1. Cơ sở pháp lý:

– Thông tư 96/2015/TT-BTC hướng dẫn nghị định 12/2015/NĐ-CP và sửa đổi, bổ sung thông tư 78/2014/TT-BTC về thuế thu nhập doanh nghiệp

– Thông tư 219/2013/TT-BTC hướng dẫn nghị định 209/2013/NĐ-CP về 

2. Nội dung tư vấn:

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư 219/2013/TT-BTC thì sản phẩm trồng trọt chưa qua chế biến thành sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường do cá nhân tự trồng trọt bán ra thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng. Chính vì vậy, tại Điều 13 thông tư 39/2014/TT-BTC cũng quy định cơ quan thuế không cấp hóa đơn lẻ đối với cá nhân không kinh doanh bán hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng.

Để đưa số tiền mua rau, củ tươi này vào chi phí hợp lý được trừ, khoản 2.4 Điều 4 thông tư 96/2015/TT-BTC có hướng dẫn lập bảng kê 01/TNDN (ban hành kèm theo thông tư 78/2014/TT-BTC) cụ thể:

“2.4. Chi phí của doanh nghiệp mua hàng hóa, dịch vụ (không có hóa đơn, được phép lập Bảng kê thu mua hàng hóa, dịch vụ mua vào theo mẫu số 01/TNDN kèm theo Thông tư số 78/2014/TT-BTC) nhưng không lập Bảng kê kèm theo chứng từ thanh toán cho người bán hàng, cung cấp dịch vụ trong các trường hợp:

– Mua hàng hóa là nông, lâm, thủy sản của người sản xuất, đánh bắt trực tiếp bán ra;

– Mua sản phẩm thủ công làm bằng đay, cói, tre, nứa, lá, song, mây, rơm, vỏ dừa, sọ dừa hoặc nguyên liệu tận dụng từ sản phẩm nông nghiệp của người sản xuất thủ công không kinh doanh trực tiếp bán ra;

– Mua đất, đá, cát, sỏi của hộ, cá nhân tự khai thác trực tiếp bán ra;

– Mua phế liệu của người trực tiếp thu nhặt;

– Mua tài sản, dịch vụ của hộ, cá nhân không kinh doanh trực tiếp bán ra;

– Mua hàng hóa, dịch vụ của cá nhân, hộ kinh doanh (không bao gồm các trường hợp nêu trên) có mức doanh thu dưới ngưỡng doanh thu chịu thuế giá trị gia tăng (100 triệu đồng/năm).

Bảng kê thu mua hàng hóa, dịch vụ do người đại diện theo pháp luật hoặc người được ủy quyền của doanh nghiệp ký và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực. Doanh nghiệp mua hàng hóa, dịch vụ được phép lập Bảng kê và được tính vào chi phí được trừ. Các khoản chi phí này không bắt buộc phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt. Trường hợp giá mua hàng hóa, dịch vụ trên bảng kê cao hơn giá thị trường tại thời điểm mua hàng thì cơ quan thuế căn cứ vào giá thị trường tại thời điểm mua hàng, dịch vụ cùng loại hoặc tương tự trên thị trường xác định lại mức giá để tính lại chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.”

Như vậy, để đưa chi phí mua rau, củ tươi của người nông dân vào chi phí hợp lý được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp, cần có chứng từ sau:

– Bảng kê thu mua hàng hóa mẫu 01/TNDN (Ban hành kèm thông tư 78/2014/TT-BTC) có xác nhận của người đại diện theo pháp luật.

– Chứng từ thanh toán (Phiếu chi, ủy nhiệm chi)

Ngoài ra, tùy vào doanh nghiệp có thể chuẩn bị thêm “Phiếu nhập kho” hoặc “Biên bản giao nhận hàng hóa” để tiện trong quá trình quản lý.

Bạn đang theo dõi bài viết Mua rau, củ tươi của người dân có được tính vào chi phí hợp lý không? được biên tập trên trang web của Luật LVN Group. Nếu có thắc mắc hay cần hỗ trợ tư vấn pháp luật từ các Luật sư, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua Hotline: 1900.0191    để được hỗ trợ hiệu quả và tối ưu nhất.

Trân trọng./.

Chuyên viên tư vấn: Nguyễn Quỳnh – Bộ phận tư vấn luật thuế – Công ty luật LVN Group