Thưa Luật sư của LVN Group,Tôi muốn hỏi: Gia đình chúng tôi được công ty cung cấp nước quận ba đình thay thế đồng hồ đo nước sau 7,8 năm sử dụng, sau khi kiểm định họ nói đồng hồ đã bị can thiệp (tôi không biết sự thể vì nhà mua lại chủ trước tên A ) họ nói sẽ tìm chủ tên A để phạt và không cung cấp nước cho đến khi phạt được chủ nhà A ? Việc làm đó đúng hay sai ? Tại sao tôi phải chịu hậu quả đó ?Trong 7 ,8 năm bên cung cấp nước không đi kiểm tra định kỳ ? Hiện tại tôi đã chịu phạt 8 triệu đồng nhưng vẫn chưa được cấp lại sau 15 ngày cắt nước. Họ nói theo quy định có thể cắt tới 3 tháng ? Theo quyết định của UBND Thành phố Hà Nội về cung cấp nước sạch do ông Nguyễn Văn Khôi ký ngày 30.12.2013 : Điều 17 sau kiểm tra tháo dỡ đồng hồ phải lắp ngay đồng hồ khác để khách hàng sử dụng trong thời gian kiểm tra đồng hồ cũ.

Vậy tôi xin hỏi cty cung cấp nước sạch quận Ba Đình làm việc như thế có đúng không ? Và tôi phải làm gì để được cung cấp lại nước sinh hoạt.

Xin chân thành cảm ơn!

Người gửi: ngochuy

Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục hỏi đáp pháp luật của Công ty Luật LVN Group

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tới thư mục tư vấn của công ty chúng tôi, với câu hỏi của bạn chúng tôi xin trả lời như sau:

1. Cơ sở pháp lý

 

Bộ luật Dân sự năm 2005.

Bộ luật Dân sự năm 2015.

Quyết định 69/2013/QĐ-UBND về sản xuất, cung cấp, sử dụng nước sạch và bảo vệ công trình cấp nước trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Nghị định 117/2007/NĐ-CP về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch.

2. Nội dung phân tích

 

2.1. Căn cứ phát sinh trách nhiệm BTTH

Trong trường hợp này, mặc dù bạn không có lỗi gây ra thiệt hại cho công ty cung cấp nước nhưng bạn vẫn phải bồi thường theo quy định tại điều 604 Bộ luật Dân sự:

“Điều 604. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại  

1. Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.

2. Trong trường hợp pháp luật quy định người gây thiệt hại phải bồi thường cả trong trường hợp không có lỗi thì áp dụng quy định đó.”

2.2. Tạm ngừng dịch vụ cung cấp nước

Điều 45 Nghị định 117/2007/NĐ-CP quy định:

“Điều 45. Tạm ngừng, ngừng dịch vụ cung cấp nước

1. Tạm ngừng dịch vụ cấp nước:

Đơn vị cấp nước tạm ngừng dịch vụ cấp nước trong trường hợp khách hàng sử dụng nước có yêu cầu vì các lý do hợp lý như tạm vắng, tạm dừng sản xuất, kinh doanh trong một thời gian nhất định nhưng không chấm dứt Hợp đồng dịch vụ cấp nước.

2. Ngừng dịch vụ cấp nước

a) Đối với khách hàng sử dụng nước là hộ gia đình sử dụng nước cho mục đích sinh hoạt:

– Đơn vị cấp nước có thể ngừng dịch vụ cấp nước từ điểm đấu nối nếu khách hàng sử dụng nước không thực hiện nghĩa vụ thanh toán tiền nước, vi phạm các quy định của Hợp đồng dịch vụ cấp nước sau 5 tuần kể từ khi có thông báo đến khách hàng sử dụng nước về việc ngừng dịch vụ cấp nước;

– Nếu khách hàng sử dụng nước không thực hiện nghĩa vụ thanh toán do có lý do khách quan đã được thông báo trước cho đơn vị cấp nước về những lý do trên thì việc ngừng dịch vụ cấp nước sẽ được thực hiện sau 10 tuần kể từ khi có thông báo về việc ngừng dịch vụ cấp nước.

b) Đối với các đối tượng sử dụng nước khác:

Đơn vị cấp nước có thể ngừng dịch vụ cấp nước từ điểm đấu nối nếu khách hàng sử dụng nước không thực hiện nghĩa vụ thanh toán tiền nước, vi phạm các quy định của Hợp đồng dịch vụ cấp nước sau 15 ngày làm việc kể từ khi có thông báo đến khách hàng sử dụng nước về việc ngừng dịch vụ cấp nước.”

