NỘI DUNG TƯ VẤN:
1. Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân:
Theo khoản 1 Điều 584 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại: “Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.” Như vậy, khi có đầy đủ các yếu tố: có thiệt hại xảy ra, có hành vi gây thiệt hại trái pháp luật, người gây ra thiệt hại có lỗi, mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại và hành vi trái pháp luật thì chủ thể đó phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại đó.
Hành vi gây thiệt hại có thể được thực hiện bởi bất kỳ chủ thể nào. Tuy nhiên, không phải chủ thể nào gây thiệt hại cũng có khả năng để thực hiện việc bồi thường. Có trường hợp trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi của con người gây ra, có trường hợp do tài sản gây ra, trường hợp khác lại do người của pháp nhân, người của cơ quan nhà nước gây ra… Tùy vào từng trường hợp mà năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại là khác nhau. Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân (Điều 586) mà không quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại của các chủ thể khác. Bởi vậy các chủ thể khác được coi là có năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Xuất phát từ năng lực chủ thể của cá nhân khi tham gia vào các quan hệ dân sự, Bộ luật Dân sự quy định năng lực chịu trách nhiệm của cá nhân phụ thuộc vào mức năng lực hành vi, tình trạng tài sản và khả năng bồi thường của từng cá nhân. Việc quy định về năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân là rất cần thiết. Bởi vì, cá nhân gây thiệt hại và việc xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại thuộc về ai có ý nghĩa không những về mặt lý luận, mà có có ý nghĩa về mặt thực tế. Trên thực tế, có nhiều thiệt hại gây ra do các cá nhân gây ra, xác định được cá nhân gây ra thiệt hại đó, nhưng cá nhân đó không có đủ điều kiện để bồi thường, không có khả năng tham gia vào các giao dịch dân sự như trẻ em dưới 15 tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự,… trong trường hợp này ai là người đứng ra bồi thường thiệt hại? Nếu không có căn cứ để xác định ai là người bồi thường thiệt hại, thì người bị thiệt hại không ai bồi thường, dẫn đến việc không đảm bảo được quyền và lợi ích của người bị thiệt hại, không phù hợp với nguyện vọng, lợi ích của người dân, không đảm bảo được các quy định của pháp luật được thực hiện tốt trên thực tế. Dựa trên những điều kiện về độ tuổi, nhận thức, tình trạng tài sản và khả năng tạo lập tài sản của cá nhân. Từ đó, có thể xác định được mức độ bồi thường của từng cá nhân đối với từng trường hợp cụ thể, từng thiệt hại mà cá nhân đó gây ra trên thực tế để có thể bồi thường cho người thiệt hại một cách toàn bộ và kịp thời. Chính vì vậy, năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân được quy định cụ thể tại Điều 586 Bộ luật Dân sự năm 2015 và hướng dẫn tại tiểu mục 3 Mục I Nghị quyết 03/2006/HĐTP-TANDTC ngày 08 tháng 07 năm 2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Theo đó, có thể chia các trường hợp về năng lực bồi thường thiệt hại của cá nhân như sau: Thứ nhất, người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ gây thiệt hại thì phải tự mình bồi thường thiệt hại. Thứ hai, người chưa thành niên dưới mười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại bằng tài sản của mình; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu. Thứ ba, người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi gây thiệt hại thì người đó phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha mẹ phải bồi thường phần còn thiếu đó bằng tài sản của cha, mẹ. Thứ tư, người dưới mười lăm tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự gây thiệt hại trong thời gian trường học, bệnh viện, tổ chức khác trực tiếp quản lý thì các tổ chức này phải bồi thường thiệt hại. Nếu các tổ chức này chứng minh được mình không có lỗi thì cha, mẹ của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự phải bồi thường thiệt hại. Thứ năm, người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự gây thiệt hại mà có người giám hộ thì người giám hộ được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường; nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc tài sản không đủ để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường.
2. Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người đã thành niên:
Người thành niên là người từ đủ mười tám tuổi trở lên. Người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ trừ trường hợp, người thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự (Điều 20 Bộ luật Dân sự năm 2015).
Căn cứ theo khoản 1 Điều 586 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân: “Người từ đủ mười tám tuổi trở lên gây thiệt hại thì phải tự chịu bồi thường”. Người gây thiệt hại đã đủ 18 tuổi và có năng lực hành vi dân sự thì chính họ phải bồi thường thiệt hại do mình gây ra. Những người này đã có đủ khả năng nhận thức để kiểm soát và làm chủ mọi hành vi của mình nên phải tự mình gánh chịu hậu quả của hành vi đó. Do đó, họ phải dùng tài sản của mình để bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại. Trong trường hợp, người này chưa có tài sản riêng hoặc tài sản không đủ để bồi thường thì có thể động viên cha mẹ của họ bồi thường thay. Nếu cha mẹ không tự nguyện bồi thường thay thì Tòa án quyết định người phải bồi thường là người đã gây ra thiệt hại và quyết định bản án đó có thể được tạm hoãn thi hành cho đến khi họ có tài sản để thực hiện việc bồi thường.
Nhiều trường hợp trên thực tế đã xảy ra là: cho dù hoãn việc thực hiện trách nhiệm bồi thường nhưng người gây ra thiệt vẫn không có tài sản để bồi thường thiệt hại mà họ gây ra như người cao tuổi 90 tuổi không có tài sản, không có con cháu để bồi thường, hoặc người trên 18 tuổi khi gây thiệt hại là sinh viên, không có tài sản để bồi thường, cha, mẹ không tự nguyện bồi thường thay, sau khi ra trường, người này không xin được việc không có khả năng để bồi thường thiệt hại, trong trường hợp này thì sẽ xử lý như thế nào? Nếu cứ để hoãn việc thực hiện quyết định của Tòa án thì sẽ không đáp ứng được nguyên tắc bồi thường “toàn bộ và kịp thời”, như vậy có phù hợp với quy định của pháp luật hay không? Trên thực tế, khi gặp phải những trường hợp này thì những người gây ra thiệt hại thường chấp nhận thực hiện một nghĩa vụ khác thay thế để bồi thường thiệt hại, họ là người có lỗi, không thực hiện được trách nhiệm bồi thường thiệt hại thì họ phải thực hiện một nghĩa vụ nào đó để thay thế trách nhiệm bồi thường cho người bị thiệt hại như đến chăm sóc, làm giúp những việc mà người bị thiệt hại trước khi xảy ra thiệt hại phải làm, đương nhiên phải là những công việc phù hợp với thực tế, phù hợp với pháp luật, đạo đức và xã hội. Do vậy, pháp luật cần có quy định rõ ràng và chi tiết hơn về vấn đề này. Đặc biệt, luật có quy định là “phải tự chịu bồi thường”. Vậy nếu trong trường hợp mà người từ đủ mười tám tuổi trở lên mà mất năng lực hành vi dân sự, hay người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì họ làm cách nào để “tự chịu” bồi thường đó trong khi mà họ không có khả năng tham gia vào các giao dịch dân sự. Hơn nữa, nếu họ không có hoặc tài sản không đủ để bồi tường thì ai sẽ có trách nhiệm bồi thường cho họ? Trong trường hợp này giải quyết như thế nào? Liệu có căn cứ tiếp theo khoản 2 và khoản 3 của điều này được không? Theo ý kiến cá nhân, luật nên ghi là: “người có đầy đủ năng lực hành vi dân sựgây thiệt hại thì phải tự chịu bồi thường” sẽ chính xác và đầy đủ hơn, trách nhầm lẫn, khó xử trong quá trình giải quyết các vụ án.
