Trả lời:

Luật biển quốc tế là một nội dung quan trọng của luật quốc tế, vì vậy lý thuyết về nguồn của Luật biển quốc tế dựa trên lý thuyết về nguồn của luật quốc tế, đó là hình thức chứa đựng các quy phạm. Điều 38 khoản 1 Quy chế Tòa án công lý quốc tế năm 1945 xác định: những điều ước quốc tế chung hoặc riêng, thiết lập các quy tắc được các quốc gia tranh chấp thừa nhận rõ ràng; tập quán quốc tế như một chứng cứ thực tiễn chung, được thừa nhận như là luật; các nguyên tắc pháp luật chung được các quốc gia văn minh thừa nhận; những quyết định của các tòa án quốc tế và học thuyết của các luật gia có trình độ cao của các nước khác nhau, như nguồn bổ sung xác định các quy tắc cùa luật, về mặt nguyên tắc, Quy chế Tòa án công lý quốc tế và Điều 38 khoản 1 Quy chế này chỉ áp dụng với Tòa án và các quan hệ được giải quyết tại Tòa án, nhưng thực tiễn quốc tế và các quốc gia chấp nhận điều khoản này như là tuyên bố về các nguồn của luật quốc tế.

1. Nguồn cơ bản của Luật biển quốc tế

1.1 Điều ước quốc tế

Trong Luật biển quốc tế hiện đại, điều ước quốc te được coi là nguồn phổ biến, chứa đựng các thỏa thuận quốc tế, được ký kết bởi các chủ thể của Luật biển quốc tế. Phạm vi điều chỉnh của điều ước quốc tế liên quan đến quá trình xác định, sử dụng, khai thác các vùng biển đặt dưới chế độ pháp lý khác nhau và các hệ quả phát sinh từ quá trình này, như vấn đề quản lý, bảo vệ, gìn giữ môi trường biển phát triển bền vững, vẩn đề thiết lập và duy trì hoạt động của các thiết chế quốc tế, các đảm bảo pháp lý hữu hiệu để duy trì hoạt động sử dụng, khai thác biển… Thực tiễn ký kết các điều ước quốc tế về biển thường có các công ước quốc tế đa phương trong khuôn khổ các tổ chức quốc tế toàn cầu hoặc chuyên môn, hay hiệp định họp tác song phương giữa các quốc gia.

Đối với Luật biển quốc tế hiện đại, UNCLOS 1982 có tầm quan trọng đặc biệt. Với 320 điều khoản, 17 phần và 9 phụ lục (gồm hàng nghìn quy định), và hiện vẫn đang tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện, như Thỏa thuận ngày 02/7/1994 về thực hiện Phần XI của Công ước, UNCLOS 1982 đã tạo dựng được một khung pháp lý hiện đại về biển, có hiệu lực thi hành trong cộng đồng quốc tế. Bằng các quy định tiến bộ, khoa học và tổng thể, công ước đã đề cập một cách toàn diện các vấn đề về pháp lý, kinh tế, khoa học kĩ thuật, hợp tác, giải quyết tranh chấp… phát sinh trong quá trình sử dụng biển của các quốc gia. Công ước là sự kế thừa tính tích cực, tiến bộ của luật quốc tế; phản ánh thực tiễn sôi động của quá trình khai thác, sử dụng biển. Điểm đặc biệt của UNCLOS 1982 là tính “cả gói” (mọi khía cạnh) bao gồm các mối quan hệ của nhiều vấn đề khác nhau có liên quan, với đa phần các quốc gia tham gia và phần lớn các xung đột về quyền lợi. Mặt khác, Công ước cho phép vận dụng một cách linh hoạt nhằm bảo đảm tính bền vững qua thời gian và cũng không để xảy ra tình trạng xâm lấn chủ quyền của các quốc gia. Vì vậy, mỗi quy định đều được đặt trong bổi cảnh tổng thể tạo thành một Công ước cân bằng để tạo ra cơ sở của sự nhất trí chung.

So với các công ước quốc tế của Hội nghị của UN về Luật biển lần thứ nhất được ký kết năm 1958, UNCLOS 1982 đã giải quyết được một cách khá cơ bản những vấn đề đặt ra của Luật biển quốc tế hiện đại. Trong xu thể xây dựng và phát triển hiện đại của luật quốc tế chung và Luật biển quốc tế, UNCLOS 1982 là một trong những công cụ pháp lý chủ đạo để thực thi các hoạt động trên biển theo một trật tự pháp lý ổn định, để duy trì và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển, đồng thời là khuôn khổ phầp lý để phát triển và hoàn thiện các quy định khác, có hiệu lực điều chỉnh một cách trực tiếp đối với các hoạt động diễn ra trong môi trường không gian biển và đại dương.

