1. Người khác nhờ mua xe trả góp có nên giúp không ?

Chào luật LVN Group, Tôi có một vấn đề cần nhờ giải đáp giùm ạ, cha tôi có mua giùm cho vợ chồng anh chị hàng xóm 1 chiếc xe sirius trả góp trị giá 20 triệu 500 ngàn đồng, mỗi tháng phải góp 1 triệu 600, nhưng cha tôi là người đứng tên chủ sở hữu chiếc xe đó.
Vợ chồng anh chị đó góp được 8 tháng rồi không có tiền góp nữa, đến nay đã trễ 5 tháng không góp, lại còn đem chiếc xe đi cầm ở cửa hàng cầm đồ với số tiền 6 triệu. Bây giờ bên công ty xe làm đơn muốn thưa cha tôi, buộc phải chuộc xe ra cho bên công ty họ thu hồi về, không thì đóng tiền xe. Nhưng cha tôi xuống nói chuyện với vợ chồng anh chị kia thì nói không có tiền không chịu chuộc xe ra cũng không đóng tiền xe. Vậy bây giờ cha tôi nên làm như thế nào ạ ?
Rất mong được Luật sư của LVN Group tư vấn giùm.

Luật sư trả lời:

Theo thông tin ban cung cấp bạn cần xác định rõ một số nội dung sau để giải quyết vấn đề của mình:

Mặc dù về mặt bản chất là hai vợ chồng người hàng xóm đứng ra trả góp, cha bạn theo sự nhờ vả của bên hàng xóm có đứng tên trên hợp đồng và giấy chứng nhận đăng ký xe, và cha bạn đã đứng ra ký kết hợp đồng mua trả góp với phía bên công ty thì cha bạn sẽ phải chịu trách nhiệm, rủi ro với chiếc xe trong thời gian trả góp, còn chiếc xe vẫn thuộc sở hữu của bên công ty khi vẫn đang trong thời gian trả góp. Phía công ty có quyền đòi lại chiếc xe nếu như trong thời gian trả góp phía bên bạn có hành vi không trả tiền quá thời hạn theo thỏa thuận trong hợp đồng, hoặc có hành vi bán, chuyển quyền sở hữu tài sản, ảnh hưởng đến quyền được bảo lưu quyền sở hữu của bên bán, cụ thể theo quy định của pháp luật dân sự:

Điều 453. Mua trả chậm, trả dần

1. Các bên có thể thỏa thuận về việc bên mua trả chậm hoặc trả dần tiền mua trong một thời hạn sau khi nhận tài sản mua. Bên bán được bảo lưu quyền sở hữu đối với tài sản bán cho đến khi bên mua trả đủ tiền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

2. Hợp đồng mua trả chậm hoặc trả dần phải được lập thành văn bản. Bên mua có quyền sử dụng tài sản mua trả chậm, trả dần và phải chịu rủi ro trong thời gian sử dụng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Như vậy, cha bạn có thể làm việc với phía gia đình người hàng xóm trước, để yêu cầu họ trả tiền để lấy lại chiếc xe để trả cho bên công ty, sau đó công ty sẽ thanh toán tiền cho bên bạn theo tỷ lệ trong hợp đồng thỏa thuận, nếu như gia đình bên hàng xóm không chịu hợp tác thì cha bạn có thể lựa chọn một trong hai cách sau để giải quyết:

Thứ nhất, cha bạn có thể đến bên cơ quan công an ở địa phương để yêu cầu tiến hành xử phạt vi phạm hành chính của cửa hàng cầm đồ khi thực hiện việc cầm cố tài sản phải đăng ký quyền sở hữu của người khác không có giấy tờ đăng ký sở hữu hợp pháp, hay không có giấy ủy quyền của chủ sở hữu thì hình thức xử lý như sau:

Điều 11. Vi phạm các quy định về quản lý ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự
2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Kinh doanh không đúng ngành, nghề, địa điểm ghi trong giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự;
b) Thay đổi người đứng đầu doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, người đại diện theo pháp luật của cơ sở kinh doanh mà không có văn bản thông báo với cơ quan có thẩm quyền;
c) Cho mượn, cho thuê, mua, bán giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật;
d) Nhận cầm cố tài sản mà theo quy định tài sản đó phải có giấy tờ sở hữu nhưng không có các loại giấy tờ đó;
đ) Nhận cầm cố tài sản nhưng không có hợp đồng theo quy định;
e) Cầm cố tài sản thuộc sở hữu của người khác mà không có giấy ủy quyền hợp lệ của người đó cho người mang tài sản đi cầm cố;

Như vậy vì chủ cửa hàng cầm đồ cũng thực hiện sai nguyên tắc hành nghề, còn người đi cầm cố không có thẩm quyền để thực hiện việc cầm cố tái sản nên bên cầm đồ sẽ phải trả lại tài sản cho bên bạn hoặc phía bên công ty ( những người có quyền với tài sản này).

