1. Mua bán phụ nữ là gì?
Mua bán phụ nữ là hành vi dùng tiền hoặc phương tiện thanh toán khác để trao đổi phụ nữ như hàng hóa. Mua bán phụ nữ là hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm nhân phẩm, danh dự của người phụ nữ.
2. Quy định về tội mua bán phụ nữ theo Bộ luật Hình sự
Căn cứ Điều 150 BLHS 2015 về tội mua bán người quy định:
“1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc thủ đoạn khác thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác;
b) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác;
c) Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người khác để thực hiện hành vi quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản này.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 08 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Vì động cơ đê hèn;
c) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 3 Điều này;
d) Đưa nạn nhân ra khỏi biên giới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
đ) Đối với từ 02 người đến 05 người;
e) Phạm tội 02 lần trở lên.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Có tính chất chuyên nghiệp;
b) Đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
c) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
d) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát;
đ) Đối với 06 người trở lên;
e) Tái phạm nguy hiểm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”.
So sánh với Điều 119 Bộ luật hình sự năm 1999 (được sửa đổi bổ sung năm 2009) thì quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 về tội “Mua bán người” đã có những sự thay đổi đáng kể.
Về cấu thành cơ bản Bộ luật hình sự năm 1999 chỉ quy định: “Người nào mua bán người thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm” theo quy định này một thời gian dài các cơ quan chức năng đã hiểu rằng chỉ cần người nào có hành vi coi con người là một loại hàng hóa dùng để trao đổi mua bán là đã đáp ứng cấu thành cơ bản của tội phạm.
Điều 150 Bộ luật hình sự năm 2015 đã đưa tinh thần Điều 3 của Nghị định thư Palermo vào quy định về cấu thành cơ bản của tội “Mua bán người” một cách cụ thể hơn và mở rộng hơn. Ngoài hành vi khách quan mang tính chất “Mua bán” còn có các hành vi khác không đòi hỏi phải chứng minh có tính chất vụ lợi, mua bán. Tuy nhiên, quy định của Bộ luật mới lại đưa vào Cấu thành cơ bản của tội “Mua bán người” những tình tiết yếu tố có tính bắt buộc đó là: Hành vi phải có một trong các yếu tố: “dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc bằng thủ đoạn khác”. Quy định bắt buộc về cách thức thủ đoạn thực hiện tội phạm nêu trên đã thu hẹp và hạn chế rất nhiều phạm vi xử lý của tội phạm “Mua bán người” hiện nay (Nếu so sánh với khái niệm “Buôn bán người” trong Nghị định thư Palermo thì khái niệm “Mua bán người “ quy định trong BLHS 2015 cũng hẹp hơn rất nhiều).
Đến thời điểm hiện nay chưa có văn bản nào hướng dẫn, giải thích thủ đoạn khác là nhưng thủ đoạn nào, vì vậy khi chứng minh tội phạm “Mua bán người” cơ quan chức năng bắt buộc phải chứng minh người bị mua bán có bị cưỡng ép hay lừa gạt hay không? Sự đồng tình từ phía người bị hại (Như đồng ý đi cùng đối tượng ra nước ngoài để lấy chồng, để làm việc trong các nhà hàng Karaoke (thường là làm gái mại dâm) nhằm nhận 1 khoản tiền … ) ở mức độ nào đó thực sự là một sự cản trở rất lớn trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm này. Trong thực tế, đối tượng dẫn dắt chuyển giao người nhằm hưởng lợi ích vật chất thường che đậy hành vi thủ đoạn phạm tội bằng sự ủng hộ từ phía nạn nhân theo cách trên. Đã có không ít vụ án khởi tố, bắt giữ về tội “Mua bán người”, nhưng sau đó lại phải thay đổi tội danh sang tội “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép” theo quy định tại Điều 349 BLHS 2015. Đối tượng chuyển giao có thể đã nhận một khoản tiền từ đối tượng tiếp nhận (thường là đối tượng ở nước ngoài) đối tượng tiếp nhận mặc nhiên xác lập quyền sở hữu với nạn nhận khi cho rằng đã phải bỏ ra một lượng tiền để có được họ, từ đó đẩy họ vào các hoạt động mại dâm, cưỡng bức lao động hay tiếp tục biến họ (thường là các phụ nữ) thành món hàng mua đi bán lại phục vụ nhu cầu tình dục bất hợp pháp…. Theo quan điểm của cá nhân tôi, nên có hướng dẫn mở rộng hơn khái niệm thế nào là “Lừa gạt”, thế nào là “Thủ đoạn khác”, qua đó quy định mọi trường hợp nếu nạn nhân không tự bán mình, tự mong muốn tham gia vào hoạt động trao đổi và hoàn toàn không được tự chủ trong việc thỏa thuận xác lập quyền nghĩa vụ của họ thì những người tham gia vào việc chuyển giao hay tiếp nhận để vụ lợi đều phải xác định là “gian lận” hoặc “lừa gạt”, do đó thỏa mãn cấu thành cơ bản của tội “Mua bán người”. Có như thế mới đáp ứng yêu cầu trong nước về phòng chống loại tội phạm này.
