựa chọn tài sản bảo đảm. Nhưng để bên nhận bảo đảm có đầy đủ các quyền năng trên tài sản bảo đảm thì bên nhận bảo đảm phải đăng ký công bố quyền tài sản.

Tóm lại, có thể hiều khái niệm tài sản bảo đảm như sau: “Tài sản bảo đảm là vật hoặc quyền được các chủ thể thỏa thuận lựa chọn để bảo đảm quyền của bên nhận bảo đảm khi có sự vi phạm nghĩa vụ được bảo đảm”.

2.2. Đặc điểm pháp lý của tài sản bảo đảm

Thứ nhất, tài sản bảo đảm phải đặt trong sự chi phối có tính logic với chế định về quyền sở hữu và được soi sáng với những học thuyết cơ bản về quyền sở hữu. Quyền sở hữu là căn cứ để hình thành nên quyền đối với tài sản bảo đảm, vì chỉ có chủ sở hữu của tài sản mới có quyền dùng tài sản của mình bảo đảm chi việc thực hiện nghĩa vụ của mình hoặc của người khác. Một tài sản có trở thành tài sản bảo đảm hay không là phụ thuộc vào ý chí định đoạt của chủ sở hữu tài sản đó. Thông thường chỉ có chủ sở hữu hay người được chủ sở hữu ủy quyền mới có cơ sở dùng tài sản là vật bảo đảm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Điều 295 Bộ luật Dân sự năm 2015 ghi nhận một nguyên tắc “Tài sản bảo đảm phải thuộc quyền sở hữu của bên bảo đảm”.

Thứ hai, tài sản bảo đảm là đối tượng của hợp đồng bảo đảm, do vậy, phải tuân thủ các điều kiện nói chung của đối tượng hợp đồng là tính xác định (tính cụ thể) và có thể chuyển giao trong các giao lưu dân sự. Tính xác định của tài sản bảo thể hiện ở hai góc độ: tính xác định về pháp lý và tính xác định về vật lý.

+ Đối với tài sản là vật, các bên phải xác định được vật là động sản hay bất động sản, người đang thực tế chiếm giữ là ai (nếu người chiếm giữ không đồng thời là chủ sở hữu đối với tài sản thì họ có mối quan hệ như thế nào với bên bảo đảm), xác định được giá trị của tài sản đó

+ Đối với tài sản là quyền thì phải xác định chủ thể có nghĩa vụ đối với quyền đó (nếu đó là quyền yêu cầu) hay giấy tờ đăng ký độc quyền đối với tài sản đó (nếu đó là quyền sở hữu trí tuệ).

Thêm vào đó, tài sản bảo đảm phải đáp ứng tính xác định về chủ sở hữu của tài sản, tình trạng pháp lý của tài sản như: không phải là tài sản đang có tranh chấp hay không phải đối tượng bị kê biên hay có quyết định thu hồi của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đặc điểm có thể chuyển giao trong giao lưu dân sự bị chi phối bởi hai yếu tố: không bị pháp luật cấn (như tài sản là hàng hóa cấm lưu thông) và không phải là tài sản có gắn với yếu tố nhân thân, có giá trị lịch sử, có giá trị tín ngưỡng, tâm linh (như bằng cử nhân đại học có gắn với yếu tố nhân thân, quyền sử dụng đất nghĩa trang của dòng họ,…). Yếu tố có thể chuyển giao trong giao dịch dân sự có thể giải thích là tài sản bảo đảm có thể bán được, có thể chuyển dịch quyền sở hữu cho người khác để khấu trừ cho giá trị của nghĩa vụ của biện pháp bảo đảm.

Thứ tư, tài sản bảo đảm vẫn thuộc quyền chiếm hữu và quyền sở hữu của bên bảo đảm. Bởi lẽ đó, trong thời hạn bảo đảm, bên bảo đảm vẫn có quyền bán, cho thuê, thế chấp tiếp hay thực hiện các giao dịch khác đối với tài sản bảo đảm một khi thông tin về tình trạng pháp lý của tài sản bảo đảm đã được công bố công khai thông qua thủ thục đăng ký.

Thứ năm, các quyền của bên nhận bảo đảm đối với tài sản bảo đảm không bị chấm dứt hoặc vô hiệu bởi các giao dịch được thiết lập sau đó liên quan đến tài sản bảo đảm. Mọi sự thay đổi đối với tài sản bảo đảm ban đầu không làm mất đi tính bảo đảm của nó đối với bên nhận bảo đảm vì bên nhận bảo đảm hướng tới giá trị của tài sản bảo đảm chứ không phải là các hình thức tồn tại của tài sản bảo đảm. Khi bất động sản được chuyển dịch cho người khác thì việc thế chấp đã xác lập trên bất động sản đó vẫn tồn tại. Như vậy, có thể khẳng định quyền truy đòi bất động sản từ sử chiếm giữ của bất kỳ ai ngoài người bảo đảm khi không có sự đồng ý của bên nhận bảo đảm về sự chuyển dịch của tài sản bảo đảm. Nếu tài sản bảo đảm đã bị tiêu hủy hoặc không thể tìm thấy thì quyền yêu cầu thanh toán tiền hay khoản tiền bán tài sản bảo đảm mà bên bảo đảm thu được sẽ trở thành tài sản bảo đảm thay thế.