Thư hai, bạn có thể gửi đơn ra tòa án nhân dân cấp huyện nơi cửa hàng cầm đồ đó có trụ sở để yêu cầu tuyên bố giao dịch dân sự của họ vô hiệu theo quy định của pháp luật dân sự về việc chủ thể tiến hành việc cầm cố tài sản không phải chủ sở hữu cũng không có văn bản ủy quyền của chủ sở hữu để thực hiện việc này:

Điều 117. Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự

1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;

b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;

c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

2. Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định.

Theo quy định này giao dịch sẽ không đảm bảo đủ điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự, và bị tuyên vô hiệu theo điều 122 Bộ Luật dân sự năm 2015 về giao dịch dân sự vô hiệu. Mà hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu là các bên sẽ trao trả cho nhau những gì đã nhận, cụ thể:

Điều 131. Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu
1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập.
2. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.
Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.
3. Bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức đó.
4. Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường.
5. Việc giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu liên quan đến quyền nhân thân do Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định.

Từ đó bạn có thể yêu cầu bên hàng xóm trả lại tài sản cho bên công ty sau khi giải quyết xong việc với bên cầm đồ.

2. Có sang tên được xe máy khi người đứng tên ra nước ngoài ?

Thưa Luật sư, tôi có câu hỏi cần tư vấn như sau: Tôi có 1 xe máy do cậu của chồng đứng tên mang biển số ở Hải Dương, hiện cậu đã đi nước ngoài. Tôi đang sinh sống tại Nha Trang. Tôi muốn sang tên và đổi biển số đầu số Khánh Hoà thì phải làm thế nào? Tôi có giấy đăng ký mô tô, xe máy.
Trân trọng cảm ơn.
Người gửi: K.P

Trả lời:

Bước 1: Làm thủ tục sang tên xe sang tỉnh khác.

Sau khi có hợp đồng chuyển quyền giữa bạn và cậu bạn, bạn đến cơ quan Công an để làm thủ tục sang tên xe.

– Cơ quan thực hiện: Cơ quan Công an nơi trước đây chủ xe đã đăng ký xe máy (có ghi trên đăng ký xe).

– Hồ sơ: Theo Điều 12 Thông tư 58/2014/TT-BCA, bạn cần xuất trình những giấy tờ sau:

a) Giấy chứng nhận đăng ký, biển số xe theo quy định tại khoản 3 Điều 6 Thông tư này;
b) Giấy tờ chuyển quyền sở hữu xe của người đứng tên trong giấy chứng nhận đăng ký xe và giấy tờ chuyển quyền sở hữu xe của người bán cuối cùng (nếu có).

– Thủ tục: Khi bạn nộp hồ sơ đầy đủ thì cán bộ thực hiện sẽ:

+ Kiểm tra hồ sơ; thu hồi biển số, giấy chứng nhận đăng ký xe. Do vậy bạn cần về Thanh Hóa để rút hồ sơ gốc của xe.

+ Sau khi làm các thủ tục cần thiết thì cán bộ thực hiện sẽ trả phiếu sang tên, di chuyển, giấy khai sang tên di chuyển kèm theo hồ sơ gốc cho chủ xe và cấp giấy chứng nhận đăng ký xe tạm thời.

Bước 2: Làm thủ tục đăng ký xe từ Thanh Hóa chuyển đến Nha Trang

-Cơ quan thực hiện:Công an cấp huyện nơi cư trú của bạn.

-Hồ sơ:

+ Giấy khai đăng ký xe (mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư này).

+ Chứng từ lệ phí trước bạ theo quy định tại khoản 2 Điều 10 Thông tư này.

+ Giấy khai sang tên, di chuyển xe (mẫu số 04 ban hành kèm theo Thông tư này) và phiếu sang tên di chuyển kèm theo chứng từ chuyển quyền sở hữu xe quy định tại khoản 1 Điều 10 Thông tư này.

+ Hồ sơ gốc của xe theo quy định.

