Thưa Luật sư của LVN Group, mong Luật sư của LVN Group so sánh giúp tôi giữa công ty 100% vốn nước ngoài và Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam có điểm gì khác biệt? Lựa chọn phương thức nào sẽ có lợi hơn cho thương nhân nước ngoài? Rất mong nhận được giải đáp từ Luật sư của LVN Group. Tôi xin chân thành cảm ơn!

Người gửi: Tuyến Dung – Hải Phòng

Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật Doanh nghiệp của Công ty luật LVN Group

>> Luật sư tư vấn pháp luật Doanh nghiệp, gọi: 1900.0191

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật của Công ty Luật LVN Group. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ Luật sư của LVN Group của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

1. Cơ sở pháp lý:

– Luật thương mại năm 2005;

– Nghị định số 07/2016/NĐ-CP;

2. Công ty 100% vốn nước ngoài là gì?

Công ty 100% vốn đầu tư nước ngoài là doanh nghiệp thuộc sở hữu của Nhà đầu tư nước ngoài do Nhà đầu tư nước ngoài thành lập tại Việt Nam tự quản lý và tự chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh. Công ty 100% vốn đầu tư nước ngoài được thành lập dựa theo loại hình Công ty TNHH, có tư cách pháp nhân theo pháp luật Việt Nam, được thành lập và hoạt động kể từ ngày được cấp giấy phép đăng ký đầu tư.

3. Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam là gì?

Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam là đơn vị phụ thuộc của thương nhân nước ngoài, được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam để tìm hiểu thị trường và thực hiện một số hoạt động xúc tiến thương mại mà pháp luật Việt Nam cho phép.

4. Chức năng chính của văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài và công ty 100% nước ngoài

Đối với văn phòng đại diện, chức năng chính là liên lạc, tìm hiểu thị trường, xúc tiến đẩy cơ hội đầu tư kinh doanh, không bao gồm ngành dịch vụ mà việc thành lập văn phòng đại diện trong lĩnh vực đó quy định tại văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành. Bên cạnh đó, văn phòng đại diện cũng không được giao kết hợp đồng, sửa đổi, bổ sung hợp đồng đã giao kết của thương nhân nước ngoài, trừ trường hợp Trưởng Văn phòng đại diện có giấy uỷ quyền hợp pháp của thương nhân nước ngoài. Chủ yếu văn phòng đại diện chỉ được thực hiện các công việc nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho thương nhân nước ngoài.

Đối với Công ty 100% vốn nước ngoài thì có thể thực hiện hoạt động kinh doanh để mang lại lợi nhuận cho nhà đầu tư; bên cạnh đó, khi hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, thương nhân nước ngoài có thể nhận được nhiều ưu đãi trong chính sách thu hút đầu tư của Chính phủ. Công ty 100% vốn nước ngoài đã đươc coi là chủ thể có tư cách pháp nhân nên có thể tự mình ký kết hợp đồng, giao dịch, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.

Nhìn chung, điểm khác biệt cơ bản nhất giữa Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài và công ty 100% vốn nước ngoài là công ty có thể thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong khi văn phòng đại diện thì không. Chính sự khác khác biệt cơ bản này dẫn đến những điểm khác biệt khác trong tổ chức, quản lý, vận hành, quyền và nghĩa vụ,… của hai hình thức trên, có thể kể đến như sau:

+ Công ty có hệ thống tổ chức quản lý nhiều cấp bậc, chặt chẽ và phức tạp hơn so với văn phòng đại diện.

+ Việc quản lý Công ty tuân theo quy định của pháp luật doanh nghiệp. Công ty cũng cần có những quy định nội bộ để quy trình hoạt động kinh doanh được rõ ràng và rành mạch.

+ Chế độ báo cáo, quản lý của công ty phức tạp hơn so với văn phòng đại diện nên cần có đội ngũ nhân sự có trình độ cao, có kiến thức pháp luật để bảo đảm tuân thủ đầy đủ các nghĩa vụ của công ty đối với Nhà nước.