Thứ sáu, tài sản bảo đảm luôn có xu hướng xuất hiện những loại tài sản thế chấp mới tại do bản chất tài sản là một khái niệm “động”. Hiện nay, theo sự pháp triển của kinh tế, kỹ thuật và khoa học như tài sản ảo trên mạng internet, uy tín, các dòng năng lượng, khả năng đặc biệt của con người. Do vậy, bên cạnh những tài sản bảo đảm truyền thống như nhà cửa, đất đai,… thì còn có các loại tài sản bảo đảm khác xuất hiện như các nguồn thu,…

3. Điều kiện đối với tài sản bảo đảm

Điều 295 BLDS 2015 quy định:

“Điều 295. Tài sản bảo đảm

1. Tài sản bảo đảm phải thuộc quyền sở hữu của bên bảo đảm, trừ trường hợp cầm giữ tài sản, bảo lưu quyền sở hữu.

2. Tài sản bảo đảm có thể được mô tả chung, nhưng phải xác định được.

3. Tài sản bảo đảm có thể là tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai.

4. Giá trị của tài sản bảo đảm có thể lớn hơn, bằng hoặc nhỏ hơn giá trị nghĩa vụ được bảo đảm.”

– Điều kiện thứ nhất, Tài sản bảo đảm phải thuộc quyền sở hữu của bên bảo đảm
Có thể thấy, nội dung của điều kiện thứ nhất chưa phù hợp với thực tiễn xác lập và thực hiện các giao dịch bảo đảm. Ví dụ, đối với đất đai, Hiến pháp năm 2013 (Điều 53), Luật Đất đai năm 2013 (Điều 167) ở Việt Nam quy định: Đất đai là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Tổ chức, cá nhân có quyền thế chấp quyền sử dụng đất (không phải là quyền sở hữu) để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Ngoài ra, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017, Điều 6 Khoản 1 quy định: “Mọi tài sản công đều phải được Nhà nước giao quyền quản lý, quyền sử dụng và các hình thức trao quyền khác cho cơ quan, tổ chức, đơn vị và đối tượng khác”. Vậy, tài sản công chỉ thuộc quyền quản lý, sử dụng của các đơn vị, tổ chức mà không phải thuộc quyền sở hữu. Nếu quy định “cứng” trong BLDS là tài sản phải thuộc quyền sở hữu của bên bảo đảm là không hợp lý, cần được bổ sung theo hướng có thể là cả tài sản thuộc quyền sử dụng, quản lý của bên bảo đảm.
– Điều kiện thứ hai, tài sản bảo đảm có thể được mô tả chung, nhưng phải xác định được.
Điều kiện thứ hai yêu cầu tài sản phải xác định được. Trong khi đó, nếu tài sản bảo đảm là tài sản hình thành trong tương lai thì điều kiện này rất khó đáp ứng (ví dụ bảo đảm bằng chứng khoán sẽ được đấu giá thành công trong tương lai). Bởi lẽ, rất khó xác định số lượng và giá trị chứng khoán sẽ mua được, vì việc đấu giá theo quy luật cung cầu trên thị trường và theo các nguyên tắc của thị trường chứng khoán. Vì vậy, BLDS nên chỉ dừng ở điều kiện về việc yêu cầu tài sản phải mô tả được. Tuy nhiên, cũng cần có hướng dẫn cụ thể đối với mô tả tài sản đặc thù như hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất kinh doanh, hàng tồn kho, quyền tài sản, tài sản hình thành trong tương lai. Điều này có ý nghĩa trong việc đảm bảo tính hiệu lực của các giao dịch bảo đảm.
– Điều kiện thứ ba, tài sản bảo đảm có thể là tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai.
Cách quy định điều kiện thứ ba của BLDS về giá trị tài sản bảo đảm là không cần thiết vì không có ý nghĩa (nhỏ, lớn hoặc bằng giá trị nghĩa vụ bảo đảm đều được). Điều quan trọng là tài sản phải được phép giao dịch và có giá trị, có tính thanh khoản. Do đó, BLDS nên quy định theo hướng tài sản bảo đảm phải có giá trị, được phép giao dịch và có tính thanh khoản. Điều này xuất phát từ bản chất của các giao dịch bảo đảm để bảo đảm cho việc thực hiện nghĩa vụ khi nghĩa vụ bị vi phạm và quyền lợi của chủ nợ cần được bảo vệ thông qua việc xử lý tài sản bảo đảm.