Không những thế, UNCLOS 1982 còn có sự trù định về một số trường hợp phát sinh yêu cầu phải giải quyết mối quan hệ giữa UNCLOS 1982 với điều ước quốc tế khác, có liên quan trực tiếp đến việc thực thi UNCLOS 1982 của các thành viên, cụ thể như sau:

– Trong quan hệ giữa các quốc gia đồng thời là thành viên của cả UNCLOS 1982 và các công ước 1958 thì hiệu lực ưu tiên áp dụng sẽ thuộc về UNCLOS 1982;

– UNCLOS 1982 cũng không làm ảnh hưởng đến hiệu lực thi hành của các điều ước quốc tế khác mà thành viên UNCLOS 1982 đã ký kết hoặc gia nhập, với điều kiện điều ước quốc tế đó phải phù hợp với UNCLOS 1982 và việc thực thi các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ điều ước quốc te khác đó không ảnh hưởng đến việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của quốc gia thành viên khác của UNCLOS 1982;

– Trong quan hệ song phương hay đa phương giữa một số thành viên UNCLOS 1982, Công ước cho phép các nước này có thể ký các điều ước quốc tế sửa đổi hay đình chỉ việc áp dụng các quy định của Công ước trong mối quan hệ phát sinh riêng giữa những chủ thể này với nhau, với điều kiện:

+ Không đụng đến một trong những quy định của UNCLOS 1982 mà việc không tôn trọng sẽ không phù họp với việc thực hiện nội dung và mục đích của Công ước;

+ Không đụng đến việc áp dụng các nguyên tắc cơ bản đã được nêu trong Công ước;

+ Không ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của quốc gia khác bắt nguồn từ Công ước.

Ngoài sự tồn tại của UNCLOS 1982, hệ thống điều ước quốc tế về biển còn có nhiều văn kiện pháp lý quan trọng phải kể đến như:

– Công ước Montreux về chế độ các eo biển Thổ Nhĩ Kỳ (1936);

– Công ước 1888 về sự đảm bảo tương đối quyền tự do quá cảnh của tàu thuyền qua kênh đào Xuy-ê;

– Hiệp định về trao trả kênh đào Panama 1977;

– Công ước quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm từ tàu 1973 được bổ sung bởi Nghị định thư 1978 (MARPOL 73/78);

– Công ước quốc tế về an toàn sinh mạng của con người trên bỉển 1974 và Nghị định bổ sung 1978 (SOLAS 74/78);

– Công ước quốc tế về thiết lập quỹ quốc tế đền bù thiệt hại do ô nhiễm dầu gây ra (FUND 1971);

– Công ước quốc tế về trách nhiệm dân sự và bồi thường thiệt hại liên quan đến vận chuyển các chất nguy hiểm và độc hại bằng đường biển (HNS 1996);

– Công ước quốc tế về trách nhiệm dân sự và bồi thường thiệt hại do ô nhiễm dầu (BVNKER 2001);

– Công ước về ngăn ngừa ô nhiễm biển do đổ các chất thải và những vật liệu khác trên biển (London 1972);

– Công ước quốc tế về sẵn sàng ứng phó và hợp tác trong xử lý ô nhiễm dầu 1990 (OPRC 90);

– Công ước quốc tế về thống nhất các quy tắc chung liên quan đâm va tàu 1972…

Trong quan hệ hợp tác sử dụng, khai thảc biển, mỗi quốc gia, chẳng hạn như Việt Nam, còn có thể áp dụng các điều ước quốc tế song phương đã ký kết với nước ngoài. Cụ thể, ở Việt Nam, nguồn điều ước quốc tế tham gia điều chỉnh quan hệ họp tác quốc tế trong lĩnh vực Luật biển của Việt Nam còn phải kể đến một số văn bản pháp lý quốc tế quan trọng như:

– Hiệp định phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa giữa Việt Nam và Trung Quốc (ký ngày 25/12/2000, được phê chuẩn ngày 30/6/2004);

– Hiệp định và Nghị định thư bổ sung về hợp tác nghề cá trong Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc (được phê duyệt ngày 30/6/2004);