Vấn đề thay đổi biển số Khánh Hòa:

Căn cứ Điều 20 Thông tư 58/2020/TT-BCA:

Điều 20. Giải quyết một số trường hợp khi đăng ký, cấp biển số xe

22. Đăng ký sang tên xe bán hoặc điều chuyển cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khác tỉnh, nhưng chưa đăng ký và bán lại cho cơ quan, tổ chức, cá nhân cư trú cùng tỉnh của chủ xe, giải quyết đăng ký, cấp biển số mới hoặc cấp lại biển số cũ theo yêu cầu.
Xe đã đăng ký, cấp biển số nhưng chủ xe bán cho người khác, nay chủ xe đề nghị đăng ký lại nguyên chủ: Giải quyết đăng ký lại và giữ nguyên biển số cũ.

3. Tư vấn về việc sang tên đổi chủ xe máy ?

Xin chào Luật LVN Group, em có câu hỏi sau xin được giải đáp: Em muốn mua một cái xe cũ để đi chở hàng nhưng em đang lo lắng về vấn đề sang tên đổi chủ? Hiện tại, cả chủ xe và xe máy đều không ở nơi mà họ đăng ký biển số. Vậy khi em mua chiếc xe này cần những thủ tục gì?
Xin cám ơn.
Người gửi: ducluon

Trả lời:

Thủ tục, hồ sơ sang tên, di chuyển xe từ tỉnh này sang tỉnh khác

Theo Điều 10 Thông tư 36/2010/TT-BCA ngày 12/10/2010 của Bộ Công an quy định về đăng ký xe thì thủ tục, hồ sơ sang tên, di chuyển xe từ tỉnh này sang tỉnh khác được thực hiện như sau:

– Người mua hoặc người bán xe phải xuất trình Giấy chứng minh nhân dân (CMND) của chủ xe. Trường hợp chưa được cấp Giấy CMND hoặc nơi thường trú ghi trong Giấy CMND không phù hợp với nơi đăng ký thường trú ghi trong giấy khai đăng ký xe thì xuất trình Sổ hộ khẩu (không phải đưa xe đến kiểm tra).

– Giấy chứng nhận đăng ký xe và biển số xe.

– Hai giấy khai sang tên di chuyển (theo mẫu)

– Chứng từ chuyển nhượng xe: hợp đồng tặng cho hoặc mua bán theo quy định của pháp luật; đối với giấy bán, cho, tặng xe của cá nhân phải có chứng thực của UBND xã, phường, thị trấn đối với chữ ký của người bán, cho, tặng xe hoặc có xác nhận của cơ quan, đơn vị công tác.

Trường hợp di chuyển nguyên chủ đi tỉnh khác, phải có quyết định điều động công tác hoặc Sổ hộ khẩu thay cho chứng từ chuyển nhượng xe.

Đăng ký xe sang tên từ tỉnh khác chuyển đến

Thủ tục đăng ký xe sang tên, di chuyển xe từ tỉnh khác chuyển đến được quy định tại Điều 9 Thông tư số 36/2010/TT-BCA bao gồm các giấy tờ sau:

– Chủ xe phải xuất trình Giấy CMND. Trường hợp chưa được cấp Giấy CMND thì xuất trình Sổ hộ khẩu.

– Giấy khai đăng ký xe.

– Chứng từ lệ phí trước bạ: Biên lai hoặc giấy nộp tiền vào ngân sách nhà nước bằng tiền mặt hoặc séc qua kho bạc Nhà nước (có xác nhận của kho bạc Nhà nước đã nhận tiền) hoặc giấy ủy nhiệm chi qua ngân hàng nộp lệ phí trước bạ theo quy định của Bộ Tài chính. Đối với xe được miễn lệ phí trước bạ, chỉ cần tờ khai lệ phí trước bạ có xác nhận của cơ quan thuế (thay cho biên lai hoặc giấy nộp lệ phí trước bạ).

– Giấy khai sang tên và phiếu sang tên di chuyển kèm theo hồ sơ gốc của xe và chứng từ chuyển nhượng: Quyết định bán, cho, tặng hoặc hợp đồng mua bán theo quy định của pháp luật. Giấy bán, cho, tặng xe của cá nhân phải có chứng thực của UBND xã, phường, thị trấn đối với chữ ký của người bán, cho, tặng xe hoặc có xác nhận của cơ quan, đơn vị công tác.

Lệ phí trước bạ xe máy

Khoản 4 Điều 6 Thông tư số 124/2011/TT-BTC ngày 31/8/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn về lệ phí trước bạ quy định tỷ lệ (%) lệ phí trước bạ đối với xe máy mức thu là 2%.

