NỘI DUNG TƯ VẤN:

Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người chưa thành niên dưới mười lăm tuổi:

Theo Điều 21 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Người chưa đủ mười tám tuổi là người chưa thành niên”. Người chưa thành niên có thể là người còn cha, mẹ, không có cha, mẹ nhưng có người giám hộ vì theo quy định tại Điều 46 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì người chưa thành niên dưới 15 tuổi là những người thuộc trường hợp bắt buộc phải có người giám hộ. Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người chưa thành niên dưới mười lăm tuổi trong từng trường hợp được xác định khác nhau. Cụ thể:

1. Trường hợp người chưa thành niên dưới mười lăm tuổi còn cha, mẹ

1.1 Khái quát chung:

Vấn đề bồi thường thiệt hại của người chưa thành niên dưới mười lăm tuổi được quy định tại đoạn đầu khoản 2 Điều 586 Bộ luật Dân sự năm 2015: “Người chưa đủ mười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu, trừ trường hợp quy định tại Điều 599 của Bộ luật này.” Quy định này hoàn toàn hợp lý. Bởi lẽ, người ở độ tuổi này cũng là người đã có một phần khả năng nhận thức nên pháp luật cũng đã xác định họ là người có một phần năng lực hành vi dân sự. Tuy nhiên, nhận thức của những người nằm trong độ tuổi này còn rất hạn chế nên đa phần họ không thể làm chủ, điều khiển được hành vi của mình, trường hợp này, cha mẹ có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do con chưa đủ mười lăm tuổi gây ra. Đây là trách nhiệm trực tiếp, không cần điều kiện lỗi, là trách nhiệm pháp lý do pháp luật quy định. Nguyên nhân trực tiếp của thiệt hại là hành vi của người con dưới mười lăm tuổi, nhưng trách nhiệm bồi thường thiệt hại lại thuộc về cha mẹ của họ. Do đó, trách nhiệm quản lý, giáo dục con cái trước khi trưởng thành rất quan trọng, mà cha, mẹ là người thực hiện nghĩa vụ đó, nếu cha mẹ thực hiện không tốt, không đúng nghĩa vụ của mình thì cha mẹ sẽ là người chịu trách nhiệm về hành vi gây thiệt hại mà con họ gây ra cho người khác. Bởi trên thực tế hiện nay, trong các gia đình cha mẹ chỉ lo kiếm tiền không quan tâm, giáo dục con cái, dẫn đến tình trạng trẻ em chưa thành niên phạm tội ngày càng gia tăng. Theo thống kê, trong vòng hơn 6 năm, toàn quốc có gần 95.000 người chưa thành niên phạm tội. Theo số liệu của Ban chỉ đạo Đề án IV “Đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em và tội phạm trong lứa tuổi chưa thành niên”, từ năm 2007 – 6/2013, toàn quốc phát hiện gần 63.600 vụ, gồm hơn 94.300 em vi phạm pháp luật hình sự. Tội phạm do người chưa thành niên gây ra chủ yếu là các tội: Trộm cắp tài sản, cố ý gây thương tích, cướp giật tài sản, đánh bạc, hiếp dâm, giết người,… Chính vì vậy, khoản 2 Điều 586 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại thuộc về cha, mẹ là cần thiết và hợp lý. Điều này góp phần nâng cao trách nhiệm của cha mẹ đối với con cái hơn, góp phần giúp cho xã hội ngày càng văn minh, phát triển hơn.

1.2 Trong trường hợp cha, mẹ không có tài sản

Trường hợp cha, mẹ không có tài sản hoặc có nhưng không đủ để bồi thường mà con lại có tài sản riêng thì cha, mẹ được dùng tài sản đó để bồi thường phần thiệt hại còn thiếu. Việc lấy tài sản của người chưa thành niên dưới mười lăm tuổi gây ra thiệt hại để bổ sung phần còn thiếu là nhằm bảo vệ kịp thời quyền, lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại và nhằm bảo vệ nguyên tắc bồi thường thiệt hại là toàn bộ và kịp thời (Điều 585 Bộ luật Dân sự năm 2015). Giả sử trong trường hợp, con không có tài sản thì cha mẹ vẫn phải có trách nhiệm bồi thường phần còn thiếu đến khi hoàn thành. Khi cả cha mẹ, con không có tài sản để bồi thường ngay lúc đó cho người bị thiệt hại thì sau khi có tài sản thì vẫn phải thực hiện trách nhiệm bồi thường đó hoặc theo thỏa thuận giữa các bên về trách nhiệm bồi thường. Nếu không thì theo quy định của pháp luật bên được bồi thường phải chấp nhận rủi ro, không được bồi thường thiệt hại.

2. Trường hợp người chưa thành niên dưới mười lăm tuổi không còn cha, mẹ

Trường hợp người chưa thành niên dưới mười lăm tuổi không còn cha, mẹ, không xác định được cha, mẹ nhưng có người giám hộ:

Trong trường hợp, con dưới mười lăm tuổi gây thiệt hại cho người khác thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại đầu tiên thuộc về cha, mẹ. Trong trường hợp, cha, mẹ chết hoặc không xác định được cha mẹ thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại nếu người chưa thành niên dưới mười lăm tuổi không có hoặc tài sản không đủ để bồi thường thiệt hại? Làm thế nào để bảo đảm được quyền lợi của người bị thiệt hại? Theo đó, mà Bộ luật Dân sự năm 2015 đã quy định trường hợp này tại khoản 3 Điều 586: “Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi gây thiệt hại mà có người giám hộ thì người giám hộ đó được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường; nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường.