Điều 11 Quyết định 69/2013/QĐ-UBND quy định:

“Điều 11. Tạm ngừng cung cấp nước

Đơn vị cấp nước được tạm ngừng cung cấp nước trong các trường hợp sau:

1. Hệ thống cấp nước bị sự cố, hư hỏng đột xuất, hoặc di chuyển, sửa chữa, cải tạo theo kế hoạch hàng năm của đơn vị cấp nước; Đơn vị cấp nước có trách nhiệm thông báo cho khách hàng trên các phương tiện thông tin đại chúng và chuẩn bị phương án cấp nước ngay bằng xe stéc đối với khu vực mất nước.

2. Theo quyết định hoặc đề nghị bằng văn bản của cơ quan Nhà nước cơ thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

3. Trường hợp khác được quy định tại khoản 1, điều 45 Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11/7/2007 của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch và khoản 2, điều 19 của bản Quy định này.”

Như vậy, theo các quy định tại Nghị định 117/2007/NĐ-CP và Quyết định 69/2013/QĐ-UBND thì sau khi công ty cung cấp nước đã sửa chữa, cải tạo sự cố xong, công ty phải cung cấp nước cho gia đình bạn. Trong  trường hợp này, bạn có thể lên công ty nước yêu cầu họ cung cấp nước cho mình hoặc bạn có thể gửi đơn khiếu nại, tố cáo tới cơ quan có thẩm quyền để được giải quyết.

3. Chậm đóng tiền bao lâu bị cắt điện, nước?

Theo quy định, người sử dụng điện, nước phải đóng phí đầy đủ và đúng hạn. Trường hợp đóng chậm sẽ bị cắt điện, nước và phải nộp thêm một số khoản tiền phát sinh.
Trường hợp chậm đóng tiền điện
Luật Điện lực sửa đổi năm 2012 quy định: “Trong trường hợp bên mua điện không trả tiền điện và đã được bên bán điện thông báo 02 lần thì sau 15 ngày, kể từ ngày thông báo lần đầu tiên, bên bán điện có quyền ngừng cung cấp điện. Bên bán điện phải thông báo thời điểm ngừng cấp điện cho bên mua điện trước 24 giờ và không chịu trách nhiệm về thiệt hại do việc ngừng cấp điện gây ra”.
Để được cấp điện trở lại, hộ gia đình, cá nhân cần nhanh chóng đóng tiền điện tại công ty điện lực phụ trách nơi mình ở, qua hệ thống ngân hàng, qua kênh thanh toán online hoặc bất cứ địa điểm nào được ủy quyền thu tiền điện.
Ngoài số tiền điện phát sinh trong tháng, hộ gia đình, cá nhân còn phải đóng thêm phí cấp điện trở lại. Theo Quyết định 8474/QĐ-BCT năm 2014, mức phí này được quy định như sau:
– Từ 0,4kV trở xuống: 81.000 đồng
– Trên 0,4kV đến 35kV: 222.000 đồng
– Trên 35kV: 344.000 đồng.
Trường hợp chậm đóng tiền nước
Điều 45 Nghị định 117/2007/NĐ-CP quy định: “Đơn vị cấp nước có thể ngừng dịch vụ cấp nước từ điểm đấu nối nếu khách hàng sử dụng nước không thực hiện nghĩa vụ thanh toán tiền nước, vi phạm các quy định của Hợp đồng dịch vụ cấp nước sau 05 tuần, kể từ khi có thông báo đến khách hàng sử dụng nước về việc ngừng dịch vụ cấp nước”.
Trường hợp chậm trả tiền nước quá 01 tháng so với thời hạn thanh toán, hộ gia đình phải trả cả tiền lãi của khoản tiền chậm trả cho đơn vị cấp nước. Lãi suất của số tiền chậm trả do các bên thỏa thuận trong Hợp đồng nhưng không vượt quá lãi suất cho vay cao nhất của Ngân hàng mà đơn vị cấp nước có tài khoản ghi trong Hợp đồng.