5. So sánh Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài và Công ty 100% vốn nước ngoài

STT

Tiêu chí

Văn phòng đại diện

Công ty 100% vốn nước ngoài

1.

Chức năng

Không có chức năng kinh doanh, chỉ đóng vai trò liên lạc, thúc đẩy cơ hội đầu tư kinh doanh của thương nhân nước ngoài

Có chức năng hoạt động kinh doanh và sinh lợi trên thị trường Việt Nam.

2.

Chủ thể ký kết hợp đồng kinh doanh

Không được phép ký kết hợp đồng

Thương nhân ở nước ngoài là chủ thể ký kết hợp đồng

Tự giao kết hợp đồng với các đối tác

3.

Thực hiện hợp đồng

Thương nhân ở nước ngoài có trách nhiệm thực hiện hợp đồng với các đối tác tại Việt Nam, Văn phòng đại diện đóng vai trò liên lạc, hỗ trợ

Tự thực hiện các hợp đồng đã ký kết

4.

Thuế

Văn phòng đại diện chỉ kê khai, đóng thuế thu nhập cá nhân thay cho người lao động làm việc tại văn phòng đại diện và phí, lệ phí và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật Việt Nam. Thương nhân nước ngoài có nghĩa vụ thuế theo quy định về thuế của quốc gia thương nhân mang quốc tịch

Công ty 100% vốn nước ngoài thành lập tại Việt Nam mang quốc tịch Việt Nam chịu thuế theo quy định của pháp luật Việt Nam. Các loại thuế phải nộp: Thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế môn bài, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân. Ngoài ra, tùy thuộc vào hoạt động kinh doanh của công ty mà có thể phải chịu thêm các sắc thuế: thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất nhập khẩu, tiền thuê đất, phí, lệ phí hoặc các loại thuế khác.

5.

Lợi nhuận

Văn phòng đại diện không kinh doanh nên không phát sinh lợi nhuận. Thương nhân nước ngoài thu lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của mình và phải đóng thuế riêng đối với phần lợi nhuận đó (nếu có)

Trường hợp kinh doanh có lãi, đã hoàn thành nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật và bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản đến hạn trả khác thì thương nhân nước ngoài là chủ sở hữu công ty được chia lợi nhuận. Việc chuyển lợi nhuận về nước tuân theo pháp luật của quốc gia thương nhân mang quốc tịch.

6.

Chi phí thành lập và vận hành

Tương đương nhau.

7.

Thời hạn hoạt động theo giấy phép

5 năm và được quyền gia hạn

50 năm và được quyền gia hạn.

Thời gian hoạt động lâu cùng với yêu cầu chi phí đầu tư lớn. Việc thành lập công ty 100% vốn nước ngoài phù hợp với các thương nhân có ý định phát triển kinh doanh lâu dài, ổn định, nghiêm túc với thị trường Việt Nam

6. Một số hạn chế điển hình của Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam

Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam không được phép thực hiện các hoạt động sinh lợi, mà bị giới hạn trong việc thực hiện khảo sát, nghiên cứu thị trường và các hoạt động không sinh lợi khác. Trong trường hợp thương nhân chưa có đủ thông tin để quyết định việc đầu tư thì văn phòng đại diện sẽ là chỗ đứng phù hợp tại Việt Nam, vì các chi phí trước và sau khi thành lập văn phòng đại diện sẽ thấp hơn nhiều so với việc thành lập Công ty con. Ngược lại, thành lập công ty cổ phẩn hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn sẽ là lựa chọn tối ưu đối với những nhà đầu tư có dự định sản xuất sản phẩm ở Việt Nam hoặc tiến hành các hoạt động bán hàng. Việc thành lập công ty ở Việt Nam sẽ giúp cho các nhà đầu tư có được sự linh hoạt hơn trong các hoạt động kinh doanh.

Văn phòng đại diện nước ngoài cần phải tuân thủ các quy định về lao động và bảo hiểm xã hội khi sử dụng lao động và trả lương hàng tháng. Việc thanh toán chi phí bảo hiểm xã hội bắt buộc có thể sẽ lên tới 34,5% trên mức lương cơ bản. Người nước ngoài làm việc trên 03 (ba) tháng sẽ được cấp Giấy phép lao động.