Về các tình tiết định khung: Tình tiết quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 150 BLHS năm 2015: “Đưa nạn nhân ra khỏi biên giới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” quy định này khác hoàn toàn so với tình tiết định khung của tội “Mua bán người” theo quy định của BLHS năm 1999 (điểm đ Điều 119 quy định: “Để đưa ra nước ngoài”) Có quan điểm cho rằng: Nếu nạn nhân chưa được đưa ra khỏi biên giới vẫn còn ở trên lãnh thổ Việt Nam thì chưa thể áp dụng tình tiết định khung này do mục đích của người phạm tội vẫn nằm trong suy nghĩ. Tuy nhiên thực tế đấu tranh tội phạm cho thấy có những trường hợp người chuyển giao sử dụng phương tiện thông tin trên mạng xã hội để trao đổi với người tiếp nhận ở nước ngoài đã đưa nạn nhân từ sâu trong nước đến biên giới để làm thủ tục xuất cảnh qua biên giới thì bị phát hiện. Trường hợp đó, rõ ràng việc không đưa được nạn nhân qua biên giới là ngoài mong muốn của người phạm tội nhưng lại không áp dụng được tình tiết định khung theo điểm đ khoản 2 Điều 150 BLHS để xử lý. Quan điểm cá nhân: Nên có hướng dẫn áp dụng tình tiết định khung này để áp dụng đối với các trường hợp: đang trên đường chuyển nạn nhân qua biên giới thì bị phát hiện, các trường hợp đã đưa lên tàu thuyền, máy bay để rời khỏi hải phận, không phận thuộc lãnh thổ của Việt Nam vẫn đủ điều kiện áp dụng tình tiết định khung theo điểm đ khoản 2 Điều 150 nhưng áp dụng thêm chế định về phạm tội chưa đạt.
Về tình tiết định khung quy định tại điểm b khoản 3 Điều 150 BLHS 2015 “Đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân” và tình tiết quy định tại điểm d khoản 3 Điều 150 BLHS 2015 “Làm nạn nhân chết …” để áp dụng 02 tình tiết định khung nêu trên đều đòi hỏi phải có hậu quả vật chất, tức là: nạn nhân đã bị lấy đi một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc đã chết. Việc lấy đi một hoặc nhiều bộ phận cơ thể của con người có trường hợp là nguy cơ dẫn đến tước đi sinh mạng sống của nạn nhân (ví dụ lấy cùng lúc 2 quả thận, tim, cùng lúc 2 giác mạc mắt rồi trả họ lại môi trường không người chăm sóc …) Nếu đối tượng phạm tội ngay từ ban đầu đã xác định rõ những mục đích như vậy thì việc định tội “Mua bán người” lại là quá nhẹ và không phù hợp. Theo quan điểm của cá nhân tôi thì các trường hợp đó phải hướng dẫn xử lý về tội “Giết người”.
3. Dấu hiệu cấu thành tội mua bán phụ nữ
Mặt khách quan:
Mặt khách quan của tội này có các dấu hiệu sau:
– Có hành vi mua bán người để thu lợi bất chính. Hành vi này thể hiện dưới hình thức dùng tiền, tài sản hoặc các phương tiện thanh toán khác đê đổi lấy người (nhằm đem bán) hoặc ngược lại để thu lợi.