– Hiệp định phân định biển Việt Nam và Thái Lan ngày 09/8/1997;

– Bản ghi nhớ Việt Nam – Malaysia về thiết lập chế độ khai thác chung ở vùng chồng lấn 1992;

– Hiệp định phân định thềm lục địa giữa Việt Nam vâ Indonesia ngày 26/6/2003…

1.2 Tập quán quốc tế

Bên cạnh các công ước quốc tế về biển, tập quán quốc tế đóng vai trò rất quan trọng. Tập quán quốc tế với tư cách là nguồn của Luật biển quốc tế là những quy tắc hình thành trong thực tiễn và được thừa nhận là luật. Sự thừa nhận thể hiện thông qua việc tuân thủ hoặc im lặng không phản đổi. Đối với Luật biển quốc tế, các tập quán quốc tế xuất hiện trước, có vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh quan hệ giữa các quốc gia trong lịch sử. Trong mối quan hệ với điều ước, tập quán quốc tế tác động tới sự hình thành các điều ước quốc tế về biển. Tập quán về biển cả là cơ sở để các quốc gia tham gia Hội nghị của UN về Luật biển lần thứ nhất ký kết Công ước về biển cả cũng như nội dung biển cả trong UNCLOS 1982. Mặc dù các tập quán quốc tế về biển cơ bản đã được pháp điển hóa nhưng tập quán quốc tế vẫn tồn tại độc lập và vẫn có hiệu lực ràng buộc các quốc gia, bởi vì các điều ước quốc tế không bao gồm thành viên là tất cả các quốc gia trên thế giới.

2. Nguồn bổ trợ của Luật biển quốc tế

2.1 Phán quyết của toà án quốc tế

Điều 38 khoản 1 điểm d của Quy chế Tòa án quốc tế đề cập tới các phán quyết của tòa án và các phán quyết có vai trò quan trọng đối với luật pháp quốc tế nói chung và Luật biển quốc tế nói riêng. Phán quyết của tòa án không phải là hình thức trực tiếp chứa đựng các quy phạm pháp luật quốc tế mà đó là văn bản áp dụng luật quốc tế. Thông qua phán quyết của tòa án, quy phạm luật quốc tế được vận dụng hoặc một quy tắc được áp dụng với những ý kiến, bình luận của các chuyên gỉa. Các – tòa án quốc tế có vai trò quan trọng để làm rõ ý nghĩa và phạm vi của các quy tắc có liên quan thông qua việc xét xử. Phán quyết của tòa án có thể có tác động hình thành đối với sự phát triển của Luật biển quốc tế. Vụ eo biển Corfu, Tòa đã đưa ra một tiêu chuẩn địa lý: eo biển nối hai phần của biển cả là một eo biển quốc tế. Phán quyết này đóng góp cho việc pháp điển hóa quy chế của các eo biển quốc tế và quyền qua lại của tàu thuyền. Nguyên tắc đường cơ sở thẳng được áp dụng tại Na Uy từ năm 1869 đã trở thành các tiêu chuẩn mới của Luật biển quốc tế thông qua phán quyết của Tòa án Công lý quốc tế năm 1951 khi giải quyết tranh chấp giữa Anh và Na Uy và được pháp điển hóa trong UNCLOS 1982.

2.2 Học thuyết của các luật gia

Lịch sử hình thành và phát triển của Luật biển quốc tế qua các thời kì đã chứng tỏ một thực tế cực kì sinh động, đó là các học thuyết có vai trò lớn trong việc hình thành các quy phạm của Luật biển. Nhiều quy phạm của luật tập quán và cà luật thành văn sau này trong lĩnh vực biển và hàng hải quốc tế có nguồn gốc từ ý tưởng, lý luận của những học thuyết về pháp luật, lãnh thổ, chủ quyền…, tồn tại trong luật quốc tế chung. Những học thuyết này, ngoài ý nghĩa phản ánh quá trình con người chinh phục thiên nhiên và tiến ra biển, còn có giá trị khái quát về tư tưởng pháp luật đổi với quá trình sử dụng và khai thác môi trường thiên nhiên, không gian biển và đại dương trong điều kiện có nhà nước và pháp luật. Có thể tìm thấy ở một số học thuyết tồn tại từ những thế kỉ trước (như đã nêu tại nội dung phần quá trình hình thành và phát triển của Luật biển quốc tế hiện đại).