Văn phòng đại diện nước ngoài sẽ phải tuân thủ các quy định liên quan đến thuế Thu nhập cá nhân (TNCN) như đăng kí mã số thuế cho từng cá nhân, kê khai thuế TNCN hàng tháng, chuẩn bị và nộp báo cáo quyết toán thuế hàng năm. Thuế TNCN cho người không cư trú là 20% trên số thu nhập hợp pháp tại Việt Nam, người cư trú là từ 5% tới 35% trên thu nhập toàn cầu.

Văn phòng đại diện nước ngoài phải tuân thủ các quy định liên quan như Luật chống rửa tiền, các luật về thuế, Luật thương mại cho các hoạt động tại Việt Nam. Cụ thể, văn phòng đại diện phải thu thập và quản lý tất cả các hồ sơ kinh doanh liên quan để phục vụ các câu hỏi hay yêu cầu từ các cơ quan có thẩm quyền. Sau mỗi 03 (ba) tới 05 (năm) năm hoạt động, Cơ quan thuế sẽ thực hiện các thủ tục kiểm tra để xác nhận tính xác hợp pháp, hợp lệ của từng giao dịch…

Văn phòng đại diện nước ngoài phải chuẩn bị và nộp các báo cáo hàng năm cho cơ quan cấp phép.

7. Quy định về Trưởng văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam

Thời gian hoạt động của văn phòng đại diện tối đa là 05 (năm) năm và có thể được gia hạn thêm. Trưởng Văn phòng đại diện công ty nước ngoài là người đứng đầu Văn phòng đại diện. Đây là người điều hành mọi hoạt động của Văn phòng đại diện. Thực hiện các công việc dựa trên sự ủy quyền của Thương nhân nước ngoài. Trưởng Văn phòng đại diện cần lưu ý những vấn đề pháp lý nào?

Trách nhiệm của Trưởng Văn phòng đại diện

Điều 33 Nghị định 07/2016/NĐ-CP quy định:

+ Người đứng đầu Văn phòng đại diện phải chịu trách nhiệm trước thương nhân nước ngoài về hoạt động của mình và của Văn phòng đại diện trong phạm vi được thương nhân nước ngoài ủy quyền.

+ Người đứng đầu Văn phòng đại diện phải chịu trách nhiệm về các hoạt động của mình trong trường hợp thực hiện các hoạt động ngoài phạm vi được thương nhân nước ngoài ủy quyền.

+ Nếu Người đứng đầu văn phòng đại diện được công ty nước ngoài ủy quyền. Mục đích để giao kết hợp đồng hoặc sửa đổi hợp đồng. Văn bản ủy quyền phải được lập cho từng lần thực hiện giao kết.

Xử lý khi Trưởng Văn phòng đại diện xuất cảnh

+ Nếu Người đứng đầu Văn phòng đại diện xuất cảnh khỏi Việt Nam. Bắt buộc phải ủy quyền bằng văn bản cho người khác. Việc ủy quyền này phải được sự đồng ý của thương nhân nước ngoài. Trưởng Văn phòng đại diện vẫn phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ đã ủy quyền.

+ Trường hợp hết thời hạn ủy quyền mà người đứng đầu Văn phòng đại diện chưa trở lại Việt Nam và không có ủy quyền khác thì người được ủy quyền có quyền tiếp tục thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người đứng đầu Văn phòng đại diện trong phạm vi đã được ủy quyền cho đến khi người đứng đầu Văn phòng đại diện trở lại làm việc tại Văn phòng đại diện. Hoặc cho đến khi thương nhân nước ngoài bổ nhiệm người khác.

Xử lý khi Trưởng Văn phòng đại diện không hiện diện:

Nếu người Trưởng Văn phòng đại diện không hiện diện tại Việt Nam quá 30 ngày. Và không ủy quyền cho người khác thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình. Hoặc bị chết, mất tích, tạm giam, kết án tù, bị hạn chế mất năng lực hành vi dân sự. Thương nhân nước ngoài phải bổ nhiệm người khác làm người đứng đầu Văn phòng đại diện.