Riêng đối với xe máy của tổ chức, cá nhân ở các thành phố trực thuộc Trung ương; thành phố thuộc tỉnh; thị xã nơi UBND tỉnh đóng trụ sở nộp lệ phí trước bạ lần đầu với mức là 5%.

Đối với xe máy nộp lệ phí trước bạ lần thứ 2 trở đi được áp dụng mức thu là 1%. Trường hợp chủ tài sản đã kê khai, nộp lệ phí trước bạ đối với xe máy thấp hơn 5%, sau đó chuyển giao cho tổ chức, cá nhân ở địa bàn thành phố trực thuộc Trung ương; thành phố thuộc tỉnh; thị xã nơi UBND tỉnh đóng trụ sở thì nộp lệ phí trước bạ theo mức là 5%.

Đối với xe máy được kê khai nộp lệ phí trước bạ từ lần thứ 2 trở đi, chủ tài sản kê khai lệ phí trước bạ phải xuất trình cho cơ quan thuế giấy đăng ký mô tô, xe máy hoặc hồ sơ đăng ký xe do công an cấp đăng ký trả. Địa bàn đã kê khai nộp lệ phí lần trước được xác định theo “Nơi thường trú”, “Nơi Đăng ký nhân khẩu thường trú” hoặc “Địa chỉ” ghi trong giấy đăng ký mô tô, xe máy hoặc giấy khai đăng ký xe, giấy khai sang tên, di chuyển trong hồ sơ đăng ký xe và được xác định theo địa giới hành chính nhà nước tại thời điểm kê khai lệ phí trước bạ.

Trường hợp của bạn, bạn đi mua lại chiếc xe máy cũ (nhiều lần đổi chủ và hiện tại cả chủ xe và xe máy đều không ở nơi mà họ đăng ký biển số), nay bạn muốn sang tên và đứng chủ chiếc xe đó. Như vậy, đầu tiên bạn cần yêu cầu nguyên chủ của chiếc xe đó cũng cấp quyết định điều động công tác khi đi sang tỉnh mới hoặc sổ hộ khẩu thay cho chứng từ chuyển nhượng xe. Hợp đồng mua bán xe có chứng thực của UBND cấp xã rồi đăng kí xe thuộc cấp huyện hoàn thiện thủ tục hồ sơ sang tên, di chuyển từ nơi ở hiện tại đến chỗ bạn.

Sau khi bạn hoàn thiện thủ tục hồ sơ sang tên, di chuyển xe sang tỉnh khác, giao xe và hồ sơ xe cho bạn, bạn phải đến chi cục thuế quận, huyện nơi cư trú hiện tại để kê khai, nộp lệ phí trước bạ rồi đến cơ quan đăng ký xe thuộc công an quận, huyện nơi cư trú để hoàn thiện thủ tục đăng ký xe sang tên, di chuyển xe từ tỉnh khác chuyển đến.

Lệ phí trước bạ thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 4 Điều 6 Thông tư số 124/2011/TT-BTC.

Lệ phí cấp đăng ký và biển số xe máy do UBND thành phố nơi bạn cư trú và tiến hành đổi chủ quy định.

Trân trọng./.

4. Chưa thành niên có thể sở hữu xe máy?

Anh ơi ! em mới mua cho đứa em chiếc xe máy. Năm nay nó đang học 12 ( sinh năm 1999) . vậy nó đã đủ điều kiện để đứng tên xe chưa ạ ?

Do bạn chỉ đề cập đến năm sinh mà không đề cập đến ngày sinh nên chúng ta có thể chia làm 2 trường hợp:

– Trường hợp 1: tính đến thời điểm này đã đủ 18 tuổi, người này hoàn toàn có quyền thực hiện các giao dịch dân sự cũng như đứng tên trên giấy chứng nhận đăng ký xe nếu có đủ năng lực hành vi dân sự.

– Trường hợp 2: Người này dưới 18 tuổi. Bộ luật Dân sự 2015 quy định về giao dịch của người chưa thành niên như sau:

“Điều 21. Người chưa thành niên

1. Người chưa thành niên là người chưa đủ mười tám tuổi.

2. Giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi do người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập, thực hiện.

3. Người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi.

4. Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.”

Theo đó, người chưa thành niên có quyền thực hiện các giao dịch dân sự, cụ thể là việc mua xe, làm thủ tục đứng tên trên giấy chứng nhận nhưng phải được người đại diện theo pháp luật (thường là cha, mẹ) đồng ý.

>> Bài viết tham khảo thêm: Trong thời gian bao lâu kể từ ngày mua xe phải tiến hành thủ tục đăng ký xe máy?