Như vậy, khi người được giám hộ gây thiệt hại cho người khác thì người giám hộ dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường thiệt hại. Quy định như vậy là hợp lý vì địa vị pháp lý của người giám hộ hoàn toàn khác biệt so với địa vị pháp lý của người là cha, mẹ của người chưa thành niên. Người giám hộ thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người được giám hộ, vì vậy, họ cũng phải chịu trách nhiệm pháp lý trong khi thực hiện việc giám hộ, trong đó có việc bồi thường thiệt hại do người được giám hộ gây ra. Và một khi người được giám hộ gây ra thiệt hại thì người giám hộ có quyền dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại, điều đó cũng giống như cha, mẹ thực hiện việc bồi thường thiệt hại mà con mình gây ra.

Trong trường hợp người được giám hộ không có tài sản hoặc không có đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải có trách nhiệm dùng tài sản của chính mình để bồi thường nếu họ có lỗi trong việc thực hiện nghĩa vụ của người giám hộ mà để người được giám hộ gây thiệt hại cho người khác. Quy định này nhằm nâng cao trách nhiệm của người giám hộ đối với người được giám hộ, nó nhằm hạn chế việc không quan tâm, lơ là việc giám hộ của người giám hộ, bởi lẽ khi không thực hiện nghĩa vụ giám hộ tốt thì người chịu thiệt hại, người phải bồi thường có thể chính là người giám hộ, như vậy, họ sẽ phải thực hiện tốt, đúng và đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của mình đối với người được giám hộ để hạn chế vấn đề bị thiệt hại cho chính bản thân mình.

Ngoài ra, Bộ luật dân sự năm 2015 cũng có quy định để bảo đảm được quyền, lợi ích của người giám hộ đó là trong trường hợp người chưa thành niên gây ra thiệt hại cho người khác mà người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì họ không phải lấy tài sản của mình để bồi thường. Quy định như có đi có lại, nhằm hướng tới mục đích bảo vệ quyền và lợi ích của hai bên trong việc giám hộ. Nhưng trên thực tế, thì việc người giám hộ chứng minh mình không có lỗi trong việc giám hộ là rất khó, bởi lẽ, mọi hành vi, việc làm của họ đều gắn liền với quyền và lợi ích của người được giám hộ, khi đó, muốn chứng minh mình không có lỗi trong việc giám hộ thì người giám hộ phải chứng minh lỗi đó do chính người được giám hộ gây ra, hoặc do người thứ ba gây ra, còn nếu không chứng minh được như vậy thì theo nguyên tắc suy đoán thì người giám hộ trong trường hợp này đương nhiên là có lỗi, do đó, họ vẫn phải dùng tài sản của mình để bồi thường. Như vậy, quy định của khoản 3 Điều 586 nhằm mục đích bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp cho người được giám hộ nhiều hơn. Điều này hoàn toàn phù hợp, vì những người được giám hộ thường là những người chưa có năng lực hành vi đầy đủ, chưa làm chủ được các hành vi của bản thân, không nhận thức rõ được những hành vi của mình gây ra, vì vậy cần phải có sự quản lý tốt của người giám hộ thì người được giám hộ mới không gây ra thiệt hại cho người khác được.

3. Trường hợp người chưa thành niên dưới mười lăm tuổi gây thiệt hại trong thời gian học tại trường học

Không dừng lại ở các trường hợp trên, pháp luật cũng có quy định thêm về vấn đề chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân chưa thành niên dưới mười lăm tuổi gây ra trong thời gian học tại trường học quy định tại khoản 1 Điều 599 Bộ luật dân sự năm 2015: “Người chưa đủ mười lăm tuổi trong thời gian trường học trực tiếp quản lý mà gây thiệt hại thì trường học phải bồi thường thiệt hại xảy ra.” Theo đó, nhà trường quản lý người dưới mười lăm tuổi phải bồi thường thiệt hại do người đó gây ra trong thời gian học tại trường học. Quy định này nhằm nâng cao trách nhiệm của nhà trường trong việc quản lý học sinh đang theo học trong trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở. Nhà trường phải có nghĩa vụ quản lý học sinh trong thời gian học tại trường theo thời khóa biểu học chính khóa, ngoại khóa, lao động, vui chơi, giải trí do nhà trường tổ chức mà học sinh gây thiệt hại thì nhà trường phải bồi thường. Song, trong trường hợp nhà trường chứng minh được mình không có lỗi thì cha, mẹ, người giám hộ phải chịu trách nhiệm bồi thường do hành vi của người dưới mười lăm tuổi gây ra căn cứ theo khoản 3 Điều 599 Bộ luật Dân sự năm 2015. Quy định này rất có ý nghĩa trong việc xác định người bồi thường trong trường hợp cá nhân đang trong thời gian học tại trường học. Nó giảm bớt được tình trạng cha, mẹ hay người giám hộ lợi dụng quy định này để đẩy mọi trách nhiệm lên nhà trường trong khi nhà trường hoàn toàn không có lỗi đối với hành vi gây ra thiệt hại của người dưới mười lăm tuổi. Bên cạnh đó, nó cũng nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhà trường cũng như quyền, lợi ích của người bị gây thiệt hại trong trường hợp không xác định được cụ thể ai là chủ thể đứng ra bồi thường thiệt hại cho họ.

Cảm ơn quý khách đã gửi yêu cầu đến Công ty Luật LVN Group, trên đây là nội dung tư vấn của Công ty, nội dung tư vấn có giá trị tham khảo, nếu còn vấn đề mà quý khách hàng còn chưa rõ xin vui lòng liên hệ đến tổng đài của Công ty Luật LVN Group 1900.0191 hoặc vui lòng gửi tin nhắn đến email [email protected] để được giải đáp thắc mắc. Trân trọng!

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty Luật LVN Group