Cụ thể hóa hơn về năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người đã thành niên, Bộ Luật Dân sự năm 2015 đã quy định rõ một số trường hợp bồi thường thiệt hại như sau:
2.1 Bồi thường thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra
Trong trường hợp người từ đủ 18 tuổi trở lên là cán bộ, công chức khi gây ra thiệt hại thì họ không bồi thường thiệt hại như những công dân bình thường mà phải bồi thường theo quy định của pháp luật về bồi thường thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra theo Điều 598 Bộ luật Dân sự năm 2015. Theo đó, thiệt hại do cán bộ, công chức gây ra thì do cơ quan quản lý cán bộ, công chức đó bồi thường, nhưng chỉ trong trường hợp cán bộ công chức đó thực hiện việc gây ra thiệt hại đó là thực hiện công việc mà do cơ quan quản lý cán bộ, công chức đó giao cho, trong trường hợp này thì cơ quan quản lý cán bộ, công chức đó phải bồi thường cho người bị thiệt hại và không có quyền yêu cầu cán bộ, công chức hoàn trả lại khoản bồi thường nào. Còn những trường hợp mà cán bộ, công chức không đứng trên danh nghĩa thực hiện công việc của cơ quan quản lý thì khi đó, cán bộ, công chức đó phải tự mình bồi thường thiệt hại do hành vi của mình gây ra. Bên cạnh đó, trong trường hợp cán bộ, công chức có lỗi trong khi thi hành công vụ được giao từ cơ quan quản lý thì cơ quan quản lý có quyền yêu cầu cán bộ, công chức đó phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật.
2.2 Bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra
Bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra, quy định tại Điều 597 Bộ luật Dân sự năm 2015. Theo đó, nếu cá nhân là thành viên của pháp nhân gây thiệt hại trong khi thực hiện công vụ được pháp nhân thì pháp nhân đó phải bồi thường. Nếu thành viên đó có lỗi trong khi thực hiện công việc được pháp nhân giao, cơ quan giao thì pháp nhân, cơ quan đó có quyền yêu cầu thành viên đó hoàn trả lại một khoản tiền theo quy định của pháp luật cho pháp nhân, cơ quan. Trong trường hợp, cá nhân đó gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức hay chủ thể khác không phải thực hiện công việc được pháp nhân, cơ quan giao thì cá nhân đó phải tự mình chịu toàn bộ khoản bồi thường đó cho người bị thiệt hại.
2.3 Bồi thường thiệt hại do người làm công, người học nghề gây ra
Bồi thường thiệt hại do người làm công, người học nghề gây ra cũng tương tự như nguyên tắc bồi thường thiệt hại do cán bộ, công chức, người có thẩm quyền trong cơ quan tố tụng là nếu họ không có lỗi trong việc gây ra thiệt hại thì cá nhân, pháp nhân và chủ thể khác phải bồi thường cho họ khi họ thực hiện đúng với công việc được giao. Trong trường hợp người làm công, người học nghề có lỗi thì họ phải hoàn trả cho cá nhân, pháp nhân và chủ thể khác một khoản tiền theo quy định của pháp luật (theo Điều 600 Bộ luật dân sự năm 2015).
Ngoài ra còn các trường hợp bồi thường thiệt hại của cá nhân đã đủ mười tám tuổi mà gây thiệt hại như: bồi thường thiệt hại trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng (Điều 594); bồi thường thiệt hại trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết (Điều 595); bồi thường thiệt hại do người dùng chất kích thích gây ra (Điều 596); …
Cảm ơn quý khách đã gửi yêu cầu đến Công ty Luật LVN Group, trên đây là nội dung tư vấn của Công ty, nội dung tư vấn có giá trị tham khảo, nếu còn vấn đề mà quý khách hàng còn chưa rõ xin vui lòng liên hệ đến tổng đài của Công ty Luật LVN Group 1900.0191 hoặc vui lòng gửi tin nhắn đến email [email protected] để được giải đáp thắc mắc. Trân trọng!
Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty Luật LVN Group