4. Khách hàng có quyền yêu cầu đơn vị cấp nước kiểm tra đồng hồ đo nước không?

Điều 14  Quyết định 69/2013/QĐ-UBND quy định về Kiểm tra, kiểm định đồng hồ đo nước

1. Khách hàng có quyền yêu cầu đơn vị cấp nước kiểm tra, kiểm định đồng hồ đo nước khi nghi ngờ đồng hồ đo nước chạy không chính xác. Đồng hồ đo nước được xem là vẫn chạy chính xác nếu kết quả kiểm tra, kiểm định có sai số không vượt quá ± 5% lượng nước thực tế qua đồng hồ đo nước.

2. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu của khách hàng, đơn vị cấp nước phải tiến hành kiểm tra, kiểm định đồng hồ đo nước.

Việc kiểm tra, kiểm định đồng hồ đo nước phải có sự chứng kiến của khách hàng và được lập biên bản ghi rõ nội dung sự việc. Biên bản được lập 02 bản, đơn vị cấp nước giữ 01 bản, khách hàng giữ 01 bản.

3. Kết quả kiểm tra, kiểm định đồng hồ đo nước được giải quyết như sau:

a) Nếu độ sai số của đồng hồ đo nước vẫn nằm trong giới hạn cho phép (ghi cụ thể giới hạn cho phép) thì khách hàng yêu cầu kiểm tra, kiểm định phải chịu chi phí kiểm tra, kiểm định;

b) Nếu sai số vượt quá giới hạn cho phép, khách hàng yêu cầu kiểm tra, kiểm định không phải thanh toán chi phí kiểm tra, kiểm định đồng hồ đo nước, đơn vị cấp nước phải thay đồng hồ đo nước cho khách hàng, đồng thời, phải hoàn trả lại cho khách hàng số tiền nước đã thu tương ứng với sai số lượng nước chạy nhanh (theo kết quả kiểm định) trong kỳ hóa đơn khách hàng có yêu cầu kiểm định đồng hồ đo nước;

Nếu đồng hồ đo nước chạy chậm vượt quá giới hạn sai số cho phép thì đơn vị cấp nước phải thay đồng hồ đo nước cho khách hàng; khách hàng không phải thanh toán thêm cho đơn vị cấp nước số tiền tương ứng với lượng nước do đồng hồ đo nước chạy chậm.

4. Ghi chỉ số đồng hồ đo nước

a) Trường hợp chỉ số đồng hồ đo nước bị ghi sai lệch dẫn đến việc tính không chính xác lượng nước sử dụng cho khách hàng, thì đơn vị cấp nước phải thông báo cho khách hàng biết lượng nước sai biệt và sẽ điều chỉnh vào kỳ hóa đơn tiếp theo;

b) Trường hợp đồng hồ đo nước bị hư hỏng, hoặc vì những lý do khác mà đơn vị cấp nước không thể ghi được chỉ số đồng hồ đo nước thì lượng nước sử dụng trong kỳ hóa đơn được tính theo phương pháp trung bình cộng của hóa đơn tiền nước 2 tháng trước đó, nhưng không được kéo dài quá hai kỳ hóa đơn liên tiếp. Đơn vị cấp nước phải có biện pháp để đọc được chỉ số đồng hồ đo nước, hoặc tạm ngừng cấp nước.

5. Đơn vị cấp nước có trách nhiệm xây dựng kế hoạch kiểm tra, kiểm định đồng hồ đo nước theo định kỳ và chịu trách nhiệm về tính chính xác của đồng hồ đo nước.

6. Trường hợp khách hàng sử dụng nước không nhất trí với kết quả kiểm định của đơn vị cấp nước thì có quyền yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước về cấp nước ở địa phương tổ chức kiểm định độc lập theo quy định tại khoản 3, khoản 4 và khoản 5, Điều 50 Nghị định số 117/NĐ-CP ngày 11/7/2007 của Chính phủ.

 Như vậy : Khách hàng có quyền yêu cầu đơn vị cấp nước kiểm tra, kiểm định đồng hồ đo nước khi nghi ngờ đồng hồ đo nước chạy không chính xác. Đồng hồ đo nước được xem là vẫn chạy chính xác nếu kết quả kiểm tra, kiểm định có sai số không vượt quá ± 5% lượng nước thực tế qua đồng hồ đo nước.

Trên đây là những tư vấn của chúng tôi về vấn đề của bạn. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và lựa chọn công ty chúng tôi.

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn luật dân sự – Công ty luật LVN Group