Trên thực tế việc mua bán người được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, thông thường được thực hiện một cách lén lút với các hình thức thanh toán đa dạng có thể bằng tiền, bằng tài sản khác, bằng hàng hoá…
– Người bị hại phải là người đạt từ đủ mười sáu tuổi trở lên. Trường hợp người bị hại dưới mười sáu tuổi thì cấu thành tội mua bán trẻ em.
Lưu ý:
+ Tội phạm được coi là hoàn thành khi người phạm tội đã thực hiện xong hành vi mua bán người. Nếu việc mua bán người chưa xảy ra thì được coi là phạm tội chưa đạt.
+ Việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội không phụ thuộc vào việc bị hại có biết hay không biết mình bị mua bán.
Khách thể:
Hành vi phạm tội nêu trên xâm phạm đến quyền được bảo vệ thân thể, nhân phẩm của con người.
Mặt chủ quan:
Người phạm tội thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý.
Mục đích tội phạm vì vụ lợi (để thu lợi bất chính), tuy nhiên đây không phải là dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội này.
Chủ thể:
Chủ thể của tội phạm này là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự
4. Thực trạng mua bán phụ nữ ở Việt Nam hiện nay
Tội phạm mua bán người xảy ra trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Theo báo cáo của Bộ Công an, trong 5 năm (2012-2017), có khoảng hơn 3.000 nạn nhân bị mua bán và nghi vấn bị mua bán, trong đó, 90% nạn nhân bị bán sang Trung Quốc. Số nạn nhân bị mua bán và nghi vấn bị mua bán là 3.090 người, trong đó, chủ yếu là phụ nữ, trẻ em (chiếm trên 90%), đa số thuộc các dân tộc thiểu số (chiếm trên 80%), thường tập trung ở những vùng nông thôn, miền núi, nhất là vùng sâu, vùng xa, phần lớn có hoàn cảnh kinh tế khó khăn… Đa số nạn nhân là phụ nữ, khi bị lừa bán ra nước ngoài, bị cưỡng ép kết hôn làm vợ người dân bản địa và bị bóc lột tình dục (chiếm gần 80%), và cưỡng bức lao động.
Trong số hơn 3.000 nạn nhân mua bán người đã được phát hiện, số nạn nhân đã trở về là 2.571 người, trong đó, số nạn nhân được trao trả và giải cứu là 1.334 người, số nạn nhân tự trở về là 1.237 người. Số nạn nhân chưa trở về là 519 người. Đặc biệt, ở thành phố Cần Thơ, Cơ quan Công an đã phát hiện 8 trường hợp nạn nhân là nam giới bị lừa qua Trung Quốc bán thận. Trong giai đoạn 2012-2017, cơ quan điều tra đã khởi tố 1.021 vụ án, 2.035 bị can (chiếm trên 97% số tin báo, tố giác đã tiếp nhận, xử lý). Cơ quan Điều tra đã ban hành kết luận điều tra và chuyển Viện kiểm sát nhân dân đề nghị truy tố 812 vụ, 1.821 bị can.
Theo điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra, đối tượng phạm tội chủ yếu là bọn lưu manh chuyên nghiệp, có tiền án, tiền sự về mua bán người, cấu kết với các đối tượng ở vùng sâu, vùng xa, biên giới tạo thành đường dây khép kín để lôi kéo, lừa gạt đưa nạn nhân ra nước ngoài bán. Đối tượng phạm tội là người nước ngoài ngày càng gia tăng. Lợi dụng chính sách mở cửa của Việt Nam, các đối tượng vào thăm thân, du lịch, liên kết làm ăn kinh tế để lừa phụ nữ, trẻ em dưới dạng đưa đi làm việc ở nước ngoài, cho nhận con nuôi, kết hôn rồi đưa ra nước ngoài bán.
Một số giải pháp nâng cao công tác phòng chống mua bán phụ nữ
– Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phòng ngừa tội phạm
– Triển khai và áp dụng mô hình Câu lạc bộ thanh thiếu niên di cư an toàn
– Nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân và công tác thi hành chính sách, pháp luật
– Nâng cao chất lượng công tác xóa mù chữ và phổ cập giáo dục
– Tăng cường công tác hợp tác quốc tế