5. Mua bán xe máy có giấy tờ giả chịu trách nhiệm như thế nào ?

Thưa Luật sư, năm 2012 cháu có mở quán sửa chữa xe máy nhỏ lẻ. Đến cuối năm 2013 cháu có dành dụm và mua được 1 chiếc xe ga mang biển Thanh Hóa. Vì biển xa nên được mua rẻ (cháu mua 10 triệu) về sửa sang lại gần 13 triệu, đến cuối năm 2014 cháu bán đi với giá 13 triệu.
Để lấy vốn mua mấy con xe tàu về sửa chữa lại mang bán.Đến cuối năm 2016, người cháu bán xe quay lại bảo giấy tờ xe có vấn đề và không nói là giấy tờ giả chỉ nói chung chung là có vấn đề(là xe trộm cắp). Thực hư thế nào cháu cũng không rõ. Khi cháu mua xe thì có photo chứng minh thư người bán và viết giấy mua bán xe đầy đủ.Và khi bán đi cũng vậy. Bây giờ ông ấy quay lại dọa cháu phải đưa ông ấy 7 triệu rồi cho êm xuôi. Cháu có hỏi nếu giấy tờ là giả công an tỉnh giữ lại thì phải có giấy xác nhận của công an phải không ạ. Nếu không may sự việc là thật mà ông ấy trình báo công an thì cháu có làm sao không.Có bị phạt gì không ạ ?
Mong các bác giải sớm giúp cháu.Xin cảm ơn!

>>Luật sư tư vấn pháp luật dân sự, gọi 1900.0191

Trả lời:

Trước hết, bạn nên cùng người mua đến Phòng CSGT nhờ kiểm tra, xác minh lại giấy tờ là thật hay giả. Nếu trường hợp giấy tờ là giả, bạn cũng không phải chịu trách nhiệm hình sự vì những lý do sau đây.
Đầu tiên, căn cứ vào Điều 323, Bộ luật hình sự 2015 quy định:

Điều 323. Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có

1. Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Tài sản, vật phạm pháp trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;

d) Thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

đ) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 10 năm:

a) Tài sản, vật phạm pháp trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

b) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:

a) Tài sản, vật phạm pháp trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;

b) Thu lợi bất chính 300.000.000 đồng trở lên.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Tiếp theo, dựa vào Thông tư liên tịch 09/2011/TTLT-BCA-BQP-BTP-NHNNVN-VKSNDTC-TANDTC áp dụng quy định của Bộ Luật hình sự ta có:

“1. “Tài sản do người khác phạm tội mà có” là tài sản do người phạm tội có được trực tiếp từ việc thực hiện hành vi phạm tội (ví dụ: tài sản chiếm đoạt được, tham ô, nhận hối lộ…) hoặc do người phạm tội có được từ việc mua bán, đổi chác bằng tài sản có được trực tiếp từ việc họ thực hiện hành vi phạm tội (ví dụ: xe máy có được từ việc dùng tiền tham ô để mua).

2. “Biết rõ tài sản là do người khác phạm tội mà có” là có căn cứ chứng minh biết được tài sản có được trực tiếp từ người thực hiện hành vi phạm tội hoặc có được từ việc mua bán, đổi chác bằng tài sản có được trực tiếp từ người thực hiện hành vi phạm tội.”

Theo như trường hợp trong giả thiết, bạn tiêu thụ và chứa chấp xe máy có giấy tờ giả (có thể do trộm cắp mà có) tuy nhiên điều này cũng không đủ cấu thành tội phạm theo Điều 250. Vì Điều luật này nêu rõ “tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có” mà bạn lại không biết rõ đây là giấy tờ giả (có thể do trộm cắp mà có) cho nên bạn không thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.

Mặt khác, bạn cần lưu ý vấn đề giao dịch dân sự mua bán xe máy. Nếu đây là chiếc xe không thuộc quyền sở hữu của người tiêu thụ thì giao dịch mua bán chiếc xe này sẽ bị coi là trái pháp luật và bị vô hiệu. Điều 131, Bộ luật dân sự 2015 quy định về Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu như sau:

Điều 131. Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu

1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập.

2. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.

Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.

3. Bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức đó.

4. Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường.

5. Việc giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu liên quan đến quyền nhân thân do Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định.

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.0191 hoặc gửi qua email: Tư vấn pháp luật dân sự miễn phí qua Email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật LVN Group.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Bộ phận Tư vấn pháp luật Dân sự – Công ty luật LVN Group