2.3 Các văn kiện có tính chất khuyến nghị

Văn kiện cồ tính chất khuyến nghị bao gồm các nghị quyết, tuyên bố và các nguyên tắc được thông qua dưới sự bảo trợ của UN hoặc các tổ chức quốc tế. Tính chất khuyến nghị của các văn kiện không có nghĩa là chúng không có ý nghĩa pháp lý mà chúng có ảnh hưởng đến việc xây dựng Luật biển quốc tế.

Trên bình diện quốc tế, đã có nhiều nghị quyết liên quan đến lĩnh vực Luật biển đã được UN thông qua và nhiều nghị quyết trong số đó đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng chế độ pháp lý các vùng biển như Nghị quyết 1803 năm 1962 về “Tuyên bố về chủ quyền vĩnh cửu trên các tài nguyên thiên nhiên”, Nghị quyết 3016 năm 1972 về “chủ quyền vĩnh cửu của quốc gia trên các tài nguyên các vùng biển nằm trong ranh giới tài phán quốc gia”, Nghị quyết 3171 năm 1973 về “chủ quyền trên các tài nguyên thiên nhiên” nhắc lại các nguyên tắc của hai Nghị quyết trên, Nghị quyết 2749 ngày 27/12/1970 tuyên bố về các nguyên tắc quản lý đáy biển và đại dưong cũng như lòng đất của chúng nằm ngoài ranh giới quyền tài phán quốc gia…

Trong quan hệ giữa các quốc gia tại từng khu vực, vai trò của các tuyên bố được hình thành trong khuôn khổ hoạt động của những tổ chức quốc tế khu vực cũng có tầm quan trọng đối với các vấn đề quốc tế trên biển của khu vực đó. Chẳng hạn, đối với các vấn đề trên Biển Đông, Tuyên bố về cách ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (DOC) là văn kiện chính trị thể hiện những nỗ lực to lớn của các nước ASEAN và Trung Quốc qua một thời giạn dài tìm kiếm sáng kiến và giải pháp pháp lý cho vấn đề Biển Đông. Đối với các quốc gia trong khu vực, mặc dù tuyên bố này còn mang tính chất đại cương và ít ràng buộc, nhưng việc đạt được thỏa thuận như vậy đã là một bước tiến quan trọng trong quan hệ đối thoại giữa ASEAN và Trung Quốc.

Nhìn chung, các văn kiện là cơ sở để ký kết điều ước quốc tế đa phương hoặc các điều khoản cụ thể của điều ước; các văn kiện có thể cung cấp hướng dẫn về việc giải thích một điều ước và các điều khoản của điều ước, xác nhận quy tắc hiện hành của luật tập quán quốc tế hoặc đưa tới sự hình thành của các quy tắc mới.

2.4 Tuyên bố đơn phương

Trong Luật biển quốc tế, tuyên bố đơn phương của quốc gia đã có tác động xây dựng nền tảng cho sự phát triển của luật pháp. Tuyên bố Truman ngày 28/9/1945: “Các nguồn tài nguyên thiên nhiên của lòng đất dưới đáy biển và của đáy biển của thềm lục địa nằm dưới biển cả và tiếp giáp với bờ biển của Họp chủng quốc Hoa Kỳ là thuộc Hoa Kỳ và phụ thuộc vào qụyền tài phán và quyền lực của Họp chủng quốc Hoa Kỳ”. Tuyên bố Truman đã khái quát bản chất pháp lý của thềm lục địa đó là sự mở rộng tự nhiên của lục địa đất liền. Sau Tuyên bố Truman, một loạt các quốc gia cũng ra tuyên bố hoặc tự quy định các quyền của mình đổi với thềm lục địa như: Cuba, Mexico, Argentina, Chile, Peru, Ả Rập Xê út, Côoet… Tại Hội nghị khu vực các quốc gia châu Phi (tháng 6/1972), Kenya đưa ra sáng kiến thiết lập vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý. Năm 1973, sáng kiến này được đưa vào Dự thảo các điều khoản về vùng đặc quyền kinh tế do các nước Á – Phi trình bày cho ủy ban đáy biển. Tuyên bố đơn phương đóng vai trò tích cực trong việc hình thành, phát triển các quy phạm Luật biển, trong việc đảm bảo thực thi pháp luật khi sử dụng và khai thác biển của các chủ thể tham gia các hoạt động trên biển.

Luật LVN Group (sưu tầm & biên tập)