Các trường hợp người đứng đầu Văn phòng đại diện không được kiêm nhiệm

+ Người đứng đầu Chi nhánh của cùng một thương nhân nước ngoài;

+ Người đứng đầu Chi nhánh của thương nhân nước ngoài khác;

+ Người đại diện theo pháp luật của thương nhân nước ngoài đó hoặc thương nhân nước ngoài khác;

+ Người đại diện theo pháp luật của tổ chức kinh tế được thành lập theo quy định pháp luật Việt Nam.

Giấy phép lao động cho trưởng Văn phòng đại diện

Người đứng đầu Văn phòng đại diện được miễn cấp Giấy phép lao động. Tuy nhiên, Văn phòng cần thực hiện thủ tục xin miễn tại Sở lao động. Thủ tục này bao gồm 2 bước:

+ Giải trình nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài tại Văn phòng đại diện.

+ Đề nghị miễn Giấy phép lao động cho Trưởng Văn phòng đại diện

Tài liệu cần chuẩn bị bao gồm:

+ Bản sao chứng thực Giấy phép hoạt động của Văn phòng đại diện

+ Bản sao chứng thực Hộ chiếu của Người đứng đầu Văn phòng đại diện

+ Giấy khám sức khỏe trong thời hạn 6 tháng của người đứng đầu Văn phòng

+ 2 ảnh 4×6 phông trắng.

Trưởng Văn phòng đại diện công ty nước ngoài phải đóng những loại thuế gì?

Vấn đề về thuế đối với Văn phòng đại diện hẹp hơn so với Công ty. Văn phòng đại diện chỉ phát sinh thuế thu nhập cá nhân. Người đứng đầu Văn phòng đại diện thực chất là lao động của Công ty nước ngoài. Vì vậy, thu nhập của người đứng đầu Văn phòng đại diện là tiền lương. Vì vậy, Người đứng đầu văn phòng đại diện cần quan tâm đến vấn đề này.

Về nghĩa vụ khai thuế:

Nghĩa vụ kê khai, khấu trừ, nộp thuế và quyết toán thuế thu nhập cá nhân của người lao động làm việc tại văn phòng đại diện nước ngoài là trách nhiệm của chính văn phòng đại diện đó.

Trong quá trình quyết toán thuế, văn phòng đại diện có thể xem xét và liệt kê các khoản thu nhập cá nhân thuộc diện được miễn thuế, giảm thuế để làm hồ sơ xin miễn, giảm thuế. Theo quy định tại khoản 1 Điều 62 Luật Quản lý thuế thì:

“Trường hợp người nộp thuế tự xác định số tiền thuế được miễn thuế, giảm thuế, hồ sơ gồm có:

+ Tờ khai thuế;

+ Tài liệu liên quan đến việc xác định số thuế được miễn, số thuế được giảm.”

Về quyết toán thuế

Trưởng văn phòng đại diện nước ngoài có thể là cá nhân cư trú và cá nhân không cư trú:

+ Cá nhân cư trú: Có mặt tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên tính trong một năm dương lịch hoặc tính theo 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam hoặc có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam, bao gồm có nơi ở đăng ký thường trú hoặc có nhà thuê để ở tại Việt Nam theo hợp đồng thuê có thời hạn thì kỳ tính thuế: theo năm.

+ Cá nhân không cư trú: Không đáp ứng các điều kiện trên thì kỳ tính thuế: theo từng lần phát sinh thu nhập.

Ngoài ra, quá trình quyết toán thuế cũng giúp các văn phòng đại diện có căn cứ để hoàn thuế nếu số tiền thuế đã nộp lớn hơn số thuế thực chất phải nộp. Quyết toán thuế là một quá trình phức tạp và liên quan đến nhiều quy định pháp luật.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.0191 để được giải đáp.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Luật LVN Group – Sưu tầm & biên tập